Lên sóng BBC từ năm 1963,
Doctor Who phiên bản gốc đã từng kéo
dài cho tới tận mùa phim thứ 26, mỗi mùa có khoảng 20 tập phim, mỗi tập
dài 30–45 phút, và phim đã ghi lại dấu ấn của tám diễn viên khác nhau
trong vai Doctor. Phần cuối cùng của
Doctor Who 1963 cho tới tận năm 1989 mới kết thúc và để lại rất nhiều tiếc nuối cho khán giả thời bấy giờ. Chính vì thế, việc
Doctor Who
được đài BBC đưa trở lại màn ảnh nhỏ vào năm 2005, đã thành một sự kiện
mang tầm lịch sử với người xem truyền hình ở Anh nói riêng và thế giới
phương Tây nói chung.
Bản thân mình cảm thấy nếu "cày" hết 26 mùa
của bộ cũ sẽ là một điều không tưởng, nên đã quyết định chỉ xem bảy mùa
của phiên bản 2005 mà thôi (một phần nữa là vì mình thích xem phim hiện
đại có kỹ xảo tốt hơn), thế nên bài viết này sẽ không đề cập và so sánh
với phiên bản gốc 1963 (tuy gọi là hai phiên bản khác nhau để phân
biệt, bảy mùa phim mới này vẫn có những mối liên hệ mật thiết với 26 mùa
phim trước kia, nhưng chúng ta không cần phải xem lại toàn bộ phim cũ
mà vẫn có thể hiểu được phiên bản mới).
Doctor Who kể về
cuộc phiêu lưu của một người ngoài hành tinh thuộc chủng tộc Time Lord,
đến từ hành tinh Gallifrey, tên là the Doctor. Ông là người cuối cùng
còn sống sót sau cuộc Chiến tranh Thời gian (Time War) với chủng tộc
Dalek, một loài rô-bô hủy diệt cực kỳ nguy hiểm. Những điều Doctor làm
là chu du qua tất cả các chiều không gian và thời gian bằng chiếc phi
thuyền vũ trụ có tên TARDIS với hình dạng một buồng điện thoại cảnh sát
màu xanh (phổ thông ở Anh từ thập niên 50).
Tàu TARDIS
Doctor là một người gần như bất tử (cho tới nay đã hơn 1000 tuổi), có
khả năng tái sinh sau mỗi lần sắp chết, và sau mỗi lần tái sinh, ông sẽ
có một diện mạo hoàn toàn mới (điều này nhằm giải thích việc tới nay đã
có 11 diễn viên khác nhau vào vai Doctor và cũng là lý do bộ phim kéo
dài thời gian trên sóng đến vậy). Trong cuộc du hành bất tận của mình
xuyên không gian và thời gian, Doctor thường có những người bạn đồng
hành là con người Trái đất (lúc đầu là bất đắc dĩ, sau đó họ sẽ tình
nguyện đi theo), và giúp ông chống lại những thế lực đe dọa Trái đất –
ngôi nhà thứ hai của ông. Trong bảy mùa của
Doctor Who 2005, đã
có tổng cộng ba diễn viên khác nhau vào vai Doctor (đồng nghĩa với việc
Doctor đã suýt chết và hồi sinh hai lần trong phiên bản này). (Sắp tới,
trong mùa thứ tám của bộ phim, nhân vật dự tính lại sắp tái sinh lần
nữa, đưa một diễn viên thứ mười hai vào vai Doctor. – BTV)
Trong
suốt bảy mùa đó, chúng ta sẽ được trải qua rất nhiều những cuộc phiêu
lưu xé tan thời gian và không gian, tiếp cận với những khái niệm khoa
học viễn tưởng vô cùng sử thi và thú vị, đan xen một cách tài tình với
những mối quan hệ phức tạp giữa Doctor và các nhân vật bạn đồng hành của
ông.
