Tin tức

Các công ty nội dung giải trí Hàn Quốc có kế hoạch chiếm lĩnh thị trường thế giới

03/01/2022

“Tôi thấy một phim mạo danh Squid Game của Netflix gọi là Optopus Game được bán quyền chiếu bởi một công ty Mỹ,” một nguồn tin nội bộ từ bộ phận kinh doanh quốc tế cho một công ty nội dung nói với JoongAng Ilbo, chi nhánh của JoongAng Daily Hàn Quốc.

Nội dung giải trí Hàn Quốc dựa vào “cách kể chuyện chuyên biệt ở Hàn Quốc đã gây được tiếng vang với khán giả toàn cầu

Tại thị trường Mỹ, người hâm mộ Kpop đang mở rộng quan tâm của họ sang các nội dung giải trí Hàn Quốc. Không giống như trước đây, nơi Hallyu, tức làn sóng Hàn Quốc, dựa vào fandom của một diễn viên cụ thể hoặc một thần tượng Kpop, nội dung giải trí Hàn Quốc dựa vào “cách kể chuyện chuyên biệt ở Hàn Quốc đã gây được tiếng vang với [khán giả toàn cầu],” Lee Jung Se, người đứng đầu bộ phận nội dung của Megabox, cho biết. “Chúng tôi có thể xem xét điều này dài hạn thay vì chỉ là một giai đoạn nhất thời,” Lee bổ sung.

Cùng với xu hướng này, cách tiếp cận mà các nhà đầu tư và phân phối nội dung Hàn Quốc đang thực hiện với các studio toàn cầu đã thay đổi. Các công ty địa phương không còn nhắm đến mục tiêu “thâm nhập” thị trường toàn cầu, mà để “mở rộng” lãnh thổ của họ và theo bước chân của người chiến thắng bốn giải thưởng Viện Hàn lâm Parasite (2019), phim bộ truyền hình thây ma Netflix Kingdom (2019-), Squid Game (2021) và Hellbound (2021) liên tiếp thành công trên toàn thế giới. Do sự tiện lợi của phụ đề được các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix cung cấp, “rào cản phụ đề cao một inch” đã được dỡ bỏ và con đường cao tốc đến trung tâm của thị trường nội dung toàn cầu đang rộng mở.

Do sự tiện lợi của phụ đề được các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix cung cấp, “rào cản phụ đề cao một inch” đã được dỡ bỏ và con đường cao tốc đến trung tâm của thị trường nội dung toàn cầu đang rộng mở

“Tiềm năng của nội dung Hàn đã ngang bằng với thị trường toàn cầu nhưng các nền tảng OTT và hoạt động tiếp thị lan truyền tích cực nhờ YouTube và phương tiện truyền thông xã hội đã kết nối khán giả toàn cầu,” Cho Sung Woo, trưởng bộ phận nội dung toàn cầu của CJ ENM. “Thị trường Mỹ vốn lặp đi lặp lại việc tạo ra các bản làm lại và phần tiếp theo tương tự đang tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ, và đang nhận ra rằng nội dung Hàn không phải là một xu hướng nhất thời nhờ liên tiếp thắng các giải độc đắc [...] Bây giờ, các hãng phim Mỹ yêu cầu chúng tôi đồng lập kế hoạch, phát triển và đầu tư vào nội dung tiếng Hàn.”

CJ ENM đang tăng tốc độ mở rộng nội dung Hàn ra toàn cầu. Tháng trước, họ đã đầu tư lớn nhất từ trước đến nay bằng cách mua 80% “công việc kinh doanh có kịch bản” của công ty sản xuất Endeavour Content của Mỹ, công ty đứng sau các bộ phim ăn khách như La La Land (2016) và phim truyền hình Anh Killing Eve (2018-) Vào ngày 8/12, họ đã thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn phân phối ViacomCBS của Mỹ, công ty sở hữu đài truyền hình CBS, Paramount Pictures và MTV. Hai công ty sẽ hợp tác trong quá trình sản xuất nội dung dựa trên Sở hữu trí tuệ (IP) của CJ ENM bao gồm lập kế hoạch, phát triển, đầu tư và phân phối.

CJ ENM đang tăng tốc độ mở rộng nội dung Hàn ra toàn cầu. Họ đã mua 80% “công việc kinh doanh có kịch bản” của công ty sản xuất Endeavour Content của Mỹ

IP là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp giải trí để miêu tả một khái niệm, chủ đề, các nhân vật hoặc các yếu tố khác có thể được chuyển thể thành các định dạng giải trí khác.

