Từ trước khi có phim tài liệu về WikiLeaks, hay phim điện ảnh đình đám
về nhà sáng lập của tổ chức này, Julian Assange đã là một ngôi sao.
Với lịch sử là một hacker mờ ám, và mái tóc bạch kim đặc trưng, Assange
khiến cả thế giới phải chú ý vào năm 2010 khi trang web WikiLeaks tung
một đoạn phim máy bay trực thăng Apache của quân đội Mỹ tấn công Taliban
ở Iraq, làm ảnh hưởng đến tính mạng dân thường. Cùng lúc đó, trang web
này đã tiết lộ hàng triệu bí mật chiến tranh, mang lại sự nổi tiếng hiếm
có cho cả tổ chức và nhà sáng lập ra nó.
Benedict Cumberbatch (tóc trắng trong ảnh trái, với Daniel Brühl) trong vai Assange,
phim điện ảnh The Fifth Estate; Julian Assange trong phim tài liệu We Steal Secrets
Câu chuyện diễn ra sau đó về một tổ chức hăng hái chống lại giới quyền
lực không khác gì một bộ phim đang chờ được làm nên. Truyền thuyết về tổ
chức này đã tồn tại rất lâu từ trước khi
We Steal Secrets, phim tài liệu của đạo diễn Alex Gibney ra mắt vào mùa xuân năm nay, và trước khi có làn sóng tin tức tuyên truyền cho bộ phim
The Fifth Estate của đạo diễn Bill Condon ra mắt ở Mỹ vào 18/10, với Benedict Cumberbatch trong vai Assange.
Câu
chuyện WikiLeaks-Assange đã trải qua nhiều bước ngoặt, bị nhiều nguồn
tin bóp méo và diễn ra khắp các sân khấu truyền thông trên toàn thế
giới, bao quát cả bộ phim và vẫn còn diễn ra trong thời gian thực. Nhìn ở
một khía cạnh khác, phim WikiLeaks đầu tiên là bộ phim vẫn còn diễn ra
ngay trước mắt chúng ta, bộ phim khiến các chính phủ và tổ chức truyền
thông cuống cuồng muốn kiềm chế, và khiến những người dân thường hồi hộp
chờ đợi những diễn biến tiếp theo.
Với tính tuyên truyền và
điện ảnh cao, câu chuyện WikiLeaks như một thứ chất kích thích cho ngành
điện ảnh. Có một thời điểm, đã từng có năm dự án phim riêng lẻ về
Assange được lên kế hoạch, với bộ phim tài liệu và điện ảnh kể trên cuối
cùng thắng trong cuộc đua phát triển dự án này và được đưa vào sản
xuất. Cả hai bộ phim đều có các đạo diễn từng đoạt giải Oscar, đã tạo
một làn sóng dư luận khổng lồ cũng như nỗ lực ngăn chặn lớn từ bản thân
WikiLeaks và những người ủng hộ tổ chức này.
Có lẽ chính điều
này lại là thước đo cho thời đại chúng ta đang sống, và cho ước muốn
được biết đến của Assange, khi công nghệ cho phép những người thổi còi
đưa ra thông tin một cách nặc danh lại trở thành công cụ tạo nên sự nổi
tiếng. Ngay cả khi không có phim Hollywood quảng bá, Assange vẫn là
khuôn mặt dễ được nhận ra nhất thế giới.
Julian Assange nói chuyện với phóng viên (2010)
Điều này cũng được củng cố bởi cách Assange rất hợp với vai kẻ thách
thức. Sinh ra là người Úc, nhưng ông có giọng nói pha trộn của nhiều
chất giọng của nhiều quốc gia, tạo ấn tượng rằng ông thuộc một nhóm
người mới, một thành quả của thế giới Internet, sống trên những bản đồ
kỹ thuật số và trong ý thức chung của chúng ta. Ông đổi vai giữa một
hacker mũ trắng và mũ đen một cách điêu luyện. Những người chỉ trích cho
rằng ông hành động thiếu cẩn trọng, cẩu thả, nhưng sự chú ý về Assange
còn trở nên mạnh mẽ hơn khi ông bị truy nã về tội xâm phạm tình dục ở
Thụy Điển.
Đẹp trai, lịch lãm, đầy mâu thuẫn và bị truy đuổi,
Assange như một điệp viên làm việc tự do tham gia vào những nhiệm vụ đen
tối chống lại lợi ích đa quốc giá. Với lời mô tả như thế, câu chuyện
của ông khác gì những phim Bourne bạn từng xem? Tất nhiên, những hủy
hoại ông tạo ra có được với từng cú nhấp chuột máy tính thay vì với
những khẩu súng lục, nhưng hình ảnh người đàn ông hoạt động ngầm xuyên
quốc gia là thứ không thể phủ nhận. Việc kẻ từng lang thang toàn cầu giờ
đang nhốt mình ở Đại sứ quán Ecuador ở London giờ trở nên không khác gì
màn thứ ba đầy mâu thuẫn trong một vở kịch ly kỳ.
“Dù ông ta
tấn công phim của chúng tôi, vẫn khó phủ nhận rằng ông ta hiện giờ ở
trạng thái vô cùng yếu đuối,” Bill Condon nói về Assange, rồi thêm rằng
“ông ta giờ đang đang ngồi trong một nhà tù tự tạo, và có một chút gì đó
đầy bi kịch về việc này.”
Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, 2012
Alex Gibney cho rằng Assange tượng trưng cho một bản năng lâu bền của con người.
“Người
ta luôn muốn và cần một anh hùng, và giờ đây ta có một người có thể mở
máy tính lên và trở thành câu nối trung lập giữa cả hệ thống mạng toàn
cầu,” Gibney nói. “Thật khó cưỡng lại câu chuyện một gã lang thang khắp
thế giới với vũ khí duy nhất là chiếc máy tính xách tay.”
Trong cả
The Fifth Estate và
We Steal Secrets, công nghệ là một nhân vật luôn tồn tại. Như cách
The Insider (1999) từng biến các nhà báo trở thành điệp viên hành động với vũ khí là điện thoại di động,
The Fifth Estate
đầy ắp những cảnh Assange bước vào một căn phòng, mở máy tính như thể
đang rút ra một khẩu súng lục chực chiến đấu. Máy tính xách tay chưa bao
giờ trở nên quyến rũ hay đầy sức mạnh tới thế.
Bằng cách ngăn
chặn các bộ máy tự động của chính phủ bao trùm lấy cuộc sống thường dân,
Assange như đang thay mặt cả loài người đấu tranh. Ông là Tom Cruise
trong
Minority Report, Harrison Ford trong
Blade Runner và Matt Damon trong
Elysium.
Nhưng Assange cũng tượng trưng cho một mẫu nhân vật kém hiện đại hơn
của giới điện ảnh, những con sói hoạt động một mình đặc trưng của điện
ảnh thập kỷ 70. Là kẻ đang chạy trốn vòng pháp luật, ông gợi lại hình
ảnh điệp viên C.I.A. mà Robert Redford đóng trong phim
3 Days of the Condor hay Dustin Hoffman bị rượt đuổi trong
Marathon Man. Bạn còn có thể kéo phép ẩn dụ này về sâu hơn nữa trong lịch sử và ví ông với Frank Sinatra trong
The Manchurian Candidate.
Dù
sao thì Assange cũng hay nói rằng ông sẽ hủy diệt kẻ chống lại mình
“như bóp một con côn trùng”. Nhìn theo góc độ này, ông giống một vai
phản diện trong phim
Bond hơn – không ràng buộc bản thân với quốc gia nào, trông có vẻ là người châu Âu, với mái tóc đặc trưng và bộ mặt lạnh như băng.
Claire Danes trong vai Carrie Mathison, một nhân vật phim truyền hình Homeland với tính cách giống Assange
Nhưng để hiểu được sức hút của một nhân vật như Assange trong hoàn cảnh
văn hóa hiện thời, ta nên nhìn tới màn ảnh nhỏ. Ông là một kẻ sống ngoài
vòng pháp luật theo luật lệ của riêng mình, như Tony Soprano, nhưng
nhân vật giống ông nhất có lẽ là Carrie Mathison, điệp viên C.I.A. trong
phim truyền hình
Homeland, tài ba và thông thạo nhiều lĩnh
vực, với sự hăng hái trở thành vị cứu tinh của người khác mạnh mẽ tới
trở nên nguy hiểm và mang lại nhiều hệ quả xấu.
