Nữ anh hùng của loạt truyện của Collins, Katniss Everdeen, ngày càng
trưởng thành hơn trong phần hai này, và thế giới tác giả dựng lên cũng
theo đó mà phát triển. Công việc chuyển thể
Catching Fire đồ sộ
lên màn ảnh là một thách thức lớn với đạo diễn Francis Lawrence. Thành
quả cuối cùng của ông vẫn giữ được cái tâm của câu chuyện và phần lớn
những khoảnh khắc quan trọng, trong khi gọt bớt những đoạn không cần
thiết.
Trong tiểu thuyết, câu chuyện được kể theo góc nhìn của Katniss, nhưng
khi lên phim, một số thay đổi lớn được đưa ra để diễn tả những ý tưởng
mà trong truyện chỉ có thể được chuyển tải qua những dòng nội tâm của
nhân vật. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi từ trang sách lên màn
ảnh này được áp dụng để giảm thời lượng của bộ phim và loại bỏ một số
nhân vật không quá cần thiết. Bộ phim cuối cùng vẫn là sự cô đọng những
lời thoại, cốt truyện và hình ảnh quan trọng trong tiểu thuyết và kết
hợp với một số bí quyết chuyển thể còn lại từ bộ phim đầu. May thay cho
đạo diễn Lawrence, những thay đổi này là hiệu quả.
Sau đây là tám thay đổi lớn nhất trong quá trình chuyển thể từ truyện lên phim của
The Hunger Games: Catching Fire.
Bài viết này tiết lộ nhiều thông tin về diễn biến trong phim, vì thế
nếu bạn chưa xem phim và muốn được ngạc nhiên thì không nên đọc bài này.
Gale và Katniss trong rừng
1. Có ít sự căng thẳng hơn giữa Katniss và hai cậu con trai yêu cô.
Bộ phim bắt đầu với Katniss và Gale trong một cuộc săn, thay vì cảnh
Katniss tiếc nuối nhớ lại những ngày cô từng vui vẻ săn bắn bên Gale hồi
xưa, trước khi Gale bắt đầu lạnh nhạt với cô cùng những món quà mang về
từ Capitol. Ngoài ra, trong truyện, quan hệ giữa Katniss và Peeta ban
đầu khá lạnh lùng, nhưng trong phim họ giải quyết vấn đề này khá nhanh
chóng.
Gale và Katniss ở Quận 12
2. Chúng ta có ít thời gian ở Quận 12 với Katniss hơn. Cả một năm
trôi qua giữa lúc Katniss rời khỏi Đấu trường sinh tử và Huyết trường
Tứ phân diễn ra. Trong truyện, chúng ta có nhiều tháng với Katniss trước
khi cô trở lại Đấu trường. Đoạn phim dẫn tới Đầu trường trong phim cũng
khá dài, nhưng ta không có được tất cả các diễn biến của năm đó như sự
thay đổi về cách trị an diễn ra rất từ tốn trong truyện, hay việc hàng
rào điện vây quanh quận được cho hoạt động trở lại, và Katniss và Peeta
tập luyện chuẩn bị cho Đấu trường lần thứ hai như nhóm Nhà nghề.
Gale
3. Hoạt động nổi loạn của các quận bị bưng bít kín hơn. Trong khi
Katniss có nhìn thấy các dấu hiệu nổi loạn khi ở trên tàu, và có vụ
Gale bị đánh, nhưng cô không bao giờ gặp hai kẻ đào tẩu khỏi Quận 8 là
Bonnie và Twill và cũng không phải đối mặt với việc bạn của Gale, Darius
bị cắt lưỡi sau khi chống lại nhóm trị an ở Quận 12. Những chi tiết bị
loại bỏ này không cho phép cô hiểu được toàn bộ quy mô của sự nổi loạn
trên toàn đất nước. Dù cô vẫn biết rằng các quận đang rạo rực nổi dậy,
cô biết ít chi tiết hơn trong truyện.
Haymitch
4. Quá khứ của Haymitch không được giải thích. Trong truyện, ta
biết rằng Haymitch là người thắng cuộc trong Huyết trường Tứ phân thứ
hai, và Peeta và Katniss xem lại băng tư liệu để biết người cố vấn của
mình đã vượt qua những rào cản và mối nguy trong một đấu trường nguy
hiểm hơn thường lệ như thế nào, nhất là sau khi người bạn cùng Quận 12
của ông – trong một vai trò tương đương của Rue – bị giết. Những chi
tiết này cho ta hiểu thêm về Haymitch, hơn chỉ là người cố vấn thông
minh nhưng nghiện rượu trong hai phần phim này.
Caesar Flickerman và Peeta
5. Caesar Flickerman đóng vai trò dẫn nhập những diễn biến ở
Capitol và thể hiện hai yếu tố xa hoa của cuộc sống ở đây, cùng với sự
khát máu của Trò chơi sinh tử. Trong truyện, Flickerman xuất hiện ít
nhưng có tầm quan trọng chủ chốt, bộ phim còn tận dụng nhân vật này tận
tường hơn nữa để cho ta những thông tin cập nhật và biến Trò chơi sinh
tử trở thành gần như một sự kiện thể thao.
Snow và Plutarch Heavensbee
6. Như trong phần phim đầu, chúng ta có nhiều cảnh với Tổng thống Snow hơn
và thấy quá trình lập mưu kế và điều khiển của ông. Trong truyện, ta
chỉ biết đến Snow qua góc nhìn của Katniss và cách cô cảm nhận về tư duy
hành động của ông, nhưng trong phim, tất cả được thể hiện một cách rõ
ràng hơn qua những cảnh giữa Snow và Trưởng ban tổ chức trò chơi mới,
Plutarch Heavensbee.
Peeta và Katniss
7. Tầm quan trọng của bánh mì không được thể hiện trên phim.
Katniss không thấy bánh mì hình chim húng nhại Bonnie và Twill dùng để
ám chỉ bản thân là thành phần chống lại chính quyền. Bánh mì cũng là yếu
tố quan trọng trong truyện, là ám hiệu về thời gian Betee và nhóm đồng
minh cần phá hỏng trường lực quanh Đấu trường để được giải thoát. Dù nó
là công cụ khá nhỏ, ám hiệu bánh mì sẽ giải thích được việc tại sao kế
hoạch lại phải diễn ra vào đúng thời điểm đó.
Finnick
8. Katniss định dùng cung bắn Finnick thay vì Enobaria đáng sợ ở cuối phim.
Với Finnick trước mũi tên của Katniss cũng khiến cảnh phim này trở nên
kịch tính hơn, và chỉ việc Finnick nhắc lại lời Haymitch nói với Katniss
trước khi vào Đấu trường, nhắc nhở cô nhớ kẻ thù thật của mình là ai,
thì cả khán giả và Katniss mới biết chắc Finnick cùng phe với cô, và
những gì diễn ra trong Đấu trường không hề như Katniss nghĩ.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi