Tin tức

TVB đang đánh mất cả thị trường Hồng Kông lẫn Đại lục

08/06/2016

Television Broadcasts, đài truyền hình miễn phí lớn nhất từng là niềm tự hào của Hồng Kông. Đài này đã từng đi đầu trong việc định hình văn hóa đại chúng của địa phương trong những năm 1980.

Nhưng có vẻ TVB đang mất dần đi sự ủng hộ từ thị trường Đại lục to lớn.

Một bài bình luận đăng trên nhật báo nhà nước của Trung Quốc đưa ra một vài cái nhìn sâu vào sự suy giảm của biểu tượng văn hóa một thời của Hồng Kông.

Vai diễn Hứa Văn Cường của Châu Nhuận Phát trong phim bộ truyền hình
nổi tiếng của TVB thập niên 80
Bến Thượng Hải đưa anh lên đài danh vọng
và trở thành một tên tuổi lớn trên màn ảnh rộng

Tờ People’s Daily đã đăng bài viết có tựa đề "Một chuyến thăm TVB, nhà máy sản xuất ngôi sao và cội nguồn phim truyền hình Hồng Kông”.

Tuy tựa đề có vẻ trung lập, bản thân bài viết chỉ ra sự thiếu đầu tư và thiếu sáng tạo đã dẫn tới sự suy tàn trong các xuất phẩm của nhà đài này những năm gần đây.

Người viết ghi lại rằng nhiều phim bộ TVB được sản xuất tại phim trường của đài.

Thực chất không có chuyện gì sai, nhưng người hâm mộ đã nhận ra rằng nhiều phim được quay với cùng đạo cụ và cảnh trí.

Bài viết không cố bắt lỗi mà đơn thuần chỉ ra những nhận xét hiển nhiên.

“Những người hâm mộ TVB thỉnh thoảng phát chán việc xem một khung cảnh được sử dụng đi sử dụng lại.”

Một góc phim trường TVB

Bài viết đã cố gắng để hiểu được hoàn cảnh mà những nhà sản xuất phải đối mặt và đưa ra một lời giải thích: “Có thể do đất đai có hạn ở Hồng Kông.”

Và không chỉ việc sử dụng lặp lại bối cảnh là rõ ràng với đa số người xem. Thậm chí cả những đạo cụ trường quay và phục trang diễn viên cũng được dùng lại liên tục.

“Ở TVB, một bộ đồ có thể được dùng lại trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ còn đạo cụ thì được sử dụng ở nhiều phim khác nhau,” bài viết nêu ra.

Thực tế, nhiều người hâm mộ TVB đã lấy việc sử dụng lại đạo cụ và phục trang này ra làm trò cười bằng cách “chụp lại hình” một cảnh trong bộ phim này và so sánh với một cảnh khác làm trước đó một tuần cho phim khác.

Nhưng tại sao khán giả vẫn trung thành với TVB?

Bài viết nói rằng nhiều người vẫn sẽ xem phim TVB bởi chúng nuôi nấng cảm xúc của “mối tình đầu” với kênh truyền hình này. Nó đã mở cánh cửa số đầu tiên vào thế giới trong những năm 1980, 1990.

Một tiệm thuốc rất hay thấy trên phim cổ trang TVB

Nhưng rồi bài viết kết luận: “TVB không còn là lựa chọn duy nhất của khán giả.”

Người Trung Quốc ngày càng giàu lên và sự sung túc ngày càng tăng này cho phép họ có thể nhìn ra bên ngoài những sản phẩm nội địa để thỏa mãn nhu cầu về phim ảnh.

Hẳn rằng những nhận xét trong bài viết trên tờ People’s Daily không có gì mới với khán giả truyền hình Hồng Kông.

Người Hồng Kông hiểu rất rõ những thiếu sót trong các sản phẩm truyền hình của nhà đài này. Nhiều người thấy rối sau khi xem phim.

Bởi các biện pháp kiểm soát chi phí của quản lý nhà đài, chỉ một số ít diễn viên thống trị các chương trình giờ vàng. Kết quả là, người xem cảm thấy lúng túng sau khi xem cùng một diễn viên hóa thân ba nhân vật khác nhau trong ba bộ phim khác nhau trong vòng ba tiếng đồng hồ của một buổi tối.

Kịch bản cho những bộ phim này cũng bị ảnh hưởng bởi sự keo kiệt. Biên kịch làm việc trong áp lực gay gắt nên phải viện tới những lời thoại “công thức”. Một trong những ví dụ thường gặp là câu thoại này: “Đói chưa? Cùng nấu mì gói ăn nhé.”

