Bình luận phim

Fair Game cũng tạm được mà thôi

09/03/2011

Rắc rối là đây: Fair Game là một bản chuyển thể điện ảnh vụ bê bối Valerie Plame vài năm trước. Một nhân viên Nhà Trắng đã rò rỉ danh tính một đặc vụ CIA ẩn danh cho báo giới, được cho là để ăn miếng trả miếng việc chồng đặc vụ này khẳng định với công chúng rằng chính quyền Bush đã lờ đi việc cục tình báo bác ý tưởng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhiều người đọc các bản bình luận về phim này không hẳn để tìm lời bình. Họ đang muốn biết xem bộ phim có đúng với sự thật không. Vậy để tôi giúp bạn bớt rắc rối. Theo danh sách ghi nhận những người có tham gia sản xuất, bộ phim này dựa trên hai quyển sách Fair Game của Valerie Plame, và The Politics of Truth của chồng cô Joe Wilson. Nói cách khác, câu chuyện hoàn toàn từ góc nhìn của họ. Nếu phiên bản về những gì đã diễn ra của họ có bất cứ lỗi, lời dối trá hay nét nào gây bối rối, thì tất cả đều được đưa lên phim và không bao giờ xóa bỏ được.

Vấn đề là, tôi không biết những lỗi đó là gì. (Nói trắng ra là bạn cũng không biết.) Tất cả những gì tôi có thể làm là kể bạn nghe chuyện xảy ra trong phim, và cho bạn biết rằng ít ra thì bộ phim cũng tin rằng những điều này đã xảy ra ngoài đời. Fair Game không phải là xã luận điều tra hay phim tài liệu. Đó là cách nhin câu chuyện của Plame và Wilson, và vì vậy, vận hành trên nhận định rằng câu chuyện của họ là thật, và đáng được kể.

Sean Penn trong Fair Game

Chúng ta bắt đầu vào năm 2001. Valerie Plame (Naomi Watts thủ vai) là một điệp viên CIA làm việc ở vài ngóc ngách chống khủng bố trên khắp thế giới và nói với người quen ở quê nhà, ngoại ô Washington D.C., rằng cô đang làm công việc tài chính chán ngắt. Chồng cô, Joe (Sean Penn thủ vai), một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, biết nghề nghiệp thực của cô, dù không biết chi tiết việc cô được giao hàng ngày.

Khi có những báo cáo cho biết Saddam Hussein đã có ý mua quân nhu có thể dùng làm vũ khí hạt nhân từ Niger, CIA cần người đến Niger điều tra. Joe, từng làm công tác tham vấn cho CIA trước đây và có một bầu kinh nghiệm ở châu Phi, có chuyến công tác không công – tuyệt, kỳ nghỉ miễn phí ở Niger – và quay về cho biết tin này không thực. Vì nhiều lý do khác nhau mà phim đã trình bày hợp logic, Joe cho biết Saddam không thể nào đã mua được thứ gì như thế từ Niger.

Một thời gian sau, Mỹ gây chiến với Iraq dựa trên nền tảng là Saddam có vũ khí hủy diệt hàng loạt, với bản báo cáo của Joe được dùng như bằng chứng ủng hộ – hoàn toàn ngược lại những gì bản báo cáo thực đã viết. Joe viết một bài xã luận cho tờ New York Times thách thức Nhà Trắng; không lâu sau đó, một phóng viên hé lộ rằng vợ Joe, Valerie Plame, là một đặc vụ CIA, tin này được tuồn ra từ một người nào đó trong chính quyền. Vỏ bọc của Valerie bị thổi bay; những ai làm việc với cô ở Trung Đông đều cận kề nguy hiểm; nghề điệp viên đến đây chấm dứt.

Tranh cãi bắt nguồn từ đó, với Joe và Valerie đối mặt với Nhà Trắng, cuộc hôn nhân của họ bị đe dọa bởi sự cứng đầu to mồm của Joe và khả năng nói dối nghề nghiệp thuyết phục của Valerie, càng gây chú ý đến tình huống châu chấu đá xe này. Điều này thật công bằng nếu đây hoàn toàn là viễn tưởng, nhưng đừng đùa với chính mình chứ. Bộ phim muốn chúng ta nhớ rằng mọi chuyện thực sự đã xảy ra, xảy ra rất gần đây, và rất, rất sai trái. Đạo diễn Doug Liman (từng làm The Bourne Identity, Mr. & Mrs. Smith), làm việc với kịch bản được anh em Jez Butterworth và John-Henry Butterworth chuyển thể, cố tình chuyển tải nét lăng mạ. Ở bất cứ đâu có thể, ông đều dùng những thước phim thời sự thật về những người như Colin Powell và Condoleezza Rice, nhắc ta nhớ rằng nền tảng câu chuyện là sự thật.

Naomi Watts trong vai Valerie Plame

Nhưng thậm chí với người sẵn sàng tin phiên bản câu chuyện của Plame và nghi hoặc những màn đánh trống lảng của Fox News (cô ấy làm cho CIA, nhưng không ẩn danh! Cô ấy ẩn danh, nhưng không giỏi!), tôi nhận thấy nhiều phần trong Fair Game khá khó chịu và vụng về. Scooter Libby (David Andrews thủ vai), chánh văn phòng phó tổng thống, được khắc họa như một dạng quân sư xuất chúng theo phong cách Hoàng đế Palpatine (trong Star Wars), trong khi Karl Rove (Adam LeFevre thủ vai) là một kẻ chủ mưu hung tàn. Thậm chí nếu đó là cách họ hành động trong đời thực, cũng không quan trọng: trong phim, họ tạo ấn tượng một chiều đơn giản đến khó tin.

Cùng phong cách đó, có một cảnh đầu phim khi Joe Turner (Kristoffer Winters thủ vai), một người mang nước lén lút cho Dick Cheney, đang gặp CIA, khăng khăng rằng những ống kim loại Saddam Hussein có CHẮC CHẮN dùng để xây dựng thiết bị hạt nhân. Anh chắc chắn điều đó. Những người khác chỉ ra lỗi trong lý lẽ của anh, rằng tin anh có là sai. Và tốt thôi – nhưng họ làm điều đó, và bộ phim thể hiện điều này với sự dương dương tự đắc gây bối rối. Tôi bỗng nhớ đến câu nói được cho là của Daniel Dennet: “Có ít điều gì tôi thấy khó ưa hơn là một lập luận tồi để giải thích những gì tôi hoàn toàn tin tưởng.” Phim tốt, nhưng với nhiều sắc thái và ít sự nhấn mạnh thông điệp hơn, phim có thể đã hay hơn.


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.