Việt Nam

Tiếc cho phim truyền hình Việt

15/03/2011

Cái thiếu và yếu của nó là chủ đề phim trải rộng trên quá nhiều đề tài, mà tay nghề kịch bản, đến đạo diễn, đến diễn xuất hình như chưa đạt tới tính chuyên nghiệp và chất "nghệ thuật" của thể loại phim truyền hình.

Cười giả, khóc giả

Không biết một năm có bao nhiêu bộ phim truyền hình Việt Nam trên tivi nhưng theo cảm nhận của người viết thì cũng kha khá. Chỉ có điều, nó rải rác ở nhiều kênh, nhiều giờ khác nhau và dễ nhạt nhoà, lẫn lộn bởi... nhẵn mặt diễn viên quá.

Anh bạn tôi hễ cứ cầm cái điều khiển tivi lên mà gặp phim Việt là chuyển kênh như tránh voi Tánh Linh và than thở: "Xem xong đến lúc đi ngủ, tai vẫn còn nghe ong ong lời thoại gay gắt của diễn viên, mà sáng dậy chả nhớ được gì."

Công bằng mà nói, nếu chịu khó bỏ thời gian xem những bộ phim này và đặt trong những mối tương quan khác của đời sống văn hoá tinh thần, thì vẫn có những đoạn xem được, diễn viên đóng được. Cái thiếu và yếu của nó là chủ đề phim trải rộng trên quá nhiều đề tài, mà tay nghề kịch bản, đến đạo diễn, đến diễn xuất hình như chưa đạt tới tính chuyên nghiệp và chất "nghệ thuật" của thể loại phim truyền hình.

Êkíp thực hiện Bí thư tỉnh ủy nhận giải Phim truyền hình
được khán giả yêu thích nhất 2010
[Ảnh: VNE]

Nhưng không chỉ có thế, một số bộ phim về thành phố, về Hà Nội cũng vẫn có hồn lắm. Vào những năm 90 của thế kỷ trước là 12A4H, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Nhô... không rõ được giới chuyên môn đánh giá thế nào nhưng khán giả màn ảnh nhỏ vài lần xem những bộ phim này phát lại vẫn cứ thấy "lọt mắt".

Cho dù nó có là hàng cũ, những bộ phim này vẫn gây được thiện cảm hơn nhiều bộ phim sành điệu khá phổ biến, với người mẫu, ca sĩ, ôtô, laptop, ghế tổng giám đốc, nói chuyện tiền tỉ... mà xem mãi vẫn không thấy cái chất của phim, không "vào" được lòng người. Nó cứ gượng gạo, mờ nhạt, giả giả. Cười cũng giả, mà khóc cũng giả, không khiến người xem xúc động.

"Việt vị" về sự sành điệu, và "hụt hơi" về bản sắc

Cuộc sống đang ngày một thay đổi, văn hoá nghệ thuật nói chung, thể loại phim truyền hình nói riêng phải tự đổi mới để phản ánh kịp thời những bước tiến đó. Tuy nhiên, sự mới mẻ ấy phải từ những quan niệm nghệ thuật chứ đâu phải chỉ chạy theo sự sành điệu ở vẻ bề ngoài, cầu kỳ tiểu tiết.

Dẫu viết về cái thời của củ khoai, củ sắn (như phim Bí thư Tỉnh ủy trên VTV3) hay thời của cuộc sống số thì dòng mạch tự sự trong nó vẫn phải mang tính nghệ thuật của một loại hình phim ảnh.

Ngó sang phim các nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, thoạt nhìn họ sành điệu như nhau, đồ đạc, thiết bị không kém gì Âu, Mỹ. Nhưng người xem vẫn có thể nhận ra phim của từng nước. Ngẫm lại phim truyền hình của mình thấy thua kém ở chỗ hay "việt vị" về sành điệu mà "hụt hơi" về bản sắc quá.

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu vốn thành danh ở những vai hiền hiền trong một số bộ phim truyền hình, kiểu như ông mọt sách, muộn vợ, quê mùa chất phác. Ấy thế mà thoắt cái cũng "ghê gớm" được khi vào vai Xuyên (Cuồng phong) hay Khang (Đường đời).

Chính điều đó đã khiến khán giả tưởng như lại xuất hiện thêm một Trung Hiếu nữa trong làng điện ảnh. Biết rằng, đó cũng là một tài năng diễn xuất của nghệ sĩ không thể phủ nhận, nhưng nó cũng nói một điều, phim truyền hình Việt Nam, nhiều bộ phim đã quá sáo mòn, và nghèo nàn trong cách dùng người. Với một diễn viên, nếu cứ phải "lương thiện" hoặc "gian ác" suốt cả sự nghiệp đóng phim thì thật chán và thật đáng tiếc.

Trung Hiếu thoắt "ghê gớm" khi vào vai Xuyên trong Cuồng phong

Bản thân mỗi diễn viên yêu nghề và tôn trọng khán giả, ngoài việc hóa thân vào vai diễn của mình thì có lẽ họ cũng muốn được có cơ hội thử thách ở các vai diễn mới. Người diễn ít được "hoán đổi" mô-típ nhân vật, người làm phim dường như cũng ít mạnh tay tung vào phim những chiến binh mới. Điều đó, cũng tạo ra cảm xúc nhàm chán ở người xem.

Biết đó là khó, vì để diễn được tròn vai (chưa nói diễn hay), diễn viên cần phải tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nhưng điều đó là chuyện muôn thuở, lĩnh vực đỉnh cao nào cũng có và nó phụ thuộc vào tài dùng người của các nhà làm phim.

Chỉ có thế mới tiếp sức được cho một đội hình diễn viên truyền hình đang già đi về tuổi tác theo thời gian, và lại "nhàm" đi theo phong cách diễn xuất. Các nghệ sĩ biểu diễn, nhiều người có được chút ít tài năng thật nhưng không lẽ ở cái tuổi ông nội, bà nội vẫn còn phải "anh yêu em" thì ngại lắm.

Có thật nhiều cái đáng tiếc cho phim truyền hình hiện nay, khi tiềm năng của chúng ta không đến nỗi nào, nhưng dường như chúng ta đang phung phí những thước phim cho sự nhạt nhoà bản sắc và bỏ phí năng lực của diễn viên.

Chỉ khi nào những bộ phim này biết cất tiếng bằng sở trường và lối đi riêng của mình thì thực sự nó mới chiếm được cảm tình của khán giả. Khó, nhưng những người làm phim truyền hình vẫn có tiềm lực để vượt lên. Bởi trong tâm hồn của mỗi người xem vẫn luôn có một thiện cảm rất lớn với những gì thuộc về bản sắc của đất nước và dân tộc mình.


Nguồn: TuanVietnam.net

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.