Nhân vật & Sự kiện

Có phải phim tình cảm hài đã chết?

08/04/2013

Số báo tháng 3 của tạp chí The Atlantic có đăng một bài viết của Christopher Orr với tiêu đề “Tại sao phim tình cảm hài lại tệ thế?” Và hình như chúng ta còn sống trong năm 2009 khi tất cả phim dở trên đời đều là lỗi của Katherine Heigl, vì bài viết còn có tít phụ là “Sự suy tàn từ Katharine Hepburn xuống đến Katherine Heigl”. Nếu sáu tháng nữa bài viết mới ra mắt thì chắc tít phụ sẽ là “Sự suy tàn từ Audrey Hepburn xuống đến Anne Hathaway.”

Trong bài viết, Orr khẳng định phim tình cảm hài (romantic comedy, hay rom-com) đã “thiếu sức sống nhiều thập kỷ” nay rồi. Anh tiếp tục liệt kê những “phim kinh điển trong thể loại này”, gồm Annie Hall (tất nhiên!), When Harry Met Sally (tất nhiên!), và Pretty Woman (có xứng đáng được nêu tên không thì… để bàn sau), rồi kết luận rằng ngày nay ta không còn được thưởng thức những phim “từng được ra mắt đều đặn với những diễn viên như Tracy và Hepburn và Grant và cái cô Hepburn kia.”

Meg Ryan và Billy Crystal trong When Harry Met Sally (1989)

Orr trích lời A.O. Scott của tờ The New York Times và đổ lỗi sự thiếu chất lượng đó cho các diễn viên, nhất là những diễn viên anh không ưa (gồm cả Katherine Heigl), rằng họ diễn xuất tồi, và cho rằng những diễn viên anh thích (như George Clooney) đã từ lâu bỏ rơi thể loại phim nhạt nhẽo này rồi. Nhưng cuối cùng, Orr vẫn kết luận là phim tình cảm hài cần những rào cản tình yêu: địa vị xã hội, địa lý, gia đình – những yếu tố có thể chia rẽ đôi uyên ương đến khi họ có thể có cảnh hôn với nhạc du dương ở cuối phim. Và theo anh, những rào cản trong thế giới ngày nay không còn tồn tại nhiều.

Bài viết dù sao cũng có một ý chính, cũng có cơ sở thực tế: rằng ngày này có ít phim tình cảm hài thuần túy kiểu “rào cản chia rẽ đôi tình nhân, đến cuối phim mới có thể hội ngộ” thực sự hay, được khen ngợi và có doanh thu cao.

Katharine Hepburn và Cary Grant trong Bringing Up Baby (1938)

Viết lại lịch sử

Điều quan trọng cần biết là, những phim mà Orr cho là kinh điển và đang nuối tiếc kia, của các diễn viên như Spencer Tracy và Katharine Hepburn và Cary Grant và Audrey Hepburn, cũng ít khi là những phim thực sự theo những mô-típ kể trên. Nghĩ về những phim Spencer Tracy và Katharine Hepburn đóng cặp mà xem. Trong Adam's Rib, họ là một đôi vợ chồng; bộ phim không kể về mối tình màu hồng với những rào cản, mà kể về những khó khăn trong một cuộc hôn nhân. Phim Desk Set tìm hiểu tình cảm của hai người bạn tri kỷ, hai người hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau, dễ dàng nói chuyện với nhau nhiều hơn là một tình yêu lãng mạn với lời cầu hôn ở cuối phim. Bộ phim kể về quá trình hai con người có thể tìm hiểu nhau và đến một quan hệ chia sẻ, hơn là một câu chuyện tình đầy bi ai, sướt mướt.

Thêm vào đó, nếu thực sự “soi” các phim này, bạn sẽ thấy cốt truyện của chúng cũng có lúc… ”chuối” không khác gì phim hiện đại. Phim chỉ là công cụ để giúp các nhà làm phim tạo ra các cảnh phim hay riêng lẻ, giúp diễn viên trổ tài, chứ không phải để kể một câu chuyện hoàn hảo. Bộ phim là cái khung để các nhân vật có những cuộc đối thoại hoàn hảo.

