Nhân vật & Sự kiện

Ai cũng là nhà phê bình phim. Vậy thì sẽ thế nào?

15/04/2016

Giải Oscar năm nay đã chịu nhiều chỉ trích vì những đề cử dễ đoán, sự đồng nhất về chủng tộc đáng hổ thẹn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để phàn nàn.

Người viết là một nhà phê bình. Một kẻ bẳn tính, hợm hĩnh, chặt chém thuê để trừng phạt những nghệ sĩ và làm hỏng thú vui của công chúng. It nhất đó là vai trò mà người viết thi thoảng phải đóng. Và với tư cách này, người viết muốn nói rằng: quên giải Oscar đi. Nó hoàn toàn là một kết luận mà bạn rồi sẽ bỏ qua, nếu nhìn lại bài học lịch sử. Những bộ phim đoạt giải Phim hay nhất vẫn sống với thời gian – The Godfather, The Apartment, The Hurt Locker – là những cái tên tách khỏi nhóm đầu voi đuôi chuột xoàng xĩnh, được bơm thổi. Around the World in 80 Days? Out of Africa? Crash? Làm ơn.

Nhân vật nhà phê bình ẩm thực trong phim Ratatouille

Trong khi đó, tập hợp những bộ phim xuất sắc mọi thời đại chủ yếu gồm những đề cử hụt, từ Citizen Kane tới Do the Right Thing rồi Boyhood. Bộ phim hay nhất trong bất cứ năm nào gần như chắc chắn là bộ phim không thắng giải, hay còn chẳng được đề cử gì hết.

Điều này là quá hiển nhiên. Giải Oscars thật lố bịch. Tại sao chúng ta nghĩ rằng 6.000 thành viên của một tổ chức nghề nghiệp thiển cận và được trao quyền sẽ là những giám khảo chất lượng đáng tin cậy? Chính thể đầu sỏ trong ngành giải trí không thể nào thực sự tồn tại trong việc xây dựng thị hiếu được.

Nhưng công chúng cũng vậy. Dữ liệu phòng vé khó mà là câu trả lời cho sự thiếu khả năng của người trong nghề. Avatar kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ bộ phim nào từng được sản xuất, nhưng có ai nghĩ đây là bộ phim hay nhất mọi thời đại không?

Nhưng nói đi nói lại thì người viết là ai mà dám ý kiến? Người viết sống bằng việc phân loại, xếp hạng và đánh giá phim ảnh, một phần của hiệp hội chuyên nghiệp, thực sự là vậy, cống hiến cho việc xây dựng khẩu vị và xướng tên sự ưu tú. Nếu không liên hệ gì với viện hàn lâm, người viết sẽ thành như thế nào? Một con khủng long. Một lái xe kiêm huấn luyện viên sân khấu trong thời đại Uber. Một lão già chửi bới tung trời.

Trên mạng, ai cũng là một nhà phê bình – một nghệ sĩ từ trang Yelp bước ra, một học giả Amazon, một thành viên đội cổ vũ có sức mạnh của mạng xã hội để Thích và Chia sẻ. Những thể loại bơm phồng, lúc nào cũng nghi ngờ uy quyền của những kẻ khổ hạnh cầm bút như người viết đã bị sự hỗn loạn thời đại số cào bằng. Ai mà cần một kẻ hay cằn nhằn lập dị khi bạn đã có một thuật toán thân thiện nói cho bạn, dựa theo những giao dịch gần đây, có một số thứ Có Thể Bạn Cũng Thích, và một quân đoàn bạn bè Facebook khẳng định sự thông thái trong lựa chọn của bạn?

Thời của các nhà phê bình đầy sức mạnh đã hết rồi. Nhưng nhân vật đó – thánh tối cao hay kẻ độc tài nhỏ mọn, hủy hoại hay hiến dâng danh tiếng với nét bút – luôn có chút lầm tưởng, một con quái vật ngụ ngôn được gợi lên bởi những nghệ sĩ nhút nhát và những người hâm mộ bất an. Ngành phê bình đã luôn là một công cuộc dân chủ căn bản. Đó là một cuộc hội thoại bất tận chứ không phải là một loạt những lời công bố. Đó là một cuộc tranh luận bắt đầu khi bạn bước ra khỏi rạp chiếu hay bảo tàng, hoặc là với bạn bè hay trong phòng "chat" riêng trong đầu bạn. Không phải tác giả nói bạn nghe nên nghĩ gì; mà là chúng ta nói chuyện. Điều đó vẫn đúng trước khi có internet, nhưng sự trỗi dậy của mạng xã hội đã có những ảnh hưởng đáng sợ, gây bối rối cho việc trò chuyện theo đúng nghĩa đen.

