Hai buổi chiếu có tính chất “chào hàng” của Những người viết huyền thoại
ở TPHCM đã thành một cơn chấn động nho nhỏ. “Bất ngờ”, “xúc động”, “hấp
dẫn” và thậm chí “bái phục” là những từ cảm thán được thốt lên bởi các
nhà báo, nhà phê bình phim sau buổi chiếu.
Trung úy Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái - phải) và tướng Dinh (Hoàng Hải) giữa cảnh chiến trường ác liệt
Và cũng chỉ vậy rồi thôi. Đạo diễn bảo đem phim ra công chúng ư? Tôi chưa biết cách nào để tìm được ánh sáng cuối đường hầm đây!
Phim
được lấy cảm hứng từ một câu chuyện đầy bi tráng quanh việc lắp đặt
đường ống dẫn dầu dài 5.000 km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng
khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969). Đi suốt từ Bắc
vào Nam, đi qua những tọa độ chết khủng khiếp nhất của cuộc chiến là
biết bao tuổi thanh xuân tươi đẹp, là Hà, là Đức, là Mai... hồn nhiên
yêu đời, là Nghĩa dũng mãnh như một chiến binh... Và bên cạnh đường ống
huyền thoại ấy là rất nhiều những con người anh dũng khác đã ngã xuống,
máu của họ hòa vào đất vào nước của đại ngàn Trường Sơn để đường ống dẫn
dầu được hoàn thành, nối dài mãi vào chiến trường, đưa những đoàn quân
ra trận...
Kinh phí 10 tỉ đồng - đố phim Hollywood làm được!Nhà
phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm viết trên trang cá nhân của anh: “Cái làm
cho tôi và hầu hết khán giả ở rạp chiếu xúc động là hình ảnh rất thật
về cuộc chiến, vừa trần trụi vừa lãng mạn. Vừa hấp dẫn với những cảnh
chiến đấu dữ dội, bom rơi đạn nổ ong đầu từ đầu tới cuối, vừa xúc động
với những cảnh đau thương mất mát trong chiến tranh, từ trên chiến
trường bom đạn đến vùng quê thanh bình... tất cả được thể hiện với một
ngôn ngữ điện ảnh chắc tay, mạnh mẽ của một đạo diễn có nghề và biết
cách để hấp dẫn khán giả.”
Diễn viên Tăng Bảo Quyên trong phim
Còn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì hào hứng: “Khác với nhiều phim chiến tranh Việt Nam khác,
Những người viết huyền thoại
mô tả những “huyền thoại” đầy tính anh hùng lãng mạn, với hình ảnh
người chiến sĩ đứng hiên ngang giữa bom rơi đạn nổ, bước đi trong slow
motion (cảnh quay chậm) với khói lửa bùng lên phía sau lưng. Điểm mạnh
của
Những người viết huyền thoại không phải chỉ ở bom rơi đạn
nổ liên hồi (hẳn phim phải đoạt giải cháy nổ nhiều nhất trong lịch sử
điện ảnh Việt Nam, cứ hai phút là bom nổ dài năm phút), mà ở cách tạo ra
những khoảnh khắc đầy cảm xúc: từ hồi hộp đứng tim hay nhẹ nhàng hài
hước đến xúc động lặng người... Chúc mừng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cùng
êkíp đã có một phim tử tế đáng tự hào - bởi với kinh phí 10 tỉ đồng, đố
phim Hollywood nào làm được những gì Những người viết huyền thoại đã làm
được”.
Nhịp phim, không khí, mùi vị chiến tranh đậm nét đã ít
nhiều xóa nhòa được chút gợn, chút phân vân với những lỗi lặt vặt trong
phim... Vẻ đẹp mạnh mẽ phong trần của chàng trung úy Nghĩa (vai diễn
xuất sắc của Trương Minh Quốc Thái) cũng đủ gây thiện cảm để người xem
quên đi nét diễn hơi mờ, hơi nhạt của cô văn công Bảo Hà (Tăng Bảo
Quyên). Người xem chỉ còn nhớ mình đã rưng rưng xúc động, đã gai người
trước hình ảnh hai đứa trẻ ngây thơ bé bỏng trước sức mạnh hủy diệt của
bom đạn, trước những chiến sĩ văn công lần lượt lặng lẽ ngã xuống trên
suối, các nữ chiến sĩ trên giàn pháo bắn máy bay cũng lặng lẽ hi sinh...
