Nhân vật & Sự kiện

50 lý do Stanley Kubrick là đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại

26/03/2011

Một số người sẽ nói “khó tính và lạnh nhạt”. Một số khác sẽ nói “lỗi lạc, dũng cảm, táo bạo, song là một người say mê hướng tới sự tuyệt đối”. Đạo diễn quá cố Stanley Kubrick đã được gán cho nhiều danh hiệu trong đời nhưng không ai có thể hoài nghi ông có một tài năng phong phú trong việc thực hiện những bộ phim hoành tráng, khơi gợi các giác quan. Tháng 3 năm nay đánh dấu kỷ niệm 12 năm ngày mất của ông, và để tưởng nhớ tới tài năng của Kubrick, tôi muốn đưa ra 50 lý do vì sao nhà làm phim này có thể thực sự là đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại.

Các lý do được trình bày không theo trình tự nào;

1. Là bậc thầy của hầu hết mọi thể loại phim

Không có gì phải tranh cãi, rằng Kubrick là người sành sỏi điện ảnh. Để chứng minh điều đó, ông đã tạo ra những phim kinh điển trong hầu hết các thể loại, dù là phim hài trào phúng một cách tinh tế (Dr Strangelove), phim kinh dị tâm lý bậc thầy (The Shining), phim khoa học giả tưởng cách tân (2001: A Space OdysseyA Clockwork Orange), phim tâm lý cổ trang tuyệt vời (Barry Lyndon), phim phản chiến gây bàn cãi (Paths of GloryFull Metal Jacket), phim sử thi về người hùng trong chiến tranh cũng như đời những tranh cãi về anh ta (Spartacus) hay phim tâm lý tội phạm được dàn dựng khéo léo (The Killing), ông thấu triệt tất cả với sự thuyết phục tuyệt đối.

Về những kiệt tác lớn nhất trong các thể loại khác nhau, ông không có người ngang hàng.

2. Là “một đạo diễn của các diễn viên”

Dù thường bị chỉ trích vì lạnh nhạt, xa cách, Kubrick có thể bồi dưỡng những màn biểu diễn không thể nào quên của rất nhiều nhân tài. Dù là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Kirk Douglas với Paths of GlorySpartacus, nhân vật mẫu mực Jack Torrence của Jack Nicholson trong The Shining hay màn đóng đúp ba vai không thể lãng quên của Peter Sellers trong Dr Strangelove, Kubrick khai thác những diễn xuất ấn tượng nhất từ tất cả họ, và ta có thể cho rằng Ryan O’Neal và Malcolm McDowell thực hiện vai diễn xuất sắc nhất sự nghiệp họ dưới sự chỉ đạo của Stanley.

3. Không ngừng theo đuổi cảnh quay hoàn mỹ

Kubrick không phải “Stanley quay một lần là được” nên hợp tác với người đàn ông vĩ đại này là cuộc thử thách tính nhẫn nại theo đúng nghĩa (nếu xét theo việc Shelley Duvall gần như kiệt sức hay vụ ly hôn hậu Eyes Wide Shut của Cruise và Kidman), tuy nhiên tính không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo của nhà làm phim bậc thầy đã cho ra các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật.

Đạo diễn Stanley Kubrick

4. The Killing (1956)

Bộ phim kinh dị kể về một vụ cướp kín kẽ bị phá ngang bởi tính nhu nhược và những quan hệ bị đánh giá sai được coi là phim tội phạm kinh điển. Cách kể chi tiết thời gian, kế hoạch và tiến hành của vụ trộm hoàn hảo cùng việc sử dụng cấu trúc hồi tưởng/ kể trước tương lai một cách phức tạp khiến tác phẩm trở thành bậc thầy kinh điển về tình tiết và gây hồi hộp. Phim cũng có đầy những hình tượng nhân vật được xây dựng hấp dẫn, diễn xuất chói sáng trong vai chính của Sterling Hayden và phong cách hội thoại lãnh đạm của Jim Thompson (tác giả cuốn The Killer Insider Me).