Giống như bất cứ hình thức dân chủ nào khác, phê bình là một ngành hỗn hợp, dễ gây tranh cãi, trong đó luật lệ cũng được bàn cãi nhiều không kém gì kết quả và những nền tảng triết học thì mỏng manh nếu không muốn nói là hư ảo. Tất cả chúng ta đều khác nhau. Mỗi người trong chúng ta đều được ban phước với ý thức đặc biệt kiểu hoa tuyết, một hệ thống hưởng thụ và nhận thức hoàn toàn là của riêng mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta cũng tụ họp trong một cộng đồng thị hiếu có thể khiến ta phát cáu và phân cực như bất cứ cộng đồng nào chúng ta được định nghĩa. Chúng ta hết sức bảo vệ sở thích của mình, và phẫn nộ khi ai đó cố tình chế nhạo hay xía vào.

Những người ám ảnh và ham mê nghệ thuật, những kẻ ăn tạp và lập dị, trí thức và thấp hèn, chúng ta có vẻ như tìm kiếm sự khẳng định hơn là thử thách. Một số người thích opera. Số khác thích hip-hop. Khá ít người thích cả hai. Bạn có thể nói “Tất cả đều hay!” Nhưng bạn không tin vào điều đó hơn người viết là bao. Một số trong đó thật là tệ. Hiển nhiên là không có thị hiếu gây tranh cãi và cũng không có sự giải thích cho thị hiếu.

Nhưng cách chúng ta suy nghĩ về vấn đề con người nền tảng này đóng góp một phần vào đống mâu thuẫn. Không có lập luận nào, nhưng lại là chỉ có một lập luận. Chúng ta công nhận rằng sở thích là chủ quan, nhưng lại hiếm khi bằng lòng để chúng trong vùng riêng tư. Nói “Tôi thích điều đó” hay “Nó không hợp gu tôi lắm” là chưa đủ. Chúng ta đòi hỏi sự khẳng định mạnh mẽ hơn, bằng những tuyên bố khách quan. “Nó quả là tuyệt! Nó quá là tệ!”

Hoặc đấy chỉ là người viết. Nói cho cùng thì tờ báo này (The New York Times) trả tiền để người viết biến những ấn tượng cá nhân về phim ảnh thành những cuộc tranh luận có sức thuyết phục – không chỉ để chia sẻ cảm xúc của về phim ảnh mà còn đánh giá chúng và đưa ra một số lời khuyên hữu ích. Thế nên bề ngoài có vẻ như người viết đang tạo ra quan điểm để tự phục vụ bản thân. Đừng tin những kẻ trong cuộc của Hollywood kiểm soát giải Oscar! Phớt lờ áp lực số đông từ Rotten Tomatoes hay Box Office Mojo đi! Nghe tôi đây này!

Và chắc chắn rồi: Người viết có một chân trong biệc bảo vệ sự thích đáng của chính công việc của ông ta, kể cả việc người viết thừa nhận rằng đó là một cách ngớ ngẩn để kiếm sống. Nhiều nhà phê bình đôi khi được trân trọng – hay thậm chí, rất hiếm khi, được ngưỡng mộ, như Roger Ebert – nhưng những người như người viết thường là bị sợ hãi, bực bội hay bị phớt lờ. Trong tư duy phổ biến, những nhà phê bình là những kẻ ghét bỏ và phá đám. Có thể là những người tàn bạo, như nhà phê bình kịch nghệ của tờ New York Times độc địa uống nhiều rượu martini trong bộ phim Birdman. Hay là những kẻ khổ hạnh: Cho dù bị châm biếm độc ác, Birdman, bộ phim thắng giải Oscar, được “Chứng nhận là tươi” (Certified Fresh) trên trang Rotten Tomatoes (tuy nhiên người viết nghĩ nó hơi bị đánh giá cao, nhưng chỉ là ý kiến cá nhân).

Khả năng kiếm sống của những nhà phê bình có thể mong manh, nhưng phê bình vẫn là một hoạt động tuyệt đối không thể thiếu được. Việc tạo ra nghệ thuật – đại chúng hay tinh tế, thâm thúy hay dễ hiểu, thiêng liêng hay trần tục – là một trong những niềm hãnh diện của giống loài chúng ta. Chúng ta độc nhất được phú cho khả năng tạo hình những hiện thân của thế giới và trải nghiệm của chúng ta trong đó, để kể những câu chuyện và vẽ những bức tranh, để đưa âm thanh vào âm nhạc và chuyển động vào điệu nhảy. Kỳ diệu thay, chúng ta có khả năng, và kể cả bổn phận, để phán xét những gì chúng ta đã tạo ra, để tranh luận tại sao chúng ta cảm động, hoang mang, hài lòng hay chán nản bởi điều gì đó. Ít nhất về tiềm năng, chúng ta đều là nghệ sĩ. Và bởi chúng ta có khả năng nhận ra và phản ứng trước sự sáng tạo của những người khác, tất cả chúng ta, về tiềm năng, cũng đều là nhà phê bình.

Nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert

Điều này có nghĩa là, trên tất cả, việc của chúng ta là phải suy nghĩ. Với tư cách của những người tiêu dùng văn hóa, chúng ta bị ru ngủ vào sự thụ động, hay khả quan nhất là, bị thúc tới trạng thái nhận thức bán-giả-thân, được khuyến khích hướng về phía hoặc là nhóm phòng thủ nhân danh cộng đồng hâm mộ hoặc một chủ nghĩa trung hòa máy móc, nửa mỉa mai, nông cạn. Chúng ta lướt qua, chúng ta làm cả lô, chúng ta chọn lấy rồi vứt bỏ những trải nghiệm thẩm mỹ như thể chúng là những thứ đồ chơi rẻ tiền. Đúng là chúng thường xuyên là những món đồ chơi rẻ tiền thật – những món phụ tùng sản xuất hàng loạt từ dây chuyển sản xuất của công ty.

Trong khi đó, trong vai trò công dân chúng ta gia nhập vào một xu hướng phân cực của việc giao tranh tư tưởng. Tiếng ầm ĩ thay thế cho tranh luận. Những sự phân hóa quan trọng cùng lúc được khuếch đại và tầm thường hóa. Chỉ có một không gian nhỏ cho sự nghi ngờ và vừa đủ thời gian để ngẫm nghĩ lại khi mà chúng ta thấy bản thân bị vùi đập bởi cảm xúc và ý kiến.

Làm sao để ta phân loại tất cả? Làm sao để chúng ta sắp xếp sự thừa mứa nhu cầu trong sự chú ý của chúng ta? Những ưu đãi để không suy nghĩ – là một trong nhiều trạng thái của sự ngốc nghếch – rất mạnh mẽ. Nhưng vẫn có những thiên tài ở quanh ta, và ở trong ta. Có vở nhạc kịch Hamilton và album To Pimp a Butterfly, phim Transparent và những tiểu thuyết của Elena Ferrante. Hãy lựa chọn! Hãy nêu lập trường!

Nhân vật nhà phê bình Tabitha Dickinson do Lindsay Duncan thủ vai trong phim Birdman

Chúng ta quá thiên về xu hướng coi nghệ thuật như là một công cuộc phù phiếm, để việc lĩnh hội thị hiếu trở thành một con đường cố định, chật hẹp mà chúng ta đi loạng choạng, một mình hay với những người cùng tư tưởng. Cùng lúc, chúng ta thường tìm cách làm cho những khía cạnh sáng tạo, đem lại niềm vui của đời ta phụ thuộc vào những kết quả của kinh nghiệm, nhồi nhét nhiều chiều thẩm mỹ hiện có vào những chiếc hộp lưu giữ đức tin tôn giáo, tín điều chính trị hay luân lý của chúng ta. Chúng ta coi nhẹ nghệ thuật. Chúng ta phóng đại sự vô lý. Chúng ta không thể nhìn xa hơn hiểu biết thông thường của chính chúng ta.

Thế là đủ rồi! Nhiệm vụ của nghệ thuật là giải phóng trí óc chúng ta, và nhiệm vụ của phê bình là tìm ra phải làm gì với sự tự do đó. Thế nên tất cả mọi người đều là nhà phê bình nghĩa là mỗi chúng ta đều có thể nghĩ ngược lại với định kiến của bản thân, có thể cân bằng giữa sự hoài nghi với tâm hồn cởi mở, có thể mài sắc những giác quan đần độn và thừa thãi của chúng ta và chiến đấu chống lại sự trì trệ trí tuệ vây quanh ta. Chúng ta cần đặt quyết tâm đáng kể của ta để sử dụng và trả cho kinh nghiệm của chính chúng ta niềm vinh dự của việc xem xét nghiêm túc.

Cuộc chiến phê bình nghệ thuật thực sự (cuộc chiến mà chưa từng kết thúc) là giữa trí tuệ con người và những kẻ thù đầy tính con người: sự lười biếng, rập khuôn, sự đòi hỏi, đạo đức giả. Giữa sáng tạo và dễ chịu giữa cái dễ chịu của sự quen thuộc và cái bất ngờ của sự mới mẻ. Trở thành nhà phê bình là trở thành một người lính trong cuộc chiến này, một người bảo vệ đời sống nghệ thuật và vinh quang của nghệ thuật sống.

Nói cách khác, đây không chỉ là một cái nghề.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.