Spencer Tracy và Katharine Hepburn trong Desk Set (1957)

Khi Tracy và Hepburn chen chúc trong thư viện nghiên cứu của cô trên gác và kể với nhau về một cô người mẫu ngày xưa từng làm anh chán ngấy vì lải nhải quá nhiều về việc cổ áo phụ nữ giờ cao quá, đó là một cảnh phim làm người xem mê mẩn vì có lời thoại dí dỏm và diễn viên ăn ý.

Nhưng cái cảnh máy tính bị hỏng, nhả giấy đầy phòng trong lúc nhân vật nữ tóc búi cao hoảng hốt chạy khắp phòng à? Một cảnh ngớ ngẩn toàn tập. Thật sự không thể xem nổi. Nhưng ai quan tâm chứ, khi có cảnh trong thư viện hay cảnh chị em chia sẻ giữa Hepburn và Joan Blondell để xem. Nếu Desk Set là phim hiện đại và bạn phải viết bình luận cho nó, bạn sẽ phải viết rằng cốt truyện phim này nhiều lúc rất ngớ ngẩn và nói thế là đúng. Nhưng viết như thế cũng có nghĩa bạn có lẽ chưa hiểu mục đích của bộ phim.

Nói cách khác, những phim tình cảm hài chúng ta cho là kinh điển và tôn sùng cũng có điểm tương đồng với những phim ta mỉa mai ngày nay. Thứ này được người viết gọi là “kịch bản vừa xem vừa ngâm nga”, tức là tới những đoạn phim ngớ ngẩn, bạn cao giọng ngâm nga bản nhạc nào đó đến khi đoạn đó hết, và cố gắng không nghĩ tới sự ngớ ngẩn của nó, và chỉ chờ đến khi bạn được xem những cảnh đối thoại hay. Loại kịch bản đó tồn tại trong Desk Set. Nó cũng tồn tại trong Bringing Up Baby. Kể cả Roman Holiday cũng có những cảnh như thế, nếu bạn cần một ví dụ khác có sự tham gia của “cái cô Hepburn kia”.

Sandra Bullock và Bill Pulman trong While You Were Sleeping (1995)

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi While You Were Sleeping cũng là một kịch bản có chỗ hay chỗ dở như thế. Trong lịch sử phim hài lãng mạn kinh điển tồn tại rất nhiều cảnh phim, đoạn phim mà chúng ta sẽ không dễ dàng tha thứ nếu chúng không xuất hiện trong các phim chúng ta cho là kinh điển, và các bộ phim đó qua năm tháng đã trở thành một ký ức để được hoài niệm, trở thành những biểu tượng cho một thế hệ. Điều đó không có nghĩa những phim đó không hay – chúng hay thật! Đó là những bộ phim thực sự tuyệt vời, không thể phủ nhận được. Nhưng sự tuyệt vời trong phim hài lãng mạn luôn xảy ra trong những khoảnh khắc tương tác giữa các nhân vật. Phim The Lady Eve cũng có cốt truyện chung khá nực cười, nếu bạn bới móc kịch bản nhiều quá. Nhưng khi bạn chỉ để ý tới cảnh Barbara Stanwyck vuốt tóc Henry Fonda và bị cảnh phim đó mê hoặc thì bạn sẽ hiểu sao đây lại được cho là một bộ phim hay.

Thực sự tuyệt vời hay chỉ là được yêu thích?

Ta cũng cần phân biệt giữa các phim tình cảm hài thực sự tuyệt vời và những phim chỉ được khán giả thực sự yêu thích. Người viết rất thích phim When Harry Met Sally; đó là một bộ phim dí dỏm, ngoài việc đặt câu hỏi nam nữ có thể là bạn được không, bộ phim còn có nhiều thông điệp thông minh về tình bạn và tình yêu. Pretty Woman, ngược lại, là một bộ phim được nhiều người yêu thích, và cũng dễ hiểu thôi, với diễn xuất quyến rũ của Julia Roberts. Không có gì sai trái trong việc khán giả yêu thích, xem lại và thích hoài niệm về bộ phim.

Julia Roberts và Richard Gere trong Pretty Woman (1990)

Nhưng… phim này cũng bình thường thôi. Cuộc gặp gỡ của cô gái gọi và anh chàng nhà giàu cũng dễ thương, rồi tất nhiên phải có cảnh biến vịt con xấu xí thành thiên nga, và đến cảnh cuối thì trông Richard Gere có vẻ đang muốn nhảy khỏi căn gác đó tự tử chứ không phải trèo lên gặp Julia Roberts… Người viết đã xem phim này nhiều rồi, lúc bài hát Roxette rộn ràng thì cũng vui tai, nhưng phim này không phải là tuyệt tác. Trước khi chì chiết các bộ phim ngày nay, ta phải xem xem phim ra mắt cách đây 20 hay 60 năm thực sự có chất lượng ra sao.

Bất chấp đề cử Oscar của Julia Roberts (ai nhớ đề cử này chứ?) tôi cho rằng Pretty Woman là phim “được yêu thích” hơn là tuyệt tác, có thể được xếp cùng nhóm với The Cutting Edge (vận động viên trượt băng yêu cầu thủ khúc côn cầu! Thật mới lạ!), While You Were SleepingTwo Weeks Notice, cùng một số phim đơn giản khác đem lại cho bạn cảm giác thoải mái khi xem. Những bộ phim này như những viên kẹo ngọt ngào ăn không đủ no nhưng vẫn được yêu thích bởi cả những người hâm mộ thể loại phim tình cảm hài tới những người vài năm mới xem được một phim trong thể loại này.

Thay đổi trong rào cản tình yêu không lớn tới thế

Những cốt truyện không có sơ hở, lỗ hổng, cực kỳ cuốn hút không hẳn là thứ làm nên một bộ phim tình cảm hài ăn khách trong nhiều thập kỷ nay. Orr cũng có vẻ đang đề cao quá mức tâm quan trọng của những rào cản tình yêu – ví dụ sự phản đối của gia đình – trong vai trò chia rẽ đôi tình nhân.

Nhưng cùng lúc đó, tác giả cũng cho rằng anh nhận xét sai lầm khi cho rằng ngày nay tình yêu có ít rào cản hơn. Bất cứ ai cho rằng trong thời đại internet này, địa lý không còn là một rào cản tình cảm nữa rõ ràng chưa bao giờ kết bạn qua mạng. Việc Orr bỏ qua những vấn đề địa lý trong Sleepless in Seattle thật sự lạ lùng – bạn không thể cứ yêu nhau qua Skype mãi được. Thế nên dù một Annie và Sam hiện đại có thể tiếp tục viết email, câu hỏi cuối cùng vẫn sẽ hiện ra: cô sống ở Baltimore bờ đông nước Mỹ, có công việc và bạn bè ở đó, anh sống ở Seattle bờ tây, có công việc và con trai. Giờ giải quyết ra sao?

Tom Hanks và Meg Ryan trong Sleepless in Seattle (1993)

Thành thật mà nói, nếu nghĩ về câu hỏi này, cái kết của bộ phim không hề đưa ra cách giải quyết nào. Một trong hai người sẽ chuyển chỗ ở? Cô có bỏ việc không? Anh có thể làm xáo trộn cuộc sống của con để chuyển nơi ở? Hay họ cứ tiếp tục viết thư?

Nhưng tập trung vào những câu hỏi này là cho rằng địa lý là vấn đề chính của phim Sleepless in Seattle, rằng các nhân vật chỉ cần vượt qua khoảng cách này là có thể đến với nhau – và đây là điều không hẳn chính xác. Rào cản của đôi tình nhân này không đơn thuần là địa lý, mà khó khăn của họ xoay quanh những nỗi sợ, tình cảm Sam vẫn dành cho người vợ quá cố, và sự khác biệt giữa một người bạn yêu trên giấy và con người thật của họ. Đó mới là các rào cản thực sự mà các nhân vật phải đối mặt. Sự tồn tại của Skype và tiến bộ của công nghệ không thể xóa bỏ những vấn đề đó.

Nếu xem phim tình cảm hài ra mắt năm 2010 Going The Distance, bạn sẽ thấy bộ phim tiếp cận những rào cản rất hiện đại này một cách thông minh. Trong phim, đôi tình nhân gặp nhau khi cô đến thành phố thực tập, và khi cô hoàn thành công việc, họ đang đứng ở một ngã rẽ. Tình cảm của họ còn quá mới để thay đổi cuộc sống của bản thân, chuyển đến chỗ mới vì nhau, nhưng đã đến một mức không thể thể dễ dàng bỏ nhau. Họ giữ quan hệ với nhau từ hai đầu đất nước, một việc gần như bất khả thi, dù nhiều người luôn hy vọng vẫn có thể làm được khi chia tay là lựa chọn quá đau khổ. Đây là cách thể hiện tình yêu ở mức tinh tế nhất: một tình yêu đủ sâu đậm để bạn không thể bỏ người kia lại đằng sau, và trong tình huống đó, một mối quan hệ gần như nửa vời, cách xa ngàn dặm trở thành lựa chọn tốt hơn. Nếu Going The Distance có điểm yếu, đó là giải quyết những vấn đề có nhiều tiềm năng trở nên không thể vượt qua này một cách quá dễ dàng.

Drew Barrymore và Justin Long trong Going The Distance (2010)

Trên thực tế, chỉ việc hai người trong một mối quan hệ tình cảm đều có những công việc quan trọng, bận rộn (và con riêng) cũng có thể tạo những rào cản rất dễ hiểu để họ phải vượt qua.

Tình cảm hài là một yếu tố, không phải một thể loại

Một trong những thách thức trong việc đánh giá chất lượng của “phim tình cảm hài”, đó là những yếu tố tình cảm hài hay nhất trong một bộ phim thường lại xuất hiện trong những phim không tự gọi bản thân là tình cảm hài hay “rom-com”.

Nếu bạn cho rằng ngày ngay không còn ai biết viết lời thoại giữa hai nhân vật nam nữ một cách đơn giản nhưng vẫn rực rỡ thì chắc chưa xem cảnh diễn đầu tiên giữa Mark Duplass và Rosemarie DeWitt trong phim Your Sister's Sister ra mắt năm ngoái. Phim không phải là tình cảm hài theo lý thuyết truyền thống (hay ít nhất là không phải với hai nhân vật này trong vai chính) và cũng không tránh được những yếu tố kịch bản có thể được loại bỏ. Nhưng trong một cảnh đối thoại tuyệt vời giữa hai nhân vật của diễn viên nêu trên, biên kịch Lynn Shelton đã tạo ra một cảnh phim đáng được so sánh với bất cứ tuyệt tác nào. Thêm vào đó Duplass còn đóng một số phim khác “mang tính cách rom-com nhưng không hẳn là rom-com” trong năm 2012, ví dụ Safety Not Guaranteed. Những phim như BridesmaidsPitch Perfect cũng thuộc loại này – có những yếu tố tình cảm hài nhất định nhưng những yếu tố không phải là mục đích trung tâm.

Jennifer Lawrence và Bradley Cooper trong Silver Linings Playbook (2012)

Một số người cũng nhắc tới Silver Linings Playbook. Những yếu tố tình cảm trong phim này hơi khiến người viết cảm thấy bối rối, vì kịch bản thỉnh thoảng cũng suýt đi vào lãnh địa “bệnh tâm thần chỉ là cá tính đáng yêu”. Nhưng dù thế, phim này được yêu thích phần lớn cũng vì diễn xuất ăn ý giữa Bradley Cooper và Jennifer Lawrence và đó cũng là phần nào mục đích của cả đoạn này trong bài viết.

Làm thế nào để có phim tình cảm hài hay hơn

Rõ ràng là cách tốt nhất để có những phim tình cảm hài hay hơn là hãy ngừng nói xấu nó, và rồi đổ lỗi cho người vô tội. Nếu bạn cho rằng lý do The Ugly Truth là một thảm họa là Katherine Heigl, thì chắc bạn chưa xem phim. Bộ phim ngay từ ý tưởng đã kinh tởm và không thể chịu được. Bạn có thể dựng cả Katharine Hepburn và Audrey Hepburn dậy, và cả hai người đó cũng không thể khiến bộ phim trở nên tuyệt vời hơn. Điều tương tự có thể được nói về The Bounty HunterThe Switch và phần lớn những phim vớ vẩn mà Matthew McConaughey đã phí nửa cuộc đời để làm.

Katherine Heigl và Gerard Butler trong The Ugly Truth (2009)

Vấn đề lớn nhất là những kịch bản dở tệ, xấu bụng đang luôn được đưa ra làm thành phim. Những kịch bản đó trở thành lời biện hộ cho những câu mỉa mai phim tình cảm hài đi cùng những cái đảo mắt. Trước hết ta phải kết thúc sự khinh rẻ đó. Đừng nói từ “chick-flick” (phim hướng tới đối tượng khán giả nữ - ND) cùng giọng điệu bạn dùng khi nhắc tới “thịt thối”. Đừng tiếp tục cho rằng các bộ phim, hay tiểu thuyết liên quan tới tình yêu lãng mạn có giá trị thấp hơn những câu chuyện về chiến tranh, hay rằng những câu chuyện kết thúc với một nụ hôn không thể có địa vị cao bằng nhưng câu chuyện kết thúc với một người bị bắn chết. Hay nếu bạn thực sự tin thế, và bạn muốn tiếp tục tin thế, thì đừng giả bộ rằng bạn sẵn sàng tin rằng và đón nhận việc phim tình cảm hài có thể tiến bộ.

Diễn viên, biên kịch, đạo diễn giỏi sẽ không thể đặt mục tiêu của mình cao hơn – như họ đang làm với phim hành động và kinh dị - đến khi khán giả chấp nhận rằng họ có khả năng hướng tới tầm cao đó. Chúng chỉ có thể làm thế khi thôi cho rằng “chick-flick” là một từ gì đó tục tĩu, đáng xấu hổ. Cũng như ta chứng minh rằng khán giả muốn xem những phim hành động và kinh dị thông minh, và thực sự tin rằng phim như thế có thể tồn tại, thì lúc đó các nhà làm phim mới tin vào khả năng thành công của một bộ phim hành động hay kinh dị thông minh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với phim tình cảm hài.

Nói về một vấn đề khác, ngành điện ảnh sẽ không thể bước vào một “thời kỳ hoàng kim” mới đến khi ta chữa được cơn bệnh “ghét diễn viên nữ” đang hoành hành hiện nay. Hiện giờ, có một số nữ diễn viên tạo được cho bản thân hình ảnh “cá tính” như Emma Stone, Mila Kunis và Jennifer Lawrence. Nhưng phim tình cảm hài cần những diễn viên mà khán giả chưa quyết định là họ phải ghét cay ghét đắng. Vì thế, nếu giới báo chí vẫn tiếp tục dành quá nhiều thời gian viết những bài mỉa mai Anne Hathaway (và Jennifer Aniston và Lena Dunham và Katherine Heigl và Sandra Bullock và Gwyneth Paltrow và Julia Roberts và Kate Hudson), thì ta sẽ không thể yêu cầu khán giả mở lòng với những phim tình cảm hài vốn cần những khán giả không cay nghiệt. Chính Katharine Hepburn đã từng bị ghét, và đó là vào những năm 1930. Nếu cô – hay Audrey Hepburn – sống trong thời đại internet này, họ có thể được khán giả yêu thích đến vậy không? Hay trong trường hợp của Katharine Hepburn, cô có thể có sự trở lại sau khi bị ghét?

