Tin tức

Thành công và thất bại của phim hè Trung Quốc tiết lộ gì về khẩu vị khán giả

05/09/2018

Mùa bom tấn hè đã kết thúc, đến lúc bói trà và nhận biết những gì đang diễn ra tại phòng vé Trung Quốc.

Tháng 7 và tháng 8 là thời gian vắng bóng phim Hollywood hàng năm ở Trung Quốc, và các xuất phẩm trong nước được đà nhờ việc cấm phim nước ngoài kinh phí lớn - nhưng có một vài trường hợp ngoại lệ trong mùa hè này: Skyscraper ra rạp ở Trung Quốc ngày 20/7 và The Meg được phát hành đồng thời ở Trung Quốc và Mỹ vào ngày 10/8. Cả hai đều làm ăn khá tốt ở phòng vé Trung Quốc, với Skyscraper lấy 670 triệu nhân dân tệ (98 triệu USD).

Nhưng xét kỹ bạn sẽ thấy cả hai phim này có kết nối với Trung Quốc.

Cùng với sự tham gia của Lý Băng Băng và Triệu Văn Tuyên, phim cá mập The Meg là xuất phẩm đồng sản xuất Trung Quốc-Mỹ, một trong những nhà cung cấp tài chính cho bộ phim là Flagship Entertainment, công ty Trung Quốc do WarnerMedia đồng sở hữu. Trong khi đó, Skyscraper do Legendary Entertainment sản xuất, hãng phim thuộc sở hữu của tập đoàn Wanda.

Cao trào của The Meg diễn ra ở Sanya, trên đảo Hải Nam, trong khi Skyscraper xảy ra ở Hồng Kông, với tòa tháp hư cấu ở trung tâm của bộ phim tham chiếu các tòa nhà ở Thượng Hải và Quảng Châu.

Chìa khóa thành công của hai phim này có vẻ nhờ khả năng thu hút thị hiếu của người Trung Quốc. Vậy thì một lần nữa, đó không hẳn là tin mới: mùa hè năm ngoái các lãnh đạo tuyên truyền của quân đội Trung Quốc đã khó nhọc học hỏi điều đó khi sản xuất bộ phim tự kỷ niệm The Founding of an Army của họ lúng túng đối mặt với Wolf Warrior 2 kiểu Rambo của Ngô Kinh.

Jason Statham và Lý Băng Băng với mô hình cá mập đại tân sinh tại sự kiện quảng bá cho The Meg ở Thượng Hải ngày 17/6/2018

Những người chiến thắng khác trong mùa hè này bao gồm Dying to Survive, bộ phim dựa trên câu chuyện đời thật của một người đàn ông Trung Quốc buôn lậu thuốc Ấn Độ giá rẻ vào Đại lục để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư nghèo khó. Là tác phẩm đạo diễn đầu tay của Văn Mục Dã và có diễn viên hài hạng A Từ Tranh đóng chính, Dying to Survive đã tạo tiếng vang sau khi ra mắt ở Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải hồi tháng 6 và thu hoạch 163 triệu nhân dân tệ từ việc phát hành giới hạn, trước khi phát hành đại trà vào ngày 5/7.

Theo số liệu từ hãng nghiên cứu ngành công nghiệp điện ảnh EntGroup, Dying to Survive chiếm hơn 80% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc trong tuần đầu tiên, và duy trì một tỷ phần ấn tượng trong hai tuần tiếp theo (hơn 50% trong tuần thứ hai và 25% trong tuần thứ ba). Được xem là Dallas Buyers Club (2013) của Trung Quốc, Dying to Survive hiện đã làm ra hơn 3,1 tỉ nhân dân tệ, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng của năm sau hai bom tấn Operation Red Sea (3,9 tỉ nhân dân tệ) và Detective Chinatown 2 (3,7 tỉ nhân dân tệ) dịp Tết Nguyên đán.

Áp phích quảng cáo cho bộ phim Dying To Survive tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh

Khán giả Đại lục thích câu chuyện ăn mày thành triệu phú hay, trong đó châm biếm về tiền bạc, và Hello Mr Billionaire, đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng phòng vé, chính là như vậy. Làm lại bộ phim hài Mỹ năm 1985 Brewster's Millions, Mr Billionaire xoay quanh một cầu thủ thất bại đấu tranh để thừa kế tài sản của ông chú giàu có – muốn vậy, anh phải chi 1 tỉ nhân dân tệ trong một tháng.