CJ ENM cũng đã mở kênh mang thương hiệu của mình với nội dung Hàn vào ngày 14 tháng 12 thông qua nền tảng OTT Pluto TV, một chi nhánh của ViacomCBS. Đổi lại, Paramount+, một dịch vụ phát trực tuyến khác của ViacomCBS, sẽ ra mắt tại Hàn Quốc vào năm sau thông qua Tving, nền tảng phát trực tuyến là chi nhánh của CJ ENM. ViacomCBS cũng sẽ đầu tư vào việc sản xuất bảy phim bộ nguyên tác của Tving.

“Nền giải trí Hàn Quốc đã trở thành một nền văn hóa với nhu cầu chưa từng có, và CJ ENM đứng sau một số tác phẩm quốc tế lớn nhất vượt ra ngoài biên giới, bao gồm bộ phim đoạt giải Oscar Parasite,” Dan Cohen, chủ tịch của ViacomCBS nói.

Dr Brain, phim bộ nguyên tác Hàn Quốc đầu tiên của Apple TV+

“Khác với trước đây khi chỉ đơn giản là đồng phát triển [nội dung] dưới dạng các dự án hoặc phân phối nội dung Hàn Quốc ở thị trường Mỹ,” Cho Sung Woo của CJ ENM nói. “Có những hạn chế liên quan đến việc phân phối phim tại rạp cũng như mức độ chúng tôi có thể chủ động giới thiệu và quảng bá nội dung của mình cho khán giả Mỹ, nhưng giờ đây chúng tôi có thể làm điều đó với khoảng 50 triệu thuê bao Pluto TV. Nó cũng tăng cơ hội cho diễn viên và nhà sáng tạo Hàn Quốc hợp tác với các hãng phim Mỹ.”

Khoản đầu tư của CJ ENM vào Endeavour Content đã gây chú ý trên các phương tiện truyền thông Mỹ — “CJ ENM của Hàn Quốc đã đặt cược 1 tỉ đôla cho Endeavour Content để có một chân trong nền giải trí toàn cầu,” Variety viết. The Hollywood Reporter viết: “CJ ENM nạp siêu tham vọng Hollywood với Endeavour Content.”

Các công ty truyền thông Hàn Quốc khác cũng đang tích cực theo đuổi mối quan hệ với các hãng truyền thông Bắc Mỹ.

Snowdrop, phim bộ nguyên tác Hàn Quốc đầu tiên của Disney+

Nhà phân phối phim Next Entertainment World (NEW) đứng sau bộ phim thây ma ăn khách Train to Busan (2016) của đạo diễn Yeon Sang Ho đã hợp tác với Library Pictures International (LPI) có trụ sở tại Los Angeles vào tháng 3, ký một thỏa thuận đồng tài trợ cho các bộ phim của mình ba năm tiếp theo. Khoản đầu tư áp dụng cho tất cả các phim đã được thực hiện và đang chờ phát hành, cũng như các kịch bản vẫn đang được thảo luận. JTBC Studio mua lại Wiip, công ty chế tác độc lập đứng sau loạt phim HBO gần đây Mare of Easttown vào tháng 5 và đang theo đuổi việc hợp tác sản xuất, mở rộng phân phối nội dung và làm lại sử dụng IP của mình.

Vì ngành công nghiệp điện ảnh vẫn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các nền tảng OTT toàn cầu đang đổ bộ vào Hàn Quốc như Apple TV+ và HBO Max sẽ đóng vai trò là cầu nối quan trọng để mở rộng nội dung Hàn trên toàn thế giới. Lee Jung Ha, người đứng đầu bộ phận bán hàng toàn cầu tại Content Panda, một nhà phân phối phim liên kết với NEW, cho biết “nội dung Hàn đang được bán khắp mọi nơi, không chỉ ở châu Á mà châu Âu, rồi Nam Mỹ nữa.”

Phim bộ All About My Boss (góc trên, phải), Kill Me, Heal Me (góc trái dưới) và Taxi Driver (góc phải dưới) tham gia “2021 K-Format Virtual Screenings in the US”. Cách tiếp cận mà các nhà đầu tư và phân phối nội dung Hàn Quốc đang thực hiện với các studio toàn cầu đã thay đổi: không còn nhắm đến mục tiêu “thâm nhập” thị trường toàn cầu, mà để “mở rộng” lãnh thổ của họ

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để nội dung Hàn Quốc thực sự tiến bộ, cần phải có quy chế đảm bảo một hệ sinh thái sáng tạo an toàn và lành mạnh. Một nguồn nội bộ từ nhà phân phối phim Lotte Cultureworks đằng sau một phim thây ma thành công khác #Alive (2020) cho biết, “Lợi thế cạnh tranh cho các công ty nội dung là đảm bảo tài sản trí tuệ có tiềm năng hòa thanh với khán giả toàn cầu. Để sự nhiệt tình với nội dung Hàn Quốc tiếp tục, có nhu cầu hình thành một vòng xoáy đúng đắn thôi thúc các công ty toàn cầu tiếp tục tái đầu tư vào ngành điện ảnh Hàn Quốc.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.