Tin tức

Không bịa đâu: The King's Man biến thành một bài học lịch sử Thế chiến I 'điên rồ'

12/01/2022

Từ những người cầm quyền có họ hàng tới những ác nhân cực kỳ quái dị, đạo diễn Matthew Vaughn nhận ra rất nhiều điều trong lịch sử Thế chiến I kỳ lạ hơn truyện hư cấu, đủ để làm nền hoàn hảo cho bộ phim cường điệu về những ngày đầu của giới đặc vụ Anh Quốc.

Đạo diễn Matthew Vaughn (trái) trên trường quay The King’s Man

Chuỗi phim Kingsman nhận được phần tiền truyện có tựa đề The King’s Man, một phim hành động lấy bối cảnh xưa khi Công tước Oxford (Ralph Fiennes) tạo ra một tổ chức điệp viên tối mật — thành viên bao gồm cả con trai quân nhân Conrad (Harris Dickinson) của ông — và đương đầu với phe phái của những tay bạo chúa và những kẻ chủ mưu muốn hủy diệt nước Anh.

Trong Kingsman: The Secret Service năm 2014, Harry Hart (Colin Firth) giải thích với cậu bé Eggsy (Taron Egerton) rằng Kingsman được thành lập năm 1919, và Vaughn lấp khoảng trống trước sự ra đời của tổ chức này với King’s Man. Khi làm nghiên cứu, nhà làm phim tìm ra những khía cạnh lịch sử đang lặp lại chính nó.

Trong những ngày đầu Thế chiến I, Công tước Oxford (Ralph Fiennes, phải) hợp lực với con trai Conrad (Harris Dickinson) đương đấu với phe phái của những tay bạo chúa tệ hại nhất lịch sử và những kẻ chủ mưu trong The King’s Man

“Rất nhiều điều xảy ra trong phim có tính quan trọng ở thời nay cũng như từng quan trọng 100 năm trước: thận trọng với những người lãnh đạo, chiến tranh nổ ra vì những lý do sai lầm, đại dịch cúm Tây Ban Nha và COVID, mọi sự tương đồng giữa thời đó với những chuyện chúng ta đang trải qua,” nhà làm phim nói.

Với các phần tiền truyện lấy bối cảnh xưa trong đầu, ông nói: “Tôi thích đi qua từng thập kỷ trong lịch sử, nhưng quan trọng hơn, là trong lịch sử gián điệp và ai là kẻ thù và những liên minh nào đã được hình thành và phá vỡ. Và để trẻ con thấy lịch sử nói về điều gì theo cách không khiến chúng chán muốn chết mà có thể học hỏi từ đó.”

Vaughn giải thích một số khoảnh khắc chính trong Thế chiến I và các nhân vật lịch sử có thật ông đã lồng ghép vào The King’s Man:

Oxford (Ralph Fiennes, giữa) xông lên giữa một nỗ lực ám sát trong The King’s Man

Franz Ferdinand và bước đi sai lầm tai tiếng

Vụ ám sát Đại công tưóc Ferdinand của Áo năm 1914 được coi là đã châm ngòi cho chiến tranh và vụ việc này được nhìn qua lăng kính Kingsman: Làm việc cho kẻ giật dây mang biệt danh Shepherd, người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia Bosnia Gavrilo Princip (Joel Basman) đã ném một quả bom vào xe mui trần của Ferdinand ở Sarajevo, nhưng quả bom bị công tước do Fiennes thủ vai vung ô gạt đi. Sau đó cùng ngày, chiếc xe hoàng gia đỗ ở một con phố nhỏ, cách vài thước quán cà phê nơi Princip lui tới sau nỗ lực ám sát đầu tiên, và Princip bắn nhà vua và vợ. “Chuyện đó đã xảy ra,” Vaughn nói. “Tôi nghĩ ‘Không thể tin được.’”

