Movie Blogs

The Other Boleyn Girl: Đẹp nhưng đáng quên

19/01/2011

Gần năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi Vua Henry VIII thay đổi lịch sử nước Anh, thay đổi mối quan hệ giữa Anh quốc và Công giáo, khi ông phế bỏ Hoàng hậu Katherine, Công chúa Tây Ban Nha, để lấy Anne Boleyn. Cũng đã gần năm trăm năm trôi qua kể từ khi chính Henry ra lệnh chém đầu người vợ mới này khi cô không sinh cho ông được một người con trai và lấy người vợ thứ ba chỉ một ngày sau khi đầu Anne lăn xuống. Năm trăm năm, nhưng đến tận bây giờ, Henry VIII, sáu bà vợ và cả triều đại Tudor vẫn còn là mối quan tâm của các nhà sử học, của các nhà văn và các nhà làm phim.

Cũng chính từ bối cảnh lịch sử này mà Phillippa Gregory viết nên tiểu thuyết The Other Boleyn Girl, tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, với các diễn viên chính là Eric Bana, Scarlett Johansson và Natalie Portman. Bộ phim kể về mối tình của Mary và Anne với vị vua nước Anh, và hai cái kết rất khác nhau của hai mối tình đó. Hai cô gái đều là những con rối trong cuộc tranh giành quyền lực của gia đình, và cũng là tình địch; giữa họ là một mối quan hệ chị em có tình thương nhưng cũng đầy đố kỵ.

Đây là một câu chuyện có nhiều khả năng được làm thành một bộ phim hay, với nhiều kịch tính, mâu thuẫn và dằn vặt giữa các nhân vật. Thế mà…

Bộ phim The Other Boleyn Girl của đạo diễn Justin Chadwick lại là một tác phẩm quá đẹp – diễn viên đẹp, trang phục đẹp – nhưng cũng quá nông cạn, chưa khai thác được tình cảm của nhân vật cũng như tình hình chính trị của thời điểm đó trong lịch sử. Có lẽ cũng phải công nhận trước rằng Scarlett Johansson, Natalie Portman và Eric Bana đều là những diễn viên thực lực, nhưng có vẻ như kịch bản này cho họ quá ít đất diễn.

Poster phim The Other Boleyn Girl

Không thể nghi ngờ rằng Anne Boleyn (Natalie Portman đóng) là hoàng hậu nổi tiếng nhất của nước Anh qua các thời đại, là mẹ của một vị nữ hoàng– Elizabeth I. Anne không được cho là xinh đẹp theo vẻ đẹp bông hồng nước Anh, nhưng đủ sức hút để làm Henry VIII (Eric Bana đóng) si mê, làm nhà vua theo đuổi nàng bảy năm trời. Anne cũng đã thay đổi cả lịch sử nước Anh khi Henry vì muốn lấy nàng mà chống đối Giáo hoàng, tách khỏi Rome và lập nên Giáo hội Anh của riêng mình. Anne đủ bản lĩnh và tham vọng để lật đổ Hoàng hậu Katherine, công chúa của Tây Ban Nha, một trong những nước hùng mạnh nhất thời đó, người con gái hai mươi năm trước chính Henry đã phải đấu tranh để lấy được làm vợ.

Một người đàn bà có gì mà có thể làm được những điều này trong xã hội của đàn ông? Không thể phủ nhận là Anne Boleyn trong lịch sử thật sự quyến rũ. Nàng biết được sự nguy hiểm khi được Henry theo đuổi: từ chối thì khó, nhưng chấp nhận làm người tình của Henry thì không thể. Nàng thông minh, nàng hiểu nếu làm người tình của Henry sẽ có nghĩa là một ngày nàng sẽ bị vứt sang một bên. Nàng đầy tham vọng, và sẵn sàng để cho Henry xúc phạm tới cả Chúa trời để được ở bên nàng. Nàng cũng có chút tàn nhẫn chứ, nếu không làm sao có thể can tâm đày Katherine vào lãnh cung như vậy? Nàng dũng cảm, vì đến khi đối mặt với cái chết nàng vẫn nói được những lời nói thật hùng hồn nhưng cũng không mảy may oán trách Henry đã đẩy nàng tới cái chết đó.

Đó là Anne Boleyn của lịch sử. Còn Anne trong The Other Boleyn Girl thì sao?

Quá đẹp, quá nhanh chóng, quá mờ ảo.

Henry trong The Other Boleyn Girl si mê Anne vì cái gì? Chỉ vì một câu nói táo bạo thôi...Câu nói đó đối với tôi thật sự nhạt thếch, dù đúng là có thể hiện được chút khí phách của Anne, không thể hiện được tất cả. Sau một câu nói đó...Anne không còn gì cả.

Natalie Portman và Eric Bana trong The Other Boleyn Girl

Làm thế nào mà Anne của lịch sử giữ được một Henry đa tình ở bên mình suốt bảy năm trời? Một mặt khiêu gợi, một mặt không cho Henry thỏa mãn dục vọng, vừa thắt vừa nới. Nhưng bộ phim đã không khai thác được hết cái sự thắt nới này. Chỉ thấy Anne từ chối mà không thấy Anne chào đón. Chỉ thấy Anne lạnh lùng mà ít thấy Anne quyến rũ.

Thời điểm từ khi Henry bắt đầu bị Anne hút hồn đến khi Anne lên ngôi hoàng hậu diễn ra quá nhanh chóng, người xem chưa hiểu điều gì đã xảy ra với tình cảm của Henry thì Anne đã phải từ chối những đường tiến của nhà vua. Các sự kiện diễn qua nhanh quá làm mọi thứ mờ ảo, và khán giả chỉ cảm nhận được một phần rất nhỏ của sự ức chế của Henry, của Anne.

Cuộc đấu tranh mãnh liệt giữa Anne và Katherine trong bảy năm trời, cuộc chiến giữa hai người đàn bà để giành lấy nhà vua cũng được kịch bản cho trôi qua trong nháy mắt. Người xem dường như đoán được rằng Anne bị cuốn vào cuộc chơi vì những tham vọng quyền lực, nhưng bộ phim không thực sự cho ta thấy điều đó. Trong khi đó, yếu tố có thể được sử dụng để tạo tương phản với tham vọng là tình yêu của Katherine dành cho Henry; đây là một điều hoàn toàn không được nhắc tới. Chiến thắng của Anne không chỉ là việc đoạt được ngôi vị hoàng hậu, chiến thắng của Anne còn được thể hiện qua việc nàng đã khiến Henry ruồng bỏ người vợ hết mực yêu thương mình – Katherine. Khán giả không thể cảm nhận được sự lớn lao của chiến thắng đó khi không hề được cho biết Katherine yêu Henry đến mức nào.

Đáng thất vọng nhất là cảnh hành hình Anne. Anne trong lịch sử thực sự vô tội và luôn tin tưởng vào sự vô tội của mình. Nàng đã chết với đầu ngẩng cao, với những câu nói mãnh liệt trước khi chết, với sự điềm tĩnh và không có một chút sợ hãi nào. Nhưng Anne...kịch bản đã hạ thấp Anne quá khi cho nàng run rẩy, sợ hãi, khóc lóc khi bước lên đoạn đầu đài. Anne Boleyn là thế ư? Anne Boleyn không sợ trời không sợ đất, không sợ Giáo hoàng không sợ địa ngục, chẳng lẽ lại sợ chết?

Khác với Anne, lịch sử nói rất ít về Mary Boleyn, đến độ ta còn không biết Mary là chị hay là em. Nhưng Mary dưới ngòi bút của Gregory dù có nhu mỳ, có vẻ yếu đuối nhưng cũng biết yêu, biết hận, biết tự giải thoát khỏi tình cảnh éo le của bản thân. Dù có thoạt đầu phải tuân lệnh của cha, của cậu, nhưng bản thân Mary cũng có những cảm xúc mạnh mẽ, rất thật, và không phải là bình hoa di động trong phim.

Scarlett Johansson và Natalie Portman trong The Other Boleyn Girl

Mỗi quan hệ chị em giữa Mary (Scarlett Johansson đóng) và Anne dường như không tồn tại. Qua nguyên tác, ta có thể thấy rằng Mary yêu thì rất yêu Anne, nhưng cũng rất hận nàng. Ranh giới giữa hận và yêu đó thật nhỏ, đến nhiều khi chính Mary cũng khó ý thức được nó. Nhưng trong phim, mâu thuẫn đó chỉ xuất hiện trong chốc lát, khi Mary nhìn cảnh Anne và Henry thành hôn với đôi mắt đau đớn, hận thù. Bảy năm Henry theo đuổi Anne là thời điểm nguy hiểm cho Anne, với nhiều thử thách về tình cảm, nhưng chẳng lẽ thời gian đó lại không mang đến cho Mary nhiều đau đớn, khi người đàn ông nàng từng yêu giờ chạy đi tán tỉnh chị gái nàng? Mối quan hệ quá hời hợt này giữa hai chị em làm lúc Mary phải chứng kiến Anne bị chém đầu mất đi cảm giác nuối tiếc mà cảnh đó cần có.

Tôi không hiểu suốt cả bộ phim, hai người hoàn toàn vô tội, nhưng lại chịu nhiều đau đớn nhất – William Carey và Katherine – biến đi đâu. Khi làm người tình của Henry, Mary đã là phụ nữ có chồng, điều này được thể hiện qua việc nàng là Mary Carey chứ không phải là Mary Boleyn. Vậy mà dường như người chồng này không xuất hiện được lấy một giây trong phim (hay ít ra là anh ta tạo ra ít ấn tượng đến nỗi ta có cảm giác đó), và bản thân Mary cũng không chịu chút dằn vặt nào trong việc ngoại tình với một người cũng đã có vợ. Bản thân điều này có thể được sử dụng để thể hiện tính cách của Mary, nhưng phần còn lại của bộ phim lại phác họa Mary như một vị thánh sống, chỉ sa vào mối tình này vì bị gia đình bắt ép.

Điều làm câu chuyện của Mary và Henry trở thành bi kịch là Mary từng là người thân cận bên cạnh Katherine. Dù có phản bội Katherine, nàng vẫn khâm phục vị hoàng hậu này. Dù ngủ với chồng bà, Mary vẫn coi Katherine là bề trên, vẫn kính trọng, vẫn thương hại. Katherine cũng vậy, dù đau lòng, dù bị phản bội, dù không thể tin tưởng được Mary, bà vẫn thương hại cô gái chỉ biết làm quân cờ cho gia đình. Nhưng mối quan hệ cảm động nhất trong truyện của Gregory lại bị các nhà làm phim bỏ qua một bên một cách hoàn toàn. Đối với Mary, Katherine chỉ có sự khinh bỉ. Đối với Katherine, Mary chỉ có sự sợ hãi.

Câu chuyện của Anne Boleyn diễn ra trong bối cảnh ngọn lửa chính trị và tôn giáo bùng cháy. Không chỉ ở nước Anh, mà khắp châu Âu, những nhóm Thiên chúa giáo mới đang được hình thành, với những tập tục rất khác với Công giáo, và đều bị Giáo hội ở Vatican lên án. Việc Henry VIII tách khỏi Giáo hội Rome là một mốc lịch sử quan trọng của nước Anh và là tâm điểm của câu chuyện của Anne Boleyn; nó chính là phương tiện đã đưa Anne lên ngôi hoàng hậu. Vậy mà ngọn lửa này chỉ âm ỉ cháy trong phim - chúng ta không bao giờ thấy được hết hậu quả hay sự nghiêm trọng của hành động này của Henry. Thay vào đó, các nhà làm phim cố gắng thổi bùng ngọn lửa dục vọng và tình ái giữa Henry và Anne, nhưng ngọn lửa này cũng chẳng bùng cháy được như mong muốn. Nói chung, không khí bộ phim không thể hiện được sự căng thẳng chính trị tôn giáo của thời điểm mà cũng chẳng thành công trong việc làm cho người ta thấy được sự nóng bỏng của quan hệ Henry và Anne.


Không thể cho rằng vì đây chỉ là một bộ phim mà ta có thể bỏ qua những yếu tố lịch sử. Dù là câu chuyện hư cấu, nó cũng diễn ra trong một thế giới thật, với những con người từng sống thật, trong một thời đại đã từng tồn tại, và để hiểu được động cơ của các nhân vật, ta phải hiểu được thời kỳ họ đang sống. Bộ phim đã không làm được việc cơ bản nhất này. Bộ phim từng có tiềm năng trở thành một bộ phim sử thi xoay quanh mối tình của Anne và Henry. Trên thực tế, nó chỉ là một câu chuyện tình cảm hời hợt, làm cho khán giả không hiểu tại sao Henry, người có thể có bất cứ người đàn bà nào, lại chạy theo một Anne yếu đuối và thiếu bản lĩnh đến thế.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.