Bình luận phim

Cuộc đời của Pi: một phim lớn và đẹp của Lý An

14/12/2012

Điều tiêu biểu về phim của Lý An là chẳng có thứ gọi là phim tiêu biểu của Lý An.

Vài phim nhỏ đầu tiên của ông – đặc biệt với tác phẩm đột phá Hỷ yến – tập trung vào gia đình. Sau đó Ngọa hổ tàng long bùng nổ với ma lực của võ thuật. Và Brokeback Mountain kể câu chuyện tình bi thương lặng lẽ.

Ông là một đạo diễn đã làm những phim về vấn đề ngoại tình thập niên 1970, sự bạo tàn của Nội chiến, Woodstock và Hulk. Nên làm ơn, đừng phí thời giờ võ đoán điều gì về phim mới Life of Pi (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Cuộc đời của Pi) của ông.

Pi (Suraj Sharma) và con hổ Bengal tên Richard Parker trong Life of Pi của Lý An [Ảnh: Fox/Rhythm & Hues]

Trừ việc rằng, như mọi thứ ông làm, phim sẽ được suy nghĩ kỹ càng, quay đẹp và đầy cảm xúc.

Dựa trên quyển sách kỳ ảo ăn khách, Life of Pi là câu chuyện về một thanh niên Ấn Độ chu du trên một chiếc tàu hàng hướng đến Canada cùng gia đình – và các con thú nuôi của nhà. Tàu chìm trong một cơn bão thảm khốc, và cậu chỉ có thể bơi đến một chiếc thuyền cứu hộ.

Rồi một con hổ Bengal trèo lên thuyền sau cậu.

Chuyến du hành bên nhau của họ chứa đựng nhiều thứ. Dĩ nhiên có một chút của William Blake. Và cả của Job, khi cậu Pi chửi trời chửi đất. Dù vậy, hầu hết phim là một sự kiểm chứng niềm tin, khi cậu (cùng lúc theo Công giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, và có thể cuối cùng sẽ theo Do Thái giáo và Phật giáo nữa) tìm kiếm một mục đích trong quá trình này.

Một cảnh trong phim

Nỗi ngờ vực của cậu nằm trong một xu hướng thú vị của năm 2012 trong đó các phim ve vãn sự bí ẩn (nhưng không phạm đến thánh thần). Như Flight hay Cloud Atlas, Life of Pi gợi ra rằng không có sự tình cờ thật sự trong cuộc sống có lúc buồn và hỗn loạn của chúng ta – chỉ là những trận đồ lớn mà chúng ta mất một lúc mới hiểu ra.

Nhưng “ai” hay “điều gì” đứng sau các trận đồ này – đó là thứ các phim vẫn ngần ngừ chưa muốn gọi tên.

Đó có thể là hướng tiếp cận nghệ thuật lắt léo, cả cho khán giả trần tục không tin vào các thiên tai khủng khiếp là một phần hoạch định của bề trên (vì sao Thượng đế không cứ việc đánh chìm chiếc tàu đó ngay từ đầu cho rồi?) và những ai ngoan đạo mong rằng phim sẽ tự bước ra ánh sáng thừa nhận niềm tin cổ điển vào Thượng đế.

Nhưng dù đôi lúc tính thần học của câu chuyện trong phim có mù mờ, tài xử lý hình ảnh của Lý An quả siêu hạng, khi ông không mệt mỏi phô ra công nghệ có ý nghĩa gì trong tay một nghệ sĩ thực thụ.

Ngoài một hay hai cảnh quay cầy mangut có vẻ giả tạo, hình ảnh được máy tính tạo ra trong phim vừa thực tế vừa được đẩy lên cao. Và 3D thực chất đã thêm vào một chiều nữa, khi Lý An chơi đùa với chiều sâu và ảnh phản chiếu để làm cho nhìn như thể họ đang lặn vào bầu trời trong xanh, hoặc trôi bồng bềnh qua một dải ngân hà đen sẫm.

Lý An làm phim này với những nỗi sợ tệ hại nhất của một đạo diễn – một diễn viên trẻ chưa bị thử thách (Suraj Sharma), một con thú hoang dã (dù là do máy tính tạo ra) và biển động. Nhưng ông đã xoay sở được cả ba (trong lúc thêm 3D vào, ông rất có thể còn tung hứng được thêm một quả bóng nữa).

Suraj Sharma (trái) và đạo diễn Lý An

Và ông không bao giờ rời mắt khỏi các điểm thực của câu chuyện, đầu tiên là niềm tin vào sự cần thiết dâng mình cho những đợt “nắng mưa” của một thế lực không biết rõ – dù bạn gọi đó là Trời hay cuộc sống – và chấp nhận chúng. Và thứ hai là nhận ra bất kỳ câu chuyện nào bạn tự kể sau này để diễn giải những gì đã xảy ra cũng chỉ là một câu chuyện mà thôi.

Tuy vậy, dù Life of Pi khác các tác phẩm khác của Lý An đến đâu, vẫn có một phần của các tác phẩm trước trong đó.

Như Hỷ Yến, phim nói về các bài học truyền từ đời cha đến đời con. Như Brokeback MountainSắc, giới, phim nói về các cảm xúc lớn lao, khó tránh có thể như quét qua ta như sóng biển. Như Hulk bị chê nhiều, phim nói về việc phá vỡ các quy luật hình ảnh tồn tại lâu nay, và sử dụng màn ảnh với nhiều cách khác nhau.

Và như mọi thứ ông làm, đều là nhằm làm cho đúng. Và làm cho đẹp.

Chú ý: phim có một số cảnh đáng sợ.

Cuộc đời của Pi (PG) Fox (127 phút)
Do Lý An đạo diễn. Diễn viên chính Suraj Sharma.

Đánh giá: ★★★½

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.