Nhân vật & Sự kiện

Hoạt hình Trung Quốc cưỡi trên lưng ngựa kỳ vọng cao vời

17/09/2017

Ngày xửa ngày xưa, kết thúc một truyện cổ tích hay, họ sống bên nhau hạnh phúc mãi về sau. Và rồi phim hoạt hình chuỗi đến, là khi bạn muốn biết kết cuộc thế nào thì phải chờ phần tiếp theo.

Vậy liệu ngành hoạt hình Trung Quốc, như bao nhiêu trai gái anh hùng mà nó đã làm ra qua bao năm tháng, đến lúc ngẩng cao đầu, vào thời buổi thực tế, đấu tranh cho điều thiện và chịu đựng cái xấu, có sẽ lại ngẩng cao đầu?

Phong cách hội họa Trung Hoa trong Dahufa và tính bạo lực xuyên suốt bộ phim cũng khiến người ta phải bàn luận

Chiến binh cưỡi lên lưng chiến mã kỳ vọng cao cho một sự trở lại với những ngày tháng yên ả cho ngành hoạt hình là Dahufa (Grand Sentinel), ra rạp ở Trung Quốc ngày 13/7.

Doanh thu phòng vé phim này nhận được không ấn tượng, chưa đến 90 triệu tệ (13,5 triệu đôla) trong một tháng, trong khi cùng kỳ tương ứng năm ngoái phim hoạt hình Big Fish & Begonia của Trung Quốc thu được 560 triệu tệ, còn một năm trước nữa thì hoạt hình Monkey King: Hero is Back làm ra 950 triệu tệ.

Tuy nhiên, có một sự đồng thuận trong giới phê bình rằng cốt truyện của Dahufa mạnh mẽ hơn và suy ngẫm hơn nhiều so với hai phim vừa kể. Trên trang bình luận và đánh giá phim Douban, Dahufa có điểm 8 trên 10, hơn 90.000 người bình đã chấm phim trên 8 điểm. Kungfu Panda 3, đã phát hành ở Trung Quốc năm ngoái, đạt 7,7.

Phong cách hội họa Trung Hoa trong Dahufa và tính bạo lực xuyên suốt bộ phim cũng khiến người ta phải bàn luận. Điều đó đưa ta trở lại với những ngày xưa thân ái.

Phim hoạt hình điện ảnh dài đầu tiên của Trung Quốc Thiết phiến công chúa

"Chuẩn hoạt hình Trung Quốc nhất định đã giảm sút so với chuẩn mực của những năm 1940 đến 1960," giáo sư Lộ Thịnh Chương, 71 tuổi, nguyên trưởng khoa hoạt hình tại Đại học truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói.

"Vào cái thời những phim hoạt hình do Hãng phim hoạt hình Thượng Hải làm được ca ngợi khắp thế giới.

Phim hoạt hình điện ảnh dài đầu tiên của Trung Quốc, Thiết phiến công chúa / Princess Iron Fan, sản xuất năm 1941, bốn năm sau khi phim hoạt hình đột phá Bạch Tuyết và bảy chú lùn của Disney ra đời, vẫn là phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

"Chịu ảnh hưởng của Thiết phiến công chúa nên Osamu Tezuka, cha đẻ của bộ manga và nhà sáng tạo ra Astro Boy Nhật Bản, bỏ học y theo đuổi sự nghiệp hoạt hình," giáo sư Lộ cho biết.

Một phim hoạt hình khác năm 1961, Đại náo thiên cung / Havoc in Heaven do Hãng phim hoạt hình Thượng Hải làm, dựa theo truyện Tề Thiên Đại Thánh trong tác phẩm kinh điển Tây du ký, được phát hành. Với âm nhạc truyền thống Trung Hoa làm nhạc nền và các nhân vật bao gồm nhân vật kinh kịch, Havoc in Heaven trở thành cột mốc định nghĩa hoạt hình Trung Quốc, thắng rất nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài.

Đại náo thiên cung trở thành cột mốc định nghĩa hoạt hình Trung Quốc

"Sản xuất phim hoạt hình tưởng chừng bị ảnh hưởng của 'cách mạng văn hóa' (1966-1976), nhưng hóa ra rất nhiều phim hay ra đời, như Na Tra náo hải (1979) và Tam hòa thượng (1980)," Lộ Thịnh Chương nói. "Tuy nhiên, trong thập niên 1980 hoạt hình Trung Quốc bắt đầu suy tàn."

Trung Quốc bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung năm 1978, nhưng mãi 16 năm sau ngành hoạt hình mới thực sự nắm bắt thị trường.

Những năm bỏ lỡ cơ hội dẫn đến thui chột tài năng trong ngành, với những tay kỳ cựu trở nên ngày càng già còn không mấy người trẻ được đào tạo để điền vào chỗ trống khi người già thực sự ra đi.

Với hệ thống cũ mất đi và cơ chế thị trường vẫn đang phát triển, ngành công nghiệp hoạt hình từng có thời hưng thịnh đã héo hắt.

Từng làm giám khảo vô số liên hoan phim hoạt hình quốc tế bao năm và là đạo diễn của phim hoạt hình cho linh vật Fuwa của Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Lộ Thịnh Chương cho biết: "Tôi luôn cảm thấy bối rối khi các đồng cấp nước ngoài bảo tôi: 'Ông có thể giới thiệu bộ phim hoạt hình Trung Quốc nào không?' The Dasheng (Monkey King: A Hero's Return) và Dayu (Big Fish& Begonia) thì tốt, nhưng không đủ hay."

Na Tra náo hải, một trong số những phim hoạt hình hay của Trung Quốc trong thời kỳ 'cách mạng văn hóa'

Hoạt hình Nhật Bản

Nhiều người Trung Quốc thế hệ 8x và 9x vui sướng nhớ lại thời thơ ấu xem các nhân vật hoạt hình Nhật Bản như Astro Boy, Doraemon, Saint Seiya và Thủy thủ Mặt Trăng.

Tivi bắt đầu trở thành vật dụng trong phòng khách mọi gia đình Trung Quốc và đài truyền hình đưa phim hoạt hình nhập khẩu và chương trình phát sóng. Một trong những phim hoạt hình truyền hình nổi tiếng hiếm hoi của Trung Quốc là Anh em Hồ Lô, một phim hoạt hình cắt giấy phát sóng năm 1987.

Như nhiều người ở Trung Quốc trở thành tín đồ hoạt hình hồi thời đó, Trương Lệ Yên, đạo diễn phim Anh em Hồ Lô, năm ngoái đã làm một phần tiếp theo để kỷ niệm sinh nhật thứ 30 của bộ phim, lấy cảm hứng từ Nhật Bản.

Trương Lệ Yên, 45 tuổi, nhớ loạt manga Nhật Bảy viên ngọc rồng và loạt phim hoạt hình truyền hình của bộ truyện đó khi anh chuẩn bị vào đại học năm 1990.

"Ảnh hưởng rất lớn đến tôi," Trương nói, anh đã học hội họa Trung Hoa khi còn nhỏ. "Khiến tôi mở mắt, khiến tôi nhận ra có cách khác để vẽ."

Một phim hoạt hình truyền hình nổi tiếng hiếm hoi của Trung Quốc, Anh em Hồ Lô, phim hoạt hình cắt giấy phát sóng năm 1987

Khi một hãng phim hoạt hình đến tuyển sinh viên ở trường học của anh, sự hưởng ứng thật là cuồng nhiệt, anh nói. "Gần nửa lớp nộp đơn, trong đó có tôi."

Sau hai năm học tập và làm việc, Trương đã biết cách làm phim hoạt hình và mở công ty riêng vào giữa thập niên 1990.

Sau đó anh mất cả chục năm lăn lộn trong lĩnh vực tư nhân non trẻ. "Rất gian nan. Nhiều công ty được thành lập cũng nhanh như công ty chết đi, nhưng tôi bám trụ vì niềm đam mê hoạt hình."

Năm 2003 Trương được cho cơ hội nghiên cứu hoạt hình Trung Hoa truyền thống tại Hãng phim hoạt hình Thượng Hải.

"Các họa sĩ lão thành chỉ cho tôi biết cách làm hoạt hình búp bê hoặc cắt giấy. Họ không chỉ dạy tôi rất nhiều, mà hiểu biết và sự tận tình của họ truyền cảm hứng cho tôi."

A Fishboy's Story: Tortoise form the Sea

Từ đó anh làm rất nhiều phim hoạt hình theo phong cách Trung Hoa truyền thống, sử dụng cọ và mực, búp bê và cắt giấy.

Tham vọng hồi sinh hoạt hình Trung Hoa truyền thống của Trương đang được hiện thực hóa trong dự án A Fishboy's Story: Tortoise form the Sea, một phim hoạt hình thể hiện kỹ thuật cắt giấy Trung Quốc mà anh hy vọng sẽ ra rạp năm tới.

Trong phim, êkíp của Trương đã sử dụng máy tính để tái tạo bố cục và cảm nhận nhân vật cắt giấy, và bối cảnh câu chuyện đời nhà Minh (1368-1644), kể về một ngư dân trẻ vượt qua nỗi sợ nước và cuộc phiêu lưu của anh cùng một con rùa khổng lồ.

Truyền thống

Truyền thống cũng đang dẫn dắt các nhà hoạt hình khác.

"Hoạt hình Trung Quốc thời kỳ đầu không phải là sản phẩm thương mại," Lý Quán Vũ, 37 tuổi, trưởng khoa hoạt hình tại Đại học truyền thông Sơn Tây. "Những phim hoạt hình đó là nghệ thuật."

Mục đồng là phim hoạt hình tranh thủy mặc Trung Hoa thứ hai do Hãng phim hoạt hình Thượng Hải sản xuất năm 1963, cách đây 55 năm. Đạo diễn bộ phim là Đặc Vỹ và Tiền Gia Tuấn - hai họa sĩ hoạt hình Trung Quốc nổi tiếng nhất thời bấy giờ

Lý Quán Vũ, nhà sáng lập hãng hoạt hình Shrub Culture ở tình Sơn Tây, nói rằng khi còn nhỏ anh mê mẩn manga Nhật Bản và truyện tranh Trung Quốc truyền thống.

Anh đã mở một câu lạc bộ hoạt hình sinh viên và bán truyện tranh lúc còn học đại học ở Thái Nguyên, Sơn Tây.

Năm 2002 anh tốt nghiệp cử nhân về thiết kế đồ họa và đến Bắc Kinh, ở đó anh làm việc cho nhiều công ty khác nhau, trước khi theo học tại Hãng phim hoạt hình Thượng Hải sáu tháng.

Anh hào hứng thấy rõ khi kể lại trải nghiệm đó. "Bất chấp tuổi tác, các họa sĩ lão thành dạy chúng tôi hết sức cặn kẽ về những phim hoạt hình họ đã làm," anh nói, trước khi dẫn ra một loạt tên tuổi và tác phẩm.

"Tôi đã mê hoạt hình từ trước và không biết mình sẽ đi được bao xa trên con đường này, nhưng niềm đam mê kiên trì của thế hệ lão thành khiến tôi nhận ra rằng làm những bộ phim hoạt hình hay xứng đáng cống hiến cả cuộc đời."

Hãng phim hoạt hình Thượng Hải có kế hoạch làm lại sáu phim hoạt hình kinh điển của hãng, trong đó có The Monkey King, Sheriff Black Cat cũng như Tales of Avanti (ảnh trên) và sẽ làm hoạt hình búp bê

Lý nghĩ tất cả phim hoạt hình được định hình bởi nghệ thuật của thời đó.

