Tin tức

Bí mật ít ai biết về thành công trong sáng tạo của Pixar

22/07/2015

Với 15 Giải thưởng Viện Hàn lâm và doanh thu trung bình toàn cầu hơn 600 triệu USD mỗi phim, Pixar có lẽ là hãng sáng tạo thành công nhất từng có – và là một trong số những hãng làm ăn có lời nhất. Trong số 14 phim đã sản xuất, tất cả trừ duy nhất một phim đều có mặt trong danh sách 50 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất.

Tuy nhiên trong hồi ký của mình, Creativity Inc., nhà sáng lập Pixar Ed Catmull viết rằng “hồi mới đầu, phim nào của chúng tôi cũng tệ cả.” Ông chỉ ra, thủ thuật là vượt ra ngoài mầm mống ý tưởng ban đầu và tiêu tốn thời gian và công sức cần thiết để đạt được gì đó “từ tồi tệ đến không tệ.”

Điều này cần nhiều hơn là chỉ tài năng, nó cần quá trình hợp tác mật thiết dược mài giũa qua hàng thập kỷ. Trung tâm của quy trình đó – và thực ra là của tất cả những quy trình sáng tạo – là phản hồi hiệu quả. Trong khi ở nhiều nơi, phản hồi thường là một bài tập khá tùy tiện, thoải mái, nhưng ở Pixar, đây là một công việc có kỷ luật cao. Và điều này hóa ra lại tạo nên tất cả khác biệt.

Tất cả ý tưởng ban đầu đều là những em bé xấu xí

Mọi người có xu hướng nghĩ rằng những tác phẩm hay đều sinh ra từ cảm hứng siêu phàm. Có lẽ điều đó cũng đúng, nhưng chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Catmull gọi những ý tưởng ban đầu của Pixar là “những em bé xấu xí”. Không phải ai cũng nhìn ra những em bé xấu xí đó lớn lên sẽ như thế nào.

Vấn đề là luôn có xu hướng so sánh giữa một ý tưởng mới chớm nở với một dự án đã kết thúc. Hơn nữa, chúng ta thường so sánh chúng với những cái nhất. nhớ một cảnh kinh điển trong Casablanca thì dễ hơn nhớ một cảnh hỏng trong Ishtar nhiều. Thế nên việc nhìn nhận tiềm năng của một ý tưởng mới, cũng như những thiếu sót của nó là rất quan trọng.

Mặc dù các nhân vật của Pixar đã trở thành những biểu tượng,
mỗi nhân vật đó ban đầu đều là "em bé xấu xí"
[Ảnh: Pixar Wiki]

Làm được chuyện đó không hề dễ. Mọi người đều đã xem những bộ phim thành công có chủ đề chạy trốn như Toy StoryFinding Nemo, nhưng không hề biết đến chúng khi chúng còn là những em bé kỳ quặc, xấu xí. Có thôi thúc mong muốn giết chết những ý tưởng mới từ lúc còn trong nôi, nhưng việc bảo vệ chúng cũng rất quan trọng. Tác phẩm lớn nào cũng từng có lúc là một em bé xấu xí.

“Tính độc đáo rất dễ tổn thương,” Catmull từng viết. Thế giới thường không tử tế lắm với những tài năng mới, sáng tạo mới. Sự mới lạ cần bạn bè. "Công việc của chúng tôi là bảo vệ những đứa con của mình tránh bị phán xét quá vội vàng. Công việc của chúng tôi là bảo vệ cái mới.”

Phản hồi đòi hỏi sự công bằng, lòng tin và cảm thông

Lao vào phán xét có thể làm cản trở quá trình sáng tạo thì sự lạc quan quá mức cũng tệ không kém. Cách duy nhất để một ý tưởng kiểu em bé xấu xí có thể trở nên tốt hơn đó là thông qua phản hồi trung thực. Bạn phải nhận diện được các vấn đề trước khi có thể giải quyết chúng và càng sớm, càng tốt. Nhà sáng tạo nào cũng phải đối mặt với những sự thật khắc nghiệt.

Toy Story phim hoạt hình dài đầu tiên của Pixar

Tuy nhiên, cũng đòi hỏi sự tin tưởng. Một ý tưởng không bao giờ chỉ là một ý tưởng, mà còn là một phần của người đã đưa ra nó. Ai đó bước vào và nói, “thế không được”, hay “tôi không thích ý tưởng đó” thì dễ rồi, nhưng như vậy sẽ không đem lại gì cả. Nó chỉ ngăn cản quá trình sáng tạo đang phát triển. Phản hồi không bao giờ nhắm vào cá nhân hoặc chỉ đơn thuần là bày tỏ ý kiến.

Cách tốt nhất để giúp ích cho tác phẩm của một người khác là coi nó như tác phẩm của mình. Bỏ công sức ra như thể nó là đứa con xấu xí của mình, thay vì ngồi phán xét. Một dự án sáng tạo chỉ có thể đạt được tiềm năng thực sự khi mọi người làm việc hướng tới thành công.

Không may là, khá ít người ở vào vị thế làm việc đó hiệu quả.

Giữ đầu bếp ở ngoài bếp

Một trong những nguyên tắc then chốt về sáng tạo là bạn muốn lấy ý tưởng từ khắp mọi nơi. Những ý tưởng thực sự độc không bao giờ đến từ một nơi nào đó, mà từ việc tổng hợp những nguồn khác hẳn nhau và áp chúng vào một bối cảnh mới. Tuy nhiên, mặc dù tạo dựng một mạng lưới rộng khắp để đưa ra ý tưởng là rất tuyệt, nó cũng thường chí mạng cho việc phát triển ý tưởng.

"Nghệ thuật thách thức công nghệ, công nghệ khơi dậy cảm hứng cho nghệ thuật." - John Lasseter

Khi Catmull và John Lasseter tiếp quản xưởng hoạt hình của Disney, thời điểm đó đã qua hẳn giai đoạn hoàng kim, điều đầu tiên họ nhận thấy là hệ thống nhận phản hồi đã hỏng hẳn. Các đạo diễn sẽ nhận được ba bộ ghi chép, dưới dạng danh sách những việc cần làm để kiểm tra, mà thường mâu thuẫn.

Ở Pixar, có một nhóm gọi là “braintrust - đầu não đáng tin”, được tạo thành từ một nhóm nhỏ các đạo diễn và nhà sản xuất hàng đầu của công ty chịu trách nhiệm đưa ra phản hồi cho những phim đang phát triển. Quan trọng là, tất cả mọi người trong nhóm này là một nhà làm phim và có khả năng đặt bản thân vào vị trí của người đạo diễn. (Hãng phim hoạt hình Disney hiện cũng có một nhóm tương tự gọi là “Story Trust”)

Khi còn là một giám đốc phát hành, tác giả bài này thường được hỏi ý kiến về những dự án đang sản xuất. Người viết rất hiếm, nếu có từng, đưa ra phản hồi trừ khi liên quan chặt chẽ tới dự án và có được sự tín nhiệm. Kể cả lúc đó, người viết cố gắng đặt những ý kiến của mình trên kinh nghiệm hay sở trường cụ thể và chắc chắn làm rõ rằng những nhận xét chỉ là gợi ý, không phải mệnh lệnh.

Không phải ý kiến của mọi người đều được tính.

Up đoạt hai Oscar phim hoạt hình xuất sắc và nhạc nền xuất sắc
tại Giải thưởng Viện hàn lâm lần thứ 82 năm 2010

Mục đích phản hồi là để đưa dự án tiến lên

Một trong những điều thú vị nhất mà Catmull nhắc đến là, mặc dầu ông đã gặp một số lượng đáng kể thiên tài sáng tạo – và người viết giả định là có cả Steve Jobs trong đó – ông chưa bao giờ gặp “một người nào có thể nói rõ ràng được điều gì họ đang đấu tranh cho khi họ mới khởi đầu.”

Không một người nào.

Thường thì, giai đoạn phản hồi được xem là cơ hội để mọi người cho ý kiến. Không gì có thể đi xa hơn sự thật. Mục đích phản hồi là để đưa dự án tiến lên. Bất cứ thứ gì không thỏa mãn mục đích đó – cho dù xuất phát từ ai – cũng không có chỗ trong giai đoạn phản hồi.

Đương nhiên vẫn có những lúc một dự án phải bị triệt tiêu hoàn toàn. Không phải tất cả các em bé xấu xí đều lớn lên đẹp đẽ. Đôi khi, một ý tưởng đơn giản sẽ không thành công. Lúc khác, một ý định tưởng như tiềm năng không thể phát triển thêm được. Khi điều đó xảy ra, lựa chọn duy nhất là rút điện, nhưng phán quyết đó được quyết định bên ngoài quá trình sáng tạo, không phải bên trong.

Inside Out - tác phẩm mới nhất của Pixar

Chừng nào dự án còn tiếp tục, mọi người cần cam kết với sự thành công của nó. Có được một ý tưởng không bao giờ quan trọng – hay khó nhọc – bằng việc phát triển ý tưởng đó.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Forbes


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.