Jennifer Lawrence và Anne Hathaway sau lễ trao giải Oscar 2013

Người ta kể rằng, cảnh phim Katharine Hepburn bị Cary Grant đánh ngã trong phim The Philadelphia Story tồn tại chỉ vì khán giả ngày đó không ưa nữ diễn viên này đến nỗi họ cho rằng cô phải bị đánh ngã lăn ra đất thì mọi người mới có thể bắt đầu thích cô trở lại – hóa ra mưu này đã thành công, vì phim trước đó của cô, Bringing Up Baby, thất bại trong phim The Philadelphia Story thành công rực rỡ. Ta có thể xem cảnh Jennifer Lawrence ngã nhào trên đường lên sâu khấu nhận giải Oscar và tự hỏi: có phải đây là điều tuyệt vời nhất xảy ra với cô trong năm nay? Phải chăng việc vấp ngã đã mua thêm cho cô sáu tháng trước khi mọi người bắt đầu gào ầm lên là họ không ưa cô chút nào dù không thể lý giải được tại sao? (Đừng tưởng lầm – đã có người ghét cô sẵn rồi. Nhưng cô chưa bị phóng viên nào viết về việc khán giả trên mạng không ưa cô, như Anne Hathaway.).

Cuối cùng, ta cũng phải trở nên linh hoạt hơn với cách thể hiện phim tình cảm hài. Những phim tình cảm hài hay nhất thường có nhiều yếu tố khác nữa. Chúng cũng cần chút đau buồn, như trong phim Notting Hill được nhiều người đánh giá quá thấp. Phim không chỉ nói về những rào cản tình yêu của thế giới thực dụng, mà còn thể hiện rằng những người dù yêu nhau, trong những thời gian khó khăn, vẫn có thể hiểu lầm nhau, làm tổn thương nhau. Đó là chưa nói tới cuộc hôn nhân đối mặt với bệnh tật và vô sinh của đôi vợ chồng người bạn của William do Hugh Grant đóng. Hai phim Meg Ryan và Tom Hanks đóng với đạo diễn Nora Ephron, Sleepless In SeattleYou've Got Mail, luôn có những khoảnh khắc đau buồn đối mặt với mất mát, cái chết và thay đổi cuộc sống.

Hugh Grant và Julia Roberts trong Notting Hill (1999)

Cũng có những phim không kể về bất cứ cái gì khác ngoài việc hẹn hò, yêu đương, như How To Lose A Guy In 10 Days hay The Wedding Planner. Những phim này ít khi thành công, từ trước tới nay chứ không phải chỉ bây giờ, vì tình yêu trong cuộc sống luôn pha trộn với những vấn đề khác nữa, và bất cứ những ai có thể dành thời gian chỉ nghĩ về những cuộc đối thoại tán tỉnh đủ dài để làm thành một bộ phim lại là người không hấp dẫn lắm.

Cách tán tỉnh giả tạo của kiểu nhân vật nam to xác não nhỏ do Gerard Butler đóng nhanh chóng trở nên nhàm chán. About A Boy, mặt khác, chỉ có khoảng 20% là yếu tố tình cảm hài, và nó hay hơn, vì Hugh Grant không chỉ ngơ ngác như thế khi ở bên phụ nữ, mà đó thật sự là một phần của cuộc sống của anh. Những phim như My Best Friend's Wedding với Julia Roberts cũng hay nhất khi nói về những khúc mắc trong cuộc sống mà cũng có thể tồn tại trong một cuộc tình.

My Best Friend's Wedding (1997)

Làm phim tình cảm hài hay như của Spencer Tracy và Katharine Hepburn thực sự rất khó. Đó là một nghệ thuật. Và cũng như các nghệ thuật khác, hiếm có được tác phẩm hay. Ngày nay ai làm phim bì được với Andy Warhol? Lần cuối ta thấy những tác phẩm như Lawrence of Arabia hay Godfather là bao giờ? Không phải nói xa như Howard Hawks và Cary Grant, nhưng gì Nora Ephron có thể làm được vào các thập kỷ 80, 90, giờ cũng khó làm lại. Sự cân bằng giữa các yếu tố rất khó, kỹ năng thể hiện là tất cả, và khiến khán giả quan tâm tới câu chuyện ai cũng biết sẽ kết thúc thế nào không phải là điều dễ.

Bạn thấy đấy, rào cản ở khắp nơi.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: NPR


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.