Trên màn ảnh
rộng, hai bộ phim trên đưa Assange vào vai một nhân vật đi tìm bản thân
đầy tính bi kịch, người dẫn đầu của một mục tiêu kết hợp lợi ích của cả
tổ chức và cá nhân ông. Có lẽ không ai đáng bị bắt bẻ nhiều như Assange,
nhưng ông vẫn không đồng tình làm hòa với giới truyền thông.
Người
viết từng có một buổi họp ăn trưa cùng Assange tại ngoại ô nước Anh, và
dù lúc đó ông tỏ ra rất hiếu khách, vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm trang
trại nơi ông đang bị giam giữ, ông cũng đưa ra những lời nhận xét đầy
thách thức, và có phần sỉ vả chính tác giả này và tờ báo nơi tác giả làm
việc.
Với cách nhìn thế giới đầy đa nghi của mình, Assange cho
rằng những tổ chức có lợi ích tài chính cao đều bắt tay với các chỉnh
phủ, nhất là chính phủ Mỹ, và các tổ chức này cùng nhau tạo một cuộc
chiến chống lại sự riêng tư cá nhân, sự tự do và sự công bằng kinh tế.
Lý do khiến sự đa nghi này lại hấp dẫn tới thế? Ông thật ra cũng đánh
giá đúng phần nào.
Assange (trái) trong một cảnh phim tài liệu của Gibney
Assange đã cho biết rất rõ là ông ghét cả hai bộ phim trên, và không có
gì ngạc nhiên khi ông là một người thấy âm mưu, tư lợi và dối trá ở khắp
nơi. Phim của Gibney có thể là phim tài liệu, phim báo chí, nhưng cách
kể chuyện theo mẫu tả sự “nổi tiếng rồi thất bại” của bộ phim không hề
khiến đề tài chính của bộ phim cảm thấy thích thú.
WikiLeaks đã
đăng một đoạn kịch bản của Gibney với những lời bình luận chi tiết từ tổ
chức này, chỉ ra những vấn đề trong kịch bản, bắt đầu với tựa phim, mà
tổ chức này cho rằng là sự “phỉ báng vô trách nhiệm”. Bài bình luận
thêm, “Ngay cả những dòng chỉ trích cũng không bao giờ buộc tội
WikiLeaks về việc ăn cắp các bí mật.” Trong bài này, Gibney bị buộc tội
cố tình biên tập kịch bản một cách có mục tiêu, không nhìn nhận được
tính lịch sử của những hoạt động của tổ chức, và biến Bradley Manning
(một nguồn tin về chiến tranh Iraq và Afghanistan cho WikiLeaks) thành
một bức họa châm biếm, cùng nhiều lời phàn nàn khác.
Trong phim
của mình, Gibney cũng lấy làm mục tiêu những tổ chức liên kết với
WikiLeaks, vì thế sau khi phim ra mắt, cũng đối mặt với chỉ trích từ
giới báo chí và từ những tổ chức này. Chris Hedges, cựu phóng viên tờ
The New York Times
và giờ viết blog cho trang TruthDig.com, buộc tội đạo diễn này đã “làm
một bộ phim tuyên truyền giật gân về đề tài an ninh và tình báo”, với
mục đích hạ thấp WikiLeaks và Assange. Gibney đáp lại rằng ông chỉ làm
phim dựa theo những nguồn tin có được.
“Lượng đả kích đưa ra
thật đáng kinh ngạc,” Gibney cho biết. “Ông ta phi thường, có sự tự tôn
quá lớn, và chỉ đẹp từ xa chứ đến gần thì không hề có chút đẹp đẽ nào.”
Cũng
dễ đoán được rằng, một bộ phim chính kịch có ý định thể hiện những sự
kiện thật cũng có được những phản ứng gay gắt không kém từ phía Assange
và những người ủng hộ ông.
.Cảnh phim The Fifth Estate
Trong một lời trích dẫn một nhân viên WikiLeaks, Assange, khác với những
ngôi sao khác cùng tầm với ông, luôn khó được tiếp cận, và ông cho rằng
The Fifth Estate, ngoài việc kể những điều không thực về bản thân ông và WikiLeaks, không thể có được thành công thương mại.
“Nhiều
người ủng hộ những gì chúng tôi làm vì đây là hoạt động theo kiểu David
chống lại kẻ khổng lồ Goliath,” ông nói. “Những con người như thế tạo
nên xương sống của một thị trường phim về WikiLeaks. Nhưng thay vì làm
phim cho những khán giả này, DreamWorks lại có những mục tiêu khác. Kết
quả là một bộ phim nhàm chán chỉ có chính phủ Mỹ mới có thể thích. Vì
thế, bộ phim sẽ không thể có khán giả và cộng đồng tuyên truyền cho nó.
Phim sẽ chỉ thất bại ở phòng vé và đáng bị thế.”
Trong một
email, Kristinn Hrafnsson, nhà phát ngôn của WikiLeaks cho biết, “Tôi
không nhận ra Julian trong những phim này, hay lý do cơ bản chúng tôi
bắt đầu làm những việc này.”
Trong một phỏng vấn điện thoại, đạo
diễn Condon cho biết rõ rằng ông tự hào về bộ phim của mình. Một bộ
phim cần phải tìm cách nào đó cô đọng một lịch sử dài thành một câu
chuyện trong thời gian cho phép và Condon cho rằng bộ phim trung thành
với chủ đề củ nó, gồm cả những thái độ đạo đức giả của nhân vật chính về
hệ thống thông tin và WikiLeaks.
“Là một nhân vật của công
chúng, nhưng ông ta lại có da mỏng đến không ngờ,” Condon cho biết. “Ông
ta tin tưởng và vận động cho sự minh bạch, trừ khi sự minh bạch đó liên
quan tới chính mình. Ông không nhận ra, nhưng ông đã trở thành anh hùng
bi kịch tự gieo hạt giống cho sự thất bại của bản thân.”
Benedict Cumberbatch trong vai Assange, The Fifth Estate
Cuộc chiến thông tin nhiều chiến trường, đang kéo dài này là một thực
trạng trong thế giới của WikiLeaks. Kể cả những người chống lại Assange
cũng không thể phủ nhận rằng ông có một chỗ trong lịch sử.
“Julian
đã tạo ra một tổ chức thông tin lớn nhất thế giới và giúp họ hợp tác
quanh một cuộc rò rỉ thông tin lớn nhất, giữ được sự chú ý của báo chí
trong vòng ba tuần,” James Ball, một cựu cộng sự của WikiLeaks giờ làm
việc tại tờ
The Guardian, cho biết. “Đó là thành tích tuyệt vời.”
Việc
Assange sau này trở nên mâu thuẫn với Ball cùng các cộng sự truyền
thông của ông, và tất cả những nhân vật khác quanh ông, chỉ đóng góp
thêm vào truyền thuyết. Cuối cùng thì Assange chống lại ai? Bất cứ ai
đứng chắn đường ông.
“Nhiều người muốn tránh sự mâu thuẫn, tranh
luận,” Ball cho biết, “nhưng với Julian, mâu thuẫn chỉ có tăng. Ông can
đảm, và có sự kiêu ngạo và điên rồ để đối đầu tất cả mọi người. Tôi
nghĩ lý do mọi người quan tâm đến WikiLeaks nhiều thế là vì họ thích thú
điều đó.”
Trong ngành điện ảnh, luôn có nhiều cuộc tranh luận
với nhiều ý kiến khác nhau, vì thế không có gì ngạc nhiên khi có nhiều ý
kiến trái chiều về hình ảnh Julian Assange trên phim. Chính bản chất
những gì được làm thành phim đã có khả năng mở một cuộc tranh luận mới.
Trong trường hợp này, lịch sử không hề đứng yên. Bản nháp đầu tiên của
trang sử này là một văn bản trên mạng, sẽ được chỉnh sửa nhiều lần.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi