Nhân vật & Sự kiện

Đạo diễn Yang Yong Hi và hy vọng đoàn tụ với gia đình

20/03/2011

Điện ảnh đâm chồi từ khát khao căn bản của con người muốn biến những kỷ niệm mơ hồ thành vĩnh cửu và nắm bắt các câu chuyện để đời. Nhưng với Yang Yong Hi, điện ảnh là phương cách cấp thiết hơn để giữ gia đình cô với nhau – nhằm hợp nhất cuộc sống của họ đã bị chia cắt giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản. Tuy nhiên, lá thư tình cảm âm thanh và thị giác của vị đạo diễn này lại cướp đi cơ hội gặp lại gia đình của cô.

Tác phẩm đạo diễn đầu tay của Yang Yong Hi năm 2005 Dear Pyongyang theo dấu chuyến đi của cha cô, người gốc ở đảo Jeju, đến Nhật Bản trong thời kỳ thực dân (1910-1945), tại đây ông có tư cách công dân Bắc Triều Tiên và trở thành quan chức cấp cao. Ông gởi ba người con trai lớn đến Bình Nhưỡng để họ có thể thoát khỏi sự kỳ thị tại địa phương đối với zainichi (từ Nhật dùng để chỉ các cư dân Hàn sống lâu năm ở Nhật).

Nhưng điều này đã dẫn đến sự chia ly đắt giá. Yang Yong Hi và cha mẹ, vẫn còn ở Osaka, vẫn thường đến thăm và họp mặt với họ ở thủ đô của Bắc Triều Tiên.

Khi phim này thu về hàng loạt giải thưởng ở các liên hoan quốc tế, từ Sundance đến Berlin, Yang Yong Hi đã không còn được phép đến Triều Tiên nữa.

Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục thực hiện tác phẩm thứ hai của mình Goodbye Pyongyang.

 cháu gái Son Hwa nắm tay từ biệt khi Yang Yong Hi chuẩn bị rời Bình Nhưỡng

Giá đắt cho nghệ thuật

Với tư cách một nghệ sĩ, tôi làm phim đã tiên liệu hệ quả, nên không thể bác bỏ thứ mình đã làm. Tôi cho ra đời tác phẩm thứ hai là dấu hiệu cho biết tôi từ chối xin lỗi,” Yang Yong Hi nói với Korea Times trong một quán cà phê ở Seoul vào thứ sáu 5/3.

“Thật trớ trêu – tôi làm nên câu chuyện vì nhớ gia đình mình nhưng giờ vì vậy tôi không thể gặp họ. Tuy vậy, tôi lại càng nhớ họ và mong gặp họ nhiều hơn.

Cô cho biết phim mới của mình là một lá thư đầy tình cảm gửi cho đứa cháu gái Son Hwa.

Trải dài suốt 13 năm, Goodbye theo dấu bé gái có cuộc sống khá được ưu tiên chưng diện phụ kiện chuột Mickey và dùng văn phòng phẩm Hello Kitty. Đối nghịch với hình ảnh những đứa trẻ Bắc Triều Tiên đói khát, cô bé có những bữa ăn bổ dưỡng kết thúc với món kem tráng miệng.

Nhưng phần nhiều trong những thứ xa hoa này được cấp từ những gói hàng viện trợ từ Nhật Bản – trong 30 năm qua, mẹ của Yang Yong Hi đã liên tục gửi đến mọi thứ từ thuốc chữa trầm cảm và túi làm ấm tay dùng một lần. Thứ có vẻ như là một nhà bếp trung lưu thông thường bị thực tế hoàn toàn khác biệt che mờ - lời dẫn dắt của đạo diễn hé lộ về, ví dụ như, việc nước máy mỗi ngày chỉ chảy hai tiếng.

Liên tục cười khúc khích, đùa cợt và đôi lúc thẹn thùng tránh ống kính máy quay, Son Hwa có vẻ giống một đứa trẻ thông thường – nhưng hãy nhớ bé sống trong một thế giới khác, khi bé bảo cô mình tắt máy quay kẻo phí pin.

“Cháu tôi liên tiếp bị tôi mê hoặc – vì cách tôi phí phạm nước và khăn giấy. Chúng tôi rất thích thú quan sát lẫn nhau. Cháu tôi sẽ yêu cầu tôi tắt máy quay để hỏi những câu đơn giản, vô hại nhất như tôi xem kịch gì ở Nhật Bản. Cháu ý thức được máy quay có thể là món đồ chơi thú vị nhưng cũng là thứ rất nguy hiểm.”

