Tin tức

Câu chuyện đằng sau logo những hãng phim quyền lực ở Hollywood. Và rồi kỷ nguyên phát trực tuyến đến!

31/07/2024

Chúng đồng nghĩa với một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chúng ta trong phim.

Đèn tắt, tiếng chuyện trò lắng xuống chỉ còn tiếng sột soạt mở giấy gói quà ăn vặt và một logo quen thuộc với khán giả xem phim rạp trong hơn 100 năm xuất hiện rền vang và đầy tự hào trên màn hình.

Thực sự có năm chú sư tử được quay phim để đưa vào logo động “Sư tử Leo gầm vang” của MGM. Trong ảnh là Jackie, Sư tử Leo thứ hai của MGM ghi hình năm 1928

Universal, Paramount, Warner Bros (WB), Disney và 20th Century Studios (trước đây là Fox) — một số logo chế tác này đã có từ những năm 1910 đến 1930, phản ánh sự thống trị của Hollywood lẫn, gần đây hơn, sự mặc nhận của họ trước dịch vụ phát trực tuyến.

Phó giáo sư Bruce Isaacs của Khoa Nghiên cứu Điện ảnh thuộc Đại học Sydney nói rằng các hãng phim Hollywood cổ điển sớm có “ý thức rất mạnh mẽ về bản thân là một thương hiệu trong phim”, đảm bảo logo của họ được đặt ở vị trí trang trọng trong buổi chiếu phim.

“Điện ảnh lớn hơn ở nước ngoài tại châu Âu trước khi lớn như vậy ở Mỹ, vì vậy đây là cách xác định quy mô của điện ảnh,” tiến sĩ Isaacs nói.

Ông cho biết năm hãng phim lớn đầu tiên, bao gồm Metro Goldwyn Mayer (MGM), RKO, cũng như Paramount, WB và 20th Century Fox, hoạt động “giống như các tập đoàn đầu sỏ.”

Họ làm phim và quyết định thương hiệu, tiếp thị, quảng bá, tiếp cận khán giả và sở hữu cả rạp chiếu phim — không như ở châu Âu, các hãng phim có xu hướng chỉ là nơi làm ra những bộ phim.

“Đối với tôi, hệ thống hãng phim của Mỹ là biểu tượng siêu tư bản vì cần một công ty lớn kết nối nó với những thứ như văn hóa,” tiến sĩ Isaacs nói.

“Văn hóa trở thành một mặt hàng và một ngành công nghiệp ở Hollywood, nhiều hơn nhiều so với ở châu Âu.”

Buộc phải thay đổi

Phó giáo sư Mike Walsh của Đại học Flinders nói “quyền vốn sở hữu của họ trong mọi giai đoạn của quá trình” đã thay đổi vào những năm 1940 khi luật chống độc quyền buộc các hãng phim phải thoái vốn khỏi các rạp chiếu phim.

Phó giáo sư Mike Walsh cho biết các công ty phân phối nắm giữ quyền lực thực sự trong ngành công nghiệp phim ảnh

Cho đến lúc đó, họ vẫn đang sản xuất phim ồ ạt, thường là chiếu trong một tuần trước khi có công ty khác thay thế và biết chính xác cần bao nhiêu phim để duy trì lượng khán giả đông đảo.

“Từ những năm 1950 trở đi, họ cần ít phim hơn nhưng phim quy mô lớn hơn vì họ phải cung cấp thứ gì đó mà nếu ở nhà xem tivi thì bạn không thể có được,” tiến sĩ Walsh nói.

Các hãng phim lớn, khi đó đã có thêm United Artists, Universal và Columbia Pictures, cũng là nhà phân phối hoặc nhà đầu tư cho các bộ phim do các công ty khác sản xuất, nghĩa là logo của họ vẫn được giữ nguyên ở đầu phim.

“Các công ty phân phối vẫn là nơi nắm giữ quyền lực thực sự trong ngành công nghiệp phim ảnh,” tiến sĩ Walsh cho biết.

“Họ có mạng lưới phân phối toàn cầu có thể cung cấp phim đến các màn ảnh trên khắp thế giới.

“Họ cũng có các hạn mức tín dụng luân chuyển với các ngân hàng, để họ có thể ứng trước cho các nhà sản xuất hàng trăm triệu đôla làm phim bom tấn.”

Logo tiến hóa theo hiệu ứng kỹ xảo

Khi công việc làm phim phát triển theo cùng với công nghệ, thì logo cũng vậy.

Ví dụ, Disney là một trong những công ty sử dụng hoạt hình truyền thống cho logo của mình từ những năm 1940 đến những năm 1960, cho đến khi hiệu ứng đặc biệt bắt đầu phát triển và trở thành “trọng tâm hơn đối với hệ thống hãng phim” trong những năm 1970.

Logo Disney cho Toy Story năm 1995

“Sau đó, hiệu ứng bùng nổ toàn lực trong những năm 1980 và bạn bắt đầu thấy logo sử dụng hiệu ứng đặc biệt lớn,” tiến sĩ Isaacs cho biết.

