Bình luận phim

The Warring States - Chiến quốc

17/05/2011

Kỹ thuật trôi chảy và diễn xuất khá ổn thỏa đã giúp chuyển một hỗn hợp phong phú trở thành một tổng thể giải trí.

Trung Quốc, giữa thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, trong thời kỳ Chiến quốc. Bị mắc kẹt trong khói lửa chiến trận triền miên giữa Ngụy và Tề trong một thị trấn gần biên giới, vị quân sư lơ mơ Tôn Tẫn (Tôn Hồng Lôi) được một viên quan nhà Ngụy công nhận và thuyết phục ông trợ giúp cho phe của mình trong chiến trận. Tôn Tẫn đã lợi dụng một lần nhật thực để lén đưa quân sĩ của Ngụy vào đội ngũ quân Tề và quân Ngụy thắng. Sau đó, vị tướng nước Ngụy Bàng Quyên (Ngô Trấn Vũ) nhận ra rằng người đó chính Tôn Tẫn mà ông từng cùng theo học binh pháp dưới sự chỉ dạy của vị tôn sư ẩn dật Quỷ Cốc Tử, và cũng chính là “anh em kết nghĩa” của ông.

Trong khi đó, để bù đắp cho nỗi nhục của cha cô - tướng quân Điền Kị (Khương Vũ) khi thua trận chiến biên thành - nữ chiến binh nước Tề Điền Tịch (Cảnh Điềm) đã bắt cóc Tôn Tẫn và đưa ông trở lại nước Tề. Phát hiện ra Tôn Tẫn là hậu duệ của quân sư nổi danh Tôn Tử, người từng viết cuốn Binh Pháp rất khó nắm bắt, Tề Vương (Nakai Kiichi) hy vọng Tôn Tẫn sẽ giúp đỡ cho nước Tề nhờ kiến thức chiến thuật quân sự của ông và trao cho Điền Tịch nhiệm vụ chăm sóc ông. Đem lòng yêu Điền Tịch xinh đẹp, Tôn Tẫn đã hợp tác mặc dù Bàng Quyên, đau đớn nhận ra rằng Tôn Tẫn luôn vuợt trội hơn ông, đã tìm cách có được ông bằng việc trao đổi tòa thành biên giới. Trở về Ngụy, Bàng Quyên cố gắng thuyết phục Tôn Tẫn viết lại tất cả những hiểu biết của ông nhưng Tôn Tẫn đã thoái thác. Dưới áp lực của Ngụy vương (Bằng Ân Hạc) - người đã cưới em gái Bàng Quyên là Bàng phi (Kim Hee Sun) để lấy được kiến thức của Tôn Tẫn, Bàng Quyên đành phải tra tấn ông. Nhưng ngay cả sau khi bị đánh gãy xương bánh chè, Tôn Tẫn vẫn từ chối phục tùng. Bàng phi cầu khẩn Điền Tịch giúp giải cứu Tôn Tẫn và cuối cùng Tôn Tẫn đã giả điên và tìm đường quay trở lại Tề. Năm 354 trước Công nguyên, khi Ngụy chuẩn bị chiếm vùng đất láng giềng của Triệu, cuộc đối đầu cuối cùng trong tương lai giữa Tôn Tẫn và Bàng Quyên dần dần xuất hiện.

Áp phích phim Chiến quốc

Bắt đầu là một bộ phim hài cổ trang ngập tràn hiệu ứng hình ảnh theo xu hướng của phim Don Quixote gần đây và sau đó chuyển đổi qua một bộ phim hài lãng mạn cổ trang và tâm lý kiểu mèo-đuổi-chuột, để rồi biến thành một câu chuyện hoành tráng về tình yêu bi kịch, The Warring States (Chiến quốc) là một sự hòa trộn đầy tham vọng của quá nhiều yếu tố cạnh tranh với nhau tới mức đúng ra thì phim sẽ không thể đi đến kết thúc với chiều dài hơn hai giờ đồng hồ. Lấy bối cảnh trực tiếp trong thời Chiến quốc – khi các vương quốc đối địch tranh đấu vì quyền lực trước sự thống nhất cuối cùng của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên – diễn xuất kỳ cục của Tôn Hồng Lôi trong vai nhân vật lịch sử Tôn Tẫn, có tiếng là hậu duệ của nhà quân sự lừng danh Tôn Tử (Binh Pháp), là người mà cả hai nước đối đầu (Ngụy và Tề) cùng mong có được vì những hiểu biết quan trọng về chiến trận của ông - cũng không giúp ích gì được. Không nam diễn viên Đại lục nào diễn vai thông minh nhưng lơ mơ tốt hơn Tôn Hồng Lôi – khi chứng kiến những biến chuyển ấn tượng của bộ phim điệp viên truyền hình kinh điển Lurk (Tiềm phục, 2009) hoặc vai diễn viên phó cảnh trưởng trong A Woman, a Gun and a Noodle Shop (Tam thương phách án kinh kỳ, hoặc A Simple Noodle Story) – nhưng diễn xuất lạc nhịp của anh trong Chiến quốc, với tóc dài và bộ ria mép, cũng đối lập và lạc lõng so với dàn diễn viên còn lại đến nỗi nó đe dọa sẽ lật đổ thay vì nâng cao toàn bộ cấu trúc hoành tráng đó.