Những tác phẩm của Hãng phim hoạt hình Thượng Hải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật truyền thống, anh nói. "Ví dụ, giám đốc nghệ thuật của Havoc in Heaven, Trương Quang Vũ, lấy những yếu tố từ nghệ thuật trang trí dân gian để thiết kế phông nền cho bộ phim."

Những phim hoạt hình đó còn do các đạo diễn và nghệ nhân hàng đầu đất nước làm ra, anh nói. "Đạo diễn Havoc in Heaven là Vạn Lai Minh, một trong hai anh em nhà Vạn là những người mở đường cho hoạt hình Trung Quốc."

Từ đó, việc làm cho nghệ thuật truyền thống Trung Hoa hấp dẫn người đương thời dần trở thành kim chỉ nam trong sáng tác của Lý. Lúc ấy xưởng phim của anh đang làm một phim hoạt hình truyền hình thiếu nhi, Kiki and Kaka. Nhân vật chính là hai chú hổ trong dạng búp bê vải, một nghệ thuật truyền thống ở Sơn Tây được vào danh sách di sản văn hóa quốc gia năm 2008.

Kiki and Kaka

"Mấy đứa con tôi thích bộ phim," Lý nói, anh có hai con. "Chúng cứ xem đi xem lại."

Sự chú ý

Từ năm 2000 chính phủ Trung Quốc đã quan tâm đến tình hình của ngành hoạt hình, nhận ra các rạp chiếu trong nước toàn nhân vật hoạt hình nước ngoài áp đảo đã hơn một thập niên.

Năm 2000 Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành hướng dẫn về nhập khẩu và trình chiếu phim hoạt hình nước ngoài, ấn định tỷ lệ 6:4 cho việc phát sóng phim hoạt hình trong nước và nước ngoài, và giới hạn thời lượng phát sóng hoạt hình nước ngoài dưới một phần tư mỗi chương trình thiếu nhi.

Năm 2004 tổng cục ban hành hướng dẫn về phát triển công nghiệp hoạt hình trong nước, khuyến khích sản xuất, thời gian phát sóng, ưu đãi tài chính và quản lý nhiều hơn.

Những tín hiệu đó từ chính phủ được các nhà làm phim hoạt hình trẻ nhiệt tình đón nhận, Tha Chiến Vị là một trong số đó.

Naughty Blue Cat's 3,000 Questions, phim hoạt hình truyền hình trường kỳ nhất của Trung Quốc

Sau khi lấy cử nhân nghệ thuật ứng dụng, Tha Chiến Vị dấn thân vào sự nghiệp hoạt hình ở tỉnh Hồ Nam năm 2004, gia nhập công ty sản xuất bộ phim hoạt hình truyền hình trường kỳ nhất của Trung Quốc, Naughty Blue Cat's 3,000 Questions. Loạt phim này, với hơn 2.000 tập, được phát sóng đến tận năm 2012.

"Tôi đã học cách làm hoạt hình nhanh ở đó," anh nói. "Thế hệ cha mẹ tôi xây dựng nền kinh tế công nghiệp cho đất nước, và giờ đây đến vai trò của nền kinh tế văn hóa."

Những nhà sản xuất hàng đầu

Ở Trung Quốc, khoảng 82.000 phút hoạt hình được sản xuất năm 2001, cón số đó gấp ba lần năm 2011 với 261.000 phút, theo Lịch sử hoạt hình Trung Quốc, một báo cáo do các nhà nghiên cứu tại Đại học truyền thông Trung Quốc công bố.

Năm 2010 Trung Quốc soán ngôi nhà sản xuất phim hoạt hình lớn nhất thế giới của Nhật Bản. Tuy nhiên, có một khía cạnh đen tối đối với sự gia tăng đầu ra, nhiều công ty hoạt hình được thành lập chỉ để nhận trợ cấp của nhà nước dành cho những phim hoạt hình nói là xoàng xĩnh cũng đã là còn nhẹ, theo nhiều người trong nghề.

