Tin tức

Không được Cannes ngó ngàng đến năm nay điện ảnh Hàn choáng váng!

22/04/2025

Số không.

Đó là số lượng phim Hàn được mời tham dự Liên hoan phim Cannes năm nay, gây chấn động ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước vốn vẫn đang đắm chìm trong sự ca ngợi toàn cầu mà các đạo diễn như Bong Joon Ho và Park Chan Wook đạt được.

Ảnh chụp ngày 26 tháng 5 năm 2002 đạo diễn Im Kwon Taek sau khi thắng giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Chihwaseon tại Liên hoan phim Cannes. Im Kwon Taek là nhà làm phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng tại liên hoan phim danh giá này

Đây là lần đầu tiên sau 26 năm, phim truyện Hàn Quốc không giành được một suất trong hạng mục chính thức hoặc không chính thức tại Cannes.

Liên hoan đã công bố danh sách phim tham gia các hạng mục phụ — Tuần lễ Đạo diễn và Tuần lễ Phê bình — nhưng một lần nữa, không có phim Hàn Quốc nào được đưa vào, sau khi trước đó đã biết không có phim nào được chọn trong các hạng mục chính thức.

Lần cuối cùng phim truyện Hàn Quốc vắng mặt trong hạng mục chính thức là năm 2013, mặc dù phim ngắn Safe của đạo diễn Moon Byoung Gon thắng Cành Cọ Vàng phim ngắn hay nhất năm đó.

Kể từ năm 1984 phim Hàn đã liên tục được giới thiệu tại liên hoan phim thường niên của Pháp, bắt đầu với Spinning the Tales of Cruelty Toward Women của đạo diễn Lee Doo Yong.

Nhà làm phim Park Chan Wook, trái, thắng giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 2022 cho Quyết tâm chia tay, và nam diễn viên Song Kang Ho, trở thành nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên thắng giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim Hàn Quốc năm 2022 Broker của Hirokazu Kore-eda, phát biểu với các phóng viên sau lễ trao giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 ở Cannes, Pháp, ngày 28 tháng 5 năm 2022

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý như Bong Joon Ho thắng Cành Cọ Vàng Cannes 2019 cho Ký sinh trùng (2019), trở thành người đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này trong lịch sử phim truyện của Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc do một nhóm thiểu số tinh hoa dẫn dắt — được gọi là BongParkHongLee — viết tắt tên bốn đạo diễn tượng đài của Hàn Quốc: Bong Joon Ho, Park Chan Wook, Hong Sang Soo và Lee Chang Dong, những người đã được công nhận tại các liên hoan phim nước ngoài.

Sau thông báo gây sốc này, những câu hỏi mới lại được đặt ra về tình hình của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc và những nỗ lực nuôi dưỡng thế hệ tài năng điện ảnh tiếp theo.

Ảnh chụp ngày 25 tháng 5 năm 2019 nhà làm phim Bong Joon Ho, trái, và nam diễn viên Song Kang Ho cầm Cành Cọ Vàng sau khi bộ phim Ký sinh trùng của họ thắng giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72

Vì vậy, vẫn là câu hỏi đó: Liệu bao giờ mới có một đạo diễn nào khác như bốn đạo diễn hàng đầu của Hàn Quốc?

Không có chỗ để thể hiện

Theo báo cáo năm 2025 của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, Hàn Quốc có lượng khán giả đông đảo và thị trường phòng vé toàn cầu, xếp thứ 9 trên thị trường rạp chiếu toàn cầu dựa theo doanh thu phòng vé, với doanh thu 875 triệu đôla (1,24 nghìn tỉ won) vào năm ngoái.

Bất chấp kỳ tích này, các chuyên gia lưu ý rằng điện ảnh Hàn không có chỗ cho việc chấp nhận rủi ro sáng tạo hoặc thoát khỏi ngữ pháp thông thường của phim bom tấn chính thống. Rạp chiếu Hàn Quốc chủ yếu do các nhà phân phối lớn như CJ ENM hoặc Lotte Entertainment thống trị, những công ty này muốn sản xuất phim có khả năng thành công ở phòng vé hơn là tập trung vào phim nhỏ hơn.

Diễn viên Choi Min Sik trong phim Chihwaseon năm 2002 của đạo diễn Im Kwon Taek, bộ phim đã mang về cho nhà làm phim giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 55

“Những vấn đề như độc quyền màn hình hoặc phim độc lập và phim nghệ thuật phải khó giành được thời lượng chiếu không có gì mới mẻ,” nhà phê bình văn hóa Sung Sang Min nói. “Những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết [đã một thời gian rồi], bất chấp những nỗ lực hỗ trợ không ngừng nghỉ.”

Độc quyền màn ảnh là vấn nạn thường xuyên ở Hàn Quốc, phim nhỏ hơn không có nhiều chỗ trình chiếu, khiến nhiều phim trong số đó bị bỏ qua và không được công nhận.