Matt Smith hiện đang thủ vai Doctor thứ mười một
Có thể nói, câu chuyện về Doctor là một câu chuyện đầy bi kịch về mặt
tâm lý. Doctor là người cuối cùng còn sống sót trong chủng tộc của ông,
là một người anh hùng vĩ đại đã hàng trăm lần xả thân hy sinh để cứu
hành tinh thoát khỏi những thảm họa hủy diệt cả thời gian lẫn không gian
không tưởng, là người đã nhiều lần phải hy sinh tình cảm cá nhân với
những người bạn đồng hành vì sự an toàn của họ, là người đã sống cô đơn
trong vũ trụ hàng trăm năm, và thật khó để ông có một người bạn đồng
hành mà không đưa họ vào chốn nguy hiểm. Có thể nói, chỉ riêng về mặt
cảm xúc,
Doctor Who đã là một trong số những phim truyền hình
được làm tốt nhất mà mình từng xem, nhất là phim thể loại khoa học viễn
tưởng. Đây không đơn thuần là câu chuyện anh hùng – mỹ nhân thường thấy.
Doctor là một nhân vật được xây dựng gần như Chúa trời, Phật tổ với đầy
những sự hy sinh, những đức tính nhẫn nhịn vô cùng cao cả.
Trong
suốt cả chiều dài ít nhất là bốn mùa đầu tiên, chuyện tình cảm giữa
Doctor và các nhân vật đồng hành nữ đều chỉ được thể hiện qua những cuộc
phiêu lưu cùng nhau của họ, những ánh mắt, lời nói, nụ cười… tất cả đều
rất tinh tế, chỉ đủ để khán giả nhận thấy, nhưng tuyệt nhiên, chưa một
lần Doctor nói “yêu” với bất cứ ai. Có thể nói, điều duy nhất làm bằng
chứng cho tình cảm của Doctor với các nhân vật nữ là những lần ông hy
sinh mạng sống để cứu họ, hy sinh việc được gặp nhau, và quan trọng nhất
là những giọt nước mắt rất “khẽ” mỗi lần ông nuốt vào lòng tình cảm của
mình.
Nhưng không có bạn đồng hành, Doctor lại trở lại là một
con người vô cùng cô đơn. Trong suốt nhiều trăm năm, ông phải sống một
mình cùng chiếc TARDIS với tâm trạng của người cuối cùng sống sót của
chủng tộc. Trong khi hầu hết những người từng bước chân vào TARDIS đều
trước sau gì cũng sẽ gặp những mối nguy hiểm tột cho tính mạng lẫn số
phận. Và đó chính là bi kịch mà Doctor đã phải sống cùng trong một thời
gian quá dài.
11 hình mạo Doctor qua các lượt tái sinh, qua sự thể hiện của các diễn viên (từ trái sang): William Hartnell (Doctor thứ nhất), Patrick Troughton (thứ hai), Jon Pertwee (thứ ba), Tom Baker (thứ tư), Christopher Eccleston (thứ chín), Matt Smith (thứ mười một), David Tennant (thứ mười), Paul McGann (thứ tám), Sylvester McCoy (thứ bảy), Colin Baker (thứ sáu), Peter Davison (thứ năm)
|
Nhưng tất nhiên, cái hay nhất của
Doctor Who không chỉ đơn giản là ở các câu chuyện sướt mướt tâm trạng, “khoa học viễn tưởng” mới là thứ đáng bàn.
Mình chưa xem
Star Trek nên chưa biết, nhưng những khái niệm khoa học “giả tưởng” trong
Doctor Who
thật đúng là chỉ có một từ để miêu tả “mind-blowing” (hoặc
mind-fucking). Đó là những câu chuyện vô cùng KHÔNG TƯỞNG, những sự kiện
diệt vong mang tầm vóc cả vũ trụ, cả không gian và thời gian hợp lại,
và một mình Doctor (tất nhiên hầu hết đều có sự giúp đỡ của những bạn
đồng hành) đã phải tìm cách ngăn chặn những chuyện đó xảy ra. Những sự
kiện giả tưởng được đặt ra, lồng ghép vào nhau, liên kết lẫn nhau, ảnh
hưởng lẫn nhau trong thế giới của Doctor nếu không làm bạn choáng ngợp,
ngây ngất, há hốc mồm, "phê như con tê tê", đã đời… thì không còn gì để
nói.