Tác phẩm hoạt hình đậm phong cách hội họa Trung Hoa lộng lẫy Big Fish and Begonia thật đáng tiếc khi có cốt truyện yếu

Trong một phỏng vấn hồi năm 2011, giáo sư Lộ nói: "Không chất lượng thì không thể có công nghiệp hoạt hình.… Trung Quốc không thể trở thành nhà sản xuất hoạt hình hàng đầu bằng cách lấy chất lượng trả giá cho số lượng."

Năm 2011 số xuất phẩm hoạt hình bắt đầu giảm và năm ngoái quốc gia này sản xuất được 119.000 phút phim hoạt hình, theo cơ quan Thống kê Nhà nước Trung Quốc.

"Đó là lúc tôi nhận ra văn hóa không giống các lĩnh vực khác," Tha nói. "Cần có thời gian và cần có nhân tài."

Tha Chiến Vị là nhà sáng lập ứng dụng mạng xã hội dành cho các họa sĩ hoạt hình, Cloud of Artists, trên đó họ có thể đăng hồ sơ và danh mục tác phẩm với nhà tuyển dụng tiềm năng. Ứng dụng này tổ chức hội chợ việc làm ‘offline’ đầu tiên ở Bắc Kinh hôm 15/7/2017, thu hút 50 công ty hoạt hình và hàng trăm người tìm việc.

"Điều kìm hãm ngành hoạt hình Trung Quốc là thiếu tính chuyên nghiệp và kỹ năng kể chuyện," Tha Chiến Vị nói. "Chúng tôi muốn kết nối đúng người với những công ty có nhu cầu."

Một rạp chiếu ở Trung Quốc trình chiếu phim hoạt hình nội địa

Như nhiều người khác trong ngành, anh lạc quan, nói rằng qua một thập niên tới "Hoạt hình Trung Quốc sẽ lại cất cánh."

Niềm lạc quan đó xuất phát từ khát khao ngày càng tăng phim hoạt hình Trung Quốc mới. Đến cuối tháng 6 năm nay, có hơn 45.000 rạp chiếu ở Trung Quốc, nhiều hơn Mỹ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều rạp chiếu nhất thế giới. Năm ngoái, phim hoạt hình đem về 7 tỉ nhân dân tệ, khoảng 15% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc.

Một nhánh văn hóa đang tăng trưởng của phim hoạt hình, truyện tranh và game phát triển trong dân số trẻ Trung Quốc, và tác phẩm họ ao ước, bao gồm phim hoạt hình Trung Quốc mới nguyên, là những điểm nhấn tại các triển lãm khắp đất nước mỗi năm.

Đầu năm nay, một phim hoạt hình ngắn có tựa Love Sick được đón nhận nhiệt liệt trên trang Bilibili, công đồng mạng lớn nhất của các họa sĩ hoạt hình trẻ, truyện tranh và cộng đồng ‘fan’ trò chơi.

Phim kể câu chuyện về theo một bài thơ cổ của Trung Quốc với nhạc truyền thống, nhận được hàng trăm triệu lượt xem.

Lấy ý tưởng từ bài thơ Tương tư của Vương Duy, bằng phong cách tranh thủy mặc Trung Hoa, dù chỉ phát hành trên mạng nhưng Love Sick trở thành hiện tượng hoạt hình ở Trung Quốc đầu năm nay

Những nhận xét nồng nhiệt từ khán giả, chẳng hạn "Hội họa phong cách Trung Hoa thật là bảnh", "Đây là phim hoạt hình Trung Quốc đích thực" và "Chúng tôi ủng hộ phim hoạt hình Trung Quốc độc đáo" cho thấy câu chuyện về ngành hoạt hình của đất nước này rõ ràng sẽ kết thúc có hậu.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.