5. Không ngại mạo hiểm

Lên kế hoạch kỹ càng và làm việc theo nguyên tắc không ngăn Kubrick khỏi chuyện làm việc mạo hiểm. Quyết định sản xuất một bộ phim sai lệch lớn so với nguyên tác tiểu thuyết của Stephen King The Shining, tới việc viết lại Red Alert, cuốn sách về hạt nhân cực kỳ nghiêm túc của Peter Bryant, thành bộ phim châm biếm Dr Strangelove, hay phớt lờ cấu trúc ba hồi truyền thống trong Full Metal Jacket cho thấy Kubrick hoàn toàn tự tin làm điều trái những tiêu chuẩn đã được định sẵn.

Ông luôn làm phim cho chính mình trước tiên, rồi mới tới khán giả.

6. Duy trì kiểm soát nghệ thuật tuyệt đối

Sau những hạn chế sức sáng tạo trong dự án “được thuê làm đạo diễn” Spartacus và Ủy ban Phân loại phim Anh cắt bớt phim tâm lý hài hước u ám Lolita của ông, Kubrick thề duy trì kiểm soát nghệ thuật tuyệt đối với các tác phẩm của ông sau này. Những bộ phim sau năm 1962 của Kubrick có thể không phải luôn thành công về mặt thương mại (ngoại trừ Clockwork Orange) tuy nhiên chúng vẫn không bị vấy bẩn bởi sự can thiệp của các tác động bên ngoài và hoàn toàn giữ được nhãn quan nghệ thuật của đạo diễn.

7. Không bao giờ lặp lại chính mình

Dù ông có thể chỉ đạo diễn hơn mười bộ phim hoàn chỉnh trong sự nghiệp kéo dài 50 năm của mình, việc không thích lặp lại chính mình của Kubrick có nghĩa là tất cả các tác phẩm của ông vẫn mới lạ và độc đáo, độc nhất vô nhị. Ông không bao giờ làm phần tiếp theo, hay lặp lại chủ đề từ phim này qua phim khác.

8. Không bao giờ làm phim dở

Một số người có thể chỉ ra rằng tác phẩm đầu tay giản dị Killer’s Kiss của ông khá khiêm nhường (bộ phim chỉ dài 67 phút), hay đoạn sau của Full Metal Jacket nhạt nhẽo hơn so với đoạn đầu cực kỳ xuất sắc nhưng ngay cả những nỗ lực nhỏ của ông cũng làm cho khán giả say mê và khiến đa số tác phẩm đương thời của Hollywood phải hổ thẹn. Đơn giản là: Kubrick không bao giờ làm phim dở!

9. Chú tâm tới biên tập y như khi đang quay phim

Kubrick thừa nhận ông không bao giờ cảm thấy thoải mái hơn khi ở phòng biên tập. Ông dành nhiều thời gian và chú ý giám sát công đoạn hậu kỳ của các dự án y như khi sản xuất. Do đó, phim của ông là những bản phim được biên tập hoàn hảo.

Ví dụ rõ ràng nhất về sự chú ý kỹ càng tới từng chi tiết của ông là việc cắt cảnh Hallway trong The Shining.

10. Paths of Glory (1957)

Gây tranh cãi như bất cứ bộ phim nào của Kubrick (tác phẩm bị cấm ở Pháp vì miêu tả sự thối nát của nhà cầm quyền Pháp), bình luận sắc sảo thói đạo đức giả của quân đội là một trong những bộ phim chiến tranh gây chú ý nhiều nhất từng được thực hiện. Cộng thêm diễn xuất trung tâm đầy cảm hứng của Kirk Douglas, lối quay phim khách quan nhưng thăm dò và cấu trúc phim nhấn mạnh thành công sự kiềm tỏa tâm lý nhân vật, Paths of Glory vẫn là kiệt tác không thể phủ nhận.

Áp phích phim Paths of Glory

11. Là một "nhà làm phim" đích thực

Có lẽ Kubrick xứng đáng với từ “nhà làm phim” hơn bất cứ đạo diễn nào. Ông để lại dấu ấn không phai mờ không chỉ trong mỗi bộ phim ông làm mà còn trong từng cảnh quay ông thực hiện, từng khung hình ông thắp sáng, từng diễn xuất ông bồi dưỡng và từng đoạn nhạc nền ông chọn.

12. 90% phim của ông là những kiệt tác

Ngoại trừ Killer’s Kiss, những tác phẩm còn lại của Kubrick – The Killing, Paths of Glory, Spartacus, Dr Strangelove, 2001, A Clockwork Orange, Barry Lyndon, The Shining, Full Metal JacketEyes Wide Shut là những kiệt tác không phải bàn cãi. Ông tiến tới cây gậy để thực hiện cú home run và thành công hết lần này đến lần khác.

13. Hiểu rõ cách kết nối ngay lập tức với khán giả

Khả năng tuyệt hảo của Kubrick trong việc kết nối với khán giả có thể thấy rõ trong cảnh máy bay lên thẳng mở đầu cho The Shining, ca khúc cuối trầm lắng cất lên tặng những người lính trong Paths of Glory và sự nổi bật của đứa trẻ vũ trụ trong 2001.

14. Là một nhà vị lai chủ nghĩa đại tài

Dù rõ ràng bỏ quên dấu ấn mỹ học trong vài thập kỷ, sự miêu tả công nghệ tương lai chứa chan hy vọng trong 2001 trái ngược với sự suy tàn của trào lưu nghệ thuật trang trí phóng khoáng của một xã hội bị áp bức lâu ngày trong A Clockwork Orange là bằng chứng cho sự thôi thúc sáng tạo khung cảnh tương lai tươi sáng của Kubrick.

15. Không bao giờ cho phép cuộc tranh luận ảnh hưởng tới một cốt truyện hay

Bằng chứng là đa số tác phẩm của Kubrick gây tranh cãi nhưng không hề bị phá hư: Lolita nói về khả năng ám ảnh tình dục với trẻ vị thành niên và được phát hành vào thời người ta còn thành kiến – năm 1962, Dr Strangelove châm biếm, xem thường những nhà chính trị như những gã ngốc bất lực khi Chiến tranh lạnh leo thang, Barry Lyndon, phim cổ trang thuật lại những kỳ tích của anh chàng phiêu lưu người Ai-len thế kỷ 18 và “nổi tiếng” đến nỗi vị đạo diễn nhận được những lời đe dọa ám sát từ Quân đội Cộng hòa Ai-len (IRA), còn Eyes Wide Shut khám phá việc ăn nằm lang chạ ở thời kỳ chuyển giao giữa hai thế kỷ có thể khiến Catherine Trummell đỏ mặt.

16…Nhưng là người tử tế đủ để rút lại một trong những bộ phim của mình

Vì thanh niên thừa nhận rằng họ bị hắt hủi vì những cảnh bạo lực được miêu tả trong A Clockwork Orange, Kubrick tinh tế hiểu chuyện đã rút phim của chính ông khỏi các rạp ở Anh. Phải mất 30 năm (tới khi ông mất), lệnh cấm mới được bãi bỏ.

17. Chuyên gia gây hồi hộp

Có thể nói The Shining là một trong những bộ phim kinh dị kịch tính và hồi hộp nhất từng được thực hiện, nhưng những khoảnh khắc căng thẳng tài tình xuất hiện khắp nơi từ Sứ mệnh Sao mộc thất bại trong 2001, tới vụ cướp trường đua ngựa trong The Killing và cuộc đi dạo ác mộng trong thành phố lúc nửa đêm trong Eyes Wide Shut.

