Tin tức

Phim nghệ thuật quảng cáo giật gân khiến khán giả Trung Quốc phản ứng ngược

26/04/2019

Tương đương với “24 chuyến tàu lượn cao tốc”, “12 cú thả rơi tự do từ đỉnh tòa tháp” hay “10 suất espresso” là cách các chuyên gia báo chí đã tiếp thị The Shadow Play (2018). Trên tài khoản Weibo chính thức của bộ phim, những người đi xem phim “dũng cảm” được khuyến khích “thách thức giới hạn thể chất của trải nghiệm xem phim này” bằng cách chọn chỗ ngồi ở ba hàng ghế đầu tiên.

Tỉnh Bách Nhiên vào vai thám tử trong bộ phim nghệ thuật mới nhất của Lâu Diệp, The Shadow Play

Quảng cáo đến như vậy là ngang với cho một phim bom tấn hành động lớn. Không chỉ có The Shadow Play. Xuất phẩm mới nhất của nhà làm nghệ thuật Lâu Diệp – có tựa đề tiếng Trung thơ mộng được dịch là “Một đám mây trong gió tạo thành mưa” – là tác phẩm mang hơi hướng ‘neo-noir’ xoay quanh một thám tử trẻ điều tra cái chết của một quan chức cao cấp về quy hoạch đô thị sau một đêm bạo động ở Quảng Châu.

Có lẽ vì những cảnh như đoạn mở đầu, trong đó các cuộc biểu tình bạo lực được thể hiện qua những cảnh quay kéo dài được quay bằng máy quay cầm tay, mà khán giả được yêu cầu ngồi gần màn hình hơn, để “sát với thực tế hơn”.

The Shadow Play tìm cách thăm dò sự hăm hở của Trung Quốc hướng tới chủ nghĩa tư bản chạy theo lòng tham ba thập kỷ qua và bất bình đẳng xã hội sinh ra từ đó. Lúc đầu, những ám chỉ chính trị của bộ phim dường như rất mâu thuẫn với các pha nguy hiểm được quảng cáo. Nhưng nghĩ lại thì, có lẽ Lâu Diệp cần tất cả những điều gây xao lãng mà anh có thể tập hợp được này để đưa câu chuyện mang tính chính trị của mình vào các cụm rạp chiếu ở Đại lục. Trong các cuộc phỏng vấn, Lâu Diệp cho biết anh đã phải chỉnh sửa hơn 100 phiên bản trong ba năm qua mới lấy được sự chấp thuận từ cơ quan kiểm duyệt.

Cảnh trong phim The Shadow Play

Vẫn tiếp tục rắc rối sau buổi ra mắt phim, tại Liên hoan phim Kim Mã Đài Bắc, Đài Loan, vào tháng 11/2018. Phiên bản được chiếu tại Liên hoan phim Berlin, vào tháng 2 năm ngoái, ngắn hơn lần cắt đầu tiên bốn phút, với 60 giây nữa bị cắt trước khi bộ phim được chiếu ở Đại lục, vào ngày 4 tháng 4. Các suất chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông (HKIFF) tháng rồi bị hủy “theo yêu cầu của chủ sở hữu bộ phim”, theo một bài đăng trên Facebook của HKIFF.

Nhưng có thể có một lời giải thích mang tính thời sự hơn cho chiến dịch quảng cáo giật gân này: sợ phim thất bại. Với bao nhiêu là bàn luận về việc khán giả Trung Quốc ngày càng đòi hỏi nội dung đa dạng hơn, các phim nghệ thuật trong nước có thắng có thua. Chẳng hạn, phim đầu tay được đánh giá cao của Bạch Tuyết, The Crossing, ra rạp vào ngày 15 tháng 3, đã bị ế ẩm ở mức 9,8 triệu nhân dân tệ đáng thất vọng (1,5 triệu USD).

The Crossing

Ngay cả các cựu binh lão làng mà còn chật vật. Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi và hai giải thưởng tại Berlin, bộ phim lịch sử So Long, My Son của Vương Tiểu Soái, với ngân sách được đưa tin là 60 triệu nhân dân tệ, thu về chỉ 43 triệu nhân dân tệ kể từ khi mở màn ngày 22 tháng 3.

Đối phó với một phòng vé hờ hững, Vương Tiểu Soái quyết định tự mình lo liệu lấy mọi thứ, với một bài đăng trên Weibo đưa ra “những lời khuyên nhỏ để tán trai hay tán gái, bảo đảm thành công” và khuyến khích người đọc mua hai vé xem suất tối bộ phim của ông để những đôi tình nhân “có thể trải nghiệm tối đầu tiên bên nhau ngay sau đó.”

“Khi bộ phim kết thúc là đã quá nửa đêm. Bạn vừa trải qua đêm đầu tiên bên nhau. Bạn sẽ có một lý do chính đáng để đưa cô ấy về nhà. Cô ấy có thể nói không với điều đó và rồi... tôi chỉ có thể giúp bạn đến thế,” bài đăng Weibo của đạo diễn Vương viết như thế. “Điều này không hiệu quả với các bộ phim khác, vì So Long, My Son cho phép các bạn đi với nhau lâu hơn,” ông nói thêm, nhắc đến thời lượng ba giờ.

Vương Cảnh Xuân và Vương Lệ Vân trong phim So Long, My Son

Vương Tiểu Soái tiếp tục với một loạt các bài đăng, trong đó ông kêu gọi khán giả trẻ đưa bố mẹ đi xem bộ phim của ông ở “rạp chiếu xa xỉ” – một trải nghiệm sẽ “khiến họ vui như đi du lịch nước ngoài”. Trong một bài đăng khác, ông cam kết sẽ đưa các diễn viên của mình đến các buổi chiếu ở các thành phố công nghiệp đang suy tàn để gặp gỡ những người xem không-có-việc-làm.

Các bài viết đã không đi đến kết quả tốt, với dân ghiền xinê chỉ trích chiến lược của Vương Tiểu Soái để bán những gì mà bản thân ông mô tả là một tụng ca trang trọng cho cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động Trung Quốc trước sự đổi thay kinh tế và xã hội. Đạo diễn đã bảo vệ các bài đăng của mình bằng cách nói rằng ông chỉ đơn giản là cố gắng “gần gũi quần chúng.”

Lời nói hớ của Vương Tiểu Soái đã được cam kết chỉ hai tháng sau thất bại tiếp thị liên quan đến bộ phim nghệ thuật của Tất Cống, Long Day’s Journey into Night (2018). Thay vì đề cao câu chuyện bềnh bồng và thẩm mỹ mê hoặc, các nhà quảng bá lại chọn đóng gói nó như một bộ phim hẹn hò cho đêm giao thừa. Mặc dù đạt mức doanh thu mở màn kỷ lục 264 triệu nhân dân tệ vào ngày 31 tháng 12, bộ phim đã rớt thẳng đứng ngày hôm sau sau phản ứng dữ dội trên mạng.

Thay vì đề cao câu chuyện bềnh bồng và thẩm mỹ mê hoặc, Long Day’s Journey into Night lại được đóng gói như một bộ phim hẹn hò cho đêm giao thừa

Có vẻ như người ta vẫn chưa học được bài học này.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.