Nhân vật & Sự kiện

Cùng Channing Tatum tham gia cuộc đua từ kịch bản lên màn ảnh của White House Down

04/07/2013

Đó là một ngày giá lạnh vào tháng 9 khi một nhóm nhỏ blogger - trong đó có người viết - ùa vào Nhà Trắng ở Montreal. À, không phải là Nhà Trắng thật, nhưng các nhà làm phim kiểu Die Hard ở Nhà Trắng lại thách người xem tìm được điểm khác biệt khi họ đẩy người xem vào chuyến phiêu lưu hành động nghẹt thở White House Down.

Đạo diễn Roland Emmerich khét tiếng hay phá hủy địa danh lịch sử đặc biệt này. "Trong Independence Day, ông ấy thổi bay tòa nhà," nhà sản xuất kiêm soạn nhạc Harald Kloser đã làm việc với Emmerich lâu năm tiết lộ. "Trong 2012, một chiếc tàu sân bay đâm vào đó. Và bây giờ, chắc chắn đây là bộ phim hay nhất về Nhà Trắng, vì tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn." Song, sau chuyến tham quan phim trường và cuộc trò chuyện thú vị với nhà thiết kế sản xuất Kirk Petruccelli — một cộng sự quen thuộc nữa của Emmerich — tiết lộ tòa nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania sẽ bị hư hại không ít. .

White House Down (tên phát hành ở Việt Nam là Giải cứu Nhà Trắng) với Channing Tatum trong vai sĩ quan John Cale, một nhân vật mà từ tên, nghề nghiệp cho tới chiếc áo thun trắng không tay đều chỉ là số ít gợi nhớ đến nguồn cảm hứng John McClane trong Die Hard. Giống như McClane, Cale là một cảnh sát bị kẹt trong cảnh đối đầu giữa David và Goliath, và trường hợp này là một tay anh bảo vệ tổng thống Mỹ khi thủ đô Washington và Nhà Trắng bị tấn công bởi một lực lượng đánh thuê bí ẩn. Jamie Foxx đóng vai tổng thống, Jason Clarke vai thủ lĩnh nhóm phiến loạn.

Bạn có thể thấy một số cảnh hành động điên loạn này mà bộ phim đem lại trong đoạn phim giới thiệu đầu tiên. Nhưng có lẽ thứ còn dị thường hơn cả kịch bản đó là con đường từ kịch bản đến màn ảnh của White House Down chóng vánh chỉ trong 14 tháng! Kloser so sánh một cách am hiểu lịch làm việc gắt gao của phim với một cuộc đua, trong khi nhà sản xuất Brad Fischer nói khoảng thời gian chờ ngắn ngủi là "một bằng chứng cho kịch bản của James Vanderbilt. Đây cũng là bằng chứng cho khát khao được làm việc với Roland và Channing lần nữa của Sony. Cả hai kết hợp một cách tuyệt vời." Nhưng đây không chỉ là vấn đề về lòng nhiệt tình. Thực hiện bộ phim nhanh như thế là cần thiết để đạt thành công vì Tatum, người vào thời điểm được mời tham gia bộ phim đã đường hoàng là diễn viên hạng A mới nhất của Hollywood .

Đồng chủ tịch của Sony Amy Pascal chính là người đã liên hệ với cộng sự sản xuất của Tatum là Reid Carolin về White House Down. Lúc ấy, Magic Mike đang trong giai đoạn hậu kỳ, và Side Effects (sau đổi thành Bitter Pill) của Steven Soderbergh sắp đóng máy. Carolin giải thích, "Amy nói, 'Không biết Channing có hứng thú gặp gỡ Roland?' Và tôi nói, 'Ồ, đương nhiên rồi!' Roland thực ra đang trên đường đến sân bay để qua Đức, và chúng tôi gọi mọi cách để ông ấy chuyển chuyến bay, đáp xuống New York, gặp Channing uống cà phê vào khoảng 7 giờ sáng ở khách sạn của ông ấy, và để xem họ có hợp nhau không, sau đó ông ấy tiếp tục bay đến Đức." Hai người họ đã làm đúng như thế, và sau đó tùy các nhà sản xuất của White House Down tìm cách sắp xếp lịch quay sao cho khớp với lịch trình kín mít của Tatum.

White House Down định quay vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Nhưng rồi phim kế tiếp của Tatum, Foxcatcher của Bennett Miller đổi ngày, buộc các nhà sản xuất phải đưa ra một quyết định khó khăn. Để kịp ngày ra mắt trong năm 2014 như đã định trước, họ phải sa thải Tatum hoặc dời việc sản xuất thêm bảy tuần. Việc đó rút ngắn thời gian chuẩn bị của Petruccelli và nhóm dựng cảnh xuống gần phân nửa! Với gần 100% bộ phim quay trên phim trường, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi nhóm của Petrucelli phải dựng 65% khu ở Nhà Trắng, bãi cỏ phía Nam, hồ bơi, hai cánh Tây và Đông, vườn Kennedy, một nhà kính, hầm ngầm Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Tổng thống, cũng như Điện Capitol, Lầu Năm Góc, và hai Phòng Bầu Dục chỉ trong tám tuần. Fischer tuyên bố Petruccelli "chính là anh hùng của bộ phim vì đã ghép những cảnh dựng này lại nhanh và tốt hết mức có thể."

Theo Petruccelli thống kê, có 45 cảnh trí, do nhóm thiết kế quốc tế gồm 32 nguười, và hàng trăm nhân viên dựng cảnh, những người đã cố gắng dựng lại nội ngoại thất của Nhà Trắng kỹ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đội ngũ thiết kế và dựng cảnh làm việc liên tục bảy ngày một tuần, dựng cảnh từ đống hỗn tạp, sau đó loại bỏ chúng và thay bằng cảnh mới ngay khi một địa điểm được quay xong. Khi đi loanh quanh từ cảnh này sang cảnh kế tiếp, người viết vô cùng kinh ngạc khi cả nhóm đi từ nóc Nhà Trắng, băng qua vết tích còn lại của bãi cỏ phía nam, xuyên qua khu vực ầm ĩ tiếng cưa và mạt cưa mù mịt đến Phòng Bầu Dục đang được xây dựng. Khi nhận ra nơi này quá giống với căn phòng thiêng liêng đó, người xem hoàn toàn sửng sốt trước niềm đam mê không giấu giếm của Petrucell.

Kể cả trong tình trạng đang xây dựng thô sơ không được sơn phết hay trang trí, việc họ để ý đến cả chi tiết của mọi gờ trang trí — chính xác và khớp đến từng cái — thực sự rất ngoạn mục. Petruccelli chỉ ra vài chi tiết của việc tái dựng cảnh trước khi giải thích rằng phải thay đổi một số kiến trúc của các căn phòng để phù hợp với không gian cho phép ở phim trường, nhưng những khác biệt lớn nhất so với Nhà Trắng thật nhằm thích ứng với tầm nhìn của Emmerich về nơi này. Điều này có nghĩa họ bỏ qua những tấm thảm truyền thống để thấy sàn gỗ bóng loáng và bàn luận kỹ hơn với Jamie Foxx về nhân vật của anh để quyết định xem ngài tổng thống do anh thủ vai sẽ trang trí ngôi nhà thiêng liêng này như thế nào.

Đạo diễn Emmerich trên trường quay

Khi đi tham quan phim trường với nhà thiết kế đang phấn chấn, tác giả bài viết nhận ra rằng anh - cũng như bao người khác mà tác giả trò chuyện - gần như tỏa sáng với niềm hân hoan vô hạn về bộ phim này. Điều đó gợi nhớ đến khoảng thời gian người viết ở nhà hát địa phương, nơi bầu không khí luôn tràn ngập sự hăng hái lan tràn mỗi khi nói đến chuyện "hãy tổ chức một buổi diễn nào". Fischer đã tái hiện bầu không khí đó, gọi Emmerich là "một trong những nhà làm phim hợp tác tốt nhất mà tôi từng làm việc chung," và nói thêm trong quyết định của ông không hề có "cái tôi", "Ý tưởng hay nhất được chọn. Và điều đó thật tuyệt vời." Không thể tránh khỏi bị sự nhiệt tình lan rộng khắp phim trường này xâm chiếm. Tiết lộ toàn bộ đây: tác giả bài viết bắt lấy cơ hội để đi ngay vào chủ đề Nhà Trắng.

Petricelli cho biết, Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng rất quan trọng trong việc nghiên cứu về kiến trúc và thiết kế Nhà Trắng. Dĩ nhiên có vài yếu tố về tòa nhà mà ngay cả hiệp hội cũng không thể giúp được ông. Dù Emmerich và Petruccelli đã tham quan Nhà Trắng ba lần (hai lần đi theo đoàn, và một lần đi riêng) họ vẫn không được phép chụp hình hay đi sâu xuống lòng đất bên trong, chính là hầm ngầm bảo vệ trong trường hợp tổng thống bị tấn công. Những nơi bí mật trong Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Tổng thống và "Quái vật" — một chiếc limousine thiết kế đặc biệt dành cho tổng thống Obama với các biện pháp bảo vê nghiêm ngặt bí mật — cũng thế, ngoài phạm vi cho phép. Nhưng Petruccelli đã thử đảo ngược cách sắp đặt các vị trí này với một chút tự mãn:

"Chúng tôi đang lường trước điều có thể xảy ra, gần như sẽ xảy ra và cố thêm chút phong cách vào phim nếu ý bạn là vậy. Chỉ cần đủ cũng là hay rồi. Nhưng tất cả đều dựa trên thực tế. Mỗi câu hỏi tôi đặt ra cho mọi thành viên trong nhóm là: 'Tại sao? Thế nào? Tại sao phải theo cách đó?' Và Roland cũng hỏi tôi tương tự…. Mọi thứ đều là những công nghệ hiện có."

Nhưng với tất cả những chi tiết và công sức anh cùng nhóm của mình đã bỏ ra, Petruccelli nhận thấy rằng nếu mình làm đúng, không ai sẽ thấy nỗ lực của anh. "Nếu tôi biến mất sau bản vẽ và không ai biết chúng tôi làm gì, chúng tôi sẽ biết rằng mình đã làm tốt," Petruccelli thú nhận, "Và đó là điều khá là lạ — bạn chỉ phải hiểu điều đó vì không ai sẽ vỗ vai tôi khen ngợi vì họ chớ nên. Mọi thứ phải êm xuôi. Người ta phải nghĩ ‘Họ quay phim ở Nhà Trắng! Làm sao hay vậy?' Với tôi, như thế là thành công."

Toàn bộ thành quả chi tiết phức tạp này là nền tảng cho Tatum, Foxx và Clarke giải phóng bản thân trong các cảnh hành động đầy hứa hẹn sẽ là kinh điển. Người viết đến vào ngày quay thứ 33 trong 82 ngày, khi đội của Emmerich đang chuẩn bị một cảnh chiến đấu then chốt, cuộc đối mặt đầu tiên giữa anh chàng cảnh sát lực lưỡng ở Điện Capitol (Tatum) và gã lính đánh thuê táo tợn (Clarke). Cảnh đánh nhau phức tạp này diễn ra trên nóc một cảnh trí trải dài được thiết kế cho giống nóc Nhà Trắng. Máy tạo gió thổi vù vù khi Tatum - nai nịt gọn ghẽ hệt như trong áp phích - lao vào Clarke kẻ đang nhắm Javelin - một loại hỏa tiễn - vào một chiếc trực thăng đang lượn gần đó - à, cái này sẽ được thêm vào bằng kỹ xảo vi tính.

Trong cảnh này, cả hai phải tránh đạn và đống gạch vụn sau vụ nổ trong khi vẫn duy trì cuộc truy đuổi gian khổ. Mỗi lần đạo diễn hô “diễn” Tatum và Clarke lại bổ vào nhau hết lần này đến lần khác, dùng đôi vai vạm vỡ thúc cùi chỏ vào quai hàm chắc khỏe của người kia. Khi nghỉ giữa các chuỗi cảnh, Tatum nhún nhảy để máu lưu thông. Với hình ảnh Magic Mike còn rõ rệt trong đầu, người viết kinh ngạc khi tận mắt chiêm ngưỡng thân hình vạm vỡ đã thành thương hiệu của Tatum ngoài đời thật. Không khó để thấy rằng vì sao trong cuộc phỏng vấ Emmerich lại gọi anh là "Nam diễn viên lực lưỡng nhất tôi từng gặp."

Carolin, bạn kiêm cộng sự của Tatum giải thích thế này:

"Khi làm việc với Channing, bạn thực sự nhận ra rằng ngày nay rất ít diễn viên làm được như anh ấy. Ý tôi là khi thấy Channing đóng Magic Mike, anh ấy có thể nhảy như không ai cỡ tuổi đó làm được. Và bạn không có quá nhiều thời gian còn trẻ như vậy trước khi cơ thể bắt đầu không làm đợc nữa. Và xem anh ta diễn những cảnh đó đi, xoay vòng và làm nhiều trò điên khùng, như đã từng làm đôi chút với một vai nhỏ trong Haywire. Tôi thấy như chúng ta phải nắm lấy cơ hội và làm một trong những trò đó vì phim hành động là phim hành động. Loại phim này cực kỳ thú vị và có một công thức nhất định để thành công. Nhưng khi có diễn viên có thể khiến mình tin tưởng vào họ mà còn đóng được mấy cảnh cần đến thể lực thì quả là hiếm."

Dù có một cảnh cần người đóng thế - với chiếc cằm vuông khỏe khoắn khiến anh trông hệt như những anh hùng của trò chơi điện tử Contra thập niên 80 - Tatum tự đóng mọi cảnh. Đây là điều đáng tự hào của anh ta, Emmerich nói, "Anh ấy tự đóng mọi cảnh nguy hiểm... Ý tôi là phải gạt anh ta ra và cách duy nhất để làm điều đó là "Cảnh này cực kỳ nguy hiểm và cũng không thấy mặt.' Anh ấy luôn vô cùng nghiêm túc, thể hiện rõ trên mặt, vì tự hào rằng mình tự đóng các cảnh nguy hiểm. Và trong mười năm qua hiếm hoi lắm người ta mới tự hào vì điều này. Nhưng thực tế là khi xem Channing diễn, kiểu như 'Hay lắm, cảnh này là thật.' Không cần đóng thế. Đó là Channing và bạn không thể cho đóng thế nhiều như vậy bất kỳ nơi nào, thế mới tuyệt. Tôi thích điều đó."

Hôm đó giữa đạo diễn và ngôi sao của ông nảy sinh mâu thuẫn về một cảnh quay cụ thể, cảnh mà Tatum nói với nhóm phóng viên anh vô cùng muốn thực hiện. "Họ đang cố gạt tôi ra khỏi cảnh này. Tôi xem qua và nghĩ mình có thể diễn được. Chỉ là một cú rơi thôi, từ độ cao hơn 7 mét, nhưng cách rơi thì lại khó vì phải ngã nghiêng hoặc ngã ngửa và điều đó luôn nguy hiểm," Tatum thừa nhận. "Đúng vậy, đó là vấn đề duy nhất. Mọi thứ khác đều do tôi thực hiện. Dù vậy tôi thích đóng cảnh này, kiểu như đó là toàn bộ lý do mà bạn muốn đóng phim này. Khi đọc kịch bản bạn tự nhủ, 'Ô, mình phải nhào ra khỏi cửa sổ à? Tuyệt! Phải nhảy từ một tòa nhà ư? Tuyệt nữa!' Nên tôi thích đóng cảnh đó."

Trong một động tác thường thấy ở phim khiêu vũ nhiều hơn hành động, Emmerich và nhà quay phim hợp tác lâu năm Anna Foerster sử dụng ống kính rộng để bắt được nguồn năng lượng vô hạn cũng như thể lực đáng kinh ngạc của Tatum tốt hơn. Qua hiệu ứng hình ảnh và đội ngũ biên tập trên phim trường, nỗ lực hết mình để đảm bảo phim ra mắt đúng thời hạn trong hè, người viết chưa được xem qua cảnh Tatum hành động đã được chỉnh sửa. Nhưng người hào hứng khi thấy thông tin về sự mạo hiểm đầy tham vọng của Emmerich bao phủ rộng rãi. Thực sự, đây có thể là phim quan trọng nhất của Emmerich cho đến nay. Ý người viết là, dù sao đây cũng là Nhà Trắng. Như Kloser phỏng đoán, "Nhà Trắng là một biểu tượng của thế giới tượng trưng cho quyền lực, tự do và dân chủ thật sự. Tất cả thể hiện qua tòa nhà này. Ý tôi là, không biết nữa, còn biểu tượng nào khác khi muốn nói ‘Đây tượng trưng cho thế giới tự do phương Tây. Tôi chẳng biết biểu tượng nào khác. Nếu nhắc đến những điều lớn lao như thế, kiểu gì cuối cùng cũng phải là Nhà Trắng."

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.