Tin tức

Hollywood tìm thấy thời kỳ hoàng kim mới với điện ảnh Indonesia

07/05/2019

Các hãng phim Hollywood và các chuỗi rạp chiếu toàn cầu đang bỏ vốn vào một thời kỳ hoàng kim mới trong ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia khi doanh thu phòng vé tăng vọt và các màn hình mới mở với tốc độ khoảng hai ngày.

Sự hồi sinh của ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia, đã sụp đổ kể từ thời hoàng kim vào những năm 1980, đang được thúc đẩy bởi ba nhân tố kết hợp trong vài năm qua: mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào năm 2015, Indonesia đang giàu lên, và được các hãng phim và nhà phân phối lớn thúc đẩy để làm ra nhiều nội dung hơn cho thị trường quốc tế.

Trên trường quay bộ phim Sin tại Kota Tua ở Jakarta

“Đã có thay đổi trong lối sống,” Catherine Keng, chủ tịch tập đoàn Cinema 21, chủ sở hữu chuỗi rạp chiếu lớn nhất của Indonesia, nói. “Chúng tôi có nhiều sức lực để mở rộng.”

Năm 2015 Indonesia đã bán được 16 triệu vé xem phim. Năm 2017, con số nhảy vọt lên 43 triệu.

Một dấu hiệu của lối sống đang thay đổi ẩn sau rạp Metropole với phong cách trang trí nghệ thuật đáng kính của Cinema 21, được xây dựng khi chính Hollywood đang trải qua thời kỳ hoàng kim. Trong tòa nhà thấp, màu trắng, một phần thương hiệu Premiere của chuỗi rạp này, những thị dân Jakarta giàu có trả 100.000 rupiah (7,07 đôla Mỹ) một vé để xem các bộ phim bom tấn mới nhất trong các rạp chiếu ấm cúng cung cấp phục vụ bàn và những chiếc ghế bành lớn, có thể ngả ra khi chạm vào nút bấm.

Rạp Metropole của Cinema 21

Giống như ở các quốc gia khác, địa điểm sang trọng là một phần trong phản ứng của các nhà khai thác rạp chiếu phim để chống lại mối đe dọa từ dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Amazon Prime. Nhưng ở Indonesia, quần đảo rộng lớn và đa dạng với 260 triệu dân, thậm chí doanh số vé thông thường cũng tăng vọt.

Người Indonesia có nhiều tiền chi cho giải trí hơn đang đổ xô đến các khu phức hợp mua sắm mới, thường đầy các cửa hàng thương hiệu cao cấp. Lương trung bình hàng tháng đã tăng khoảng 3% lên 200 đôla vào năm ngoái, trong khi lạm phát và thất nghiệp đang ở gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trên hết, ngành công nghiệp đã có một cú hích lớn với quyết định năm 2015 mở lại quyền sản xuất, phân phối và sở hữu rạp chiếu phim cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một cơn lũ tiền theo sau. Quỹ tài sản có chủ quyền của Singapore GIC Pte đã bơm 3,5 nghìn tỉ rupiah vào Cinema 21 vào tháng 12 năm 2016 để mở rộng chuỗi rạp này.

Kể từ khi thay đổi quy định, Cinema 21 đã bổ sung hơn 170 màn hình và có kế hoạch mở thêm 164 trong năm nay, để có 1.200 màn chiếu. Trong thập kỷ tới, tổng số màn hình ở Indonesia được dự đoán sẽ tăng lên 7.500 từ 1.700 hiện tại.

Khổng lồ điện ảnh Mexico Cinepolis de Mexico SA đã mua cổ phần trong Cinemaxx, thuộc sở hữu của Tập đoàn Lippo, trong khi một đơn vị Hàn Quốc, CJ CGV Co. hiện có mặt ở hơn một chục thành phố của Indonesia. Tập đoàn bán lẻ Lotte Hàn Quốc đã mua đất để xây dựng ít nhất 60 rạp chiếu phim ở Indonesia.

Tăng trưởng bom tấn

Trong ba năm qua Indonesia đã tăng thêm 600 màn hình

Chủ tịch Hội đồng điều phối đầu tư Indonesia Tom Lembong cho biết lĩnh vực điện ảnh Indonesia, cũng như ngành công nghiệp điện ảnh địa phương, đang bùng nổ.

“Trớ trêu thay, và tôi thấy hết lần này đến lần khác, chính các công ty phản đối mạnh mẽ việc mở cửa, ba năm sau đã trở nên giàu có vô lối vì đột nhiên họ nhận được vốn quốc tế,” Lembong nói trong một cuộc phỏng vấn.

Các hãng phim Hollywood đang tìm cách mở rộng khán giả quốc tế cũng đã đến gõ cửa. Một trong những phim thành công lớn nhất năm ngoái, Wiro Sableng 212, tức 212 Warrior, phim hài hành động lấy bối cảnh thế kỷ 16, là hợp tác giữa một hãng phim Indonesia và Twentieth Century Fox.

“Giờ đây các nhà sản xuất có thể dám đầu tư nhiều hơn và nghĩ lớn hơn,” Keng cho biết. “Đây là một thời kỳ mới, thú vị cho ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia.”

Một cảnh làm phim ở Indonesia

Phim Hollywood vẫn là chủ đạo — Avengers Avengers: Infinity War là phim lớn nhất ở Indonesia năm ngoái, bán được 8 triệu vé — nhưng nhu cầu phim địa phương cũng đang tăng. Năm 2013, chỉ có hai phim nội địa bán được hơn một triệu vé. Năm ngoái, 13 phim đạt con số đó.

Điều đó một phần nhờ các công ty phát trực tuyến như Hulu, Netflix và Amazon Prime đang tìm cách làm hoặc mua nội dung được sản xuất tại địa phương để mở rộng khán giả.

Năm ngoái, bộ phim được Netflix hỗ trợ, The Night Comes for Us, phim hình sự tội phạm máu me do Timo Tjahjanto viết kịch bản và đạo diễn, đã được phát hành ở hơn 190 quốc gia. “Indonesia chắc chắn là một cơ hội lớn cho chúng tôi,” Netflix nói trong một phản hồi qua email. “Netflix đang đầu tư vào nội dung và tài năng châu Á, tạo ra nhu cầu mới về nội dung châu Á trên toàn cầu.”

Một cảnh trong phim The Night Comes For Us

Phần thưởng tiềm năng cho các nhà làm phim Indonesia là rất lớn. Năm 2017, phim kinh dị Pengabdi Setan, tức Satan’s Slaves là bộ phim lớn nhất được sản xuất tại địa phương, với kinh phí 2 tỉ rupiah. Kể câu chuyện về một gia đình đau buồn bị ám ảnh bởi các sự kiện trong quá khứ, phim lấy được 155 tỉ rupiah ở phòng vé Indonesia, bán được hơn 4 triệu vé, và được phát hành tại hơn 40 quốc gia.

Do Joko Anwar đạo diễn, Satan’s Slaves là một ví dụ tượng trưng rõ nét hơn cho sự hồi sinh của ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia kể từ thời bùng nổ ba thập niên trước. Lấy bối cảnh vào năm 1981, đây là bản làm lại một tác phẩm kinh điển cùng tên năm 1980 của Indonesia.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Bloomberg


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.