Biểu tượng nhưng xúc động và không khiên cưỡng, giáo điều.
Những đứa trẻ ngây thơ giữa đạn bom
Quảng bá 10 triệu đồng - chuyện chỉ có ở phim nhà nước!Kinh phí được duyệt cho
Những người viết huyền thoại
là 11,5 tỉ đồng, kinh phí thực tế sản xuất được nhận là 80% của con số
trên và được thêm 2,5 tỉ đồng tài trợ, và 10 triệu đồng (trên tổng kinh
phí) để làm trailer (đoạn giới thiệu phim), poster và công tác nhiếp ảnh
trường quay. Một con số quả thật vô cùng hài hước nếu biết rằng khâu
quảng bá và phát hành luôn là khâu mà các nhà sản xuất phim tư nhân đánh
giá là vô cùng quan trọng, kinh phí dành cho nó có thể lên tới 20-30%
tổng kinh phí sản xuất phim. Thậm chí có nhiều phim chiếm đến 50%. Kinh
phí cho phát hành không thấy nhắc đến trong dự toán sản xuất của
Những người viết huyền thoại!
Đạo
diễn Bùi Tuấn Dũng bảo: “Tất nhiên, tôi cũng có thể giống các đạo diễn
làm phim nhà nước khác nghĩa là chờ đến khi nào hãng chủ quản tìm được
một địa điểm chiếu - thường là một địa điểm rất tồi về cả chất lượng âm
thanh lẫn hình ảnh - mà tôi nhất định không muốn bộ phim đã được đầu tư
kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật lại xuất hiện trong một cái rạp nhem nhuốc nào
đó.” Muốn đem phim vào TPHCM, khi đạo diễn xin phép Hãng phim truyện
Việt Nam - đơn vị chủ quản - thì nhận được câu trả lời nếu đoàn phim
muốn chiếu thì tự tìm kinh phí.
Thế là Dũng đi xin và Hội cựu
chiến binh Tập đoàn Dầu khí đã giúp phần lớn kinh phí để có được hai
buổi chiếu ở TPHCM ngày thứ hai 2/12/2013. “Hãng cũng có cái khó, tôi
hiểu, vì khi lên kế hoạch làm phim họ có phần kinh phí dành cho phát
hành đâu! Trong khả năng của mình, tôi chỉ có thể chiếu cho anh em làm
nghề và bạn bè báo chí xem. Cũng vui là hai buổi chiếu đa số ý kiến là
thích thú, vì thế tôi cũng đã có cơ hội được gặp một số nhà phát hành,
họ thì hào hứng đấy nhưng bài toán nan giải mà họ phân vân là kinh phí
phát hành tìm ở đâu?” - Dũng tâm sự.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trên trường quay Những người viết huyền thoại
Có một mẫu số chungNhận đến sáu giải quan trọng từ Liên
hoan phim quốc gia lần thứ 18 (Bông sen vàng cho phim, giải nam nữ diễn
viên xuất sắc nhất, kịch bản, bối cảnh xuất sắc nhất và giải khán giả
bình chọn), vậy mà đã mấy tháng trôi qua kể từ lúc
Những người viết huyền thoại
duyệt xong, rồi có giải, thì xem phim này ở đâu vẫn là câu hỏi khó.
Ngay cả đạo diễn cũng không trả lời được câu hỏi này: “Chờ mãi mà chưa
thấy hãng chủ quản phim có động thái muốn đem phim đi chào mời các nhà
phát hành thì anh em làm phim phải “thò” tay vào, kể cũng hơi vô duyên.