“Nhưng tôi cảm thấy Son Hwa như bạn tâm giao của mình. Cháu là đứa con gái duy nhất bên cạnh các anh lớn hơn rất nhiều, cũng giống như tôi. Khi trưởng thành tại Nhật Bản, tôi theo học một trường dành cho người Bắc Triều Tiên và do đó có tiếp xúc với hai nền văn hóa khác nhau.”

“Tương tự, cháu gái tôi đã sống cả đời ở Bình Nhưỡng nhưng cũng ý thức được về một thế giới khác – cháu hát những bài tuyên truyền trong trường về việc vui vẻ với thứ mình có, nhưng cũng biết được về sự giàu có vật chất ngoài nước. Cháu sống trong một thế giới khác nhưng cũng trải qua tương tự những gì tôi đã trải qua khi lớn lên,” cô nói.

Chân dung một gia đình bình thường

Bộ phim trước hết là bức chân dung rất riêng tư về một gia đình, và các thước phim cho phép gia đình bị ly cách chia sẻ đời sống hàng ngày với nhau theo cách nào đó.

“Mục đích của tôi không phải để nói về Bắc Triều Tiên hay cộng đồng người Hàn tại Nhật Bản. Trên hết, tôi muốn kể một câu chuyện riêng về gia đình mình, và đề cập đến các giá trị chung về tình yêu và hy vọng. Tôi ước gì người xem có thể suy ngẫm tầm quan trọng của gia đình qua phim của tôi.

Là một người lạc quan bất diệt, Yang Yong Hi chắc rằng ngày nào đó cô sẽ gặp lại gia đình mình – “Mẹ tôi còn cười nhiều hơn trong thời điểm khó khăn, và tôi cũng vậy. Cháu gái tôi cũng có thể cười lúc bị cúp điện. Tính lạc quan đã có trong máu chúng tôi.”

“Nhưng tôi thực sự lo lắng cho gia đình tại Bắc Triều Tiên. Khi tôi bắt đầu nhận được sự chú ý của giới truyền thông cho phim tôi đã lo rằng việc đó có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến họ. Nhưng giờ tôi đã đổi cách suy nghĩ rồi – tôi càng nhanh tay quảng bá phim hơn với hy vọng rằng làm vậy sẽ bảo vệ được gia đình mình.”

Mẹ cô, vẫn được phép đến Bình Nhưỡng, luôn lo lắng cho cô. “Mẹ tôi biết sự thực về tình hình ở Bắc Triều Tiên, nhưng giữ im lặng vì cần gặp con của mình. Bà nói ít nhất tôi nên được tự do nói điều mình nghĩ.”

Yang Yong Hi vẫn hy vọng gặp lại gia đình

Một hình ảnh khác về Bắc Triều Tiên

Cũng như thành phố New York gợi nhớ đến Tượng Nữ thần Tự do hay Seoul làm dấy lên trong suy nghĩ các món bò, vị đạo diễn này hy vọng thông qua phim của mình mọi người có thể gắn Bình Nhưỡng với một hình ảnh khác.

“Một người Mỹ xem phim của tôi tại Liên hoan phim Berlin nói rằng anh sẽ nhớ đến Son Hwa khi nghĩ về Bình Nhưỡng.” Yang Yong Hi cười.

Son Hwa, giờ đã 19 tuổi, là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Kim Il Sung. “Chúng tôi đã gửi cho Son Hwa từ điển tiếng Anh. Cô bé muốn trở thành giáo viên, một mục tiêu nghề nghiệp rất thực tế. Nhưng cô bé thật sự mơ được du hành thế giới với cô mình,” cô nói.

“Gia đình tôi không thể đến Seoul, Berlin hay New York. Nhưng qua phim của tôi mọi người trên thế giới có thể gặp họ. Tôi hy vọng khán giả sẽ yêu mến cháu gái tôi trên màn ảnh.”

Với phim tiếp theo, vị đạo diễn này sẽ dấn thân vào thể loại viễn tưởng. Nhưng câu chuyện sẽ dựa trên những trải nghiệm riêng của cô với tư cách zainichi. “Phim sẽ nói về một người trẻ giằng xé giữa hệ tư tưởng Bắc Triều Tiên của gia đình và văn hóa đại chúng Nhật Bản. Người ta sẽ nói tôi đang làm những điều giống nhau, kể chuyện gia đình mình.”

Nhưng trong truyện tưởng tượng, các diễn viên sẽ quay về với cuộc sống của mình sau khi quay phim – không như những thước phim tài liệu mô tả các đối tượng tiếp tục với một thực tế khác xa với tự do biểu cảm hiện ra trên màn ảnh.

Goodbye Pyongyang (còn được biết đến với tên Sona, the Other Myself) đang được trình chiếu tại các rạp khắp Hàn Quốc. Phim dành cho mọi độ tuổi, có độ dài 82 phút, do Kino-Eye DMC phát hành.


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.