Tin tức

Tại sao các nhà làm phim phương Tây đã dừng quay hoàn toàn ở Trung Quốc

19/12/2017

Các nhà sản xuất phim khắp châu Âu, châu Mỹ, Mỹ Latinh, Úc và New Zealand — khắp nơi bên ngoài Đông Á — đã chẳng đoái hoài gì đến Trung Quốc khi tìm địa điểm quay phim nữa.

Những tòa nhà phong cách tương tự các tòa nhà ở châu Âu và Thượng Hải thời Trung Hoa Dân Quốc, một ngoại cảnh mới mở ở Phim trường Wanda Thanh Đảo

Năm ngoái là một sự đổ bể lớn cho nỗ lực thu hút xuất phẩm nước ngoài của Trung Quốc, với chỉ một phim lớn, Pacific Rim, quay ở Trung Quốc, và đó chỉ vì buộc phải thế. Nhà sản xuất Pacific Rim, hãng Legendary Entertainment, 100% thuộc sở hữu của công ty bất động sản Wanda Group, muốn phim quay ở Phim trường Wanda Thanh Đảo. Bộ phim cũng phải quay ở Trung Quốc để đảm bảo địa vị phim đồng sản xuất, vốn là điều kiện cốt lõi để được phép chiếu ở các rạp Trung Quốc.

Năm nay sẽ đến và đi với không có một bộ phim lớn của Hollywood hay phương Tây nào được quay ở Trung Quốc. Một lý do cho sự khô hạn này là đơn vị quản lý ngành điện ảnh Trung Quốc đã ngừng cấp phép quay phim từ tháng 3 tới tháng 10 khi Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng lần thứ 19. Trong một năm chính trị quan trọng như năm nay, những quan chức chính phủ cẩn trọng thường ngừng hết mọi hoạt động có thể tiềm ẩn nguy cơ làm bẽ mặt danh tiếng của họ.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là sự bất mãn từ các nhà sản xuất.

John Boyega (trái) tại buổi cầu may mắn cho việc quay Pacific Rim: Uprising ở Thanh Đảo, Trung Quốc

Trung Quốc mang tiếng là địa điểm tệ hại để quay phim, nhà sản xuất kiêm chuyên gia sản xuất Trung Quốc người Mỹ Aaron Shershow cho biết. “Chính xác là không xuất phẩm phương Tây nào được dự kiến cho năm sau,” ông nói với người viết. “Không một hãng phim Hollywood lớn nào và không một hãng phim độc lập lớn nào dự định làm phim ở đây.”

Ông tiếp tục, một phần là vì các nhà sản xuất tới quay ở Trung Quốc mà không có kế hoạch thỏa đáng hoặc có đúng cộng sự địa phương, và trong một đất nước đầy thách thức làm ăn và văn hóa đối với người nước ngoài, điều đó luôn dẫn đến thảm họa.

Shershow, một người nói trôi chảy tiếng Hoa làm điều hành sản xuất cho Pacific Rim, Iron Man 3Man of Tai Chi của Keanu Reeves, giải thích vấn đề. “Mọi người cứ có cái ý nghĩ lãng mạng rằng làm theo cách của Trung Quốc để tiết kiệm tiền. Nhưng cách của Trung Quốc thực sự rất tốn kém. Hỗn loạn lắm,” ông nói.

Ở Trung Quốc, êkíp thường thiếu kinh nghiệm, quản lý tài chính thường lỏng lẻo, và đạo diễn thường được trao nhiều quyền điều hành hơn phim phương Tây, mà thiếu sự kiểm tra và cân bằng hợp lý.

Thị trấn cổ Tây Đường, Chiết Giang, nơi Mission Impossible III quay những cảnh cuối, như một điểm thanh bình trái ngược với tất cả những cháy nổ và kịch tính

“Trung Quốc có thể thực sự trở thành một nơi quay phim tốt,” Shershow thêm vào. “Nhưng bạn phải tổ chức hợp lý. Bạn không thể bước vào và giả định đó là một trung tâm sản xuất bình thường như Prague, Budapest hay Vancouver.”

Trung Quốc cũng thiếu sự sâu sát về tài chính, chuyên môn sản xuất, hạ tầng làm phim, và trang thiết bị chuyên dụng mà các nhà sản xuất phương Tây coi là đương nhiên ở quê hương họ.

Nhưng ngay cả những thách thức đó cũng chưa là gì so với những trở ngại mà chính quyền Trung Quốc đặt ra với các xuất phẩm nước ngoài. Một đống quy định choáng ngợp, các yêu cầu cấp phép, kiểm duyệt, quản lý tài chính nghiêm ngặt, và thành kiến cực điểm với thứ mà nhiều nhà chính trị Trung Quốc gọi là “văn hóa độc hại nước ngoài” làm cho đất nước này trở thành một địa điểm phát nản để quay phim, kể cả với những nhà sản xuất với hàng chục năm kinh nghiệm ở đây.

Dwayne “The Rock” Johnson trong cảnh phim Skycraper của Legendary sẽ ra rạp năm tới. Tuy lấy bối cảnh Thượng Hải nhưng thực chất phim không quay lấy một ngày ở Trung Quốc

“Trung Quốc đã trở thành một địa điểm để tránh xa,” Shershow nói. Kể cả hãng Legendary cũng tránh Trung Quốc. Với Skycraper (phim hành động ly kỳ mới của Dwayne “The Rock” Johnson), họ không quay lấy một ngày ở Trung Quốc, cho dù câu chuyện đặt bối cảnh Thượng Hải.

Có những ưu đãi quyền lực khi quay ở Trung Quốc. Tiến vào thị trường với khán giả lớn và lợi nhuận cao bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi chính quyền, và cực kỳ khó chiếu phim nước ngoài ở Trung Quốc trừ khi được dán nhãn hợp tác chính thức với Trung Quốc tham gia sản xuất và bỏ vốn.

Nhưng sản phẩm hợp tác lớn nhất tới giờ, bộ phim đầu năm 2017 của Legendary The Great Wall, thất bại ở tất cả mọi nơi bên ngoài Trung Quốc, và xóa sạch hứng thú của đa số các nhà sản xuất phương Tây vào việc đồng sản xuất nhằm phục vụ cả khán giả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Một đại cảnh trong phim The Great Wall. Được quay phần lớn ở Trung Quốc nhưng xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Mỹ này thất bại ở tất cả mọi nơi

Ngoài sự hiện diện ít ỏi của Pacific Rim, phim trường 8 tỉ USD Wanda Thanh Đảo chủ yếu ngồi không. Hồi tháng 7/2017, Wanda đã buộc phải bán mảng phát triển phim trường của mình cho đối thủ bất động sản Sunac, và giờ chỉ giữ 9,3% cổ phần trong cơ sở này.

Liệu Sunac có thể đem lại lợi nhuận cho khoản đầu tư này hay không còn tùy, ít nhất là phần nào, vào việc liệu có lôi kéo được Hollywood đến quay phim. Ở thời điểm này không thấy họ có cách nào để làm được điều đó cả.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Forbes


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.