Sau một thời gian bận rộn với các bộ phim đậm chất máu đổ đầu rơi và những cảnh "PG-18", giật đùng đùng kiểu Breaking Bad hay Games of Throne,
mình trở lại làng phim US–UK với một bộ phim hết sức nhẹ nhàng đủ tiêu
chuẩn PG-13. Xem vì một lời giới thiệu rất bâng quơ, muốn biết mùi vị
phim truyền hình Anh Quốc ra sao, chứ không vì bất cứ lý do gì đặc biệt.
Downton Abbey nằm trong danh sách đề cử những bộ phim truyền hình xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng vừa rồi, và chịu thua trước
Breaking Bad phần 5, là điều không có gì lạ bởi sự quá xuất sắc của
Breaking Bad.
Nhưng bộ phim vẫn có những giá trị riêng, để có thể trở thành một trong
những bộ phim thu hút khán giả nhất trong lịch sử truyền hình nước Anh
và nước Mỹ trong 20 năm trở lại đây. Tất có lý do riêng.
Downton Abbey
không có những nút thắt nghẹt thở, những câu chuyện kịch tính, những âm
mưu đen tối, khiến khán giả phải hồi hộp đến từng giây như
Prison Break hay
Breaking Bad.
Downton Abbey không hài hước và đầy rẫy những bí mật, mâu thuẫn như kiểu
Desperate Housewvies.
Dĩ nhiên, đây cũng không phải là bộ phim chứa đựng những mối quan hệ hết sức lộn xộn như kiểu
Gossip Girls, thần bí như
Charmed, hay khiến phải “nóng mắt” như
Sex and City…
Bữa ăn với những vật dụng sang trọng
Thế mà, phim vẫn cứ cuốn hút một cách kỳ lạ, và khó có thể giải thích một cách rõ ràng. Mình hình dung đây như một phiên bản
Hồng lâu mộng
phương Tây, nhưng nhẹ nhàng, tươi sáng và nhân văn hơn rất nhiều. Bởi
với bộ phim này, người xem như được ngược dòng lịch sử trở về những năm
đầu của thế kỷ 20, mà mọi việc bắt đầu từ sau sự kiện hàng hải nổi tiếng
nhất trong lịch sử - khi con tàu Titanic chìm xuống, khiến cuộc sống
của gia đình bá tước tại Downton Abbey chuyển sang một trang hoàn toàn
mới. Những lâu đài lộng lẫy, những con đường xanh mướt, những trang phục
đẹp sang trọng…
Có lẽ bộ phim đã tái hiện gần như hoàn hảo
những giá trị văn hóa, truyền thống, những thay đổi của thời đại, những
hệ tư tưởng theo kiểu tư bản chủ nghĩa, quân chủ lập hiến hay xã hội chủ
nghĩa. Với người xem kiểu tiểu tiết như tôi, sẽ là những chiếc máy uốn
tóc của các nàng tiểu thư thời đó, những bộ váy đẹp đến nao lòng, những
chiếc máy đánh trứng, những chiếc khuôn bánh bằng sứ trắng ở khu bếp…
Những chi tiết nhỏ như thế cũng được
Downton Abbey đưa vào phim một cách khéo léo và tinh tế.
Trang phục của các tiểu thư
Khi nào thì những quý ông dùng nơ trắng thay vì nơ đen? Tại sao những
nàng tiểu thư đã lập gia đình có thể ăn sáng ở phòng riêng thay vì phải
xuống ăn cùng gia đình? Tại sao phải duy trì việc điểm trang thật đẹp
cho mỗi bữa tối, và khi chưa “properly dressed”, thì tốt nhất đừng bước
vào phòng ăn? Những bữa tiệc kiểu đi săn, picnic hay dạ hội sẽ được
chuẩn bị khác nhau như thế nào? Tất cả đều nằm trong thế giới của
Downton Abbey.
Downton Abbey
không có nhân vật phản diện sắc lạnh. Những người chủ ở tầng trên và
những người hầu ở tầng dưới, đại đa số đều rất nhân văn và hiền hậu, dù
ai cũng có sự ích kỷ, toan tính, cá tính, cách suy nghĩ của riêng mình.
