Giải thưởng - LHP

Oscar bộc lộ khoảng cách ngày càng lớn giữa khán giả và Viện hàn lâm?

02/03/2015

Mỗi năm, các nhà phê bình than phiền rằng Viện hàn lâm đã đánh mất sợi dây liên hệ với khán giả xem rạp bình dân. Dưới đây là lý do họ không quan tâm.

Vì sao Oscar không nên quan tâm đến doanh thu phòng vé?

Mỗi mùa Oscar diễn ra theo thông lệ: thảm đỏ, những bài phát biểu, và lời phàn nàn thường niên rằng Viện hàn lâm cao quý không còn cảm thụ những bộ phim mà “người Mỹ thực thụ” xem. Năm nay, lời phàn nàn đến từ Michael Cieply và Brooks Barnes của tờ The New York Times, cho rằng Oscar “gần như phá vỡ mối liên quan với những bộ phim mà hàng triệu người mua vé để xem.”

Birdman là tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất có doanh thu thấp thứ nhì trong quãng thời gian tối thiểu là bốn thập kỷ qua, và ngay cả các hạng mục kỹ thuật – thường là biểu hiện sự khích lệ của Viện hàn lâm với các phim bom tấn – bị Whiplash xâm chiếm. Nhưng điều đó không dẫn đến, tối thiểu là ngoại trừ lý lẽ mà Cieply và Barnes không ngại đưa ra, rằng khẩu vị của Viện hàn lâm đã thay đổi, hay sự thay đổi giả định đó nghĩa là Oscar sắp đứng trước nguy cơ đánh mất địa vị văn hóa của họ.

Áp phích lễ trao giải Oscar lần thứ 87

Làm sao đến nông nỗi ấy? À, tùy thuộc vào việc bạn là ai mà sự việc trở thành sai lầm trầm trọng hoặc vô cùng sáng suốt. Nhưng thực sự, việc đã diễn ra như thế. Tác giả bài viết không rõ vì sao người ta phàn nàn về một năm Oscar có những bộ phim kinh phí khiêm tốn hơn, phim độc lập xoay quanh nhân vật như Whiplash, The Grand Budapest Hotel, BirdmanBoyhood được đề cử Phim hay nhất. Lạ lùng thay, trong một năm mà những bộ phim nhỏ hơn lấn át trong các cuộc thảo luận giải thưởng, các chuyên gia lại than thở về sự đồng nhất văn hóa. Tuy nhiên, trong một năm mà doanh thu của Phim hay nhất Oscar quá thấp – American Sniper gặt hái nhiều hơn tổng doanh thu của bảy đề cử Oscar còn lại – không hiểu sao các nhà phê bình nhanh nhẹn chỉ trích Oscar đang không còn hiểu khán giả “thực thụ” muốn gì. Nhiều năm trước, dạng phim độc lập này đành thỏa mãn với việc theo dõi từ ngoài lề, vì các hãng phim lớn sẽ thống trị tất cả với các chiến dịch tốn kém của họ. Đa phần, các hãng phim chủ yếu dồn lực vào phim bom tấn, dạng phim không được chú ý tại Oscar.

Và rồi, American Sniper của Warner Bros. là phim duy nhất của hãng phim lớn tại bảng Phim hay nhất. Điều này thực sự cho thấy một điều về thực trạng của ngành điện ảnh hiện tại, và cách hai bộ phim Sundance thâm nhập cuộc chơi và đoạt tổng cộng bốn giải Oscars. Ngày trước, một phim Sundance (ví dụ như Beasts of the Southern Wild) hạnh phúc lắm khi góp mặt, không ai kỳ vọng bộ phim giành được bất kỳ chiến thắng nào, và sự công nhận chỉ đơn giản là tiếng reo hò “làm tốt lắm!” Nhưng tình hình nhất định đang thay đổi.

Áp phích phim Beasts of the Southern Wild

Cũng nên chú ý rằng 2014 là năm sôi động của điện ảnh, điều này thường được phản ánh ở giải thưởng của Viện hàn lâm, sự thay đổi tuyệt vời so với những năm trước khi mà các đề cử được lấp đầy bởi những dự án do các hãng phim thiết kế riêng cho Oscar khiến phần lớn khán giả hững hờ. Đúng là, Selma không đoạt giải Phim hay nhất, và tác phẩm tuyệt vời như Under the Skin thậm chí không được đề cử, nhưng xét về bản chất của giải Oscar, luôn có những bộ phim không đạt được sự công nhận này.