Phát hành vào ngày 27/7, Mr Billionaire kiếm hơn 900 triệu nhân dân tệ trong tuần khai mạc. Sang tuần thứ tư, doanh thu của phim đạt 2,5 tỉ nhân dân tệ.

Do Hoàng Bột đạo diễn, The Island là phim hài nói về một người lao động trúng số nhưng không thể lấy được tiền thưởng vì bị mắc kẹt trên một hòn đảo sau khi đắm tàu. Ra rạp ở Trung Quốc ngày 10/8, bộ phim đã chứng tỏ là ngòi nổ chậm, với doanh thu đạt 1,2 tỉ NDT vào cuối tuần thứ hai.

Cảnh trong phim Hello Mr Billionaire: khán giả Đại lục thích câu chuyện ăn mày thành triệu phú hay, trong đó châm biếm về tiền bạc

Trong số những thất bại mùa hè này là bộ phim mới nhất của Từ Khắc trong loạt phim Địch Nhân Kiệt, Four Heavenly Kings có vẻ đã lỗi thời. Mặc dù tổng doanh thu 600 triệu nhân dân tệ trong hai tuần bắt đầu từ 27/7 có vẻ đủ khỏe mạnh, con số này chỉ tương ứng với số tiền thu được của phần trước đó, Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon năm 2013, bất chấp sự mở rộng của thị trường Trung Quốc trong những năm qua.

Oolong Courtyard, phim đầu tiên của nhà làm phim hạng B hàng đầu Đài Loan Chu Diên Bình trong bốn năm, bị đắm ngay khi phát hành vào ngày 17/8, vì The IslandThe Meg tiếp tục song đôi áp đảo.

Europe Raiders của Mã Sở Thành, phần tiếp theo trong loạt phim đánh cướp đã đưa đạo diễn Mã vào danh sách đạo diễn hạng A trong những năm 90, cũng bị xịt.

The Island đã chứng tỏ là ngòi nổ chậm

Với Lương Triều Vỹ trở lại vai diễn thám tử tư tự mãn và Jet Tone Films của Vương Gia Vệ là nhà sản xuất, Europe Raiders đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé được nửa ngày khi mở màn hôm 17/8. Phim chỉ làm tốt được có bấy nhiêu: thu khoảng 974 triệu nhân dân tệ vào ngày đầu tiên, bộ phim kiếm được thêm chưa đến một nửa con số đó vào tổng thu cuối tuần.

Europe Raiders bị đả kích cùng khắp trên các cổng thông tin phim vì kịch bản yếu và diễn xuất dở. Có một thời cốt truyện của bộ phim – những người đẹp với những mánh lới đi khắp những địa điểm nước ngoài hào nhoáng – đã thu hút những khán giả khao khát sự quyến rũ: đó là lý do tại sao Tokyo Raiders (2000) và, ở mức độ thấp hơn, Seoul Raiders ( 2005), hiệu quả vào đầu thế kỷ 21. Nhưng khán giả Đại lục bây giờ đã nhìn thấy nhiều rồi – và họ thà xem ai đó tương tự như họ dấn thân vào cuộc phiêu lưu, như Vương Bảo Cường đã làm trong Lost in Thailand (2012), Buddies in India (2016) và Detective Chinatown 2 (2017).

Người đẹp với những mánh lới đi khắp những địa điểm nước ngoài hào nhoáng một thời thu hút những khán giả khao khát sự quyến rũ giờ đã mất hết phép màu khiến Europe Raiders trở thành bom xịt

Thật thú vị xem khán giả Trung Quốc phản ứng như thế nào với làn sóng bom tấn trong nước sẽ đổ bộ rạp chiếu trong “Tuần lễ vàng” quốc khánh. Trong số đó có bộ phim về mối quan hệ trải dài một thập kỷ Ash Purious White của Giả Chương Kha, phim võ thuật kỳ ảo Shadow của Trương Nghệ Mưu và phim ly kỳ tội phạm Project Gutenberg của nhà làm phim Hồng Kông Trang Văn Cường.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.