Bình luận phim

Raging Fire: Khúc giã biệt tuyệt vời của cố đạo diễn hành động tuyệt đỉnh Trần Mộc Thắng

20/08/2021

Không thể nói nhiều về điện ảnh hành động Hồng Kông mà không nhắc đến cái tên Trần Mộc Thắng. Đạo diễn của những tựa phim đáng nhớ như Who Am I? (1998), Invisible Target (2007), và Connected (2008) buồn thay đã qua đời năm ngoái, và món quà cuối cùng ông dành cho những người hâm mộ phim hành động Hồng Kông rốt cuộc đã ra rạp.

Trương Sùng Bang (Chân Tử Đan) là một cảnh sát không chấp nhận quỳ gối trước hối lộ, lại quả, hay cấp trên gây sức ép

Raging Fire / Nộ hỏa lần đầu kết đôi Trần Mộc Thắng với Chân Tử Đan, và cùng với Tạ Đình Phong năng động (đã bốn lần đóng phim của đạo diễn Trần), mang đến một bộ phim hành động-ly kỳ đôi lúc cay nghiệt khám phá tham nhũng của cảnh sát, bạo lực trả hận, và tất cả sự đổ máu anh hùng mà bạn có thể chịu được.

Trương Sùng Bang (Chân Tử Đan) là một cảnh sát không chấp nhận quỳ gối trước hối lộ, lại quả, hay cấp trên gây sức ép, và điều đó bao gồm cả việc phải tuyên thệ bảo vệ một đồng nghiệp cảnh sát. Thái độ trực tính ấy cắn ngược lại anh khi một cựu cảnh sát tên là Khâu Cương Ngao (Tạ Đình Phong) ra tù với lòng căm thù và sở thích tội phạm báo thù. Chẳng bao lâu đường phố ngập trong làn đạn và máu me khi băng cướp của Khâu tìm cách khôi phục bằng bạo lực, và chỉ có Trương cùng một lực lượng cảnh sát không được chuẩn bị gì mới có khả năng ngăn chặn.

Cựu cảnh sát Khâu Cương Ngao (Tạ Đình Phong) ra tù với lòng căm thù và sở thích tội phạm báo thù

Nộ hỏa đến vào thời điểm điện ảnh Hồng Kông bắt đầu cảm thấy sức ép của cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc Đại lục theo những cách rất thực tế, và nói không chừng, trong một tương lai không xa, đây có thể là một trong những bộ phim hành động lớn cuối cùng của đặc khu này thách thức nhận thức về cảnh sát. Các chủ đề được khám phá trong kịch bản do Trần Mộc Thắng, Lăng Vĩ Tuấn và Đường Diệu Lương chấp bút, chứng kiến một cảnh sát chính trực bị buộc phải thực hiện những hành vi đê tiện nhân danh cái gọi là đúng đắn, và tuy Trương Sùng Bang không trở thành tương đương với Dirty Harry thì anh vẫn vượt qua lằn ranh đạo đức theo những cách nguy hiểm hấp dẫn.

Điều then chốt với cuộc đấu tranh của anh, ngoài mối đe dọa bạo lực sắp xảy ra do Khâu và đồng bọn tiến hành, là một hệ thống công lý không thực hiện được nhiệm vụ thực sự duy nhất của nó. Trương Sùng Bang làm việc với hệ thống mà anh là thành viên, và vì tham nhũng từ trên đe dọa trói tay anh nên Trương buộc phải chống trả bằng chân mình. Được rồi, không ẩn dụ nữa, nhưng đúng là Trương phải dùng đến bạo lực để duy trì trật tự, và lòng quyết tâm và niềm vinh dự đó tiền bạc không thể mua chuộc hay ngăn cản được. Ngược lại, hành trình của anh được thúc đẩy bởi cuộc đụng độ giữa danh dự và tình huynh đệ, và đó là sợi dây xiếc mong manh mà những nhân vật cảnh sát nổi tiếng của Joseph Wambaugh từ những năm 70 (The New Centurions, 1972; The Choirboys, 1977) thậm chí còn chưa bao giờ tưởng tượng được. Trương Sùng Bang nhìn thấy “lằn ranh mong manh đáng buồn” đó và vượt qua nó bằng nắm đấm.