Các hãng phim cũng trở nên đỡ cứng nhắc hơn trong việc sử dụng logo của họ.

Những năm 1990 logo của WB đã được sử dụng rất nhiều trong hoạt động tiếp thị cho loạt phim Batman — thậm chí còn biến hình theo biểu tượng của nhân vật vào đầu phần phim thứ ba và thứ tư.

“Bộ phim đó [Batman] đã trở thành “Đây là bộ phim được tiếp thị rầm rộ nhất trong lịch sử Hollywood và logo hãng phim chính là trung tâm của bộ phim đó,” tiến sĩ Isaacs nói.

Ví dụ yêu thích của tiến sĩ Isaac về việc logo bị chỉnh sửa để phù hợp với một bộ phim là The Matrix 

Paramount Pictures cũng cho phép ngọn núi trong logo của mình hòa tan thành một ngọn núi thực sự trong phần đầu tiên của loạt phim Indiana Jones, thành một ngọn núi được khắc trên một chiếc cồng trong phim thứ hai và thành một mỏm đá trong phim thứ ba.

“Đến phim thứ tư, trò đùa là hòa tan thành một gò đất hình ngọn núi,” tiến sĩ Walsh nói.

Xếp hàng để được ghi nhận

Từ thập niên 1980 đến 1990, logo của các hãng phim ngày càng được nhiều logo của các công ty chế tác và các tổ chức cung vốn nối đuôi.

Logo Paramount Pictures từ năm 1914-1917

“Thông thường, phần giải trí nhất của một bộ phim là xem một hoặc hai phút các logo ở đầu phim,” tiến sĩ Walsh nói.

“Nói cho cùng thì, một bộ phim là tập hợp các quyền và ngày càng nhiều công ty khác nhau sẽ mua các quyền khác nhau, vì vậy đó là một phần của hỗn hợp vốn đầu tư.”

Những năm 2010, khi các dịch vụ phát trực tuyến do Netflix dẫn đầu phát triển (và lắp đặt rạp chiếu tại nhà trở nên tốt hơn và rẻ hơn), các hãng phim lớn của Hollywood bắt đầu lãnh những đòn đáng kể.

Ngày càng có nhiều người chọn xem phim trong sự thoải mái ở nhà riêng của họ và phim bộ truyền hình kinh phí lớn cũng ngày càng trở nên phổ biến.

“Trung tâm lợi nhuận của hầu hết các hãng phim lâu nay đã nằm ở truyền hình trả tiền và truyền hình trả tiền đã chuyển từ các kênh đã có uy tín sang các dịch vụ phát trực tuyến,” tiến sĩ Walsh cho biết.

“Điều tuyệt vời về phim truyện là chúng tạo ra rất nhiều công chúng khi lần đầu tiên xuất hiện tại rạp chiếu phim, nhưng sau đó chúng lan xuống tất cả các nền tảng khác.

“Mô hình đó hiện đang bị đe dọa với rất nhiều nội dung được ra mắt hoặc chuyển thẳng đến các dịch vụ phát trực tuyến.”

Thay đổi người gác cổng

Như thể để báo hiệu sự thay đổi người gác cổng, các logo chế tác từng có thời toàn năng từ các hãng phim lớn đã biến khỏi một số xuất phẩm lớn

Các dịch vụ phát trực tuyến đang tạo ra và tài trợ cho một lượng lớn xuất phẩm truyền hình

Thay vào đó, hãng phim đang bị các công ty phát trực tuyến phân phối nội dung của riêng họ chiếm mất chỗ.

“Và điều thực sự thú vị trong sức mạnh của các công ty Hollywood lâu đời này là phải thích nghi với sự trỗi dậy của các công ty phát trực tuyến như Netflix và Amazon, những công ty thực sự đang tạo ra rất nhiều nội dung,” tiến sĩ Walsh nói.

“Thử nhìn Disney xem, mặc dù họ đang sản xuất một số ít phim để phát hành rạp, nhưng họ vẫn phải sản xuất và mua một lượng lớn cho dịch vụ phát trực tuyến của mình vì bây giờ hoạt động đã dịch chuyển đến nơi đó rồi.”

Tiến sĩ Isaacs cho biết cũng đang xuất hiện logo tương đối mới và dễ nhận biết của công ty giải trí độc lập A24, nổi tiếng hỗ trợ ý tưởng độc đáo và nguyên tác.

Đang xuất hiện logo tương đối mới và dễ nhận biết của công ty giải trí độc lập A24, nổi tiếng hỗ trợ ý tưởng độc đáo và nguyên tác

A24 đã thu hút được một lượng người hâm mộ cuồng nhiệt tự hào về phương châm độc lập của công ty.

“Tôi thấy đáng kinh ngạc và chưa từng có ở các logo khác là hiện có nhiều khán giả trên khắp thế giới xăm logo A24 lên người làm biểu tượng tư duy mới của hãng phim,” tiến sĩ Isaacs nói.

“Thực sự là một kỷ nguyên mới.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: abc.net.au


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.