Tuy nhiên cuối cùng Chiến quốc đã chứng tỏ tự bản thân mình đã tầm cỡ hơn là diễn xuất của diễn viên trong phim, không phải chỉ bởi phim nằm dưới sự chỉ đạo của một đạo diễn và đội ngũ tên tuổi và một dàn diễn viên thực lực. Trong bộ phim lớn nhất của ông tính cho tới thời điểm này, đạo diễn Kim Sâm đã mang lại sự chính xác cho kịch bản trải dài, như ông từng làm cho tác phẩm trước kia của mình như Chrysanthemum Tea (Cúc hoa trà, 2000) và ngay cả bộ phim về ngục tù ít thành công hơn của ông Crossing Over (Phượng hoàng, 2007). Đạo diễn Kim đã sắp xếp công tác sản xuất và thiết kế trang phục rõ ràng (chiếm lĩnh bởi màu đen và xám với sắc trắng và đỏ để tương phản), biên tập linh hoạt và sử dụng kỹ thuật mờ chồng, kỹ thuật quay phim tinh tế của Kim Hyeong Gu từ Hàn Quốc (với Musa, The Host) cùng diễn xuất vững vàng bởi dàn diễn viên Hồng Kông để tạo thành một dòng chảy liên tục. Bộ phim mà đáng ra đã là một câu chuyện tủn mủn và rời rạc – đặc biệt khi xét tới sự những thay đổi liên tục từ phía này sang phía kia – lại xuất hiện như một thể thống nhất và được kết nối chặt chẽ hơn bởi bản hòa âm rộn rã của các nhạc sĩ người Nhật Fukaura Akihiko và Katsuki Yukari.

Tôn Hồng Lôi và Cảnh Điềm trong phim

Về mặt diễn xuất, nam diễn viên Hồng Kông Ngô Trấn Vũ đặc biệt xuất sắc trong vai từ “người anh em kết nghĩa” trở thành kẻ thù của Tôn Tẫn là Bàng Quyên, thể hiện được sự đố kỵ thiêu đốt tới mức mà ranh giới giữa tình bạn và lòng căm ghét với Tôn Tẫn trở nên cực kỳ mờ nhạt của nhân vật. Nam diễn viên Nhật Bản kỳ cựu Nakai Kiichi (giống như Ngô Trấn Vũ, đã được đổi giọng trôi chảy) mang lại dáng vẻ trầm lặng cho nhân vật Tần Vương của ông và nam diễn viên Đại lục Khương Vũ, mang một vẻ đe dọa dữ dội cho nhân vật vị tướng không đáng tin cậy của ông. Tiến bộ hơn rất nhiều so với bộ phim Trung Quốc gần đây nhất của cô là The Myth (Thần thoại), nữ diễn viên Hàn Quốc Kim Hee Sun (phim Bichunmoo) đã thành công trong việc tạo ra một nhân vật chân thực từ hình ảnh một Ngụy hậu mâu thuẫn đứng về phía Tôn Tẫn nhiều hơn là người anh đầy tham vọng của cô.

Tuy nhiên bất ngờ lớn nhất là diễn xuất của nữ diễn viên đang lên Cảnh Điềm trong vai Điền Tịch, chiến binh nước Tề mà một Tôn Tẫn đầy uể oải đem lòng yêu. Hầu như không nhận ra nổi so với vai diễn dễ thương trong bộ phim hài lãng mạn rất nhẹ nhàng đáng yêu My Belle Boss (Cô chủ xinh đẹp của tôi, 2010) mà nhờ vào đó cô đã tạo dựng tên tuổi của mình trên màn ảnh, nữ diễn viên nhỏ nhắn này rất thuyết phục trong cả những cảnh hành động mang nét hoạt họa, những cảnh hài hước lãng mạn ban đầu với Tôn Tẫn và phần phim nghiêm túc sau này, cô vẫn giữ được nét riêng của mình trước những diễn viên lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn nhiều. Mặc dù về lý thuyết thì vai diễn này có vẻ hợp với một nữ diễn viên chín chắn hơn như Diêu Thần (để lặp lại sự kết hợp thành công của cô với Tôn Hồng Lôi trong Lurk), nữ diễn viên 21 tuổi này đã biến vai diễn thành của riêng mình – và chính là khám phá của bộ phim.

Diễn xuất của Kim Hee Sun trong vai Bàng phi
được cho là đã tiến bộ hơn so với bộ phim trước của cô

Với sức nặng của kỹ thuật và diễn xuất, kịch bản sáng tác bởi nhà biên kịch phim truyền hình Thân Tiệp - người cũng viết bộ phim Crossing Over của đạo diễn Kim - xuất hiện như một tác phẩm phong phú về tình bạn, sự phản bội và tình yêu xuyên suốt vài thập kỷ, bám khá sát vào những sự thật từng được biết nhưng thêu dệt vào đó những yếu tố hư cấu như Điền Kị và câu chuyện tình yêu trung tâm một cách giàu tính điện ảnh. Câu chuyện về việc cả hai bên muốn chiếm đoạt được những kiến thức quân sự của Tôn Tẫn giống phong cách MacGuffin hơn bất cứ cái gì khác: kịch tính thật sự nằm trong sự thất bại của cả hai bên trong việc nhìn thấy viễn cảnh rộng lớn là vòng tròn vô tận của những trận chiến ăn miếng trả miếng và yêu thương-thù hận. Chiến Quốc giống một bộ phim giải trí chính thống hơn bộ phim cùng đề tài Triệu thị cô nhi của đạo diễn Trần Khải Ca, nhưng đó là một bộ phim giải trí chất lượng cao, được kết hợp đẹp đẽ và diễn xuất tốt (trừ phần của Tôn Hồng Lôi).


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.