Ở rạp chiếu phim, bây giờ điện thoại và trò chơi điện tử là những huyền thoại gây thương nhớ.
Khi những người thuộc thế hệ X đời cuối và thế hệ Y đời đầu dần chìm vào
hoài niệm ở tuổi trung niên, âu cũng là hợp lý khi họ muốn thấy trên
phim ảnh những dấu ấn về quá trình trưởng thành của mình. Chúng ta cũng
đang sống trong thời đại tôn thờ sự đổi mới: chủ nghĩa hối hả làm giàu
nhanh chóng đã len lỏi ra khỏi Thung lũng Silicon và đi vào các trang
mạng xã hội cũng như khát vọng của hàng triệu người Mỹ.
Do đó, chúng ta có một bộ phim như
Tetris (phát
trên AppleTV+ từ ngày 31 tháng 3), kể về lộ trình quanh co ra thị
trường quốc tế của trò chơi điện tử Nga gây nghiện điên cuồng. Bộ phim
của đạo diễn Jon S. Baird và biên kịch Noah Pink có nhiều chiêu trò khơi
lên hoài niệm xen ngang tâm trí: từ tiêu đề bằng đồ họa trò chơi điện
tử thời xưa cho đến cách thể hiện ủy mị các giao dịch kinh doanh thành
công. Phim mở đầu một cách khó chịu, với rất nhiều lời lẽ khoa trương và
biệt ngữ trong ngành ra vẻ thông minh, nhưng dần dần hiện hình thành
phim ly kỳ chủ đề ngoại giao với sự ngọt ngào gai góc ở cốt lõi.
Taron Egerton (trái, vai Henk Rogers) và Nikita Efremov (vai Alexey Pajitnov) trong Tetris
|
Có câu chuyện thực sự thú vị ở đây, liên quan đến thời kỳ Liên Xô tan rã
cuối những năm 1980, khi đất nước này vừa cảnh giác vừa thấy cám dỗ
trước tài chính của phương Tây. Taron Egerton với vẻ thật thà đóng vai
Henk Rogers, nhà thiết kế và cấp phép trò chơi điện tử mang hai dòng máu
Mỹ-Hà Lan sống ở Nhật Bản. Anh sớm biết đến Tetris và cố gắng mua bản
quyền trò chơi này cho nhiều nền tảng khác nhau — máy tính gia đình, máy
trò chơi điện tử, máy arcade và cuối cùng là các thiết bị cầm tay như
Nintendo Game Boy.
Bạn có nhớ Game Boy không? Phim
Tetris
khá thực lòng tin tưởng là có. Bộ phim rất quan tâm đến việc lần lại
gốc rễ của ký ức quý giá đó, cho thấy những đối tượng trước đây khiến
chúng ta say mê ở thời điểm chúng chập chững bước vào đời. Tất nhiên,
mọi thứ đều có một câu chuyện khởi nguồn, mặc dù ngày nay có rất nhiều
công nghệ dường như đột nhiên có mặt trên đời mà chẳng biết từ đâu ra,
như thể vận tốc tiến bộ của con người tự nhiên đẩy chúng ra đời vậy.
Ông trùm truyền thông xảo quyệt Robert Maxwell (Roger Allam, phải)
và người con trai gian xảo, Kevin (Anthony Boyle), những người sẵn sàng
mua chuộc và uy hiếp để giành độc quyền Tetris
|
Tetris tri ân chiến dịch kiên định của Rogers, đồng thời cho
chúng ta thấy khía cạnh độc hại của cuộc chiến quyền lực mà anh tham
gia. Mặt tiêu cực xuất hiện dưới hình ảnh ông trùm truyền thông xảo
quyệt Robert Maxwell (Roger Allam) và người con trai gian xảo, Kevin
(Anthony Boyle), những người sẵn sàng mua chuộc và uy hiếp để giành độc
quyền
Tetris. (Phim không đề cập đến người con khét tiếng nhất của Maxwell, Ghislaine.)
Gia
đình Maxwell đại diện cho loại chủ nghĩa tư bản tồi tệ, khiến người Nga
phải ngờ vực là đúng. Rogers đại diện cho một kiểu người có đạo đức
hơn, có sự xuất sắc và chăm chỉ đáng khen ngợi. Các nhân vật người Nga
trong phim có cán cân đạo đức của riêng họ, với người phát minh Tetris
Alexey Pajitnov (Nikita Yefremov) được miêu tả là đáng kính, cần cù và
khao khát được sống tự do và hưởng thành quả trong thực tế hậu Xô viết.
Một công chức vụ lợi do Igor Grabuzov thủ vai là minh chứng cho chủ
nghĩa cơ hội thối nát.
Công chức vụ lợi do Igor Grabuzov thủ vai là minh chứng cho chủ nghĩa cơ hội thối nát
|
Một trò chơi điện tử xếp hình không có nhiều ý nghĩa về mặt cảm xúc,
cũng như việc theo đuổi sự giàu có cũng chẳng mấy sôi động. Tuy nhiên,
Tetris
cố gắng vắt ra một ý nghĩa nào đó từ câu chuyện diễn biến nhanh này.
Thực chất bộ phim nói về rạn nứt giữa hai thời đại toàn cầu quan trọng,
về sức mạnh của đồng tiền và chủ nghĩa toàn cầu trong những gì còn lại
của một giấc mơ Nga đã phai nhòa. Thời thế thực sự thay đổi trong bộ
phim, và sự hối hả đó — đầy chóng mặt và phấn khích, cũng như đầy sợ hãi
— được gợi lên một cách khéo léo trong những khoảnh khắc đẹp nhất của
bộ phim. Egerton khiến chúng ta tin vào nhiệt huyết chân thành của
Rogers, và anh dễ dàng tương tác tốt với Yefremov — Rogers và Pajitnov
đang bắt đầu một tình bạn sẽ kéo dài tới cuối đời.
Tetris là một phim vui vẻ (và có lẽ là phóng đại) về một sự kiện kỳ lạ xảy ra trong lịch sử công nghệ.
Tetris có sức hút rộng rãi hơn một phim khác cũng lấy chủ đề xuất xứ công nghệ,
BlackBerry, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim SXSW vào tháng 3 và sẽ ra rạp vào cuối năm nay. Như tiêu đề gợi ý,
BlackBerry
kể về thăng trầm của hãng sản xuất điện thoại di động Canada. Hãng đã
góp tay mở ra kỷ nguyên điện thoại thông minh trước khi bị chính nó
nghiền nát.
Do Matt Johnson đạo diễn (cũng đóng một vai chính trong phim, ảnh), Blackberry là
câu chuyện mang tính khuyên răn, mặc dù được kể với phong cách hài hước
huyên náo tuổi sinh viên đại học hơn là cố gắng khuấy động cảm xúc
|
Do Matt Johnson đạo diễn (cũng đóng một vai chính trong phim),
BlackBerry
áp dụng cách tiếp cận hài hước vô chính phủ đối với tư liệu, có lẽ vì
phim không phải xoay xở với nhiều vấn đề địa chính trị nghiêm trọng.
BlackBerry
vui sướng đi theo phong cách nạt nộ kiểu Ari Gold;* doanh nhân thô lỗ,
không ngại chửi bới mà chúng ta đã thấy gần đây vừa được tôn vinh vừa bị
chế giễu trên các phim truyền hình về Uber và WeWork. Glenn Howerton,
nổi tiếng từ
It’s Always Sunny in Philadelphia, vào vai Jim
Ballsillie, một doanh nhân giỏi giang lấy công nghệ điện thoại được một
nhóm mọt sách (chủ yếu là Mike Lazaridis, do Jay Baruchel thủ vai) sáng
tạo và biến nó thành một hiện tượng toàn cầu.
Chúng ta được cho là sẽ thích thú với sự thái quá của Jim nhưng cũng thấy hiểm họa của họ.
BlackBerry
cuối cùng không phải là về sự sụp đổ từ bên trong; chính iPhone (và
người anh em Android) đã xóa sổ công ty này. Chắc chắn đã có sơ suất nội
bộ nào đó — chẳng hạn như hy sinh tính chính trực của thương hiệu để
làm sao cho nhanh và rẻ — nhưng chủ yếu công ty trở thành nạn nhân của
việc dẫn đầu và trở nên kiêu ngạo về vị trí đó. Đây là một câu chuyện
mang tính khuyên răn, mặc dù được kể với phong cách hài hước huyên náo
tuổi sinh viên đại học hơn là bày tỏ thương cảm.
Mike Lazaridis, do Jay Baruchel thủ vai, nhân vật chủ chốt của nhóm mọt sách sáng tạo ra công nghệ điện thoại mà qua bàn tay của doanh nhân giỏi giang Jim Balsillie đã trở thành một hiện tượng toàn cầu
|
Điều nổi bật nhất về
BlackBerry và điểm chung của phhim này với
Tetris theo cách nào đó, là nó mời người xem đối mặt với một sự thật đơn giản: tất cả những thứ này đã có xuất xứ từ đâu đó.
BlackBerry
lạnh lùng nhắc nhở chúng ta về một thời cách đây không xa, khi điện
thoại thông minh là một thực thể xa lạ, thuộc về tương lai và khác
thường và hầu như không thể hiểu được. Theo cách đó, có thể bộ phim là
khúc dạo đầu cho sự đổ vỡ, là miêu tả về những ngày mờ nhạt ngay trước
khi thế giới chuyển sang một hướng mới và tất cả chúng ta đều rơi vào
bùa mê của một cơn nghiện gây hao mòn mới.
Không nghĩ đó là nỗi hoài niệm. Mặc dù, tất nhiên, một số người xem
BlackBerry
sẽ cảm thấy thán phục trước những bậc thầy đang mày mò vũ trụ. Sau
cùng, có vô vàn sự tôn kính dành cho công nghệ, trong khi những kẻ sợ
công nghệ chúng ta hoảng hốt lo lắng ru rú ở góc nhà. Có chăng
BlackBerry
chia sẻ sự thán phục ấy; khi nó vận hết sức, bộ phim coi những cậu trai
tóc xù này như các nhà khoa học NASA đang vội vã đưa nhân loại lên mặt
trăng. Cũng giống như
Tetris, đầy ấn tượng và nhiệt thành, trìu mến nhìn Rogers và Pajitnov như những người sáng tạo nổi loạn có công khai sáng.
Air cũng nói về những người đã phát minh ra thứ mà cách đây vài thập kỷ rất nhiều người muốn mua, lần này là giày thể thao
|
Tháng 4 còn có
Air, một phim khác về những người đã phát minh
ra thứ mà cách đây vài thập kỷ rất nhiều người muốn mua, lần này là giày
thể thao. Sẽ có nhiều điều để nói về phim này ngoài chuyện đáng buồn là
chúng ta đang được phục vụ một lượng lớn phim nhìn nhận các mặt hàng
tiêu dùng ở thời trẻ của những người ở tuổi trung niên lúc này như một
thành tích mang tính định nghĩa thời đại. Có vẻ như những năm tháng kỳ
diệu của chúng ta chủ yếu xoay quanh mấy món đó.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair
* Nhân vật trong phim truyền hình
Entourage, có tính cách lôi cuốn và hài hước nhưng cũng cực kỳ thô tục và hống hách ích kỷ. (ND)