"Có lẽ vì tôi rất nhạy cảm với tiếng và giọng nói của con người," vị đạo
diễn gốc Việt nói bằng tiếng Anh. "Thế nên bây giờ, khi tôi đến Nhật để
làm việc, mọi người có xu hướng nói năng nhẹ nhàng. Tôi thực sự kính nể
sự tử tế của họ."
Trần Anh Hùng, 54 tuổi, nổi tiếng ở Nhật với bản chuyển thể điện ảnh năm 2010 cuốn tiểu thuyết bán chạy
Rừng Na Uy
của Haruki Murakami, xuất bản năm 1987. Trước khi phim của anh ra rạp
đã có những lời xì xầm đủ kiểu. Trong nhiều thập niên, đã có những đồn
đoán xung quanh một số nhà làm phim kỳ cựu Nhật Bản có thể đặt dấu ấn
trên trường điện ảnh quốc tế bằng việc làm bản chuyển thể cuốn tiểu
thuyết ấy và đưa tới Liên hoan phim Cannes. Những người khác xì xào rằng
thực sự không thể nào làm được một phiên bản điện ảnh thành công cho
câu chuyện đó.
"Bao năm tôi đã muốn kể câu chuyện
Rừng Na Uy,”
Trần Anh Hùng nói, anh đã đọc bản tiếng Pháp của cuốn tiểu thuyết này.
"Nhưng tôi không muốn câu chuyện trở thành một bộ phim "quốc tế", với
các diễn viên phương Tây và nói tiếng Anh. Điều đó sẽ hủy hoại tinh thần
của câu chuyện. Thế nên tôi đã quyết định làm phim nói tiếng Nhật, với
dàn diễn viên người Nhật. Thật là mạo hiểm, bởi tôi không nói được chút
tiếng Nhật nào."
Tuy nhiên, không nói được một ngôn ngữ chưa bao
giờ là vấn đề với Trần Anh Hùng. Anh học tiếng Anh chỉ sau khi làm bộ
phim điện ảnh đầu tay năm 1993
Mùi đu đủ xanh.
Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh, tác phẩm đạo diễn đầu tay của Trần Anh Hùng
|
"Sau đó, nhu cầu đưa ra những bài phát biểu và thực hiện những cuộc
phỏng vấn trở nên áp lực," anh nhớ lại. "Tôi nghĩ, ‘Thôi được mình thực
sự nên học tiếng Anh, nếu không mình sẽ không thể làm việc trên phạm vi
quốc tế."
Trên trường quay
Rừng Na Uy, trước hết Trần
Anh Hùng sẽ đọc kịch bản bằng tiếng Pháp (dịch từ tiếng Nhật) và sau đó
chăm chú lắng nghe thoại của các diễn viên Nhật Bản, bao gồm Kenichi
Matsuyama, Rinko Kikuchi và Kiko Mizuhara. Anh sẽ chọn ra những từ và
cụm từ nghe có vẻ "không khớp với" cảm xúc của cảnh phim, và sau đó yêu
cầu nhân viên người Nhật của anh thay từ, nhưng không thay đổi ý nghĩa,
và rồi anh nghe lại cuộc thoại.
"Đó là một quá trình gian nan
nhưng tôi luôn muốn thách thức nhận thức của khán giả về phim nước ngoài
trông ra sao và nghe thế nào và làm cho họ thưởng thức bộ phim, không
phải bằng lý trí mà bằng cảm nhận của họ," anh nói. "Thông thường, ngôn
ngữ cơ thể và biểu cảm nét mặt nói được nhiều hơn lời lẽ."
Cảnh phim Rừng Na Uy do Trần Anh Hùng đạo diễn
|
Trần Anh Hùng đã áp dụng phương pháp tương tự trong lần hợp tác với Kose
Cosmetics, khi anh ở Nhật chỉ đạo một quảng cáo truyền hình kỷ niệm 70
năm thành lập công ty này. Anh đã làm việc với các nữ diễn viên nổi
tiếng của Nhật Bản và cộng tác làm nhạc nền với J Soul Brothers — một
lần nữa, lắng nghe cẩn thận những âm thanh của cuộc trò chuyện của mọi
người trước khi chỉ đạo.
"Tôi muốn nhận biết những dòng cảm xúc
trên trường quay," Trần Anh Hùng nói. "Có lẽ đó là công việc quan trọng
nhất của đạo diễn phim."
Trần Anh Hùng sinh năm 1962 ở Đà Nẵng và
sang Paris lúc anh 12 tuổi, ngay trước khi kết thúc chiến tranh ở Việt
Nam. Đến nay anh là nhà làm phim gốc Việt nổi tiếng nhất, và bộ phim đầu
tay
Mùi đu đủ xanh của anh có một lượng ‘fan’ khá lớn ở Nhật Bản.
"Bộ
phim đó là một sự suy ngẫm về cuộc sống ở châu Á, từng có trong ký ức
của tôi trước đây," Trần Anh Hùng giải thích. "Tôi nghĩ đó là lý do
khiến người Nhật thích bộ phim. Người ta bảo tôi rằng bộ phim đã cho họ
cảm giác hoài niệm mạnh mẽ. Với tôi, và với tất cả mọi người, đến một
lúc nào đó bạn nhận ra rằng không có gì đưa quá khứ quay lại được."
Nữ diễn viên Rinko Kikuchi (giữa) và đạo diễn Trần Anh Hùng (phải) tại buổi chiếu đặc biệt bộ phim Rừng Na Uy do Hiệp hội Nhật Bản tổ chức ngày 14/12/2011 ở thành phố New York
|
Trần Anh Hùng phải lòng văn hóa Nhật Bản khi anh đang học ở Paris, và đặc biệt say mê những tác phẩm của Yasunari Kawabata.
"Khi
tôi đọc tiểu thuyết của Kawabata, tôi sẽ chìm đắm vào những chi tiết
nhỏ. Ví dụ, để khơi gợi về tình dục Kawabata sẽ viết về dấu son môi trên
tách trà, đặt trên một cái bàn thấp. Người phụ nữ không có mặt ở đó,
vậy nhưng toàn bộ cảnh tượng đầy ắp sự hiện diện gợi dục của cô. Đây là
điều tôi muốn thể hiện trong phim của mình, gợi lên và gợi ý hơn là tiết
lộ hay phơi bày. "
Mặt khác, Trần Anh Hùng không xa lạ gì với phim gai góc.
Xích lô năm 1995 nói về cuộc sống nghèo khổ trên đường phố Sài Gòn.
I Come With the Rain
(2009) với Takuya Kimura và nam diễn viên Hollywood điển trai Josh
Hartnett trong một câu chuyện về tình dục và tàn bạo ở Hồng Kông.
"Bất
luận chủ đề nào, tôi thấy thoải mái nhất trong bối cảnh châu Á," Trần
Anh Hùng nói. "Hơi lạ khi nghĩ đến việc tôi đã sống phần lớn ở Pháp. Tôi
phải trải nghiệm lại cuộc sống châu Á, như bầu không khí ẩm ướt và cách
người ta tương tác với nhau, vô số chi tiết tạo nên cuộc sống hằng
ngày. Mặc dù tôi đã được nghe người ta bảo tôi rằng những câu chuyện của
tôi không thực sự Á cho lắm, mà là một sự cắt dán tất cả những gì ngoại
lai về châu Á. Có lẽ là vậy. Nhưng tôi luôn luôn cho rằng nghệ thuật
là sự thật đeo mặt nạ."
Cảnh phim Xích lô năm 1995 của Trần Anh Hùng, đoạt giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice lần thứ 52
|
Gần đây anh trở về Pháp chỉ đạo bộ phim nói tiếng Pháp đầu tiên của anh,
Eternity.
"Lâu
như vậy nhưng tôi cảm thấy đã đến lúc làm một bộ phim nói tiếng Pháp,"
Trần Anh Hùng cho biết. Vợ anh, Trần Nữ Yên Khê, là người dẫn chuyện
bằng tiếng Pháp.
"Theo tôi, giọng nói và cách phát âm của cô ấy
hoàn toàn phù hợp với câu chuyện, mặc dù không có chút gì trong đó là
châu Á," anh nói. "Thật thú vị, trên phim trường mọi chuyện diễn biến
như thế nào."
"Điều quan trọng trong phim của tôi là cho diễn
viên lời thoại và cảm xúc mà họ có thể thưởng thức như thức ăn ngon,"
Trần Anh Hùng nói. "Tôi muốn diễn viên cảm thấy được nuôi dưỡng và gợi
cảm, như thể họ là một phần của một bữa tiệc được bày biện cẩn thận.
Loại cảm xúc khắc họa đó rất khó miêu tả trên màn hình. Có người nói
rằng phim của tôi không tự nhiên, nhưng với tôi khi một nhân vật không
là gì ngoài vẻ tự nhiên, họ mất hết sức mê hoặc. Ý tôi là, nếu tôi muốn
tự nhiên, thà tôi nói chuyện với hàng xóm của mình còn hơn."
Phim mới nhất của đạo diễn Trần Anh Hùng, Eternity, xem xét những người phụ nữ trong một gia đình người Pháp. Lớn lên ở Pháp, nhưng đây là phim nói tiếng Pháp đầu tiên của anh
|
Đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng sẽ tham gia Liên hoan phim
quốc tế Tokyo 2017 (Tokyo International Film Festival - TIFF), diễn ra
từ ngày 25 tháng 10 đến 3 tháng 11, trong chương trình Crosscut Asia #4: What’s Next from Southeast Asia.
Chương trình sẽ trình chiếu phim của các nước Đông Nam Á được những nhà
làm phim nổi bật nhất ở Đông Nam Á như Trần Anh Hùng, Garin Nugroho và
Eric Khoo đề cử.
Đạo diễn Trần Anh Hùng từng là thành viên giám khảo TIFF lần thứ 28 và đoạt Sư tử vàng Liên hoan phim Venice với bộ phim Xích lô. |
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times