Khương Văn đang ở đỉnh cao thế giới – thế giới điện ảnh Hoa ngữ. Phim phát hành cuối năm của ông Nhượng tử đạn phi vừa phá vỡ kỷ lục phòng vé của một phim nội địa với tổng doanh thu khoảng 700 triệu nhân dân tệ (107 triệu USD).
Vị đạo diễn kiêm diễn viên cố nhiên đang thưởng thức khoảnh khắc này, ngồi tại văn phòng không thực sự rộng rãi, chật kín đồ nội thất bằng gỗ của ông trong tòa nhà ngoại giao Bắc Kinh trong khi các nhân viên đi ra đi vào với đủ loại đề nghị và thông cáo. Sự điềm tĩnh của ông không hề suy suyển ngay cả khi nghe tin về một giải thưởng điện ảnh.
Ông không cần người khác nói cho ông biết ông giỏi như thế nào – không cần nữa.
Đạo diễn kiêm diễn viên Khương Văn tại văn phòng của ông ở Bắc Kinh
Tuy nhiên Khương Văn vẫn còn buồn bực về cách người ta phản hồi bộ phim trước của ông. Ông cố gắng không thể hiện điều đó, nhưng lại đưa hai thành viên trong đội ngũ làm phim Nhượng tử đạn phi của ông vào cuộc đối thoại vì “họ cũng liên quan đến Mặt trời vẫn mọc.”
Hầu hết mọi người sẽ gọi Mặt trời vẫn mọc năm 2007 là phim nghệ thuật và gọi bộ phim mới của ông là phim thương mại rẻ tiền, dù tác phẩm không thực sự phù hợp khi được gán vào một thể loại có sẵn – phim trộm cướp hay cao bồi Trung Quốc.
Khương Văn cười xòa trước những nỗ lực phân loại đó. Ông dùng một cảnh của Once Upon a Time in America trong đó nhân vật của Robert De Niro đưa một cô gái đến một nhà hàng tưởng tượng và làm cô ngây ngất với một ban nhạc sống và cách độc chiếm nơi gặp gỡ.
“Với Mặt trời vẫn mọc, tôi đã hiến dâng cả trái tim và tâm hồn mình. Tôi đã nghĩ khán giả sẽ đánh giá cao và sẽ không nề hà ngồi xuống bãi cỏ ven sông để trò chuyện. Nhưng thật buồn cho tôi, họ chỉ giống như cô gái trong bộ phim của Robert De Niro. Họ muốn chiếc limousine và ban nhạc dù họ có thể không có thẩm mỹ âm nhạc tốt. Họ có xu hướng đánh đồng tiếng chuông và tiếng còi với tình yêu thực sự. Vì vậy, với Nhượng tử đạn phi tôi đã cho họ thứ họ thích,” Khương Văn nói, thay đổi cách dùng từ “cô gái” theo cách nói bình dân “niu er” sang một cách có vẻ hợp thời nhưng khiếm nhã “meimei” (em gái) trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn.
Phim Nhượng tử đạn phi (2010)
Điều đó không có nghĩa ông không tự hào về Nhượng tử đạn phi. Chỉ là tác phẩm này, với ông, để cho vui trong khi Mặt trời vẫn mọc lại hết sức nghiêm túc. Ông biết tất cả những cách diễn giải mang màu sắc chính trị trong câu chuyện của ông đã lan truyền trên mạng và các phương tiện truyền thông phổ biến.
“Không, tôi không cố tình lồng ý nghĩa chính trị vào câu chuyện,” ông thẳng thắn trả lời. Khi được hỏi về một bài báo chi tiết nêu lên mối liên kết nền tảng giữa hai nhân vật và cách họ tham gia Cuộc cách mạng 1911 cùng nhau, Khương Văn ngừng lại, nói ông không ngại kiểu giải thích sáng tạo này, nhưng “sự chú ý của họ quá hạn hẹp.”
Thị trấn Thái Sơn, ngoại cảnh chính của bộ phim, đã trở thành biểu tượng của Trung Quốc với một số người ái mộ tác phẩm có thiên hướng chính trị. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại của chúng tôi, Khương Văn nhiều lần nói đến địa điểm này như một cuộc du ngoạn đến thế giới làm phim thương mại hạng B âm u.
Một trong những thành tựu của ông về tiêu chuẩn đạo diễn bị giới hạn là phá vỡ những thể loại. Phim đầu tay của ông In the Heat of the Sun (tạm dịch: Ngày mặt trời tỏa rạng) mô tả cách nhìn và cảm nhận về những biến cố của tuổi vị thành niên, nhưng vẫn không giống bất kỳ tác phẩm nào trong số rất nhiều phim điện ảnh nói về chủ đề này.
Tác phẩm tiếp theo của ông là một câu chuyện về chiến tranh thế giới thứ hai, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn về những chân dung ba chiều của cả quân xâm lược Nhật Bản và những người Trung Quốc sống dưới ách đô hộ cùng với trạng thái tâm lý phức tạp của họ. Rồi đến Mặt trời vẫn mọc, rất táo bạo trong cách bộc lộ cảm xúc khiến khán giả rời khỏi rạp chiếu vẫn cảm thấy vừa kinh ngạc vừa khó hiểu.
Sự mơ hồ là điểm đặc trưng chủ yếu. Vì hai trong bốn tác phẩm của ông mang tính hoài cổ về “cuộc cách mạng văn hóa” (1966-1976), một thời kỳ gợi lên những ký ức đau thương với nhiều người Trung Quốc, Khương Văn thường bị kết tội là nuôi dưỡng những tư tưởng thủ cựu. Không đi sâu vào vấn đề này, ông gợi ý rằng suy nghĩ của ông phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài ông tạo ra – theo một vài người bói lá trà. Và quan điểm cá nhân của ông về một số nhân vật lịch sử Trung Quốc không hề rõ ràng.
Ông giải thích rằng một nghệ sĩ nên có thế giới quan độc đáo của riêng mình. Ông phủ nhận mọi nhãn mác như “chủ nghĩa siêu thực” hay “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Ông chỉ vào chiếc đồng hồ trong bức tranh Persistence of Memory của Salvador Dali. “Anh có nghĩ tầm nhìn bị bóp méo đi không? Không! Thời gian chính xác là như thế đấy, ít nhất là với những người như tôi. Đó là thực tế.”
Những chi tiết nổi bật nhất trong phim của ông đều có vẻ như để nghiên cứu kỹ lưỡng dòng chuyển động của hiện thực như chúng ta nhìn thấy: Trong phim đầu tiên, cậu thiếu niên nhảy vào một ống khói cao và sau đó chơi với một miếng bao cao su bơm phồng lên với một sự ngây thơ đến phi lý, Mặt trời vẫn mọc có một chú chim ở thế giới bên kia bay quanh một cái cây lớn, và tác phẩm cuối cùng mở đầu với một chiếc tàu hỏa được những con bạch mã kéo đi.
“Tôi không sáng tạo ra chi tiết này. Trong 30 năm đầu thế kỷ 20, có một đoạn đường sắt ở Đông Bắc Trung Quốc được vận hành bằng ngựa,” ông giảng giải, không nói đến ý nghĩa tượng trưng của những chi tiết như vậy. “Bạn có thể nghĩ ra những cảnh khó tin nhất, và rồi bạn nhận ra sự thật còn lạ lùng hơn cả hư cấu.”
Phim Mặt trời vẫn mọc (2007)
Khương Văn hồi tưởng lại trong quá trình sản xuất phim Mặt trời vẫn mọc ông đã gợi ra cảnh những bông hoa xinh đẹp bao phủ một sa mạc. Nhưng trong khi tìm kiếm địa điểm, ông bắt gặp những bông hoa thậm chí còn quá khổ và sặc sỡ hơn ông từng tưởng tượng. “Người địa phương không biết chúng tên là gì. Bài học là, đừng bao giờ đánh giá trí tưởng tượng của bạn quá cao.”
Khương Văn được đào tạo tại Học viện Hý kịch Trung Ương – để trở thành diễn viên. Nhưng ông lại được biết đến với trí tưởng tượng táo bạo của mình. Ông thích được nghe những người có khả năng biến câu chữ trở nên sống động đọc kịch bản cho mình hơn. Những kịch bản phác thảo của ông, giống như phác họa cho mỗi cảnh quay, có khuynh hướng qua loa. Nhưng phần mô tả bằng chữ của mỗi cảnh quay rất sống động đến nỗi người nghe có thể nhanh chóng tái tạo mỗi khung cảnh trong trí óc.
Những người đam mê điện ảnh đang nghiên cứu tác phẩm của ông để tìm kiếm dấu vết ảnh hưởng của những bậc thầy đời trước. Emir Kusturica, một nhà làm phim Serbia và Nam Tư, và Sergio Leone, nổi tiếng với những phim cao bồi Italia thập niên 1960, thường được viện dẫn. Nhưng Khương Văn phủ nhận mối liên hệ: “Nhịp độ tiến triển trong phim của tôi trái ngược với họ.” Nhà làm phim duy nhất có những tác phẩm được Khương Văn thừa nhận đã tác động đến ông là Martin Scorsese. Sau khi xem một loạt phim của vị đạo diễn người Mỹ, Khương Văn đã đề nghị một cuộc gặp gỡ với ông trong chuyến đi Mỹ do Đại sứ quán Mỹ sắp xếp. Scorsese đã cư xử như một người cố vấn, gửi cho ông những tài liệu chi tiết về tác phẩm của mình.
“Khi một đạo diễn xem một câu chuyện hoặc một kịch bản khiến anh ta mê mẩn, anh ta sẽ không còn nhìn thấy một tượng đài nào trước mặt mình nữa. Anh ta phải cảm thấy bản thân mình là tuyệt vời nhất. Thật vô nghĩa khi người ta nói họ đang tỏ lòng kính trọng với vị tiền bối này hay vị tiền bối kia. Nếu có thể nói gì, thì đó nên là lời xin lỗi vì đã bỏ quên những người thầy đó sau lưng bạn,” Khương Văn nói.
Thường bị chỉ trích vì vẻ kiêu ngạo của mình, ông cho biết bây giờ ông đã rèn luyện để kiềm chế tốt hơn nhiều so với thời sinh viên. Ông cũng nói nếu có một ngày Scorsese không thể tìm được kinh phí nữa, ông sẽ sẵn sàng gây quỹ ở Trung Quốc cho người thầy Mỹ - như Scorsese và Spielberg đã làm cho Akira Kurosawa.
Khi được hỏi tại sao những đoạn nhạc ngắn trong những phim trước của ông có thể nghe thấy rõ trong nhạc nền của Nhượng tử đạn phi, ông đã gây ngạc nhiên khi trả lời: “Đó là tôi đang tỏ lòng kính trọng chính mình.”
Dịch: © Trúc Linh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily