Lần đầu tiên hoạt hình có thi chọn lời thoại
Hoạt hình 3D Việt Nam đã khởi động từ một số phim trước đây như Giấc mơ của ếch xanh với độ dài "nhất" là 10 phút. Vì vậy Người con của Rồng với độ dài 90 phút được coi là bộ phim truyện hoạt hình 3D "tầm vóc" đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Chưa kể theo giới phê bình nhận định, hoạt hình Việt Nam trước nay chủ yếu lấy loài vật làm chính, từ đó nói chuyện con người. Nhưng Người con của Rồng lấy con người làm đối tượng chính, tạo ra một cấu trúc phim mới mẻ. Vì là đầu tiên, lại mới nên có nhiều chuyện "bếp núc" đáng nói.
Buổi chiếu ra mắt phim, bên cạnh ấn tượng chung về tạo hình sống động nhân vật Lý Công Uẩn lúc nhỏ (mắt to, khôi ngô nhưng thông minh, nghịch ngợm, bộc lộ phẩm chất, bản lĩnh người cầm đầu), người xem rất thiện cảm với phần thoại, đặc biệt là khâu lồng tiếng cho Lý Công Uẩn và bạn bè cậu. NSƯT Minh Trí, đạo diễn phim cho biết, hoạt hình Việt Nam lâu nay chưa từng có điều kiện tổ chức thi lựa chọn người lồng tiếng. Nhưng ở Người con của Rồng, êkíp làm phim đã được thử giọng sáu em nhỏ từ 10 đến 15 tuổi. Và cậu bé Nguyễn Tiến Minh Nhật đã thuyết phục đạo diễn để đảm nhận phần lồng tiếng cho vị vua lúc nhỏ.
Cảnh trong phim Người con của Rồng
Một nét ngộ nghĩnh, hấp dẫn nữa của phim là phần lồng tiếng của nhóm các em nhỏ Hoàng Mây, Quang Anh, Hoàng Kim, Hoàng Long cho đàn khỉ - những người bạn, cũng là người dẫn chuyện để Lý Công Uẩn biết về nguồn gốc cha Rồng của mình. Trong thành công này có công to của "phù thủy" âm thanh Bành Bắc Hải khi ông "đẩy" được giọng nói phù hợp tối đa với nhân vật.
Người con của Rồng đã tìm được khá nhiều bạn trẻ tâm huyết làm 3D trong các công ty sản xuất game, hoạt hình… của nước ngoài tại Hà Nội, TPHCM. Nhưng hoạt hình đâu phải chỉ là chuyện của công nghệ. Bảy bước hay ba bước cho một cảnh phim ngoài kỹ thuật còn là sự nhạy cảm nghệ thuật. Công nghệ làm hoạt hình thế giới đã sử dụng chip gắn vào người thật, những cử động của nhân vật mẫu được sao chép vào máy tính, nhằm tạo nên chuyển động sống cho nhân vật. Tuy nhiên, Người con của Rồng không lựa chọn công nghệ này, một phần vì giá thành cao, lại cũng vì không nhiều trường đoạn thích hợp. "Bẻ" từng động tác trên máy sao cho mềm mại mất thời gian thật nhưng gần gũi hơn, có sự nhấn nhá, linh hoạt.
Người con của Rồng hoàn thành, cũng là lúc êkíp làm phim chia tay. Câu nói vui của nhóm kỹ thuật cũng làm nghệ sĩ hoạt hình Việt Nam phải suy nghĩ: Làm phim 3D cho nước ngoài nhiều rồi, bao giờ mới lại có dịp làm phim hoạt hình dài tập 3D cho Việt Nam, hay phải đợi 1.000 năm nữa!...
Đến nay, nhiều khán giả, trong đó có công chúng TPHCM đang rất chờ đón xem Người con của Rồng. Hodafilm đã giao phim cho Hà Nội khai thác. Hà Nội đã chuyển phim cho Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội phát sóng. Về lâu dài, thiết nghĩ, với sự đầu tư của thành phố Hà Nội, sự vào cuộc tâm huyết của các nghệ sĩ, tác phẩm rất cần phát hành dưới dạng DVD để phục vụ nhu cầu đông đảo khán giả nhỏ, cũng là để quảng bá cho điện ảnh hoạt hình 3D của nước nhà.
Nguồn: Hà Nội mới