Mà thà là vô duyên còn hơn bất lực nhìn sản phẩm nhọc công của mình có
nguy cơ chìm vào quên lãng. Tốn tiền sản xuất và không phát hành được là
thực trạng bi đát của phim do Nhà nước đặt hàng. Nhiều phim tốt mà phát
hành kém gây lãng phí ngân sách và thiệt hại tài chính rất lớn. Tôi
nghĩ Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch khi giao phim sản xuất cho các hãng
cũng nên tính đến hiệu quả phát hành, và nếu phát hành không được thì
phải truy cứu trách nhiệm. Thật bất công khi chúng tôi cố gắng hết sức
để làm bộ phim tốt nhất mà không thể đưa bộ phim tới công chúng chỉ vì
sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của một số người nào đó liên quan tới khâu
quảng bá phát hành!”.
Con đường ra rạp của
Những người viết huyền thoại
phải chăng chính là mẫu số chung của các phim nhà nước? Đã có nhiều
chục tỉ, nhiều trăm tỉ đồng trong vài chục năm gần đây đổ vào phim nhà
nước. Tất nhiên trong số đó, số lượng phim dở chiếm khá nhiều khiến khán
giả mất lòng tin vào dòng phim này. Và rất ít trong số đó đến được với
khán giả qua phòng vé ở các rạp đại chúng. Nhưng còn những phim tốt,
phim hay như Những người viết huyền thoại, chẳng lẽ cánh cửa đến với
khán giả Việt vẫn hẹp như cánh cửa của phim Việt ra thế giới? Và người
làm phim sẽ phải nói câu “ước gì” được chủ động như tư nhân đến bao giờ?
Từ 10/1/2014, khán giả có thể xem Những người viết huyền thoại ở các cụm rạp tiêu chuẩn trên toàn quốc
Rất cực nhưng lời rất khẳm
Nhiều
người hỏi tôi rằng chắc đi phim này cực lắm! Câu trả lời là “không phải
cực mà là quá cực”. Nói không phải để than vãn, mà để chia sẻ và nhớ về
khoảng thời gian anh em trong đoàn phim sát cánh bên nhau suốt từ vùng
rừng núi Sơn Tây, qua cung đường Trường Sơn, Hà Tĩnh - Hương Sơn, Hà
Tĩnh - Đức Thọ, đến Thái Bình, về lại Đường Lâm... Nhớ lắm và yêu lắm!
Tôi
sinh ra trong thời bình, chỉ biết chiến tranh qua sách vở, qua phim
ảnh, kịch nói, lời kể... rồi lớn lên cuốn theo dòng chảy cuộc sống hối
hả công nghiệp hiện đại... Và tôi cũng ích kỷ dần với những lo toan bộn
bề của cuộc sống, ngoài gia đình ra, ít quan tâm tới những người xung
quanh.
Thế nhưng khi đọc kịch bản phim Những người viết huyền thoại,
tôi lại thấy yêu quê hương tôi hơn, yêu những người xung quanh tôi hơn.
Cuộc sống hiện đại, hối hả phải chăng làm cho chúng ta ít sống vì nhau
và quan tâm tới mọi người xung quanh chăng. Thế là tôi vác balô lên
đường “tòng quân”, trở thành chiến sĩ giao liên Nghĩa trong Những người viết huyền thoại.
Trung úy Nghĩa, vai diễn xuất sắc của Trương Minh Quốc Thái
Được kiến thức, được trải nghiệm, được học hỏi, được gặp gỡ những người
bạn mới... sau hai tháng “tòng quân” làm chiến sĩ so với những gian nan
cực khổ đã trải qua khi cùng với đoàn phim Những người viết huyền thoại,
có thể nói là tôi đã “lời khẳm”.
Giờ chúng tôi chỉ còn mong muốn
bộ phim đến được với khán giả của mình, đến với những người bạn trẻ. Để
các bạn, cũng như tôi, sẽ hiểu thêm về cuộc chiến đã qua, hiểu thêm
nhưng hi sinh và mất mát, hiểu thêm một thời anh hùng và lãng mạn...
Hãy cùng trải nghiệm hành trình của Những người viết huyền thoại với chúng tôi nhé!
TRƯƠNG MINH QUỐC THÁI
|
Nguồn: Tuổi Trẻ