Bối cảnh trường đua ngựa trong The Killing

18. Dr Strangelove: Or How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb! (1964)

Đơn giản là một trong những bộ phim châm biếm chính trị và quân đội hài hước và khéo léo nhất từng được chiếu. “Thuật lại” những đấu đá quyền lực và truyền thông trong lúc thảm họa hạt nhân sắp xảy ra, bộ phim hài về chiến tranh lạnh của Kubrick, với những phân đoạn khôi hài, dựng cảnh ấn tượng (do Ken Adam thực hiện) và những nhân vật đáng nhớ vẫn có ý nghĩa dự báo sau ngần ấy năm. Những câu thoại kinh điển như: “Các quý ông, không được đánh nhau ở đây! Đây là Phòng Chiến tranh!” hay “Thủ lĩnh! Tôi đi được!” cho thấy kỳ tài hài hước của Peter Sellers trong ba vai diễn điện ảnh khôi hài nhất của anh. Một bộ phim cực kỳ hay ho và phân tích đúng đắn năng lực vốn có của con người về chứng hoang tưởng tiêu cực và mỉa mai một thế giới công nghệ thất bại trong việc liên lạc ở trình độ sơ đẳng nhất của con người, Dr Strangelove là một tác phẩm điện ảnh cốt yếu.

9. Không cho phép Hollywood bào mòn sức sáng tạo bền bỉ của ông

Một phần do sống thoải mái ở miền nông thôn nước Anh xa xôi, nơi cung cấp cho ông môi trường rất thuận lợi để làm việc tách biệt khỏi những yêu cầu đôi khi bóp chết sức sáng tạo của Hollywood.

20. Tạo ra những giới hạn mới của sự hoàn hảo

Kubrick có thể nổi tiếng là một người cầu toàn nhưng điều đó không có nghĩa ông không nhận thức đầy đủ về những giới hạn của bản thân. Các tác phẩm của ông luôn nêu bật những khiếm khuyết trong môi trường được kiểm soát và những tình huống được cho là an toàn. Hãy nghĩ về sự cố máy tính HAL trong 2001 hay vụ cướp hoàn hảo thành công trong The Killing chỉ vì một hệ quả xảy ra mà hỏng ăn hay cách hành xử của bộ máy chính quyền ngày tận thế trong Dr Strangelove.

21. Biến Spartacus thành tác phẩm kinh điển

Sau khi Kirk Douglas xích mích với đạo diễn đầu tiên Anthony Mann, ngôi sao chọn Kubrick để dàn xếp quá trình sản xuất gặp nhiều vấn đề của Spartacus. Dù không thích kịch bản nhưng Kubrick vẫn nhận lời và biến bộ phim trở thành một tác phẩm kinh điển đích thực. Sau đó ông coi dự án này là thất bại lớn nhất của ông do sự thiếu kiểm soát nghệ thuật. Tuy nhiên nếu không tính đến các giải thưởng khác, thành công về mặt thương mại của Spartacus đã đem lại cho đạo diễn sự độc lập mà ông muốn và quyết tâm suốt đời để đảm bảo rằng ông có được sự kiểm soát nghệ thuật tuyệt đối về sau.

22. Ảnh hưởng tới đa số các nhà làm phim hiện đại

Tất cả mọi người từ Steven Spielberg, George Lucas, Ridley Scott, Woody Allen, Martin Scorsese và Paul Thomas Anderson đều chịu ảnh hưởng của người đàn ông vĩ đại này. There Will Be Blood gần như là bức thư tình gửi tới người đạo diễn…

23. Không bao giờ coi thường khán giả

Khác với một số nhân tài kể trên, Kubrick không bao giờ coi thường hay trịch thượng với khán giả. Ông bày tỏ sự tin tưởng chân thành đối với khán giả thông qua việc liên tục mời họ đưa ra cách hiểu cá nhân của mình về các bộ phim của ông.

24. Là một nhà tiên phong thực thụ

Những tác phẩm của ông là bước tiến gần sát nhất tới mỹ học về nghệ thuật thuần khiết mà một nhà làm phim có thể có. Ví dụ như: chuyển động mang tính nghệ thuật tuyệt đẹp của các trạm vũ trụ trong 2001, bức tranh sơn dầu hoàn hảo trong Barry Lyndon, những cảnh quay cân đối một cách hoàn mỹ trong hầu hết các bộ phim của ông.