Tuy nhiên, The New York Times sai lầm khi than phiền rằng khán giả truyền hình là những kẻ thua cuộc chính năm nay vì không đủ các đại diện bình dân cho họ cổ vũ. Đúng là, tỷ suất người xem năm nay giảm 14,9% và là thấp nhất kể từ năm 2009, khi Slumdog Millionaire (một bộ phim không có ngôi sao nào) đoạt giải Phim hay nhất với Hugh Jackman dẫn chương trình. Tin tức này hiển nhiên khơi dậy làn sóng thần “Oscar làm sao thế” bày tỏ lo ngại do xu hướng tỷ suất người xem tác động quan trọng tới buổi lễ được coi là nơi tán dương những bộ phim xuất sắc. Một số người sẽ cho rằng 10 đề cử Phim hay nhất – ý tưởng được Viện hàn lâm nỗ lực thực hiện không vì lý do nào khác ngoài vai trò động thái đưa thêm nhiều phim được số đông đón nhận vào đề cử, từ đó tăng tỷ suất người xem – đã “phản tác dụng” và mười đề cử chỉ tạo nhiều cơ hội hơn cho những phim độc lập nhỏ bé, rầy rà lọt vào. Tất nhiên, những chuyện như đạo diễn của Guardians of the Galaxy James Gunn đổ thêm dầu vào lửa cho rằng “thị phần phổ biến trên bất kỳ phương tiện nào luôn bị nhóm người uy quyền tự chỉ định phớt lờ.” Tuy nhiên nếu xét theo điều “phổ biến” hay thành công về mặt thương mại, thì Oscar năm nay sẽ bị thống trị bởi Transformers: Age of Extinction.

Áp phích phim Chariots of Fire

Nếu bạn xem lại danh sách các quán quân Phim hay nhất mà không liếc qua phòng vé, chúng có vẻ theo chuẩn rõ ràng: phim giản dị về vấn đề tự khen bản thân như In the Heat of the Night (1967); tác phẩm giải trí hội tụ các ngôi sao điện ảnh như The Sting (1973); phim về thời xưa cũ hào nhoáng như Chariots of Fire (1983); phim hoành tráng như Around the World in 80 Days (1956). Thay vào đó Crash, Argo, The King’s SpeechChicago, ta thấy dường như không thay đổi nhiều.

Điều thay đổi là khán giả xem phim gì ở rạp – căn cứ duy nhất mà Cieply và Barnes chỉ ra, dù điều này càng ít liên quan hơn. Ordinary People, tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất năm 1980, không có đặc điểm nào của một thành công phòng vé hiện đại. Cơ bản là phim tâm lý về mọi người trò truyện trong các căn phòng, tuy nhiên doanh thu ở Bắc Mỹ của phim là hơn 54 triệu đôla. Tương đương 155 triệu đôla tính theo giá trị đồng tiền năm 2014, tức là sẽ nằm trong tốp 20 của năm 2014, ngay giữa Gone GirlDivergent. (Thực ra xét chung cuộc, phim đứng thứ 11, ngay bên ngoài tốp 10 bao gồm The Empire Strikes BackSmokey and the Bandit II). Oscar không bỏ rơi những bộ phim thu hút đông đảo khán giả. Mà là khán giả xem rạp, ít khi ngoại lệ, đã bỏ qua mọi thứ trừ các tác phẩm kinh phí lớn, hoành tráng.

