Những cảnh võ thuật siêu đẳng, những cú lật xe kinh hoàng hay những cảnh
bay lượn trên không... trong phim khiến khán giả mê hoặc ấy là nhờ công
của những người đóng thế (diễn viên đóng thế). Khi nền điện ảnh phát
triển thì diễn viên đóng thế trở thành một nghề. Và, nghề ấy có gì đáng
chú ý?
Đam mê
Chắc chắn bạn sẽ nghĩ những diễn viên
phim hành động phải giỏi võ. Ấn tượng đó hình thành từ hình ảnh và thành
công của những diễn viên: Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Dương
Tử Quỳnh… hay ở Việt Nam thì có: Lý Huỳnh, Lý Hùng, Johnny Trí Nguyễn,
Ngô Thanh Vân… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy bởi phim hành
động, thần thoại, cổ trang còn có rất nhiều gương mặt khác. Họ chẳng
biết gì về võ thuật nhưng trong phim cũng đánh đấm ra trò như: Thanh
Thúy, Thanh Hằng, Kim Phượng… Ấy là nhờ công của lực lượng đóng thế.
Sau
mười năm theo nghề diễn viên đóng thế, Hồ Thiện Hiếu cho biết, để trở
thành một diễn viên đóng thế thì biết võ chỉ là một trong những tiêu
chuẩn, cái chính là gan dạ, nhanh nhẹn, cảm giác tốt, thích mạo hiểm và
trên hết là đam mê. Nghề đóng thế thu nhập không cao nên đam mê sẽ là
điều quyết định để diễn viên đóng thế gắn bó với nghề. Và không phải
người nào giỏi võ cũng có khả năng đóng thế. Bởi những người giỏi võ,
chuyên võ sẽ quen tác phong đánh võ hiệu quả để hạ thủ đối phương. Trong
khi đó võ trong phim cần chủ yếu là thế võ đẹp biểu diễn trên màn ảnh
cho khán giả xem.
Nguyễn Thụy Kim Phượng, người đang tham gia đóng thế trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn
(Long Vân, Minh Quang đạo diễn) cho biết, cô bước vào nghề đóng thế từ
năm 2003. Vì cơm áo gạo tiền mà nghỉ bốn năm. Thế rồi, chỉ một lần gặp
lại đồng nghiệp, nỗi nhớ nghề quay quắt khiến cô bỏ công việc ổn định
(kế toán) để quay lại đoàn phim, tiếp tục làm diễn viên đóng thế.
Cũng
theo Kim Phượng thì diễn viên đóng thế làm những công việc mạo hiểm
trong phim nhưng không có nghĩa là liều lĩnh. Mỗi diễn viên đóng thế
phải biết mình làm được gì, làm được đến đâu để quyết định nhận việc.
Người biết võ thì nhận các pha mạo hiểm, người không biết võ thì chỉ
đóng cảnh quần chúng đánh võ, hoặc lượng sức mình mà nhận những cú đá
trực diện.
Anh Trương Thế Chi, người từng đóng thế Ngô Thanh Vân trong phim Bẫy Rồng
cho biết, mặc dù diễn viên nữ chính Ngô Thanh Vân đóng gần hết các pha
hành động nhưng cảnh té do bị tên giặc Pháp đạp vào ngực, đoàn phim bắt
buộc phải nhờ diễn viên đóng thế. Sức khỏe nữ khó chịu đựng được cú đá
như vậy chỉ là một lý do. Cái chính là bảo vệ cho nữ diễn viên chính
không phải chịu tổn thương dù nhỏ.
Đặng Thế Hoàng (áo đen) đang hướng dẫn diễn viên Isabella Du đánh võ trong phim Nữ vệ sĩ
Anh Đặng Thế Hoàng, phụ trách nhóm diễn viên đóng thế cho phim Nữ vệ sĩ
(đạo diễn Hồng Ngân) chia sẻ: Để có những cảnh đẹp trên màn ảnh, ngoài
việc thế thân những pha mạo hiểm, người diễn viên đóng thế còn chịu khó
hướng dẫn cho các diễn viên trong phim các thế võ để cùng mình phối hợp.
Thu nhập bèo
Nghề
diễn viên đóng thế mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng số người làm diễn
viên đóng thế hiện cũng có khoảng gần 300 người với khá nhiều nhóm.
Không phải phim nào cũng có cảnh hành động, nguy hiểm, cháy nổ để diễn
viên đóng thế có đất diễn và có tiền để sống. Ngay cả khi có cảnh hành
động, nguy hiểm thì việc chọn diễn viên cũng là một vấn đề may rủi với
người trong nghề. Người đóng thế phải có ngoại hình hao hao giống diễn
viên và phải đóng được cảnh khó.
Thế thân trong những pha nguy
hiểm nhưng thu nhập của nghề diễn viên đóng thế lại thấp. Thù lao của
diễn viên đóng thế chỉ từ 300-500.000 đồng/ngày. Với các pha mạo hiểm
như nhảy độ cao, té lầu, đụng xe, lật xe, đốt cháy người… thì sẽ có mức
“thưởng” riêng từ 5-10 triệu đồng/cảnh. Chỉ sau khi một số hãng phim
nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, diễn viên đóng thế mới được biết
đến “mùi vị” tiền từ nghề thế thân. Cũng từ đó, họ nỗ lực phấn đấu hơn
trong nghề để có thể đóng các vai mạo hiểm, ngoài việc tạo danh tiếng cá
nhân còn nhằm được giới làm phim ngoại để ý.
Hầu hết các diễn
viên đóng thế đều có một nghề tay trái để nuôi nghề tay phải. Trương Thế
Chi vừa làm diễn viên đóng thế vừa là người phụ trách câu lạc bộ Cẩm
nang mua sắm. Nguyễn Nhật Trường ban đêm làm nghề xả thịt heo, ban ngày
theo đoàn phim là người thế thân. Lương Trung Đức theo nghề diễn viên
đóng thế từ khi còn là sinh viên, thu nhập thế thân giúp anh trang trải
việc học, nay vừa là họa sĩ thiết kế phim vừa làm nghề thế thân...
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam