Tin tức

Đã đến lúc ngành công nghiệp giải trí phải ý thức về cách miêu tả sức khỏe tâm thần

03/06/2021

Có những thời điểm Hollywood không tử tế trong việc miêu tả bệnh tâm thần.

Hãy nhớ lại những nhân vật phản diện có tình trạng sức khỏe tâm thần trong bộ phim kinh dị Psycho năm 1960 của Alfred Hitchcock hay các phim bộ truyền hình như Full HousePretty Little Liars sử dụng chứng rối loạn ăn uống làm cách chuyển tải cốt truyện dạo nào.

Anthony Perkins trong Psycho của Alfred Hitchcock

Trong Tháng Nhận thức về Sức khỏe Tâm thần, một tập đoàn gồm những ông lớn ngành giải trí đã cùng nhau thảo luận về cách họ có thể khắc phục điều đó.

Liên minh kể chuyện về sức khỏe tâm thần, một hội đồng gồm 18 nhà đài và công ty sản xuất bao gồm MTV Entertainment Group, Disney, NBC Universal và WarnerMedia cùng với khoảng 20 tổ chức và chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tâm thần cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày, đã quy tụ các ngôi sao và người sáng tạo nội dung thảo luận cách trình bày tốt hơn các vấn đề sức khỏe tâm thần trên màn ảnh và giúp những người khác đang gặp khó khăn trong quá trình này.

“Chúng ta cần cho họ thấy họ không đơn độc, rằng còn có những người khác giống như bạn,” Regina Hall nói khi thảo luận về bộ phim The Hate U Give năm 2018 của cô trong hội nghị thượng đỉnh. “Tôi nghĩ việc nhận ra có một điểm chung nào đó khiến bạn cảm thấy mình không đơn độc và rồi bạn có thể nói chuyện, và ít nhất đó là một bước khởi đầu trong quá trình chữa lành.”

13 Reasons Why của Netflix đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng trong tập cuối mùa một, trong đó nhân vật chính chết thảm do tự sát

Hiểu biết về sức khỏe tâm thần của xã hội chúng ta đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đối xử với nó giống như sức khỏe thể chất — nghĩa là tự động tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia khi ta cảm thấy không khỏe. Theo Tiến sĩ Christine Yu Moutier, giám đốc y tế của Tổ chức Phòng chống Tự tử Hoa Kỳ, “hiện tại một nửa số thanh niên đang có ý định tự tử nhưng không nói cho ai biết.”

Để đối phó với điều này, Liên minh kể chuyện về sức khỏe tâm thần đã tập hợp trong suốt năm qua xây dựng một hướng dẫn truyền thông nhằm mục đích giáo dục những người trong ngành giải trí những cách làm hay nhất để thể hiện thấu đáo về sức khỏe tâm thần.

Moutier nói: “Giải trí có lẽ có vai trò mạnh mẽ nhất. Có thể làm được rất nhiều điều để giúp mọi người nắm bắt được những kiến ​​thức cơ bản và bắt đầu đào sâu kiến ​​thức về sức khỏe tâm thần.”

Nữ diễn viên Regina Hall thảo luận về bộ phim của cô, The Hate You Give

Moutier từng là cố vấn cho 13 Reasons Why của Netflix sau phản ứng dữ dội của công chúng trong tập cuối mùa một, trong đó thể hiện đồ họa và kịch tính cảnh nhân vật chính chết bằng cách tự sát. Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể chứng minh mối tương quan trực tiếp, nhưng một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các vụ tự tử ở trẻ em Hoa Kỳ từ 10 đến 17 tuổi đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 19 năm trong tháng mà bộ phim phát hành. (Hai năm sau, dịch vụ phát trực tuyến này đã xóa cảnh phim đó.)

“Bất cứ gì miêu tả quá chi tiết về nỗ lực tự sát hoặc cái chết do tự sát đều có nguy cơ cụ thể đối với những người dễ bị tổn thương,” Moutier nói, đồng thời lưu ý rằng “tôn vinh” một vụ tự tử hoặc đề cao nhân vật đã chết thành “anh hùng” cũng tiềm ẩn rủi ro.

Vậy không có nghĩa là giải trí cần phải chặn tất cả các miêu tả về bệnh tâm thần, nhưng có nhiều cách để giải quyết vấn đề trong và ngoài tập phim một cách hợp lý. Có điều, đau khổ không nên là câu chuyện duy nhất, bởi vì nó duy trì ý tưởng cho rằng không có bất kỳ hy vọng nào cho những người mắc bệnh tâm thần.

Pretty Little Liars sử dụng chứng rối loạn ăn uống làm phương tiện chuyển tải câu chuyện

Phòng biên kịch nên mời các chuyên gia sức khỏe tâm thần tham gia từ đầu để giúp phân tích những ý tưởng mà họ muốn khám phá và xem xét liệu câu chuyện của họ có khiến khán giả nhận thức tiêu cực về việc tìm cách điều trị hay không. Diễn viên cũng nên được đào tạo để thảo luận chủ đề một cách đúng đắn khi quảng bá dự án của họ.

Joy Harden Bradford, nhà tâm lý học và là người sáng lập chưng trình phát thanh trực tuyến “Therapy for Black Girls” và là thành viên tư vấn sức khỏe tâm thần của ViacomCBS cho biết: “Truyền thông đã làm tốt hơn nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn có những lúc người ta chỉ nhìn thấy tình cảnh khủng hoảng.

“Có vẻ như sức khỏe tâm thần không phải là điều tất cả chúng ta phải chú ý… sự thật là sức khỏe tâm thần là thứ mà tất cả chúng ta phải biết tự chăm sóc cho mình.”

Không có nghĩa là các chương trình truyền hình và phim điện ảnh cần phải biến thành “phim tài liệu giáo dục”, như Moutier nói. Những nhân vật chính phức tạp nên sống một cuộc sống trọn vẹn và có “trải nghiệm sức khỏe tâm thần” giống như trong cuộc sống thực, xác định và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

Sterling K. Brown vai Randall Pearson trong This is Us

Bradford lưu ý rằng một số cách kể chuyện có hại hơn khi người bệnh tâm thần bị biến thành phản diện hoặc được sử dụng kết hợp với các thể loại kinh dị cho thấy chúng ta nên sợ hãi người đang mắc bệnh. Một định kiến có vấn đề khác là miêu tả bệnh viện tâm thần là “rùng rợn”, có thể khiến một số người không muốn tìm cách điều trị.

“Nếu trong câu chuyện kể có được tuyến truyện tích cực thì thực sự có thể thúc đẩy mọi người hành động theo những cách tích cực, sức tác động là vô cùng mạnh mẽ,” Moutier nói thêm.

Hướng dẫn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang đến cho người xem cơ hội thấy các nhân vật thảo luận về sức khỏe tâm thần với những người khác có chung hoàn cảnh với họ.

Ví dụ, Randall Pearson (Sterling K. Brown) trong phim bộ truyền hình This is Us của đài NBC tìm kiếm liệu pháp đối phó với sự lo lắng của mình và nói rằng sẽ có ích nhất nếu gặp được một bác sĩ trị liệu, giống như anh, là người da đen và có thể phù hợp hơn để hiểu thấu suy nghĩ của anh. Bradford khuyến khích những người bắt đầu hành trình trị liệu đừng nản lòng nếu nhà trị liệu đầu tiên họ gặp không phải là người phù hợp hoàn hảo.

Black-ish của đài ABC, bộ sitcom dài 30 phút mỗi tập, giải quyết các vấn đề xung quanh chủng tộc và bệnh tâm thần

“Điều đó không có nghĩa bạn là một bệnh nhân nặng hay họ là nhà trị liệu tồi, chỉ là không phù hợp,” cô nói. “Không giống như các mối quan hệ chuyên môn khác, chẳng hạn bác sĩ chăm sóc chính hay bác sĩ phụ khoa, việc chữa lành thực sự diễn ra trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Và vì vậy, nếu mối quan hệ đó không phải là mối quan hệ sẽ trở nên vững chắc, thì có thể bạn sẽ không thu được lợi ích lớn nhất.”

Black-ish của đài ABC, bộ sitcom dài 30 phút mỗi tập, giải quyết các vấn đề xung quanh chủng tộc và bệnh tâm thần. Nhân vật của Anthony Anderson, Dre Johnson, trở thành người đầu tiên trong gia đình anh tìm đến trị liệu, mà các chuyên gia cho rằng đó là người thay đổi cuộc chơi đối với người xem.

“[Phòng biên kịch chúng tôi] đã nói về văn hóa da đen và văn hóa thiểu số đó là trong thế giới chúng tôi không có chuyện trị liệu,” nhà sáng tạo người da đen Kenya Barris cho biết trong hội thảo. “Với tư cách là một nền văn hóa, chúng tôi không thấy thoải mái với chuyện đó. Hưởng ứng mà chúng tôi nhận được là: ‘Cảm ơn bạn, tôi không biết chúng ta lại có thể thoải mái nói về điều này hoặc đến gặp bác sĩ trị liệu.’ Điều đó cho phép mọi người cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ.”

The Hate U Give

Điểm mấu chốt: cải thiện cách chúng ta xem sức khỏe tâm thần trên màn ảnh giúp chúng ta xây dựng một xã hội tốt hơn ngoài màn ảnh. Và như Bradford đã nói, giải trí không cần phải “trả giá bằng con người”.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.