Những mối tình trong phim không thực sự được đưa làm chủ đạo, nhưng vẫn
đầy thu hút bởi kiêu hãnh và định kiến, bởi những khác biệt về xã hội,
tư tưởng.
Lời thoại phim thì hay vô cùng, sang trọng nền nã mà không tạo cảm giác sến sủa, và ít nhiều hài hước ở những đoạn cần thiết.
Diễn
viên thì khỏi phải nói. Đẹp là một phần, nhưng quan trọng hơn cả là
casting vô cùng hợp vai, tạo cảm giác chẳng có ai có thể diễn tốt hơn
nữa.
Maggie Smith trong vai quý phu nhân kiêu hãnh của Downton Abbey
Cô phó hiệu trưởng gầy đét và nghiêm khắc McGonagall, của
Harry Potter,
bỗng trở thành một quý phu nhân kiêu hãnh, truyền thống, đôi phần cổ hủ
trước thời thế, nhưng cũng đầy thấu hiểu. Maggie Smith sở hữu những câu
thoại đắt, hài hước và đúng lúc, đúng chỗ nhất trong
Downton Abbey.
Rõ
ràng, Michelle Dockerey không đẹp một tẹo nào, nhưng khi hóa thân thành
Mary, thì lại hội đủ tất cả các yếu tố của một tiểu thư kiêu hãnh, cá
tính, lạnh lùng, thông minh nhưng cũng đầy bất lực trong xã hội vẫn còn
nhiều định kiến với phụ nữ. Thích những lúc nàng ương ngạnh, cứng đầu,
và cả những lúc nàng đổ vỡ, mong manh. Mà những cái lắc đầu, nghiêng đầu
rất đặc trưng của nàng thì duyên dáng thôi rồi!
Và cuối cùng, mình thích phim này, đến nỗi tải hẳn bản bluray về, quyết định xóa bộ trai già
Thiên và địa, để nhường chỗ lưu trữ cho
Downton Abbey,
cũng bởi “love at the first sight” với nhân vật Matthew Crawley. Chắc
cũng giống như Mathew lần đầu gặp Mary đã rớt cả quai hàm ra rồi ý!
Trình độ mê trai đã thăng lên một cấp!
Cặp đôi hạnh phúc Mathew và Mary trong ngày cưới
Khán giả xem xong ba phần của phim này thường viết ra những xúc cảm rất
loằng ngoằng, có lẽ bởi sự ra đi đầy bất ngờ, không thể đoán trước của
nhân vật nam chính được yêu thích nhất phim trong một tập Christmas
Special. Giết chết một nhân vật có sức nặng như vậy trong một tập phim
chiếu dịp Giáng sinh là một cú sốc lớn với đại đa số người xem, và mình
đây cũng không ngoại lệ. Anh chết khi đang có thể hạnh phúc nhất sau tám
năm ở điền trang Abbey.
Cái chết này, nếu xảy ra ở Việt Nam vào
thế kỷ 21 sẽ hợp lý hơn rất nhiều: tham gia giao thông trên đường vắng,
vượt tốc độ cho phép, đã thế miệng còn cười như 'đười ươi giữ ống' và
mắt còn bận liếc nhìn bầu trời xanh thăm thẳm. Thế nên ngỏm củ tỏi vì
tai nạn giao thông là đúng rồi! Dù sao thì lúc bye bye trái đất cũng
được lọt vào tốp 5 những khoảnh khắc 'xúc động đậy' nhất của truyền hình
Âu Mỹ 2013.
Mình dừng lại ở Christmas Special phần 3, bởi nhân
vật mình thích nhất đã đi bán muối, kéo theo mối tình mình thích cũng
chỉ còn là hoài niệm. Sang phần 4, tính soap opera trở nên nhiều hơn,
nên cũng không còn quá mặn mà. Nhưng có là gì, vài chục năm xem phim,
mình đã trở nên vô cùng quen thuộc với các nhân vật yêu thích, các mối
tình yêu thích kết thúc một cách vô duyên và bi kịch, nguyên nhân không
phải vì kịch bản, mà bởi diễn viên còn bận đi đóng phim khác, bị bệnh,
chuyển nhà, sinh con… nên không thèm đóng tiếp nữa, mặc kệ phim muốn ra
sao thì ra!
© Sansan @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi