Tin tức

Mô hình phim phần tiếp theo của Hollywood ngày càng đuối dần

02/08/2016

Sự hờ hững ở phòng vé đối với những phim như X-Men: ApocalypseAlice Through the Looking Glass là một phần trong xu hướng đáng lo ngại cho các hãng phim lớn.

Mãi tới gần đây, ký hiệu nhận diện phổ biến gắn với phim phần tiếp theo của Hollywood là “kháng-giới phê bình” — một lời khen nửa đùa nửa thật miêu tả những phim lấy tiền từ ‘fan’ và hấp dẫn mẫu số chung nhỏ nhất. Ngay cả phim hành động cũng sản sinh ra phim tiếp theo mau chóng, từ Teenage Mutant Ninja Turtles đến Olympus Has Fallen.

X-Men: Apocalypse

Trong kỷ nguyên phim chuỗi siêu anh hùng, các hãng phim đánh cược gấp đôi vào những phần tiếp theo, xem chúng là những đặt cược an toàn nhất khi kinh phí phim bom tấn bình quân đều phình lên gần 200 triệu đôla. Nhưng xem xét kết quả phòng vé 2016, có lẽ không chừng 2016 chính là năm bong bóng này vỡ tung.

Trên bề mặt, doanh thu mở màn của X-Men: Apocalypse không tệ chút nào — phim kiếm được 80 triệu đôla trong bốn ngày. Nhưng con số ấy thấp hơn 110 triệu đôla mà phần trước Days of Future Past đã làm ra được trong cùng tuần lễ đó năm 2014, và cũng thua cả 85 triệu mà X2 đã kiếm được trong ba ngày cách đây 13 năm. Những phim đó có gì thuận lợi? Phê bình tốt, nhưng đồng thời, đặc biệt trong trường hợp của X2, một thị trường không hề đầy nhung nhúc những phim phần tiếp theo. Năm 2003, X2 là phim phần tiếp theo duy nhất phát hành đại trà khi nó ra rạp. Còn ở tuần lễ mà X-Men: Apocalypse ra rạp thì đó là một trong sáu phim phần tiếp theo có mặt trên thị trường.

Zoolander 2

Đây là một khủng hoảng có thể rồi sẽ qua: bùng nổ làm những phim không mới nguyên cũng xưa như chính Hollywood, và tất nhiên, một trong những phim áp đảo năm 2016 này là Captain America: Civil War, phim Captain America thứ ba và phim không biết thứ bao nhiêu từ “Thế giới điện ảnh Marvel” xoắn xuýt. Nhưng càng ngày, chiến lược của Marvel — nhanh chóng được các hãng khác sao chép — càng có vẻ là một ngoại lệ hơn là thông thường, với những phim như Zoolander 2 đã xếp vào đống bom xịt năm 2016, các hãng phim bắt đầu lo lắng ra mặt không biết chuyện này rồi sẽ đi về đâu.

Với doanh thu mở màn 80 triệu, X-Men: Apocalypse được dự đoán sẽ kiếm được tổng cộng 170 triệu đôla ở Bắc Mỹ — không bằng Civil War kiếm được trong tuần đầu tiên. Cộng với doanh thu khỏe từ thị trường quốc tế, phim sẽ kiếm đủ để hòa vốn 178 triệu kinh phí (hãng phim lấy khoảng một nửa doanh thu của một phim), nhưng không đủ để thực sự bù đắp chi phí làm phim. Quan trọng hơn, tiếng xấu về chất lượng kém của bộ phim sẽ không hề có lợi cho bất cứ phần kế tiếp nào nữa trong chuỗi vốn dĩ đã được triển khai, nhất là vì những tên tuổi lớn như Jennifer Lawrence chắc chắn không quay lại.

Alice Through the Looking Glass

Những phim phần tiếp theo khác làm ăn thất bại năm nay còn có Alice Through the Looking Glass, mở màn với 34 triệu đôla và xem ra không thể qua được 100 triệu tổng cộng — con số mà phần phim trước đó hồi năm 2010 đã xơi tái ngay trong tuần mở màn. The Huntsman: Winter’s War, phần tiếp theo của Snow White and the Huntsman thành công, rời khỏi rạp chiếu với vỏn vẹn 47 triệu, chưa đến một nửa kinh phí đã bỏ ra. Phim thứ ba trong chuỗi phim dành cho tuổi mới lớn Divergent, Allegiant, kết thúc với 66 triệu, giảm so với 150 triệu của phần đầu. Có lẽ nổi bật nhất chính là Batman v Superman, đã kiếm khỏe 328 triệu đôla — nhưng với tư cách là át chủ bài 250 triệu đôla kinh phí của một phim chuỗi ‘khủng’, có bảy phim nối đuôi đã được triển khai, đây là một thất vọng đủ để gây rúng động các nhà điều hành ở Warner Bros.

Tất cả những phim nói trên đều được đánh giá “cà chua thối” trên Rotten Tomatoes (không như Civil War, là một thành công thương mại lẫn phê bình). Dàn phim hè 2016 cũng toàn những cờ đỏ tương tự, những phần tiếp theo được làm với sự ủng hộ chẳng là bao từ khán giả. Đó là Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows; Now You See Me 2; The Purge: Election Year; Ice Age: Collision Course — quên chưa kể The Mechanic, phim tiếp theo một phim hành động của Jason Statham. Có những đặt cược ít rủi ro hơn — một phim tái sinh Independence Day, một phim khởi động lại Ghostbusters, một phim Star Trek mới, và phần tiếp theo Finding Nemo của Pixar — nhưng khi ráp tất cả lại với nhau, chẳng có kỳ cuối tuần nào để cho một trong số những phim vừa kể là phim lớn duy nhất ra rạp.

Ice Age: Collision Course

Nói vậy không phải để bảo Hollywood hãy bắt đầu chăm bẵm vào phim mới nguyên đi, mà muốn nói mô hình phim phần tiếp theo ngay đã đạt đỉnh rồi. Trong số những thành công đình đám của 2016 đến này là The Jungle Book, trong đó Disney phủ lên tác phẩm hoạt hình kinh điển của mình lớp sơn CGI; Deadpool, phim siêu anh hùng thành công nhờ cười nhạo vào mô hình phim chuỗi cùn nhụt, tự đãi mình những màn bạo lực lố bịch và châm biếm siêu hình; Zootopia, phim hoạt hình thành công được truyền miệng mạnh mẽ và những lời phê bình tuyệt vời; và Civil War, bất chấp đi theo công thức suôn sẻ của Marvel, cũng tương tự. Điều hiển nhiên duy nhất mà những phim này có chung đó là chúng nhấn mạnh vào câu chuyện kể và phát triển nhân vật thay vì đi theo công thức một cách thiếu suy nghĩ, và kết quả là được giới phê bình nhiệt tình ưa thích. Mặc dù phim phần tiếp theo sẽ luôn là điều không thể không có, các hãng có thể hưởng lợi lúc này nhờ đã quan tâm đến cái gì hiệu quả hơn là lặp lại cái không hiệu quả.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Atlantic


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.