Tạ Đình Phong không hề kém cạnh trên mặt trận hành động

Với đủ thứ chủ đề và suy nghĩ của Nộ hỏa về một hệ thống công lý thất bại và quan chức dễ bị tha hóa, suy cho cùng thì đây là một bộ phim hành động — một bộ phim hành động cực chất. Từ lâu Trần Mộc Thắng nổi tiếng là nhà làm phim có khả năng nắm bắt chính xác sự hỗn loạn trong phong cách hành động động học của Hồng Kông, và ông thi triển những mảng miếng tuyệt đỉnh trong cái chào vĩnh biệt khiến cho sự ra đi của ông trở nên mất mát hơn nữa. Từ một cuộc đấu súng ở trung tâm mua sắm đến hạ gục ở nhà thờ đến một cảnh quay trên đường phố tưởng nhớ Heat của Michael Mann (1995), bộ phim không phút nào tẻ nhạt trong suốt thời lượng hai tiếng đồng hồ.

Chìa khóa để đạt được điều đó là nỗ lực thể chất của các diễn viên chính, Chân Tử Đan và Tạ Đình Phong. Có lẽ Chân Tử Đan đã gần sáu mươi tuổi và đôi khi cần đến đóng đúp, nhưng người đàn ông này vẫn thừa khả năng tung đòn sắc sảo hoặc ra chiêu hạ gục kiểu MMA. Anh là bậc thầy của nhiều môn phái võ thuật, nhưng vật lộn và đánh đấm là điểm nổi bật trong hàng dãy phim hành động những năm qua với các tên tuổi sấm rền như Kill Zone (2005), Flash Point (2007) và Special ID (2013). Thêm Raging Fire vào danh sách đó để có một cuộc thi marathon nhỏ hoành tráng với những màn hạ gục ngoạn mục. Tạ Đình Phong không hề kém cạnh trên mặt trận hành động và thể hiện thân thủ sắc bén, nhanh như chớp của riêng mình cho dù anh loại trừ đối thủ bằng dao hay nắm đấm.

Không thể phủ nhận là luôn có một ranh giới màu xám. Phim của Trần Mộc Thắng không phải là bộ phim đầu tiên khám phá ranh giới màu xám theo một kiểu nào đó, nhưng chắc chắn đây là một trong những bộ phim cháy nổ hơn và hấp dẫn hơn

Lý tưởng ủng hộ cảnh sát, ủng hộ chính quyền vẫn hiện diện trong Raging Fire dưới dạng những kỳ vọng và một số phát biểu say sưa mà Trương Sùng Bang dành cho đội của anh. Đó là những điều chủy ý để cho các nhân vật xử lý nghiêm túc và để cho khán giả tranh luận, nhưng ngạn ngữ có câu làm thì hay hơn nói được thể hiện rõ trên phim. Tất cả chúng ta đều phân biệt được đúng sai, tốt xấu, nhưng không thể phủ nhận là luôn có một ranh giới màu xám. Phim của Trần Mộc Thắng không phải là bộ phim đầu tiên khám phá ranh giới màu xám theo một kiểu nào đó, nhưng chắc chắn đây là một trong những bộ phim cháy nổ hơn và hấp dẫn hơn.

Bất kỳ nhà làm phim nào qua đời đều là một tổn thất cho nghệ thuật, nhưng cái chết của Trần Mộc Thắng ở tuổi 58 vẫn còn rất trẻ khiến fan phim hành động đau lòng. Một số tác phẩm hay nhất của ông được đề cập ở đầu bài viết, một danh sách tinh tuyển mà Raging Fire có thể được thêm vào đó, nhưng có thể tìm thấy rất nhiều niềm vui và cảm giác hồi hộp trong gần hai chục phim của ông. Hãy thử xem phim này để thưởng thức những gì chúng ta đã mất, sau đó tìm hiểu sâu hơn về phim của ông.

Trần Mộc Thắng (ảnh trên, phải) nổi tiếng là nhà làm phim có khả năng nắm bắt chính xác sự hỗn loạn trong phong cách hành động động học của Hồng Kông, và ông thi triển những mảng miếng tuyệt đỉnh trong cái chào vĩnh biệt khiến cho sự ra đi của ông trở nên mất mát hơn nữa

Phim hành động là cuộc sống, và phim hành động Hồng Kông hiếm khi nào lại không hấp dẫn.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film School Reject


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.