Vua George V (Tom Hollander, giữa) là một trong ba anh em họ hàng tham gia chiến tranh trong The King’s Man

Cạnh tranh gia tộc lan ra toàn cầu với ba vị vua

Tin hay không thì tùy, nhưng bộ ba nhà cầm quyền ở trung tâm xung đột — Vua George V của Anh, Sa hoàng Nicholas II của Nga và Hoàng đế Wilhelm II của Đức — đều là anh em họ, và vì họ trông giống nhau nên Tom Hollander vào vai cả ba trong King’s Man. “Google Vua George và Sa hoàng Nicholas xem. Bạn không thể nhận ra sự khác biệt giữa họ,” Vaughn nói. “Họ đã đổi trang phục ở buổi yến tiệc quốc gia cho vui: Một người giả vờ làm sa hoàng còn một người làm vua mà chẳng ai nhận ra.” Tuy nhiên, “cãi cọ gia đình” bắt nguồn từ việc George và Nicholas bắt nạt Hoàng đế Đức vì cánh tay trái bị teo nhỏ của ông. “Ông ta giận tới mức nói, ‘Ta sẽ có thủy quân lớn để cho các anh em họ thấy ai mới là người có quyền,’” Vaughn kể.

Rasputin (Rhys Ifans, giữa) là một ác nhân biết võ Nga trong The King’s Man

Rasputin là gã kỳ quặc nhất

Biệt danh “Tu sĩ Điên” của Nga, Grigori Rasputin (Rhys Ifans) là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất xuất hiện trong The King’s Man và cũng là át chủ bài trong kế hoạch của Shepherd để loại Nga ra khỏi trận chiến, nhằm đưa Đức tập trung toàn lực lượng đấu với Anh. “Gã này cực kỳ khoa trương,” Vaughn nói. Đạo diễn đã đưa những truyền thuyết có thật về những ám ảnh tình dục và thói ham của ngọt có thật của y vào một nhiệm vụ nằm vùng của các nhân vật chính. Rasputin cũng giao chiến với các người hùng bằng các động tác múa Cossack theo nhịp điệu 1812 Overture [của Tchaikovsky]: “Phần nhảy múa về căn bản là võ kiểu Nga,” Vaughn nói.

Băng nhóm của Shepherd bao gồm (phía trước, từ trái qua) Grigori Rasputin (Rhys Ifans), Gavrilo Princip (Joel Basman), Mata Hari (Valerie Pachner) và Erik Jan Hanussen (Daniel Brühl)

The King’s Man đưa một tổng thống và một điệp viên gợi cảm đến với nhau

Vaughn thấy “rất lạ” là Mỹ đợi đến 1917 mới lao vào Thế chiến I: Tổng thống Woodrow Wilson đã thề không tham chiến, nhưng Bức điện Zimmermann, một thông điệp mật đề nghị liên minh giữa Đức và Mexico chắc chắn đã cho ông lý do để vào cuộc. Vaughn thêm một tí mưu đồ điện ảnh — và thứ tương đương clip sex cho thời 1910 — vào tuyến truyện phụ này. Mata Hari (Valerie Pachner), thuộc băng nhóm Shepherd và ngoài đời thật là một nữ điệp viên gợi cảm nguy hiểm, tống tiền Wilson, mà Vaughn nói là người thực sự đã giữ “những bức thư nóng bỏng” từ một mối quan hệ bí mật. Phần lịch sử điên rồ nhất với đạo diễn là bức điện tín thật được công khai: “Chuyện đó không bịa được.”

Daniel Brühl vào vai Erik Jan Hanussen, một nhân vật Áo có thật có liên quan tới Hitler

Bộ phim có những kế hoạch lớn cho một phản diện chưa rõ hình dung

Cánh tay phải của Shepherd Erik Jan Hanussen (Daniel Brühl), và cho những người chưa từng nghe tên ông, đây là một người Áo rất đáng tra Google. “Ông ta trở nên rất quan trọng trong lịch sử, buồn thay là vì những nguyên nhân sai lầm,” Vaughn nói về nhà chiêm tinh “theo một cách kỳ lạ” là Rasputin của Hitler. “Khi tôi đọc về ông ta, tôi đã nghĩ ‘Trời ơi, có người điên ngang Hitler kìa.’ Tôi chỉ cảm thấy có gì đó về nhân vật để dành cho sau này. Nếu chúng tôi được làm một phim nữa, y sẽ thành phản diện kinh hoàng mới sau những phản diện chúng ta đã biết.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: USA Today


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.