Tin tức

Tranh cãi về hệ lụy từ việc làm phim với kinh phí quá thấp của điện ảnh độc lập Nhật Bản

12/07/2018

Giải Cành Cọ Vàng cho Shoplifters của Hirokazu Kore-eda có vẻ quá xa vời đối với hầu hết nhà làm phim Nhật Bản. Thay vào đó, một cuộc chiến ngôn từ công khai hiếm có làm dấy lên câu hỏi liệu điện ảnh Nhật Bản có đang bị sản xuất một cách quá rẻ tiền. Và liệu điều đó có phá hủy ngành công nghiệp này?

Trong những năm gần đây, số lượng nhà làm phim tăng lên đã tái định nghĩa kinh phí thấp nghĩa là gần như không có kinh phí. Điều này đã mở rộng cách biệt giữa các hãng sản xuất phim lớn Nhật Bản và phần lớn các nhà làm phim độc lập. Và cũng có thể dẫn tới sự biến mất của hầu hết các phim kinh phí tầm trung, phân khúc của Shoplifters, cùng với nhiều công ty từng phân phối những phim này.

Áp phích phim Shoplifting Family tại một rạp chiếu ở thành phố Shizuoka

Một ví dụ gần đây cho phân khúc kinh phí siêu thấp là One Cut of the Dead, phim hài về đề tài xác sống do Shinichiro Ueda, 34 tuổi viết kịch bản và đạo diễn. Phim được công chiếu hồi tháng 4 tại Liên hoan phim Viễn Đông Udine, liên hoan phim lớn nhất châu Âu dành cho điện ảnh đại chúng châu Á, và giành được hạng nhì ở giải thưởng do khán giả bình chọn.

Do trường điện ảnh Tokyo Enbu Seminar sản xuất, nơi Koji Ichihashi là chủ tịch, và một phần được gọi vốn tài trợ, One Cut of the Dead được thực hiện với 23.000 đôla Mỹ (2,5 triệu yen). Các sinh viên của trường tham gia vào dự án này như một dự án của trường.

Trên mạng xã hội, Ueda và nhà sản xuất Ichihashi bày tỏ sự vui mừng về thành công tại Udine. “Việc một phim kinh phí siêu thấp với dàn diễn viên và đội ngũ không tên tuổi đã tiến gần đến với những người khổng lồ lỗi lạc của thế giới điện ảnh là một câu chuyện mà ngay cả (tạp chí truyện tranh) Shonen Jump cũng sẽ từ chối vì không tưởng!”

Cảnh làm phim One Cut of the Dead

Nhưng không phải ai cũng chia sẻ niềm vui của Ueda và Ishihashi. Vào ngày 10/5 Koji Fukada, đã có Harmonium đoạt giải của ban giám khảo Góc Nhìn Đặc Biệt (Un Certain Regard) năm 2016, bày tỏ sự thất vọng trên Facebook. “Nếu bạn nói như thể nghèo khó khi thực hiện phim là điều gì đó bình thường và tích cực, thì ngành công nghiệp siêu bất công này ngày nay sẽ tiếp diễn theo cách đó mãi mãi,” anh nói. “Nếu bạn có năng lượng để làm phim tôi mong bạn sẽ cố gắng gọi vốn. Hãy cải tiến, dù chỉ một chút, hệ thống ngành công nghiệp này.”

Fukada cũng là đồng sáng lập của Hiệp hội điện ảnh độc lập (Independent Cinema Guild), một tổ chức của những nhà làm phim chuyên nghiệp ủng hộ lĩnh vực phim độc lập bằng việc hỗ trợ gọi vốn, các sự kiện kết nối và nhiều sáng kiến khác. Sự trả miếng của anh với Ueda đã khởi đầu cho nhiều bình luận từ giới làm phim chia sẻ sự bất đồng với điều kiện dựng phim nghèo nàn, và sự chán ghét đối với những người lấy đó làm lợi thế.

Một vấn đề nữa của điện ảnh Nhật Bản, ít nhất là trên bề mặt, đã thành công trong việc đẩy Hollywood vào tình thế chiếm thị phần nhỏ trên thị trường điện ảnh lớn thứ ba trên thế giới. Phim Nhật Bản đã tăng thị phần từ 48% năm 2007 lên 55% năm 2017, theo số liệu từ Eiren.

Cảnh trong phim One Cut of the Dead

Tương tự, một phân tích chi phí–lợi ích có thể dẫn đến hiểu lầm. Doanh thu cộng dồn 1,15 tỉ đôla Mỹ năm ngoái của phim Nhật được phân cho 594 đầu phim, cho thấy doanh thu phòng vé thấp của mỗi phim vào tầm 1,93 triệu đôla Mỹ. Kinh phí trung bình tại Nhật Bản có thể là 460.000 đôla Mỹ (50 triệu yen). Tỷ lệ kinh phí so với doanh thu có vẻ đủ mạnh cho đến khi xem xét đến các ông lớn thì mới bộc lộ sự méo mó.

Ông lớn của ngành công nghiệp này, Toho đã chiếm phần lớn doanh thu phòng vé thường niên trong hàng thập kỷ, thường có 8-10 phim hàng đầu. Và hãng này hy vọng mỗi phim ra mắt có doanh thu ít nhất 9 triệu đôla Mỹ (1 tỉ yen). Phần còn lại thuộc về Warner, Shochiku, Gaga, Toei, Asmik Ace và Kadokawa.

Kinh phí sản xuất cho phim được các nhà phân phối hàng đầu phát hành thường vào khoảng 1 triệu đến 5 triệu đôla Mỹ, mặc dù vậy các phim bom tấn có thể cao hơn, đặc biệt là phim hoạt hình. The Tale of the Princess Kaguya năm 2013 của Isao Takahata tốn khoảng 46 triệu đôla Mỹ (5 tỉ yen).

The Tale of the Princess Kaguya

Điều này đã khiến dòng phim độc lập như sống bằng không khí. Và, vì vậy, họ thu hẹp chi phí sản xuất lại hết mức có thể. Trong khi tấn công Ueda, Fukada phải tự công nhận rằng mình có một “lý lịch phạm tội” làm phim kinh phí thấp mà đã “lạm dụng tình yêu điện ảnh của dàn diễn viên và đội ngũ.” Một cách kiềm chế, Ueda đã phản hồi: “Tôi không thể phủ nhận rằng kinh phí thấp sẽ khiến (diễn viên và đội ngũ) gặp khó khăn hơn để tồn tại về mặt kinh tế.”

Ueda có vẻ không hưởng lợi được nhiều từ chiến thắng của mình, ngoại trừ lời mời từ nhiều liên hoan phim hơn và nhiều đề nghị làm phim hơn. Như Fukada đã nói, các đạo diễn Nhật Bản thường chỉ được trả công lao động. Không có hoa hồng. Nhưng còn tốt hơn một số vị trí trong dàn diễn viên, những người trả tiền để được ưu tiên xuất hiện trong phim lớn.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.