Sự thắng thế của những bộ phim được cho là hài nhảm ở các phòng vé rạp
chiếu khiến giới chuyên môn có cái nhìn bi quan hơn về diện mạo điện ảnh
Việt trong năm nay.
Cách đây vài năm, tại các hội thảo, tọa đàm điện ảnh cuối năm, các nhà
chuyên môn thường thở dài về tình trạng phim Việt chiếu rạp ảm đạm, lép
vế so với phim truyền hình hoặc phim ngoại. Song, năm qua, phim Việt đã
thật sự “bùng nổ” với những chuyển biến có dấu hiệu tích cực từ việc
tăng số lượng rạp chiếu cho đến số phim ra rạp, doanh thu. Phim sản xuất
cũng đa dạng thể loại, nội dung, đề tài...
Diện mạo mớiVới
22 phim phát hành trên cả nước trong năm 2014, tăng gần 38% so với năm
2013, không ai dám phủ nhận một diện mạo sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn của
phim Việt. Nhìn vào số lượng áp đảo của phim điện ảnh trong danh sách
bình chọn Giải Mai Vàng lần này, đạo diễn Cường Ngô cho rằng đó là niềm
vui quá lớn. Có thể gọi đây là một “bước ngoặt” khi phim Việt đã chiếm
thế thượng phong qua ý thức và nỗ lực sản sinh những đứa con tinh thần
của các đạo diễn, nhà sản xuất.
Theo nhà báo Thanh Lộc, khái niệm
phim “mùa vụ” đã không còn. Giờ phim ra rạp quanh năm và đặc biệt sôi
động vào cuối năm. “Phim Việt ra rạp không còn cảm giác lạc lõng, bơ vơ.
Những phim của đạo diễn trẻ đã đánh bật được các phim “bom tấn” của
Hollywood để giành khán giả.
Chung cư ma,
Tốc độ và đường cong,
Chàng trai năm ấy là ba bộ phim chất lượng, đề tài nghiêm túc, có chiều sâu và có khán giả” - nhà báo Thanh Lộc nhận định.
Phim
Việt năm qua có những điểm nhấn nổi bật. Dòng phim kinh dị đã có chỗ
đứng với Quả tim máu và Đoạt hồn được nhà chuyên môn lẫn khán giả thừa
nhận là chất lượng, đạt doanh thu cao. Ngoài Victor Vũ và Hàm Trần,
Cường Ngô cũng là một đạo diễn trở về từ kinh đô điện ảnh Hollywood, góp
thêm vài nét cọ cho bức tranh phim Việt thêm mảng màu mới.
Năm qua, nhiều hãng phim tư nhân đã mạnh dạn đầu tư, làm phong phú thêm thị trường phim Việt như
Hương Ga,
Lạc giới,
Hiệp sĩ mù…
Những con số về doanh thu tăng vọt, những kỷ lục phòng vé liên tục được
xác lập cho thấy nhu cầu thưởng thức phim Việt của khán giả đã cao, tâm
lý “phim Việt có gì đáng xem” dần bị xóa bỏ. Việc đi xem phim bắt nguồn
từ thương hiệu đạo diễn bên cạnh thương hiệu thần tượng diễn viên như
trước đã bắt đầu manh nha.
Khó sáng sủa hơnThị
trường phim Việt đang mở rộng, công nghệ làm phim phát triển, đội ngũ
nhà sản xuất, đạo diễn đông đảo… Những nét khởi sắc ở năm 2014 như số
lượng, thể loại, đề tài… sẽ tiếp tục tăng.
Phim hài nhảm đạt doanh thu kỷ lục là nỗi lo ngại đối với giới
chuyên môn khi nhận định về bộ mặt điện ảnh Việt năm nay. Trong ảnh:
Cảnh phim Để Mai tính 2 [Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp]
|
Nhà báo Thanh Lộc nêu ví dụ: “Năm nay, chúng ta có một phim đáng được chờ đợi và kỳ vọng là
Quyên của
đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết
cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Đây là phim có chiều sâu, số phận
về cuộc đời của người phụ nữ tên Quyên trong thời kỳ loạn lạc ở Đông Âu,
khi bức tường Berlin sụp đổ. Ngoài ra, vài tác phẩm có kịch bản được
chuyển thể từ văn học khác cũng hứa hẹn mang đến những bộ phim tử tế.”
Tuy
nhiên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng cảnh sôi động, tấp nập và những
con số thành tích đó vẫn không phản ánh được bản chất thật sự của nền
điện ảnh Việt lúc này. Nói cách khác, khó cứu vãn nổi một nền điện ảnh
“nhiễu loạn”, khi mà các đạo diễn, nhà sản xuất chạy theo chiều chuộng
thị hiếu khán giả số đông, khi mà nghịch lý giữa chất lượng và doanh thu
trong phim Việt vẫn tồn tại.
Nhiều đạo diễn có tay nghề đánh mất
sự kỳ vọng của khán giả điện ảnh đến mức người làm nghề phải giật mình
thảng thốt, điển hình là Charlie Nguyễn. Với
Tèo em và
Để Mai tính 2, vị đạo diễn của
Dòng máu anh hùng
đã chấp nhận làm ra những thước phim hài nhảm nhí, thô tục, “dựa hơi”
các màn chọc cười thô thiển, nhàm chán của diễn viên Thái Hòa. Khán giả
không còn nhận ra bóng dáng một đạo diễn tài năng trở về từ Hollywood
trong những phim của anh.
Vậy mà, chính hai phim này lại đua nhau
xác lập kỷ lục phòng vé! Bà Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện
ảnh TPHCM, ta thán: “Những phim điện ảnh hài hước, nhảm đến thảm họa
đang che mờ nền điện ảnh đáng ra phải tươi sáng từng ngày.”
Phim chất lượng bị phim thảm họa hạ đo ván vốn tồn tại lâu nay nhưng đến
Để Mai tính 2, những người trong giới mới thật sự thất vọng. Nhiều người băn khoăn không biết cứ đà này, nền điện ảnh Việt sẽ đi về đâu?
Nguồn: Người lao động