Tin tức

Thế giới điện ảnh chuyển động của Trung Quốc

15/10/2013

Khi nói chuyện với hoặc nói về giới trẻ Trung Quốc, nhất là thế hệ từ 8X trở đi, ta dường như cảm nhận rằng văn hóa luôn diễn ra trên phông nền là cuộc sống thành thị bận rộn với nhiều nguồn thông tin từ các thiết bị điện tử. Vì thế, nhiều người cũng dễ dàng cho rằng, trong thế giới toàn cầu hóa và hiện đại hóa này, văn hóa nông thôn vốn có của Trung Quốc đang dần mất đi trong tay giới trẻ.

Tuy vậy, lời tiên đoán của nhiều chuyên gia trong ngành điện ảnh rằng đạo diễn trẻ ngày nay khó lòng làm phim phản ánh chính xác cuộc sống nông thôn hiện đại vẫn được chứng minh là không chính xác.

Gần đây, ngoài những phim thương mại thành công ngoài rạp, một số phim nghệ thuật đã thu hút được sự chú ý của khán giả trên mạng xã hội. Cả khán giả và giới chuyên môn đang dần nhận ra các đạo diễn trẻ có khả năng đa dạng hơn mong đợi.

Có nhiều tài năng trẻ hiện nay lớn lên ở các vùng nông thôn và muốn dành sự nghiệp của mình phác thảo những hình ảnh nông thôn cùng cuộc sống của người dân ở đây. Họ không màng tới thành công phòng vé hay những yếu tố thương mại khác.

Với sự thành lập của Hiệp hội phim nghệ thuật Thượng Hải vào tháng 8/2013, có một số rạp chiếu được xây dựng và sự kiện chiếu phim đã được tổ chức cho khán giả yêu phim nghệ thuật, cho phép họ thấy một Trung Quốc mặt sáng tạo nghệ thuật thay vì thương mại của điện ảnh.

Don't Expect Praises

Lấy gốc từ thiên nhiên

Sau The Black and White Milk Cow (2004) và Er Dong (2008),phim thứ ba của đạo diễn phim nghệ thuật Dương Cẩn, Don't Expect Praises, tiếp tục kể về cuộc sống thôn làng Trung Hoa. Đến từ tỉnh Sơn Tây, quê nhà của các đạo diễn nổi tiếng khác như Giả Chương Kha và Ninh Hạo, phim của Dương Cẩn luôn lấy quê nhà làm gốc.

Bộ phim mới này kể về tình bạn của hai cậu bé thôn quê. Trong phim, một cậu bé từ thị trấn về làng thăm bạn, trong khi để thư lại nói với gia đình là cậu đến thăm nhà bà.

Thường được so sánh với Time to Live and Time to Die của Hầu Hiếu Hiền, bộ phim giảm nhẹ ấn tượng thường có là phim nghệ thuật về vùng nông thôn thường kể về những vấn đề xã hội to lớn như đô thị hóa và những vấn đề môi trường. Trong Don't Expect Praises, đạo diễn chỉ muốn kể lại những ký tức tuổi thơ mà không có hoài bão về thông điệp gì lớn hơn.

“Đây là một phim nghệ thuật về cuộc sống nông thôn không khiến khán giả phải cảm giác ngột ngạt suốt cả phim,” một khán giả cho biết.

Cũng diễn ra ở vùng tây bắc Trung Quốc, Fly with the Crane của Lý Duệ Quân đề cập về những vấn đề tinh tế hơn về cuộc sống và cái chết, mối quan hệ giữa người và đất đai sông nước. Dù có kết thúc khá gây sốc, khi một cậu bé chôn sống ông nội và ông già nói, “nói với mọi người là ông đã cưỡi hạc bay đi”, với mục tiêu chống lại tục hỏa táng, bộ phim vẫn mang phong cách quay phim thuần khiết và đầy màu sắc. Hình ảnh nông dân làm đồng, trẻ con chơi đùa trong cát và phụ nữ giặt quần áo bên bờ sông được dựng lên một cách tự nhiên và rất đẹp.

“Hãy lắng nghe tiếng gọi của đất. Đất luôn thở dài. Cháu không nghe được còn ông thì luôn nghe thấy. Đó cũng là tiếng thở dài của ông,” người ông nói với đứa cháu trong phim.

Fly with the Crane

Điện ảnh nghệ thuật nhẹ nhàng hơn

Người Trung Quốc có mối quan hệ thú vị với chính mảnh đất nơi họ đang sống. Những sự kết nối đó từng được thể hiện trong những phim như Red Sorghum của Trương Nghệ Mưu và Postmen in the Mountains của Hoắc Kiến Khởi.

Nhà phê bình phim Wang Yuming cho biết, sự chú ý và thích thú với câu chuyện nông thôn của các đạo diễn thế hệ thứ năm xuất phát từ việc chính họ từng phải làm việc ở những nơi đây từ những năm 1960 và 70.

“Những đạo diễn thế hệ thứ sáu nổi tiếng hơn với phim về cuộc sống thành thị.”

Trong thập kỷ vừa qua, những phim với bối cảnh nông thôn thường là phim hài, tình cảm hay phim ly kỳ như Better and Better của Trương Nhất Bạch, hay chỉ dùng để phản ánh vấn đề xã hội nào đó. Blind MountainBlind Shaft của Lý Dương đều là những phim sử dụng bối cảnh nông thôn để thảo luận về nạn buôn người và sự an toàn trong những mỏ than.

Ấn tượng thường có về phim nghệ thuật cho thấy cuộc sống ở những ngôi làng nhỏ có vẻ đầy cay đắng, nặng nhọc và đau khổ. Nhưng những đạo diễn trẻ đã phá vỡ hình ảnh đó, tạo một sự hiểu biết khác về văn hóa nông thôn Trung Quốc, với những con người sống chết với mảnh đất quê hương mình.

Phần lớn những phim này không có diễn viên nổi tiếng và trông đợi nhiều vào dàn diễn viên chính cũng sống ở nông thôn, với lời thoại đậm phương ngữ. Cách những bộ phim này kể những câu chuyện với những phong cách quay phim hiện đại vấn giúp khán giả hiểu được cuộc sống đồng quê dù họ chưa bao giờ trải qua.

Blind Mountain

Đấu tranh để được chú ý

Hiệp hội phim Nghệ thuật Thượng Hải, đứa con tinh thần của Hiệp hội Phát hành và Trình chiếu phim ảnh Thượng Hải, đã công chiếu năm phim nghệ thuật trong tháng 7, gồm Don't Expect PraisesFly with the Crane. Cả hai phim đều có được “long ấn” của các bộ phận kiểm duyệt, cho phép phim được công chiếu rộng rãi.

Qua được sự kiểm duyệt của các cơ quan liên quan và có quyền công chiếu không có nghĩa phim tìm được chỗ chiếu tại các rạp, vì còn nhiều yếu tố thương mại cần cân nhắc. Fly with the Crane đã được đưa vào danh sách phim tranh giải Liên hoan phim Venice lần thứ 69 năm ngoái nhưng trong nước chỉ được chiếu ở những buổi họp mặt hay rạp chiếu nhỏ.

Phim nghệ thuật thường gặp nhiều khó khăn tìm khán giả, vì thế mà cũng khó đánh giá độ hay dở của phim, vì không có ai xem thì sao biết phim có tác động được đến khán giả hay không.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.