Phim khai thác đề tài cảnh sát phá án từng là một trong những thế mạnh nhất của TVB. Ảnh trên: áp phích phim Bảo vệ nhân chứng, phim bộ TVB có tỷ suất cao nhất năm 2012

Cư dân mạng lại có thêm việc sưu tập những câu thoại bị dùng quá đà từ kịch bản các chương trình của TVB.

Những người hâm mộ TVB có thể vẫn giữ chút thương cảm cho kênh truyền hình gắn với tuổi thơ họ, nhưng sự bất mãn cũng đang gia tăng.

Đó cũng có thể là lý do tại sao nhiều người tham gia biểu tình ba năm trước sau khi chính quyền đặc khu từ chối cấp phép cho Đài Truyền hình của Vương Duy Cơ, có thể mang lại chọn lựa thay thế cho những chào hàng cũ rích của TVB.

Một lý do tại sao nhiều người Hồng Kông chịu đựng TVB, bất chấp những chương trình nhạt nhẽo khó chịu, là bởi họ được tiếp cận với một khối lượng lớn nội dung video chất lượng cao khắp thế giới thông qua mạng internet.

Nhiều năm qua, tỷ suất xem đài TVB đã giảm nghiêm trọng. Tỷ suất trung bình giờ vàng dao động khoảng 20 điểm, giảm từ 28 đến 30 cách đây một thập kỷ.

Điều tệ nhất vẫn chưa tới khi mà ngày càng nhiều khán giả Hồng Kông dùng internet để thỏa mãn nhu cầu phim ảnh.

Áp phích phim Mạt đại ngự y, một trong những phim mới của TVB năm 2016 không mấy thành công về tỷ suất người xem

Để duy trì cương vị tiên phong trên thị trường Hoa ngữ toàn cầu, TVB đã chuyển trọng tâm tới Trung Quốc, đặc biệt sau sự chuyển giao chủ sở hữu từ Thiệu Thị về tập đoàn của thương gia Hồng Kông Charles Chan và gần đây nhất, sự gia nhập của cựu chủ tịch Tập đoàn Shanghai Media Li Ruigang trong vai trò cổ đông của đài.

Sự góp mặt của những nhà đầu tư Đại lục giúp TVB mở rộng vào thị trường phát triển thần tốc này.

Cùng lúc đó, nhiều khán giả Hồng Kông hiện xem đài này là sự mở rộng của cánh tay tuyên truyền từ Trung Quốc. Nhiều người bắt đầu gọi đài này là “CCTVB”, một “nhánh” của đài truyền hình nhà nước CCTV.

Thái độ ủng hộ Bắc Kinh rõ ràng và xu hướng tránh chỉ trích các chính sách và cá nhân Bắc Kinh chỉ càng làm vững chắc thêm ấn tượng này.

Tuy nhiên, bài viết trên tờ People’s Daily ngụ ý rằng TVB chưa được xem là một trong những chú ngựa truyền thông trong chuồng ngựa của Bắc Kinh.

Bài viết cũng gợi ý rằng ảnh hưởng lớn và các mối liên hệ vẫn phải tạo ra lợi nhuận cho TVB ở Đại lục.

Khi TVB phát sóng bộ phim truyền hình Đại lục Tây du ký,
nhà đài đã nhận sự phàn nàn dữ dội của khán giả

Nếu tình huống là như thế, thì TVB có vẻ đang ở trong tình trạng lấp lửng. Thất bại trong việc giành lại hứng thú của khán giả Hồng Kông trong khi vẫn không thể lợi dụng ảnh hưởng đáng kể của mình để mở rộng tầm ra thị trường Đại lục.

Khi mà tỷ suất người xem TVB tiếp tục xuống dốc, các sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của người xem Trung Quốc.

Một ví dụ là các nhà phân phối nội dung truyền hình Hàn Quốc sẵn sàng thay đổi lịch phát sóng để phù hợp với những yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc.

Theo một cách nào đó, tình trạng đã được dự đoán của TVB phản ánh tình trạng hiện tại ở Hồng Kông.

Điều quan trọng là TVB phải duy trì sự độc đáo trong việc tạo ra giá trị, và không mù quáng ôm lấy thị trường Đại lục.

Bài viết trên tờ People’s Daily là một sự cảnh tỉnh những người lãnh đạo TVB cần nghiêm túc xem lại mô hình kinh doanh của mình.

Thị trường Đại lục rộng lớn, nhưng TVB chỉ có thể thành công bằng việc duy trì sự độc đáo của một đài truyền hình Hồng Kông, và đó nghĩa là đầu tư nhiều tiền và tài năng hơn để sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: ejinsight


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.