Tin tức

Kể chuyện Lưu Bang – Hạng Vũ qua ba bộ phim

14/01/2013

Một câu chuyện hay, dù có thật hay hư cấu, luôn thu hút sự chú ý. Và dù cho câu chuyện đó đã được kể lại bao nhiêu lần, luôn có những người sẵn sàng lắng nghe.

Hồng lâu mộng là một ví dụ như thế. Do nhà văn thời nhà Thanh (1644-1911) Tào Tuyết Cần (1715-1763) sáng tác, cuốn tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành kinh kịch, việt kịch, phim truyền hình và điện ảnh trong nhiều thế kỷ qua.

Bộ phim mới đây The Last Supper (phát hành tại Việt Nam với tựa đề Huyết yến), do Lục Xuyên đạo diễn, kể về một câu chuyện nổi tiếng khác ở Trung Quốc – câu chuyện giữa Hạng Vũ (232 – 202 trước Công nguyên) và Lưu Bang (256 – 195 trước Công nguyên), hoàng đế đầu tiên của nhà Hán (206 TCN – 220 SCN).

Cả Hạng Vũ và Lưu Bang đều nổi dậy với cùng mục đích – lật đổ nền thống trị vô nhân đạo của nhà Tần (221 – 206 trước Công nguyên). Tuy nhiên khi cả hai trở nên hùng mạnh qua chiến trận, liên minh của họ tan vỡ và họ bắt đầu đánh nhau để thâu tóm cả đất nước. Hạng Vũ, một cựu quý tộc lúc đầu có quân đội mạnh hơn nhiều, cuối cùng thất bại trước Lưu Bang và tự vẫn.

Cảnh trong phim The Last Supper

Với phân tích hạn chế trong các ghi chép lịch sử, nhiều người hậu thế tự hỏi điều gì đã dẫn hai nhân vật này đến số mệnh của họ và mức độ ảnh hưởng của những người xung quanh họ đến kết quả.

Ba phiên bản

Trong The Last Supper, Lục Xuyên tập trung chủ yếu vào nỗi sợ hãi của Lưu Bang sau khi Hạng Vũ thất bại. Ông ta bày mưu tính kế giết những người từng phò tá mình vì e rằng họ có thể phản bội ông như đã phản bội Hạng Vũ. Như Lã Trĩ, vợ của Lưu Bang, đã nói trong phim, đó là bài học mà họ học từ Hạng Vũ.

Một nhân vật khác được chú ý nhiều trong The Last Supper là Hàn Tín, vì người ta tin rằng ông là người mấu chốt giúp Lưu Bang thành công. Lục Xuyên miêu tả Hàn Tín phản bội Hạng Vũ là kết quả của việc Hàn Tín cảm thấy mình bị hờ hững trong quân của Hạng Vũ và có chút ngưỡng mộ Lưu Bang.

Trong một phiên bản khác của câu chuyện này, đạo diễn Hồng Kông Lý Nhân Cảng nêu ý kiến rằng cả Lưu Bang và Hạng Vũ đều là những anh hùng đáng ngưỡng mộ, nhưng bi kịch nằm ở chỗ một núi không thể có hai hổ.

Thay vì Hàn Tín, phiên bản của đạo diễn Lý, Hồng môn yến (2011), dành nhiều chú ý hơn đến Phạm Tăng, miêu tả ông là một người vô cùng khôn khéo, có thể đoán trước tương lai. Vì biết Hạng Vũ sẽ thất bại, Phạm Tăng sử dụng mưu mẹo để ly gián Lưu Bang và thuộc hạ.

Cảnh trong phim Tây Sở Bá Vương

Bộ phim năm 1994 kể cùng câu chuyện đem đến diễn giải khác. Trong Tây Sở Bá Vương, Hạng Vũ được miêu tả là người thừa tài năng nhưng thiếu kỹ năng chính trị: ông coi Ngu Cơ, một ái thiếp, quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Sự thất bại của ông, được miêu tả trong phim này, phần lớn là do tình yêu của ông dành cho Ngu Cơ.

Lã Trĩ được coi là nhân vật chủ chốt ảnh hưởng tới lịch sử. Bà được miêu tả là một phụ nữ thông minh đầy mưu kế. Mất đi tình yêu của chồng, bà sử dụng kỹ năng chính trị để đoạt ngai vàng về cho bản thân mình.

Câu chuyện được kể như thế đó

Ngoài việc đem lại những miêu tả khác nhau về vài nhân vật lịch sử quan trọng, ba bộ phim dùng những cách khác nhau để kể câu chuyện của họ.

Phiên bản 1994 được thực hiện theo lối truyền thống hơn. Bộ phim đi theo dòng thời gian tự nhiên, bắt đầu từ bối cảnh lịch sử nhà Tần cai trị đất nước hà khắc, khiến những kẻ khác nổi dậy chống lại.

Cả Hồng môn yếnThe Last Supper đều kể qua các cảnh hồi tưởng. Nhưng trong khi Hồng môn yến đa phần duy trì cốt truyện trôi chảy, The Last Supper liên tục dịch chuyển giữa quá khứ và hiện tại.

Hơn nữa, trong Hồng môn yến, người kể chuyện là một ông lão, trải qua phần lớn câu chuyện với Lưu Bang. Dù tái nhợt và yếu ớt, ông vẫn có tâm trí minh mẫn, đủ để kể câu chuyện hoàn chỉnh và chính xác.

Cảnh trong phim Hồng môn yến

Tuy nhiên, trong The Last Supper câu chuyện được Lưu Bang kể lại khi hấp hối. Dù ở trên ngai vàng, vị hoàng đế này sống trong sợ hãi suốt những năm tháng cuối đời, khiến ông ta bị rối loạn, làm cho cả câu chuyện hiện ra từng đoạn và mang không khí u ám.

Hãy hiểu theo cách của bạn

Như phần lớn mọi người, đạo diễn Lục Xuyên rất thích những bộ phim đánh nhau. Thế nhưng khi đọc câu chuyện về Lưu Bang và Hạng Vũ, điều gây ấn tượng nhất với ông là câu chuyện sau đó – sau khi đạt được thành công, vì sao Lưu Bang vẫn còn phiền muộn trong lòng.

Trong cuộc phỏng vấn với Sanlian Lifeweek Magazine, Lục Xuyên cho biết Satelight International từng đến gặp ông với kịch bản Hồng môn yến nhiều năm trước, nhưng ông thấy không thỏa mãn khi làm theo cách truyền thống để kể câu chuyện này. Ông tin vẫn còn những câu chuyện bị vùi lấp giữa những dòng ghi chép lịch sử.

Nhà phê bình phim Đằng Tỉnh Thụ nghĩ The Last Supper “không phải một tác phẩm đơn thuần để giải trí, mà là bộ phim đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết của khán giả.”

“Tác phẩm này có thể vượt lên trên những bộ phim khác cùng chủ đề… Tất cả những điều đạo diễn Lục muốn biểu đạt đều ở đó. [Bộ phim đem lại] cách hiểu khác nhau giữa các khán giả khác nhau, ấy là một trong những niềm vui phim ảnh,” ông Đằng nói.

Cảnh trong phim The Last Supper

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu phương pháp tiếp cận lịch sử mới của đạo diễn Lục. Nhiều khán giả thấy khó hiểu hay khó lòng theo kịp tâm trí loạn xạ của người dẫn chuyện.

“[Câu chuyện trong phim] không hiểu sao bị phá hỏng. Giống như một người thần kinh kể những ký ức của chính mình, trong đó có thể chứa nhiều cảm xúc cá nhân phi lý, hơn là bức tranh về cả một sự kiện lịch sử,” một doanh nhân họ Trương ở tỉnh Sơn Đông viết trên Sina Weibo cá nhân sau khi xem phim.

Đúng, khó mà nói, tác phẩm nào hay nhất trong ba bộ phim, đó là chưa kể đến một phim được thực hiện hơn 10 năm trước xem tệ hơn về mặt kỹ thuật, cũng như có một nghìn phiên bản Hamlet trong mắt của một nghìn độc giả.

Với Tây Sở Bá Vương, đây là tác phẩm dễ hiểu nhất với những người ít hiểu biết lịch sử.

Với Hồng môn yến, phim thỏa mãn thị hiếu của đa số khán giả ngày nay, không chỉ chứa những cảnh đánh trận lý thú mà còn có những khuôn mặt đẹp. Với The Last Supper, đây là tác phẩm khơi dậy tranh luận.

“Với The Last Supper, Lục Xuyên trả lời nghi vấn lịch sử của mình, nhưng tác phẩm của ông chắc chắn sẽ đối diện với ngờ vực của công chúng,” nhà phê bình phim Dương Thiên Đông viết trên China Art News.

“Việc khán giả hiểu The Last Supper như thế nào có thể còn thú vị hơn chính bộ phim,” ông nói.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.