Tin tức

Over the Moon: Netflix đưa thần thoại Hằng Nga đến với khán giả Trung Quốc và quốc tế

29/10/2020

Một cô gái trẻ đau buồn vì mẹ mất tìm kiếm sự giúp đỡ từ nữ thần mặt trăng Hằng Nga trong Over the Moon, một cách giải thích thời hiện đại cho những câu chuyện quen thuộc với trẻ em Trung Quốc.

Khi Netflix phát hành phim nhạc kịch hoạt hình vào thứ sáu 23/10, dịch vụ này cung cấp các phiên bản với hơn 30 ngôn ngữ, mỗi ngôn ngữ có giọng lồng tiếng khác nhau. (Bản phụ đề tiếng Việt có tựa Vươn tới cung trăng.)

Cô bé Fei Fei (phải) thương nhớ người mẹ đã mất

Là xuất phẩm đồng sản xuất giữa Pearl Studio của Trung Quốc và Netflix, bộ phim gây chú ý vì là phim hoạt hình dài hiếm hoi bằng tiếng Anh với dàn diễn viên toàn châu Á. Dàn diễn viên lồng tiếng cho bản tiếng Anh bao gồm các ngôi sao như Sandra Oh, Ken Jeong và John Cho, với Cathy Ang trong vai Fei Fei hồi nhỏ và Phillipa Soo từng đoạt giải Tony trong vai nữ thần mặt trăng Hằng Nga.

Peilin Chou, hiện là một nhà sản xuất tại Netflix, đồng thời là CCO của Pearl Studio cho biết: “Over the Moon thực sự được sinh ra tại Pearl Studio. Tại hội nghị thượng đỉnh Brain Trust hằng năm của chúng tôi, nhà điều hành sản xuất Janet Yang đã nêu ý tưởng về một câu chuyện kể lại thần thoại Hằng Nga cho thời hiện đại, qua con mắt của một cô bé tên Fei Fei.”

Tìm kiếm các dự án theo chủ đề châu Á cho sân khấu toàn cầu là một phần trong sứ mệnh của hãng phim Trung Quốc này. Đối với Chou, nhiệm vụ của Fei Fei là điểm khởi đầu để đưa người xem vào một thế giới mà có thể họ không biết nhiều. Tất nhiên, khán giả Trung Quốc vốn đã quá quen thuộc với những câu chuyện xung quanh Hằng Nga.

Cô bé tự làm tên lửa lên mặt trăng tìm kiếm sự giúp đỡ từ nữ thần mặt trăng Hằng Nga

“Hẳn nhiên người ta biết những câu chuyện thần thoại đó,” Chou đồng ý. “Tôi nghĩ chúng tôi đã diễn giải Hằng Nga theo cách tôn trọng tính xác thực, nhưng cũng khá mới mẻ và hiện đại.

“Những câu chuyện từ xưa tập trung vào việc Hằng Nga cùng Thỏ Ngọc lên mặt trăng như thế nào. Nhưng sau khi cô đến đó rồi thì thế nào lại không mấy ai kể. Đây là chỗ để chúng tôi tự do sáng tạo nhất, chúng tôi có nhiều niềm vui nhất.”

Vì phim diễn ra ở Trung Quốc nên Pearl Studio muốn đảm bảo rằng phiên bản tiếng Trung sẽ đáp ứng được kỳ vọng của người xem. Đội ngũ sáng tạo của Pearl đã bắt đầu làm việc biên dịch kịch bản hơn một năm trước khi bộ phim hoàn thành, một sự khác biệt rõ ràng so với cách lồng tiếng của hầu hết các xuất phẩm.

Kể lại thần thoại Hằng Nga cho thời hiện đại

Hank Abbott, phó đạo diễn của Over the Moon, cho biết: “Thường là vài tháng trước khi ra rạp bạn mới có phim, làm công việc lồng tiếng, và phát hành phim. Ngay từ sớm, chúng tôi đã có một biên kịch Trung Quốc và đạo diễn tư vấn. Họ đã viết lại toàn bộ kịch bản để có cảm giác rằng các nhân vật đang nói chính xác, chứ không phải chỉ là tiếng Anh được chuyển ngữ sang tiếng Trung Quốc.”

Theo đạo diễn Glen Keane, phiên bản Trung Quốc của Over the Moon “giống y hệt 99,999%. Chúng tôi có điều chỉnh một vài chi tiết nhỏ chỗ này chỗ kia cho phiên bản tiếng Trung. Nhưng về mặt hình ảnh, chúng đều giống nhau,” ông nói.

Trong các buổi chiếu thử, các nhà làm phim phát hiện một số câu đùa bằng tiếng Trung không gây cười được. Qua nhiều lần, họ đã thử các câu thoại khác nhau để tinh chỉnh sự hài hước.

Trong bản tiếng Anh, cậu bé tên Chin tự giới thiệu mình là nhà vô địch bóng bàn. Trong bản tiếng Trung, cậu ta nói mình là “Trương Kế Khoa nhí.”*

Cậu bé Chin tự giới thiệu mình là “Trương Kế Khoa nhí”

“Chúng tôi không thay đổi hình ảnh,” Abbott chỉ ra. “Chúng tôi thay đổi những gì được nói ra.”

Trong phiên bản tiếng Anh, một bữa tiệc Tết Trung thu thể hiện màn ăn miếng trả miếng giữa các dì và gia đình Fei Fei, người ông chêm vào những lời nhận xét cay độc.

“Lần thông qua đầu tiên cho bản tiếng Trung, chúng tôi đã giảm cho bớt cay độc một chút,” Abbott nói. “Không đủ gây cười. Nên chúng tôi bước vào và nói, ‘Được rồi, hãy làm cho thực sự giống trong một gia đình đi. Họ hiểu nhau rất rõ, họ biết cách chỗ nhược của nhau.’ Cuối cùng, chúng tôi đã nhận được nhiều tiếng cười hơn ở cảnh đó.”

Khi làm hoạt hình cho bộ phim, Keane đã phải học hỏi từ các nghệ sĩ tại Pearl cách điều chỉnh cử chỉ và chuyển động nhân vật của mình.

Bữa tiệc Tết Trung thu của gia đình Fei Fei

“Fei Fei nhận quà từ bà Zhong, một người mà cô ấy không thích chút nào,” Keane nói. “Tôi biết cách một đứa trẻ 12 tuổi ở Mỹ thể hiện điều đó, kiểu thái độ ‘cảm ơn mà không cảm ơn’. Nhưng các họa sĩ ở Pearl cho biết trẻ em ở Trung Quốc sẽ không bao giờ làm như vậy. Tôi thử cho nhân vật cúi chào kính cẩn, nhưng họ bảo tôi người lớn mới làm vậy. Fei Fei sẽ khẽ cúi đầu hết sức tinh tế.

“Ban đầu tôi không hiểu được cái chuyện kính trọng ông bà chú bác. Cách các nhân vật thể hiện tình cảm là điều tôi cũng phải học.”

Abbott giải thích: “Chúng tôi nhận thấy quan trọng là phải tạo được cảm xúc ra trò. Trong bản tiếng Anh, chúng tôi có thể có nhiều sắc thái hơn về một số cảnh, nhưng khi thử bản tiếng Trung, chúng tôi đã học được rằng đôi khi cần phải rõ ràng hơn một chút.

“Chúng tôi đã thêm phần lồng tiếng cho Fei Fei để đẩy một số cảnh, dựa trên phản hồi mà chúng tôi nhận được từ các buổi chiếu thử.”

Fei Fei và Gobi, một sinh vật mặt trăng phát quang, do diễn viên hài Trung Quốc Li Dan lồng tiếng

Ca từ cho chín ca khúc trong Over the Moon tỏ ra đặc biệt thử thách, đòi hỏi ít nhất 10 lần lặp lại để tìm đúng điểm nút câu chuyện và vần điệu. Để thu tiếng, Pearl đã làm việc với Xưởng Lồng tiếng phim Thượng Hải, nơi xử lý các tác phẩm lớn của Hollywood từ các hãng phim như Disney và Universal.

Abbott nói: “Chúng tôi đã sử dụng các đoạn thoại tạm thời cho đến khi chúng tôi có được kịch bản đã chốt. Sau đó, chúng tôi đưa dàn diễn viên chuyên nghiệp vào khâu thu âm marathon kéo dài ba ngày.”

Pearl chọn diễn viên hài Trung Quốc Li Dan lồng tiếng cho Gobi, một sinh vật mặt trăng phát quang. Anh ấy đã mang sự tinh tế đặc trưng của mình vào một vai diễn do Ken Jeong thủ vai trong phiên bản tiếng Anh. Abbott cũng chọn Chang Dichen, hát cho Hằng Nga, vì khả năng diễn giải ca từ của cô ấy.

Một vấn đề liên tục với việc lồng tiếng là nhép môi, khớp giọng nói của nhân vật với chuyển động môi. “Chúng tôi luôn lo lắng về điều đó,” Abbott thừa nhận. “Nó sẽ không bao giờ hoàn hảo. Khi phải lựa chọn, chúng tôi chọn làm cho câu chuyện rõ ràng qua các động tác khớp nhau. Về thời gian, chúng tôi luôn đảm bảo khớp 100%. Không giống như Godzilla ngày trước.”

Rất ít người nói về những gì xảy ra sau khi Hằng Nga và Thỏ Ngọc lên cung trăng. Đây là chỗ để các nhà làm phim tự do sáng tạo nhất, có nhiều niềm vui nhất

Cuối cùng, cảm xúc thúc đẩy Over the Moon. Như Keane nói, “Các cố vấn của tôi đã dạy tôi, ‘Glen, đừng làm nổi bật hành động của nhân vật. Hãy làm nổi bật cảm xúc của nhân vật.' Mục tiêu của tôi ở đây là lột tả tâm trí, trái tim và linh hồn của Fei Fei, Hằng Nga, mỗi một nhân vật, và làm họ sinh động từ trong ra ngoài.”

Để làm nổi bật những cảm xúc đó, đội ngũ lồng tiếng Trung đã mất nhiều tháng ròng rã.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


* Vận động viên bóng bàn Trung Quốc, từng đoạt Huy chương vàng nội dung đơn nam tại Thế vận hội London 2012 và nhiều lần vô địch bóng bàn quốc tế các năm 2011, 2013 và 2014.

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.