Giải thưởng - LHP

Oscar: Những thay đổi quy định của Viện Hàn lâm ảnh hưởng thế nào đến cuộc đua kế tiếp

17/04/2017

Những thay đổi trong quy định liên quan đến giải Oscar đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ công bố hôm 7/4/2017 — cụ thể là những phim gắn với hạng mục phim tài liệu và hoạt hình — được truyền thông đưa tin kém nhiệt tình so với những tin tức liên quan đến vụ bể bạc ở hạng mục phim hay nhất và tương lai của người trao nhầm phong bì của hãng PwC với giải thưởng này.

Nhưng đừng có sai lầm về chúng: Những thay đổi đó sẽ có tác động lớn hơn nhiều ở cuộc đua Oscar sắp tới và có thể là nhiều năm sau nữa. (Luật lệ được xét lại mỗi năm bởi hội đồng của từng phân ban và hạng mục; sau đó ủy ban luật của giải thưởng xét duyệt tất cả các đề nghị thay đổi trước khi đưa ra hội đồng quản trị để được chấp thuận, năm nay diễn ra ở cuộc họp hội đồng ngày 28 tháng 3.)

Quy định mới tác động đến hạng mục phim tài liệu có thể được gọi tên là "The O.J. Rule", vì do bộ phim O.J.: Made in America của ESPN khơi gợi, bộ phim dài năm phần, trường thiên bảy tiếng rưỡi này đã được phân ban phim tài liệu gồm 277 thành viên đề cử — và sau đó Viện Hàn lâm trao giải — phim tài liệu xuất sắc hồi đầu năm nay. Nhiều thành viên của phân ban tài liệu đã bày tỏ sự dè dặt đối với đề cử cho O.J., không phải vì nó không hay — hầu như tất cả những ai đã xem đều thấy phim hay — mà vì họ không chắc có phải phim thực sự được sáng tác để làm một phim tài liệu chứ không phải là phim tài liệu truyền hình nhiều tập và e rằng việc công nhận bộ phim này sẽ khuyến khích các nhà đài khác và/hoặc bộ phận phim của họ trình chiếu những phim tài liệu truyền hình nhiều tập chất lượng Oscar trước khi phát sóng chúng lên tivi — điều mà phân ban này không được trang bị để xử lý, vì đã tràn ngập những phim dài truyền thống ứng thí rồi. (Năm ngoái, 145 phim tài liệu đủ tư cách xét tranh giải Oscar.)

O.J.: Made in America, bộ phim tài liệu của ESPN vừa đoạt giải Oscar năm nay

Phân ban tài liệu đã trình bày hôm 7/4 rằng, tới đây, "các loạt phim nhiều phần hoặc hạn chế không đủ tư cách xét dự giải", và rằng ủy ban điều hành phân ban tài liệu sẽ phân xử những phim có nguy cơ. Thú vị là, theo quy định mới, có thể O.J. sẽ vẫn đủ tiêu chuẩn, vì việc trình chiếu phim này đã được ấn định từ trước khi lần đầu phát sóng, không chỉ qua việc chiếu rạp cho đủ tư cách, mà còn qua các buổi trình chiếu phim liên hoan ở Sundance và Tribeca còn trước đó nữa.

Không thể nói điều tương tự với bộ phim tài liệu danh giá nhất năm 2017 tính đến nay: Five Came Back của Netflix, có khả năng sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của quy định mới này, nếu những nhà làm phim vẫn chọn gửi đi xét tranh giải Oscar. Có vẻ đó là ý định ban đầu của họ khi họ cho phim chiếu rạp cho đủ tiêu chuẩn (là một phim dài 187 phút) đồng thời với phát sóng truyền hình lần đầu (thành ba phần, mỗi phần khoảng một tiếng) ngày 31/3. Chuyển thể cuốn sách được khen ngợi của Mark Harris về năm nhà làm phim Hollywood nhập ngũ trong Thế chiến II tự hào khoe một dàn tài năng hạng A — với mỗi phần có những người cỡ như Steven Spielberg và do Meryl Streep dẫn chuyện — cùng những bài phê bình ca ngợi. Nhưng Five Came Back gần như chắc chắn hấp dẫn sự săm soi của úy ban phân ban tài liệu, mà, theo những nguồn tin thân cận với Viện Hàn lâm, sẽ, theo quy định mới, tìm cách quyết định bộ phim tài liệu này được làm theo định dạng chủ yếu nào. Trong trường hợp đó, câu trả lời xem ra khá rõ ràng: do Netflix làm và để phát trên Netflix, vậy là không đủ tư cách tranh giải Oscar.

Five Came Back, bộ phim tài liệu danh giá của Netflix rất có thể trở thành nạn nhân của sự thay đổi quy định ở hạng mục phim tài liệu Oscar

Tuy nhiên, những người còn lại đã trấn an rằng Five Came Back không có khả năng không được công nhận giải thưởng; nó hầu như chắc chắn nhận đề cử Emmy cuối năm nay.