Viện hàn lâm không bỏ rơi những bộ phim thu hút số đông như Ordinary People

Tương tự nhiều phóng viên đưa tin về ngành điện ảnh, Cieply và Barnes có vẻ tiếp thu chuẩn mực của ngành, phong cách hội chứng Stockholm. (Khi tác giả đang viết bài này, James L. Brooks, người từng đoạt nhiều giải Oscar với Terms of Endearment, phản pháo bài báo bằng một loạt tweet gọi đó, cùng những thứ khác, là “phản nghệ thuật một cách hiểm ác”.) Thứ tốt là thứ kiếm nhiều tiền nhất, và Oscar nên hòa theo tiến trình hoặc đứng trước nguy cơ bị cho về vườn. Đừng quên rằng, như chính họ đã chỉ ra vào năm 2013, doanh thu phát sóng chương trình Oscar tiếp tục tăng dù tỷ suất người xem giảm, hay thực ra, bất cứ chương trình giải thưởng nào đều đương đầu với cuộc chiến khó nhọc trong thế giới hậu thuần nhất, nơi việc trao cho giải thưởng cao nhất cho một tác phẩm trong lĩnh vực của tác phẩm đó ngày càng giảm giá trị. Giải Grammy, mà Cieply và Barnes viện dẫn là câu lạc bộ lâu năm để so sánh với Viện hàn lâm, đã phản ứng lại sự phân chia văn hóa bằng cách trao hơn 80 giải thưởng, rồi trao những giải thưởng ấy trong các buổi lễ không phát sóng trong khi dành phần lớn thời lượng phát sóng truyền hình cho các màn biểu diễn ca nhạc. Đó không phải là con đường hợp lý hay đáng giá cho Viện hàn lâm noi theo – không kể đến nếu đó là một trong những chỉ trích của bạn về Oscar, trong trích dẫn duy nhất của Cieply và Barnes, một thủ thư nghiên cứu điện ảnh tại Đại học Michigan nói, “Không ai thực sự tin rằng bộ phim họ chọn sẽ trường tồn mãi mãi nữa,” lựa chọn bảo thủ lố bịch, tức cười về phương diện lịch sử của giải Grammy không cho thấy có cải thiện nhiều. (Vào năm 1977, Oscar Phim hay nhất về tay Annie Hall, Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại giải Grammy là Starland Vocal Band.)

Đúng là, trong chừng mực nhất định, tỷ suất Oscar tăng và giảm cùng sự nổi tiếng của các bộ phim được đề cử. Nhưng khó lòng suy ra một danh sách đề cử Phim hay nhất bao gồm các đại diện như Hunger Games: Mockingjay – Part 1Transformers: Age of Extinction sẽ làm tăng số lượng khán giả. Có thể nói thế này, người hâm mộ Hunger Games rất quan tâm đến đánh giá của Viện hàn lâm, và ngụ ý chương trình giải thưởng nên phản ánh kết quả phòng vé là một kiểu khủng bố áp đảo. Oscar không nên trao thưởng các bộ phim vì chúng phổ biến, bằng không các nhà phê bình sẽ “xử” họ. Như James Rocchi phát biểu, “Đề cử Oscar có lượng người xem lớn nhất đã được thưởng rồi. Phần thưởng mang tên gọi ‘Tiền’”.

Guardians of the Galaxy – quán quân phòng vé Bắc Mỹ 2014

Tác giả bài viết muốn thấy Viện hàn lâm bày tỏ thị hiếu phong phú hơn: thử tưởng tượng hạng mục Phim hay nhất trong đó Guardians of the Galaxy cạnh tranh với Under the Skin. Nhưng với những lời chỉ trích những người được coi là “tinh anh” của Viện hàn lâm – luận điệu tức cười cùng gu thưởng thức kiên định “dễ hiểu mà chất lượng” của nhóm này – không thể nhìn đến nơi nào khác ngoài ngước lên bậc thang phòng vé. Cuộc công kích không thay đổi lặp lại năm này qua năm khác, bất chấp những mâu thuẫn liên quan: năm nay, Cieply và Barnes phàn nàn về “mớ giải thưởng lộn xộn đi theo nhiều hướng khác nhau”; năm 2013, họ mỉm cười đồng tình với sự hào phóng tương tự giải Quả cầu vàng của những người bầu chọn trong việc “tôn vinh nhiều thể loại phim khác nhau.” Năm 2012, “cỗ máy giải thưởng Hollywood” đã “trục trặc”; năm nay, đó là chiếc xe tải hạng nặng không thể ngăn cản.

Nhưng rồi, cuộc tranh cãi này không thực sự là về giải Oscar. Đó là nỗi hổ thẹn chung của một ngành đã xây dựng mô hình kinh doanh chiều lòng các cậu thiếu niên và dành ra một buổi tối mỗi năm để giả bộ mình quan tâm đến những điều khác – hay, trong trường hợp Birdman, một bộ phim kịch tính hóa nỗ lực. Thật dễ dàng rũ bỏ chút lương tâm cuối cùng; vui mừng ôm ấp những động cơ lợi nhuận và mặc kệ mọi thứ còn lại; hoan nghênh nghệ thuật song coi đó là tác dụng phụ không cần thiết của thương mại. Như thế chắc chắn sẽ khiến việc đưa tin về ngành điện ảnh đơn giản hơn. Mỗi phim trong tám đề cử Phim hay nhất của Viện hàn lâm đã kiếm về gấp vài lần kinh phí, nhưng không có cửa cho thành công tầm thường như thế trong trò chơi toàn cầu. Thắng làm vua, số còn lại hứng chịu chê trách.

Vì sao Birdman đánh bại Boyhood?

Áp phích phim Birdman

Câu nói nổi tiếng trong The WireUnforgiven của Clint Eastwood, “xứng đáng” không liên quan gì tới Oscar. Đó là chính trị, cuộc ganh đua sự nổi tiếng, và vô số yếu tố khiến sự việc diễn ra như vậy. Chứng mất trí nhớ bắt đầu tái phát với các chuyên gia đầu mỗi năm, như thể các anh chàng Men in Black đến và xóa sạch tất cả. Những ai thoát khỏi sự tẩy não này nhớ rằng hàng năm, Hiệp hội các nhà phê bình (Critics’ Circles) không có ý nghĩa nhiều đối với Oscar. Đúng là họ sản xuất các đề cử như Boyhood, Zero Dark ThirtyThe Social Network, tuy nhiên ngoại trừ 12 Years A Slave, họ thường không đưa ra những phim đoạt giải Phim hay nhất. Trong khi sở thích của Hiệp hội các nhà phê bình liên quan đến Oscar vài năm một lần, ít thường xuyên hơn bạn nghĩ.

Một số người sẽ nói Boyhood chịu thiệt vì sớm ở địa vị ứng viên triển vọng, nhìn chung được coi là nụ hôn tử thần – tác phẩm thường đoạt hầu hết các giải của Hiệp hội các nhà phê bình – quá sớm nhưng tuyên bố đó chỉ xuất phát từ những người một lần nữa nhầm lẫn rằng các nhà phê bình và những người bầu chọn Oscar là một, với cùng kiểu đánh giá về phim ảnh và văn hóa. Khi Boyhood khởi chiếu tại Sundance đầu năm 2014, các nhà phê bình rất yêu thích, nhưng không ai ngay lập tức nghĩ rằng, “Trời ơi, những người bầu chọn Oscar sẽ yêu thích bộ phim này!” (và nếu nghĩ vậy thì họ đang ở quá xa mặt đất). Song không hiểu sao, câu chuyện “kỳ vọng chiến thắng” đã thay thế nhận thức về thứ “sẽ” chiến thắng ở nhiều nhà phê bình và chuyên gia.

Áp phích phim Boyhood

Boyhood hiển nhiên là thành tựu lớn, rời xa những cột mốc trưởng thành truyền thống và những chỉ dẫn kịch tính rõ ràng, trong khi nỗ lực vươn tới hiệu quả tích lũy bằng cách đưa vào nhiều khoảnh khắc dường như tầm thường trong cuộc sống, hội tụ lại thành một điều gần như tuyệt tác. Nhưng nghĩ về Boyhood từ góc nhìn của Viện hàn lâm: ít ra cách kể chuyện không truyền thống. Boyhood không có bất kỳ diễn tiến kịch tính lớn lao, khủng hoảng hay trở ngại cần vượt qua, và không có ngôi sao nào ngoài hai nam diễn viên phụ. Bộ phim của Richard Linklater là tác phẩm kỳ công, nhưng không có nhân vật phản diện rõ ràng nào ngoài người cha dượng thỉnh thoảng khó ưa. Gần như không hàm chứa bất kỳ yếu tố thông thường nào khiến một tác phẩm trở thành Phim hay nhất. Tất nhiên, đây là bộ phim đáng ngưỡng mộ, nhưng Phim hay nhất ư? Mối liên quan giữa Boyhood và đa số các quán quân Phim hay nhất là dấn thân vào những điều nhỏ bé quan trọng; diễn biến tinh tế, không xúc động nhiều ngoại trừ đoạn kết. Không khác gì tính cách của Richard Linklater – lặng lẽ, điềm đạm, ung dung, và không kích động hay xúi giục những người bầu chọn ôn hòa thích phim của họ. Nếu ít nghiên cứu kỹ lưỡng, có ai thực sự thắc mắc vì sao Boyhood không đoạt giải Phim hay nhất? Xét lại thì, có ai thực sự nghĩ bộ phim này sẽ thắng lớn dựa trên những thảo luận ẫm ĩ trên các phương tiện truyền thông? Có lẽ Viện hàn lâm đã tỏ rõ dự tính về tất cả tình cảm của họ đối với Boyhood từ rất sớm rồi: bộ phim được sáu đề cử so với chín đề cử của Birdman. Ngay cả The Grand Budapest Hotel cũng được nhiều hơn ba đề cử so với Boyhood.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Indiewire


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.