“Mặc dù nhiều người chỉ xem một hoặc hai phim mỗi năm tại rạp, nhưng nếu chỉ có những phim như vậy được chiếu, thì thậm chí người ta không nhận ra còn có phim nào khác,” nhà phê bình Sung nói. “Và dù có biết, cũng không dễ gì xem được.”

“Do đó, dù phát triển về quy mô, hệ sinh thái của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước vẫn sẽ bị thu hẹp.”.

Độc quyền màn ảnh là vấn nạn thường xuyên ở Hàn Quốc, phim nhỏ hơn không có nhiều chỗ trình chiếu, khiến nhiều phim trong số đó bị bỏ qua và không được công nhận

Ngoài ra, để các nhà làm phim mới phát triển, cộng đồng điện ảnh không chỉ phải cung cấp nhiều tác phẩm đa dạng mà còn phải đảm bảo khả năng tiếp cận khán giả, tạo ra hiệu ứng hiệp đồng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Hàn Quốc là môi trường điện ảnh tập trung cao độ ở khu vực thủ đô. Các rạp chuyên chiếu phim độc lập và phim nghệ thuật — nơi để những nhà làm phim mới bắt đầu sự nghiệp — phần lớn tập trung ở Seoul, chiếm 32 trong số 68 rạp chiếu phim như vậy của cả nước.

Do đó, cả nhà làm phim lẫn khán giả đều phải đối mặt với “môi trường khắc nghiệt hơn nhiều khi bước ra khỏi Seoul,” theo các nhà phê bình.

Cuối cùng, để các nhà làm phim mới phát triển, phim của họ cần được mọi người xem. Nhưng việc các rạp chiếu phim độc lập chủ yếu tập trung ở Seoul gây rủi ro lâu dài cho hệ sinh thái, vì khán giả trong khu vực bị hạn chế tiếp cận những bộ phim này — cuối cùng đánh mất quan tâm thể loại này. Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu phát triển các cộng đồng làm phim mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Các rạp chuyên chiếu phim độc lập và phim nghệ thuật — nơi để những nhà làm phim mới bắt đầu sự nghiệp — phần lớn tập trung ở Seoul, chiếm 32 trong số 68 rạp chiếu phim như vậy của cả nước

“Quan trọng là nhiều phim đa dạng hơn có thể tìm được đường lên màn ảnh,” nhà phê bình Sung nói. “Và từ đó, một số đạo diễn có thể nhận được phản hồi tốt, xây dựng tên tuổi và tiếp tục phát triển.”

Thời gian sẽ trả lời, cần phải kiên nhẫn

Đúng là Hàn Quốc chưa có nhà làm phim mới nào được thế giới ca ngợi nhiều như bốn ông lớn và do hoàn cảnh đã đề cập ở trên, có thể đúng là Hàn Quốc phát triển chậm lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng chậm không có nghĩa là không có tiến triển và những lời khen ngợi quốc tế không phản ánh trực tiếp tình hình và trạng thái thực tế của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, coi đó là những vấn đề “riêng lẻ”.

Đâu ai thành công ngay từ đầu. Ví dụ, Bong Joon Ho không được công nhận hoàn toàn cho đến khi Memories of Murder năm 2003 của ông được phát hành, gần một thập kỷ sau phim ngắn đầu tay White Collar năm 1994.

Chỉ một phim hoạt hình ngắn Glasses của Joung Yu Mi được mời tham gia Tuần lễ Phê bình Cannes 2025

Tương tự, phải đến năm 2000, Park Chan Wook mới có bước đột phá với Joint Security Area sau khi phim đạo diễn đầu tay của ông năm 1992 The Moon is What the Sun Dreams of, chỉ thu hút được 99 lượt khán giả.

Với suy nghĩ đó, các nhà phê bình lưu ý tầm quan trọng của việc giữ tư duy cởi mở đối với các đạo diễn mới, tạo ra môi trường để họ có thể nhận được phản hồi và có cơ hội quay lại, ngay cả khi họ thất bại trong lần thử đầu tiên. Các nhà phê bình cũng kêu gọi cởi mở hơn đối với phim độc lập và phim nghệ thuật.

“Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi một đạo diễn mới may mắn được tài trợ và xoay xở thực hiện một bộ phim thu hút sự chú ý, thì cũng có rất ít hệ thống giúp họ thực hiện dự án tiếp theo của mình,” nhà phê bình Sung cho biết.

Những lời khen ngợi quốc tế không phản ánh trực tiếp tình hình và trạng thái thực tế của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

“Những đạo diễn được công nhận trên trường quốc tế thường không chỉ là người xuất sắc trong phim chủ lưu — họ là những người có tiếng nói và phong cách riêng,” ông nói thêm. “Và phong cách đặc trưng thường phát triển thông qua các dự án độc lập hoặc phim nghệ thuật, chứ không phải các dự án thương mại.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.