Chúng tôi gặp anh tại nhà riêng trên con phố Bà Triệu vào một buổi sáng cuối tháng 10 khi cơn gió lạnh đầu mùa vừa tràn về. Ngoài đời, anh vẫn giản dị, chân thật, khuôn mặt hiền lành, có phần khắc khổ. Anh vừa trở về sau khi hoàn thành bộ phim Hà Nội một thời của đạo diễn Khải Hưng.
Sinh ra trong một gia đình có mẹ là nghệ sĩ Đoàn kịch Trung ương nhưng sau khi tốt nghiệp trung học, Dũng Nhi lại chọn trường sư phạm. Anh cũng từng có năm năm làm thầy giáo dạy văn tại trường THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng. Đến bây giờ nhiều người học trò thuở ấy vẫn còn nhắc lại lối giảng bài khúc chiết, dễ hiểu, tận tâm của thầy giáo Dũng Nhi. Tuy nhiên, có lẽ nghiệp diễn viên đã sớm chọn anh khi đạo diễn Quốc Long và Trần Đắc trong lúc đi tìm diễn viên cho vai anh hùng Lê Mã Lương trong phim Bài ca ra trận đã gặp và quyết tâm thuyết phục Dũng Nhi.
Đúng lúc ấy, anh lại có quyết định nhập ngũ. Vào bộ đội ba năm, chiến đấu trọn vẹn 81 ngày đêm tại chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1973, Dũng Nhi được ra quân vì gia đình đã có hai anh trai là liệt sĩ. Vừa từ chiến
trường trở về, đạo diễn Trần Đắc lúc đó chưa khởi quay bộ phim lại một lần nữa mời Dũng Nhi vào vai Lê Mã Lương. Lần đầu đứng trước ống quay, chưa từng học qua một trường lớp đào tạo điện ảnh nào, Dũng Nhi không tránh khỏi cảm giác lo lắng nhưng với lối diễn chân thật, anh đã làm các đạo diễn rất hài lòng.
Sau bộ phim đầu tiên, Dũng Nhi quay trở về bục giảng. Tuy nhiên, gương mặt của anh đã sớm chiếm được lòng tín nhiệm của các đạo diễn nên ngay sau đó, anh liên tiếp
được mời đóng phim Sao Tháng Tám, Từ một cánh rừng. Ngày ấy cứ
nghỉ hè là anh lại vác ba lô lên đường đến trường quay. Nhưng khi đạo diễn ngỏ ý
muốn xin nhà trường cho Dũng Nhi đóng Ngày ấy bên sông Lam thì nhà
trường buộc anh phải lựa chọn hoặc về Hãng phim truyện hoặc dạy học, không thể
làm hai việc một lúc.
Diễn viên Dũng Nhi
Và anh đã quyết định về Hãng phim
truyện với vai trò thư ký, trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn. Tuy nhiên sau này
Dũng Nhi thành công và được biết nhiều hơn với cương vị là một diễn viên hơn là
một đạo diễn. Có lẽ chính điều này đã khiến anh dù đã có gần 40 năm cống hiến
cho nghề và kinh qua nhiều vai diễn, nhiều gian khổ nhưng đến nay Dũng Nhi vẫn
chưa được nhận một danh hiệu nào. “Có lẽ người ta không trao danh hiệu cho những
người làm nghề tay trái chăng,” Dũng Nhi cười phân trần.
Cuộc đời Dũng
Nhi cũng được may mắn gắn với khá nhiều những dấu mốc đầu tiên của nền điện ảnh.
Phim màn ảnh rộng đầu tiên của Việt Nam là Sao Tháng Tám, anh cũng được
tham gia, rồi phim màu đầu tiên là Ngày ấy bên dòng sông Lam ; phim nhựa
đầu tiên là Bỉ vỏ. Phim đầu tiên kết hợp với Hãng phim tổng hợp là Mê thảo thời xa vắng… Nhắc đến phim Bỉ vỏ, mọi người vẫn không
thể quên được hình ảnh Năm Sài Gòn do Dũng Nhi hóa thân.
Thì ra dù có
khuôn mặt hiền lành, phong cách đĩnh đạc, thường hợp với những vai chính diện
nhưng anh cũng vẫn có những biệt tài hóa thân vào các vai phản diện rất ấn
tượng, đến nỗi một thời anh được bạn bè gọi luôn với biệt danh “Năm Sài Gòn”.
Hay vẻ tưng tửng của một anh bộ đội phục viên, vừa ranh mãnh, láu cá ham chơi và
bồ bịch lăng nhăng trong Ngõ lỗ thủng đã khiến anh có lần bị một người
nông dân chửi sa sả vì bộ mặt đường hoàng mà lại đóng vai đểu cáng
thế.
Dũng Nhi cũng là diễn viên khá “nổi tiếng” trong việc thuộc lời
thoại. Nhà biên kịch Thùy Linh từng bất ngờ khi Dũng Nhi vào vai Luận trong phim Mùa lá rụng với cảnh Luận mắng mỏ ông anh trung tá mà Dũng Nhi diễn
không sai một dấu chấm, dấu phẩy. Nói về điều này, anh bảo: Do trước đây học
văn, lại có những năm làm thầy giáo dạy văn nên tôi buộc phải có cách nhớ bài
giảng, dẫn chứng, cách nói đúng ngữ điệu, dừng đúng lúc để diễn đạt truyền cảm
nhất nên khi phải học thuộc lời thoại, nhớ kịch bản cũng không khó khăn lắm.
Trở lại với vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim Bí thư tỉnh ủy đang được công chiếu trên VTV1, cũng là một vai diễn rất thành công của Dũng
Nhi. Có thể nói hình ảnh người cha đẻ của khoán hộ, một ông bí thư tận tâm, hết
lòng vì nhân dân đã được Dũng Nhi thể hiện một cách xuất sắc, chân thực và sống
động. Có lẽ vì thế mà phu nhân của Bí thư Kim Ngọc, lần đầu tiên nhìn thấy Dũng
Nhi đã nhận xét: Anh ấy khá giống ông nhà tôi.
Một cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy, diễn viên Dũng Nhi (giữa) trong
vai bí thư Hoàng Kim
Để làm được những điều này, Dũng Nhi đã
phải lao tâm khổ tứ rất nhiều, từ luyện tập cho giống dáng đi nhanh, hơi đổ về
phía trước, trông hơi vất vả của ông Kim Ngọc đến việc tìm nhiều tài liệu, nhân
chứng để có thể hiểu về nhân vật một cách sâu sắc nhất. Anh tâm sự: Bí thư Kim
Ngọc là người rất nổi tiếng, được mọi người yêu quý, vì thế mỗi người đều có
hình ảnh riêng về ông trong lòng. Người diễn viên phải làm thế nào để cái mình
thể hiện trở thành cái chung của mọi người. Hơn nữa, tầm nhân vật của ông rất
lớn, nếu chúng ta làm không tới sẽ rất đáng tiếc.
Nay, nghệ sĩ Dũng Nhi
đã ở tuổi ngoài 60, sức cống hiến không còn được nhiều nữa nhưng ông vẫn thiết
tha được làm cái mà người ta gọi là nghệ thuật đích thực. “Không biết cuộc đời
còn cho tôi điều kiện tham gia những bộ phim đó nữa không nhưng nếu được, tôi
vẫn sẵn sàng xả thân mình. Lòng yêu nghề, cái tâm nhiệt huyết ấy cùng những vai
diễn để đời của Dũng Nhi khiến ông dù chưa có một danh hiệu nào nhưng vẫn xứng
đáng là người nghệ sĩ của nhân dân.
Nguồn: An ninh Thủ đô