Về sự thay đổi tác động đến hạng mục phim hoạt hình, mở ra một quy trình tuyển chọn đề cử phim hoạt hình hay nhất với số lượng thành viên Viện Hàn lâm chưa từng có, có thể gọi là "The GKIDS Rule". Đó là vì chuyện này xem ra là do việc những phim hoạt hình được làm và/hoặc được phát hành độc lập — gồm chín phim trong tám năm qua từ công ty đóng tại New York nêu tên trên — lấy được đề cử phim hoạt hình xuất sắc mà những người chống lưng cho các hãng phim lớn rất thèm muốn, trong khi phim của các hãng lớn tốn chi phí nhiều hơn và có số lượng người xem nhiều hơn hẳn. Trong số phim hoạt hình hãng lớn không được đề cử từng có: The Lego Movie của Warner Bros. (một sự bỏ sót ầm ĩ nhất trong tất cả), The Adventures of Tintin của Paramount, Tangled của Disney, Rise of the Guardians của DreamWorks Animation và Sing của Universal/Illumination.

Từ ý tưởng khởi nguyên về hạng mục phim hoạt hình xuất sắc trước Giải thưởng Viện Hàn lâm năm 2002 cho đến Oscar đầu năm nay, đề cử phim hoạt hình xuất sắc do một hội đồng gồm thành viên Viện Hàn lâm trong và ngoài phân ban phim ngắn và phim hoạt hình số lượng bằng nhau, tất cả được Viện Hàn lâm mời tham gia. (Nguồn tin nói số lượng nhiều nhất lên đến khoảng 150, một nhóm đại diện nhỏ đáng kể đối với một tổ chức có số thành viên hơn 5.000 đã nhiều năm nay.) Ủy ban này được yêu cầu tham dự các suất chiếu của gần hai phần ba số phim hoạt hình đủ tư cách tại Nhà hát Linwood Dunn; việc tham dự được theo dõi cẩn thận, và không ai không xem đủ mà được nhận phiếu đề cử vào cuối buổi.

GKIDS phát hành phim mới nhất My Entire High School Sinking Into the Sea từ nhà hoạt hình Dash Shaw (tác giả tiểu thuyết tranh New School) ngày 14/4/2017 — chỉ một tuần sau khi Oscar thay đổi quy định về phim hoạt hình tranh giải

Vì những lý do đó, việc tìm được thành viên sẵn lòng phục vụ cho ủy ban này lâu nay là rất vất vả, và những ai đồng ý phục vụ thường cao tuổi và đã về hưu; dẫn đến phó phẩm là một tỷ lệ lớn thành viên ủy ban — đặc biệt là các họa sĩ hoạt hình lão thành — ủng hộ những phim nào sử dụng các hình thức hoạt hình truyền thống (vẽ tay, stop-motion, v.v...), của GKIDS, hơn những hình thức gọi là hoạt hình "sắc cạnh hơn".

Hôm 7/4, Viện Hàn lâm đã công bố rằng bất ký thành viên nào muốn phục vụ cho ủy ban đó giờ đây có thể làm thế và làm thế bằng cách xem phim ở rạp hoặc ở nhà trên đĩa DVD hay trên trang web được bảo mật của Viện Hàn lâm. Giải pháp "tự chọn" này lâu nay đã được BAFTA áp dụng và cũng hợp lý với Viện Hàn lâm, vì nó cho phép tổ chức này không phải lo việc tuyển dụng, trong khi vẫn cải thiện đáng kể khả năng các đề cử cuối cùng sẽ có sức hấp dẫn rộng rãi hơn những đề cử của các năm gần đây. Thế nào chăng nữa, tỷ lệ thành viên ủy ban đến từ lĩnh vực hoạt hình giờ đây không chừng còn còi cọc đi trước tỷ lệ của thành viên ủy ban không từ lĩnh vực hoạt hình. Và, như trường hợp của mùa giải trước, không gì qua được "hệ thống nghi thức" để đảm bảo các thành viên ủy ban đã xem số lượng phim mà họ được cho là phải xem trước khi bầu chọn. (Bạn có thể chắc ăn là nhiều thành viên của ban quan hệ công chúng làm việc cho những phim đó sẽ tìm ra thời gian để phục vụ tình nguyện cho ủy ban này.)

Nói cách khác, ngọn núi mà một phim của GKIDS phải vượt qua để được đề cử phim hoạt hình xuất sắc không chỉ dốc đứng hơn. Và triển vọng được đề cử của phim hoạt hình hãng lớn có tiếng — không chỉ những phim từ Disney/Pixar, mà còn Universal/Illumination (Despicable Me 3), Warner Bros. (The Lego Batman Movie The Lego Ninjago Movie), Fox (Ferdinand) và DreamWorks Animation (The Boss Baby) — cũng sẽ tăng lên rất nhiều.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.