25. Không bao giờ cho phép bản thân bị gò bó bởi thời gian

Thời gian không bao giờ làm Kubrick nao núng, ông thường bỏ ra hàng trăm lần quay để thu được hình ảnh hoàn hảo nhất trên màn ảnh.

26. 2001: A Space Odyssey (1986)

Cảnh trong phim 2001: A Space Odyssey

Bộ phim phiêu lưu khoa học giả tưởng mê người này là sự suy ngẫm lỗi lạc về sự sống của nhân loại giữa những vùng đất mênh mông chưa được biết tới trong vũ trụ. Trước hết là về sự kết hợp của loài người với công nghệ, bộ phim đưa ra cách hiểu cá nhân nhiều hơn bất cứ bộ phim nào khác của Kubrick. Đây cũng là bộ phim phô bày hình ảnh ngoạn mục tuyệt đẹp: từ khúc ballet của những chiếc phi thuyền được dàn dựng, màn biểu diễn kinh điển bản nhạc The Blue Danuve bằng bộ dây tới điểm cao trào say mê của chuyến du hành qua các vì sao. Nhưng phần ba của phim mới thâu tóm hoàn toàn sức mạnh; Sứ mệnh Sao Mộc vừa tạo cảm giác rợn người lạnh lẽo, vừa hồi hộp và cảm động trong sự miêu tả về một siêu máy tình gặp trục trặc và biến đổi chết người – cuối cùng kết thúc trong một cảnh tắt máy đầy kinh ngạc. Rồi tới hành lang mê ảo nổi tiếng của những cảnh quay kéo dài, đưa bộ phim tới sự tố cáo trừu tượng không thể nào quên.

27. Colour Me Kubrick

Nếu không có thiên tài của Kubrick, chúng ta không bao giờ được xem Colour Me Kubrick, một tác phẩm trào phúng tuyệt vời có John Malkovich vào vai Alan Conway, người đã giả làm đạo diễn Stanley Kubrick từ đầu những năm 1990.

28. Là một nhà làm phim không biết sợ

Phải có lòng can đảm và quả quyết để thành danh trong nghề điện ảnh. Kubrick có những tố chất đó nhưng ông cũng có vẻ là một nhà làm phim không biết sợ, tính toàn mọi nước đi phức tạp như một ván cờ (môn thể thao mà ông tinh thông). Nếu có sợ thì ông cũng không thể hiện ra.

29. Eyes Wide Jerk

Sau một lần chiếu The Jerk ở nhà, quả thật sau khi suy ngẫm Kubrick đã gặp diễn viên Steve Martin để mời anh tham gia một phiên bản hài hước u ám của Eyes Wide Shut mà ông đang xúc tiến. Cuối cùng điều đó không bao giờ xảy ra nhưng ý tưởng độc đáo về sự hợp tác giữa Kubrick và Martin đáng được nêu ra trong danh sách này!

30. Tạo ra những cảnh mở màn đáng nhớ nhất

Cảnh mở màn các máy bay ném bom B52 tiếp nhiên liệu với giai điệu của Try a Little Tenderness (rõ rành ẩn dụ về giao dịch giữa các hãng hàng không), cảnh mở đầu mang điềm xấu, quét từ trên không dõi theo xe của Jack Torrance trong chuyến đi tới khách sạn Outlook bí ẩn, trong The Shining, trái đất, mặt trăng và mặt trời xếp thẳng hàng một cách ngoạn mục hiện lên cùng khúc nhạc của Strauss trong 2001...

Cảnh mở đầu phim Dr Strangelove

31. A Clockwork Orange (1971)

Đôi khi phải mất thời gian để một bộ phim gây tranh cãi được đánh giá đúng một cách đầy đủ. Khi “tiếng thơm” kết hợp với tiêu đề mờ nhạt, cuối cùng bộ phim sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác. Sau 30 năm Kubrick tự cấm kiệt tác khoa học giả tưởng của ông, những cảnh bạo lực được cho là sinh động trở thành khía cạnh ít gây ngạc nhiên nhất trong toàn phim. Thay vào đó, điều khiến ta say mê là việc sử dụng hình ảnh và âm nhạc chuẩn xác nhằm chỉ trích xã hội; cách trình bày mới mẻ về mọi thứ từ William Tell Overture tới Singin’ in the Rain. Tác phẩm của Kubrick ít bình luận về bạo lực và bày tỏ nhiều hơn về sự thiếu tự do cá nhân trong nhà nước tương lai nằm dưới sự trấn áp chuyên chế của cảnh sát. Một tác phẩm kinh điển xuyên thời gian.

32. Biểu đạt tâm lý tài tình

Từ kiến trúc nội thất đối xứng ám ảnh của khách sạn Outlook trong The Shining, quang cảnh thế kỷ 18 báo hiệu tự do của một người thích ra vẻ quý ông trong Barry Lyndon và kiến trúc rực rỡ kiểu gothic nêu bật nguy cơ xâm phạm trong Eyes Wide Shut, Kubrick sử dụng cách bố trí kiến trúc để biểu đạt tâm lý một cách thuyết phục.

33. Sáng tạo những khoảnh khắc kinh điển

Từ khúc xương động vật biến thành vệ tinh trên quỹ đạo trong 2001, Jack Nicholson liếc mắt “Đây~ là Johnny!” với Shelley Duvall sợ chết khiếp trong The Shining hay hình ảnh nhân vật phản diện Alex (Malcolm MacDowell) dính vào ghế ngồi, hai mắt trừng trừng bị ép nhìn hình ảnh làm tiêu biến nhân tính của chính anh trong A Clockwork Orange.

34. Barry Lyndon (1975)

Dù đôi lúc có vẻ lạnh lùng thiếu xúc cảm, tác phẩm của Kubrick chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết thế kỷ 18 của William Thackery đẹp một cách thanh nhã và vẫn là một trong những phim tâm lý cổ trang chân thực nhất. Cuộc hành trình của kẻ bon chen Redmond Barry (Ryan O’ Neil) có thể buồn tể, nhưng với vẻ đẹp của bức tranh sơn dầu, sự chú tâm tới chi tiết trang phục cổ trang, sự lụi tàn tất yếu của việc thắp nến và lợi dụng không khí nhạc cổ điển trong sáng, phim khảo sát hiệu quả sự mất nhân tính thông qua trình tự cố định phù hợp.

35. Từ chối chiều theo tính đa cảm

Không có kết cục có hậu hay ủy mị một cách phi lý trong phim của Kubrick. Thay vào đó là cái chết, sự hủy diệt của ngày tận thế và đại thất bại là điều thường thấy. Dù một số sẽ nói rằng sự hòa giải đời cuộc sống hôn nhân trong Eyes Wide Shut biểu lộ sự lạc quan mới trong tác phẩm của vị đạo diễn này.

36. Hợp tác với những diễn viên tuyệt vời nhất

Ông làm việc với tất cả họ: từ những tài năng thuộc thế hệ vàng của Hollywood như Tony Curits, Kirk Douglas, Sterling Hayden và James Mason, huyền thoại hài kịch Peter Sellers và Leonard Rossiter tới những tài năng mới của Hollywood như Jack Nicholson và những tên tuổi hiện đại như Tom Cruise và Nicole Kidman.

37. Cách sử dụng “hài hước ở những điểm lẽ ra không hài hước”:

Ai nói Kubrick không có khiếu hài hước? Bằng chứng là: sự ham thích những cuộc liên hoan ầm ĩ trong một phiên bản nhanh của William Tell Overture suốt những chiến tích chè chén của Alex trong A Clockwork Orange, màn kịch náo nhiệt quá độ của Jack Torrent trong The Shining và cả cảnh âu yếm cuối cùng khép lại bộ phim Eyes Wide Shut của Nicole Kidman.

Một cảnh trong phim Eyes Wide Shut

38. Đổi mới việc phối nhạc trong phim

Từ việc sử dụng The Blue Danube trong 2001 tới bản nhạc của Beethoven trong A Clockwork Orange và ngay cả lựa chọn ngược đời We’ll Meet Again của Vera Lynn trong bộ phim lên án ngày tận thế Dr Strangelove, Kubrick đã cách mạng hóa việc phối nhạc trong phim nhằm truyền đạt những ý nghĩa phức tạp, tạo không gian êm đềm và nhấn mạnh cảm xúc. Trong phạm vi này, ông ảnh hưởng tới tất cả mọi người từ việc sử dụng Wager trong Apocalypse Now của Coppola tới lựa chọn Delerue trong Casino của Scorsese.

39. Cách sử dụng màu sắc

Trớ trêu thay cho một người được đào tạo làm nhiếp ảnh gia đen trắng cho tạp chí Look, Kubrick không kém điêu luyện trong việc sử dụng màu sắc. Màu sắc được sử dụng nhiều để biểu đạt tâm lý cũng như không gian kiến trúc. Trắng, đen và đỏ là những gam màu chủ đạo của 2001 đến khi vô vàn màu sắc bí ẩn bung ra trong cảnh cuộc dạo chơi qua các vì sao. Cũng nổi tiếng là những màu sắc mô tả trạng thái lâng lâng trong A Clockwork Orange, bức tranh sơn dầu tự nhiên của Barry Lyndon, máu đỏ và tuyết trắng nhuốm màu báo hiệu vụ đuổi giết trong The Shining và cuối cùng màu đỏ thắm và đỏ tía rực rõ được sử dụng trong nội thất quái ám kiểu gothic trong Eyes Wide Shut.

40. The Shining

Có thể được coi là kiệt tác chân chính cuối cùng của Kubrick, tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ngắn nổi tiếng của Stephen King là một trong những ví dụ hiếm hoi khi điện ảnh vượt xa tiểu thuyết trên hầu như mọi phương diện có thể tưởng tượng được. Thường xuyên chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách những bộ phim kinh dị hay nhất, The Shining ớn lạnh, nỗi sợ hãi khi bị giam giữ và là cuộc thử thách sức chịu đựng ám ảnh nặng nề vẫn còn giữ nguyên năng lực gây sợ hãi của mình trên 30 năm!

41. Có gan đụng tới Napoleon

Kubrick định thực hiện một bộ phim sử thi về vị lãnh tụ có ảnh hưởng lớn người Pháp nhưng do thất bại về mặt tài chính của những tác phẩm sử thi lịch sử khác ra mắt vào thời đó (bao gồm War and Peace và bộ phim có chủ đề Napoleon Waterloo của Sergri Bondarchuk) nên những nhà tài trợ e ngại và rút lui. Điều đó xảy ra sau khi vị đạo diễn nghiên cứu tỉ mỉ (đọc khoảng 500 cuốn sách), lên kế hoạch và tạo danh mục chi tiết những sự kiện liên quan tới Napoleon, viết một kịch bản hoàn chỉnh, tìm kiếm các địa điểm ở Pháp và Romania và nghiêm túc cân nhắc David Hemmings vào vai chính. Thật đáng buồn khi dự án này đi vào lịch sử với tư cách “dự án phim chưa được thực hiện” hay nhất và được kể chi tiết, đầy đủ trong cuốn sách tuyệt vời song rất đắt tiền của Taschen Stanley Kubrick’s Napoloen: The Greatest Film Never Made.

42. Phim của ông thường bị các nhà phê bình chế nhạo… chỉ được ca tụng là những tác phẩm kinh điển có tầm ảnh hưởng sâu rộng sau vài thập kỷ

Từ Andrew Sarris và Roger Ebert vĩ đại tới bản thân nữ hoàng phê bình Pauline Kael, ban đầu đa số nhà phê bình coi phim của Kubrick là không có tính người và chán ghét con người, chỉ sau này mới đánh giá đầy đủ, đúng mực về chúng. Ví dụ như: ban đầu Ebert cho rằng The Shining là một bộ phim kinh dị tồi để rồi vài chục năm sau đưa bộ phim vào danh sách những tác phẩm kinh điển đích thực của ông, còn 2001: A Space Odyssey, hiện nay được coi là một kiệt tác mang tính cách tân, thời đó bị giới phê bình chế nhạo.

43. Ra đi trên đỉnh cao sự nghiệp

Không như các vĩ nhân khác trong nền điện ảnh bao gồm Alfred Hitchcock, Orson Welles và D.W Griffith, bộ phim cuối cùng của Kubrick trước khi ông đi xa là một tác phẩm tái xuất gây nhiều tranh cãi Eyes Wide Shut. Thậm chí một số người nói ông mất vì thở phào, khi cuối cùng cũng làm được một bộ phim được cả thế giới thừa nhận.

Những kiệt tác của Stanley Kubrick

44. Ghi chép chi tiết mọi thứ

Thư viện cá nhân của Kubrick nổi tiếng y như chủ nhân vĩ đại. Nhờ một phần năng khiếu làm phim tài liệu và nhiếp ảnh, ông muốn ghi lại mọi thứ – khiến ông trở thành nhà nghiên cứu có một không hai.

45. Hợp tác với đội ngũ chuyên gia công nghệ trong tương lai

Từ thiết kế sản xuất Ken Adam (Dr No, Goldfinger), tới nhà quay phim Gilbert Taylor (A Hard Day’s Night và rồi, Star Wars and The Omen), chuyên gia kỹ xảo trực quan Douglas Trumbull (Blade Runner, Silent Running, Close Encounters) và biên kịch Ray Lovejoy (Aliens, Batman), đội ngũ cộng tác của Kubrick, thực lòng cảm ơn sự tham gia của họ với vị đạo diễn vĩ đại, sau này sẽ trở thành những chuyên gia công nghệ thực thụ trong giới điện ảnh.

46. Dễ dàng hấp thu tư tưởng của thời đại

Từ chứng hoang tưởng chiến tranh lạnh, tới trào lưu giải phóng những năm 1960 và thuyết hoài nghi hồi thập niên 1970, có vẻ Kubrick dễ dàng hấp thu tư tưởng của thời đại.

47. Được kính trọng ở khắp mọi nơi

Dù ông hay làm mếch lòng, lạnh nhạt, đòi hỏi khắt khe và có tiếng là khó tính, cuối cùng mọi người thường kính trọng người đàn ông vĩ đại này; Jack Nicholson tuyên bố chính xác “Stanley là người tuyệt vời!” và dù sau vụ việc om xòm đáng buồn ngoài màn ảnh với vị đạo diễn, sau này Shelley Duvall ca ngợi biến cố đó là kinh nghiệm tích cực giúp cô khéo léo hơn.

48. Hoàn thành bộ phim đầu tay năm 25 tuổi

Phim truyện đầu tay thực sự của ông, tác phẩm ít được thưởng thức Fear and Desire, được hoàn thành ở độ tuổi trẻ tới khó tin. Ông được kính trọng ngang với Orson Welles về mặt này – dù tác phẩm được thừa nhận Citizen Kane là phim truyện đầu tay tuyệt vời hơn!

49. Không bao giờ đạt giải Oscar

Một số đạo diễn xuất sắc nhất không bao giờ đạt giải Oscar, trong đó có Hitchcock, D.W Griffith, Orson Welles, King Vidor và Kurosawa Akira. Kubrick gia nhập nhóm kỳ lạ bao gồm những tài năng bị Viện Hàn lâm ngó lơ này, và sau giải Oscar năm nay có thêm David Fincher.

50. Có thời gian chuyển cảnh dài nhất trong lịch sử điện ảnh

Vài triệu năm trôi qua giữa cảnh khúc xương ném lên trời và vệ tinh nhân tạo quay quanh trái đất trong 2001: A Space Odyssey! Màn chuyển cảnh nổi tiếng và quá ư táo bạo này rất được khen ngợi.


Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Obsessed With Film

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.