Tin tức

Seoul Cinema: Thêm một rạp chiếu xưa cũ biến mất vào lịch sử

18/08/2021

Đầu tiên là do các cụm rạp chiếu hiện đại, sau đó là do đại dịch, các rạp chiếu xưa cũ bị đẩy ra khỏi lĩnh vực kinh doanh.

Kể từ khi bùng phát virus corona, các rạp chiếu phim, từng chật kín mọt phim, đã phải vật lộn để tồn tại.

Seoul Cinema, trung tâm văn hóa của quận Jongno được yêu mến trong hơn 40 năm, sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 31 tháng 8

So với các nhà vận hành cụm rạp hiện đại, các rạp chiếu độc lập đang trong thời buổi khó khăn hơn. Các rạp chiếu độc lập, nhỏ đã phải hứng chịu sụt giảm nghiêm trọng số lượng khán giả kể từ cuối những năm 1990 khi các khu phức hợp rạp chiếu hiện đại thuộc các chuỗi rạp vận hành khắp Hàn Quốc xuất hiện và thu hút người hâm mộ điện ảnh bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn phim hơn.

Đại dịch kéo dài đã giáng đòn chí tử vào các rạp chiếu phim độc lập vốn đang gặp khó khăn không thể lôi kéo khán giả trở lại.

Thông báo gần đây của Seoul Cinema rằng họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào cuối tháng 8 năm nay sau 42 năm kinh doanh không có gì ngạc nhiên đối với những ai đã quen thuộc với ngành công nghiệp điện ảnh. Những ngôi nhà điện ảnh xưa cũ đã thấy rất khó níu giữ.

“Seoul Cinema, trung tâm văn hóa của quận Jongno được yêu mến trong hơn 40 năm, sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 31 tháng 8,” thông báo nói.

Ảnh chụp tháng 9 năm 1989, tòa nhà Seoul Cinema ở trung tâm Seoul đông kín người

“Hapdong Film, nhà điều hành Seoul Cinema, đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới và những thách thức ở phía trước. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những vị khách đã ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian dài.”

Trong thời kỳ đỉnh cao, Seoul Cinema đã từng là một trong ba rạp chiếu phim quan trọng ở Seoul cùng với Dansungsa và Piccadilly Cinema hiện đã không còn tồn tại.

Dansungsa, được xây dựng vào năm 1907, tạm ngừng hoạt động vào năm 2010; trong khi cụm rạp CGV đã chiếm Piccadilly từ năm 2016.

Những mọt phim bày tỏ sự buồn bã và tiếc nuối sau thông báo này.

“Tôi vẫn nhớ đã đến Seoul Cinema để xem The Bodyguard với mẹ tôi khi tôi 15 tuổi. Giờ thì có vẻ khó tin, nhưng hồi đó, nạn phe vé đã diễn ra,” Koo Hye In, một nhân viên văn phòng ở tuổi 40 nói.

Người hâm mộ điện ảnh xếp hàng dài để mua vé xem phim Ghost in Love, với sự tham gia của Han Suk Kyu và Kim Hee Sun, tại Seoul Cinema trong ảnh chụp năm 1999

Đó là vào năm 1978 khi Hapdong Film, một nhà nhập khẩu và phân phối phim, mua lại Nhà hát Segi chuyên chiếu các tác phẩm kinh điển và đổi tên thành Seoul Cinema trước khi mở cửa trở lại vào năm sau đó.

Là rạp chiếu một khán phòng lúc mở cửa hoạt động, Seoul Cinema đã mở rộng lên ba phòng chiếu — giới thiệu phức hợp đầu tiên của đất nước — vào năm 1989. Cùng với một số rạp độc lập ở các quận trung tâm Jongro và Chungmuro, gồm cả Hollywood Silver Cinema và Daehan Cinema, nó đã trở thành một trong những rạp chiếu được ghé vào nhiều nhất ở Seoul.

Yi Kyung Yull, tổng giám đốc Hiệp hội phát triển màn ảnh Hàn Quốc, nhớ lại rằng quận Jongno là trung tâm tiêu thụ phim nội địa cho đến những năm 1990.

“Các rạp chiếu phim ở khu Jongno là điểm đến nổi tiếng của người dân Seoul. Mọi người luôn phải đi vào trung tâm thành phố để xem phim ở đó vì không có chuỗi rạp chiếu phim cho đến năm 1998. Hồi đó, đi xem phim là một thú vui lớn. Khi ngành công nghiệp phát triển lớn hơn, chúng trở thành một phần nội tại của ngành kinh doanh điện ảnh,” ông nói.

Giới chức trong ngành nói rằng từ thập niên 2000 rạp chiếu này đã mất đi một số nét quyến rũ của thế giới xưa cũ

Các sự kiện ra mắt phim thường được tổ chức tại Seoul Cinema và mọi người phải xếp hàng mua vé và vào tòa nhà rạp chiếu phim.

Seoul Cinema viện dẫn những khó khăn tài chính do COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến việc đóng cửa đã ấn định lịch, nhưng giới chức trong ngành nói rằng từ thập niên 2000 rạp chiếu này đã mất đi một số nét quyến rũ của thế giới xưa cũ.

“Chắc chắn đại dịch giáng một đòn kinh tế vào các rạp chiếu phim, đặc biệt là các rạp chiếu phim nhỏ, độc lập, nhưng lợi nhuận của các rạp chiếu phim này đã giảm sút từ lâu vì chuỗi rạp do các tập đoàn lớn điều hành,” Yi nói. “Tuy nhiên, đây là một hiện tượng phổ quát.”

Trong khi các chuỗi rạp lớn hưởng lợi do có nhiều phim để lựa chọn hơn, khán phòng lớn và hệ thống âm thanh vòm cao cấp, các nhà vận hành rạp nhỏ hơn bắt đầu gặp khó khăn trước nhiều thách thức lớn cộng lại.

Một người đàn ông nhìn bức tường đầy áp phích phim cũ của Seoul Cinema, ngày 4 tháng 7.

Trong số những khó khăn đó là thiếu phim độc lập mới, nổi tiếng và cơ sở vật chất tiện nghi. Lượng khách giảm thê thảm.

Seoul Cinema đã trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 2017 nhưng vẫn bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh với các chuỗi rạp lớn hơn, vốn cũng phát triển theo thời gian. Không thể thu hẹp khoảng cách, rạp chiếu này được sử dụng làm địa điểm tổ chức một số liên hoan phim, chẳng hạn như Liên hoan phim ngắn Mise-en-scene và Liên hoan phim sinh thái Seoul.

Choi Nak Yong, chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Nghệ thuật Độc lập Hàn Quốc, kêu gọi chính phủ thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ nhiều hơn cho các rạp chiếu phim nhỏ của nước này.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, số lượng khán giả đến rạp giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp kỷ lục 59,5 triệu lượt vào năm 2020 do đại dịch. Rạp chiếu phim, cả lớn và nhỏ, đã phải chịu đựng về tài chính.

Các khu phức hợp rạp chiếu hiện đại thuộc các chuỗi rạp vận hành khắp Hàn Quốc xuất hiện và thu hút người hâm mộ điện ảnh bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn phim hơn

Nhiều trong số những bộ phim đã được phát hành đã có sẵn thông qua các dịch vụ trực tuyến. Space Sweepers Night in Paradise được khổng lồ phát trực tuyến toàn cầu Netflix phát hành độc quyền, trong khi những phim khác như Seobok Midnight thuộc về dịch vụ phát trực tuyến địa phương Tving khi chúng được chiếu đồng thời tại các rạp.

“Chúng tôi đã bảo vệ các rạp chiếu phim độc lập trong 20 năm qua. Chúng tôi làm vậy vì chúng tôi tin tưởng vào giá trị nghệ thuật và tác động xã hội của điện ảnh. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim nghệ thuật đang đối mặt với tình hình thảm khốc. Họ có thể ngừng kinh doanh trong vòng một vài năm nữa nếu không có tài trợ nhà nước,” Choi nói.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.