Điều tuyệt vời chính là ở chỗ, những nhà viết kịch bản hiểu
rất rõ những gì họ có trong tay, và tha hồ tung hứng, nhào nặn, khám
phá, mở rộng, thử nghiệm, tìm tòi… thỏa thích tất cả các khái niệm điên
rồ nhất, quái đản nhất, và quan trọng hơn cả, là THÔNG MINH nhất. Xem
phim thì ai cũng rõ là phim bịa, toàn những thứ “viễn tưởng”, hoặc là
không có thật, hoặc là khó có thật, hoặc là còn lâu mới có thật, nhưng
nhờ có bàn tay khéo léo của các biên kịch, những khái niệm viễn tưởng vô
cùng "xoắn quẩy", khó hiểu lúc đầu đều được hòa quyện một cách hoàn hảo
vào cốt truyện như một bản nhạc giao hưởng. Chính nhờ thế, tất cả những
“vô lý” ấy, đều trở nên đáng tin và có thể được giải thích một cách
“logic” đến mức “khó tin”.
Không chỉ vậy, chính nhờ khả năng du hành thời gian,
Doctor Who
cũng sẽ đưa người xem khám phá đủ những giai đoạn lịch sử quan trọng
của loài người từ quá khứ thời Trái đất còn chưa hình thành cho tới
tương lai hàng triệu, hàng tỉ năm sau khi Trái đất đã bị hủy diệt. Sự
khám phá đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm, hàng nghìn những điều
tuyệt vời về các nền văn hóa, lịch sử, những chủng tộc ngoài hành tinh
với công nghệ cao cực kỳ hoành tráng, những cách giải thích theo kiểu
“Doctor Who” cực kỳ thú vị, thông minh, sáng tạo cho những bí ẩn lịch
sử, cho những giả thiết khoa học chưa được chứng minh…
Hai loài kẻ thù lâu năm nhất của Doctor - Dalek (trên) và Cybermen (dưới)
Và điều quan trọng nhất, chính là sự sâu sắc, tinh tế trong xây dựng
kịch bản, ít nhất là trong bảy mùa phim mà mình đang nói tới. Giống như
một số phim truyền hình khác,
Doctor Who cũng có một hệ thống
câu chuyện lớn kéo dài qua nhiều phần được kết nối bởi những “gợi ý”,
“manh mối” được rải rác qua các tập lẻ, dù vẫn kể được những câu chuyện
trọn vẹn trong từng tập. Tuy nhiên, cái cách mà các nhà làm phim đưa vào
các tập lẻ những chi tiết mang tính gợi ý và manh mối đó, có thể được
đánh giá thuộc hàng THIÊN TÀI. Họ luôn chọn được những thời điểm “đắt
giá” nhất trong tổng thể cả một cốt truyện rất dài, để đưa vào những dấu
hiệu cho những sự kiện mà ít nhất trong hai mùa phim tiếp theo mới xảy
ra. Và cứ thế lần lượt, những dấu hiệu đó được chắp nối lại và dẫn dắt
đến một kết cục luôn luôn vô cùng khó đoán, thậm chí bất ngờ đến mức
“lăn đùng ngã ngửa” cho khán giả. Nhưng quan trọng nhất, là không chỉ
bất ngờ, mà nó còn hợp lý, logic, thông minh đến mức tuyệt vời, và sáng
tạo thì vô bờ bến. Cái cảm giác của cá nhân mình khi xem
Doctor Who
và được trải nghiệm những điều tuyệt vời mà các câu chuyện của phim
mang lại thật đúng là làm đầu mình bị nổ tung với đầy những màu sắc tươi
đẹp nhất phọt ra ngoài.
Nói đến thành công của
Doctor Who mà không kể tới diễn xuất của ba người đã vào vai này thì thật coi như chưa từng nói về
Doctor Who.
Doctor là một nhân vật có hiểu biết vô hạn về tất cả mọi lĩnh vực từ
văn hóa, địa lý, lịch sử, sinh học… cho tới vật lý, vũ trụ, không gian,
thời gian…, nhưng cũng đồng thời là một “thằng hâm” đúng nghĩa với thái
độ sống vô cùng lạc quan và cách hành xử, ăn nói không thể “quái đản”
hơn. Nhưng những điều đó lại rất khác qua mỗi đời Doctor khác nhau, và
điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào diễn xuất tài tình của mỗi đời diễn viên
vào vai này, phụ thuộc vào cách mà mỗi người trong số họ TƯ DUY, NGHĨ
về vai diễn này.
Doctor thứ chín do Christopher Eccleston thủ vai
Nếu như Chris Eccleston có gì đó khá già dặn (dù theo đúng thứ tự thì
trẻ hơn hai người sau), thì David Tennant lại có một phong cách như một
học giả hâm, và Matt Smith thì rõ là một tâm hồn trẻ con trong thân hình
của một Time Lord nghìn tuổi. Và tất cả bọn họ đều thật tuyệt vời, vì
với mỗi đời Doctor khác nhau, họ sẽ thổi một luồng gió mới cho phim, cả
về không khí phim, phong cách phim và cả cốt truyện, tất cả chỉ bằng
diễn xuất quá xuất sắc của họ. Và thường thì, phong cách riêng của mỗi
người đều để lại những ấn tượng sâu sắc vô cùng trong lòng khán giả.
Bên
cạnh nhân vật chính Doctor, những người bạn đồng hành của Doctor cũng
ảnh hưởng vô cùng lớn tới cả cốt truyện, và cũng quyết định một phần lớn
không kém gì Doctor trong việc mang lại những luồng gió độc đáo, khác
lạ, riêng biệt và hết sức thú vị cho từng giai đoạn khác nhau của phim.
Có thể nói, việc xem
Doctor Who
là một việc đã thú vị ngay ở chuyện đón chờ những điều bất ngờ gần như
KHÔNG THỂ đoán trước qua từng tập phim, và mỗi khi được xem những điều
không chỉ bất ngờ và còn thông minh không thể tả xiết, sáng tạo tưng
bừng vô tiền khoáng hậu, và do đó những vấn đề về mặt hình ảnh gần như
không còn quá quan trọng. Ít nhất là hai mùa đầu tiên có kỹ xảo hình ảnh
khá “chuối” do nền tảng kỹ thuật không cao. Nhưng dần dần, hình ảnh
trong
Doctor Who ngày càng được cải tiến. Một điều đáng nói về
Doctor Who
khi những nhà làm phim không có trong tay nhiều sức mạnh về mặt đồ họa
chính là việc họ xử lý những trường đoạn sử dụng kỹ xảo một cách rất
thông minh và tiết kiệm. Gọi là “tiết kiệm” bởi vì họ xử lý sao có thể
tránh được việc quá lạm dụng kỹ xảo, nhưng vẫn mang lại cảm giác tốt cho
người xem và khiến người xem tập trung được vào cốt truyện. Trong những
phần đầu, gần như người xem sẽ không phải quan tâm quá nhiều tới kỹ
xảo, vì không có nhiều thứ cần kỹ xảo đến thế, và cũng không đóng vai
trò quá sống còn với cái hay của phim.
Doctor thứ mười do David Tennant thủ vai
Chốt lại, một khi đã là 'fan' của thể loại khoa học viễn tưởng, thì
Doctor Who
là một cái tựa bắt buộc phải xem, ít nhất là bảy mùa đã có đến nay của
phiên bản 2005. Với mình thì phim còn có giá trị tuyệt vời vì dù có hành
động, có kỹ xảo, có viễn tưởng, phim vẫn mang một phong cách “Anh” vô
cùng đặc trưng, không chỉ từ giọng nói của diễn viên, mà còn ở phong
cách làm phim, phong cách kể chuyện, và cả phong cách của từng nhân vật
(đặc biệt là phong cách của Doctor).
Và mặc dù mình chưa bao giờ thích
Star Trek và
Star Wars,
Doctor Who
lại khiến mình vô cùng hào hứng khi xem. Chính vì thế, ai có điều kiện,
nên cố gắng tìm xem bảy mùa phim này về xem, trong khi chờ đợi tập phim
đặc biệt kỷ niệm 50 năm phim lên sóng, sẽ ra mắt vào tháng 11 sắp tới,
và mùa phim thứ tám sắp được khởi động vào năm sau.
© Hà Huy Hoàng @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi