Tin tức

MoviePass: Xem phim cả tháng chưa đến 10 đôla có phải là tin tốt cho các rạp chiếu Mỹ?

29/08/2017

Cổ phiếu của hai nhà vận hành rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ rớt mạnh ngày 15/8 sau khi công ty khởi nghiệp do một nhà đồng sáng lập Netflix lãnh đạo công bố kế hoạch bán đăng ký thuê bao cho phép người đi xem phim xem mỗi ngày một phim trong một tháng với giá dưới 10 đôla.

Có tên là MoviePass, thuê bao của công ty này chào bán cho người đi xem phim một giải pháp giá rẻ thay thế cho việc mua vé xem phim đang tăng giá hơn bao giờ hết, với phí thuê bao hàng tháng chỉ 9,95 đôla cho phép người dùng xem mỗi ngày một suất chiếu phim tại bất kỳ rạp chiếu nào ở Mỹ chấp nhận thẻ ghi nợ (debit card), trừ suất chiếu 3D hay Imax.

MoviePass, tuyên bố có sẵn ở 91% rạp chiếu Mỹ, ra mắt năm 2011 với phí khoán hàng tháng cao hơn (khởi đầu là 24,99 đôla và có nhiều mức cao hơn) và mô hình kinh doanh dựa vào người dùng sẽ đi xem phim đủ để cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp này có lời. Tuyên bố hôm 15/8 đi kèm cái tin MoviePass bán một lượng lớn cổ phần của mình cho hãng dữ liệu Helios and Matheson Analytics đóng ở New York với số tiền không được tiết lộ.

Cũng trong ngày 15/8, cổ phiếu của AMC Entertainment và Regal Entertainment Group đều rớt, kết thúc ngày hôm đó giảm 2,6% và 1,2%, theo thứ tự. Nhà đầu tư có lẽ đã lo lắng MoviePass sẽ phương hại đến lợi nhuận của hai chuỗi rạp chiếu này, vốn dĩ doanh thu vé đã giảm vì ngày càng nhiều người bỏ qua giá vé xem phim rạp cao ngất ngưỡng để chuyển sang vô số lựa chọn giải trí streaming tại nhà. Số lượng vé xem phim nội địa bán được năm ngoái giảm nhẹ, với giá vé tăng lên bù vào sự khác biệt trong tổng doanh thu, trong khi phòng vé hè 2016 ở Mỹ giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước nữa.

Với phí thuê bao MoviePass hàng tháng chỉ hơn giá một vé xem phim bình quân ở Mỹ (8,89 đôla, theo Box Office Mojo), có lý do để dịch vụ này thu hút người đi xem phim nào tìm cách tiết kiệm tiền trong lần đi xem sắp tới. Nhưng, Mitch Lowe, CEO của MoviePass, một trong những nhà điều hành đã giúp mở ra Netflix, và sau đó là chủ tịch Redbox, đơn vị vận hành dịch vụ cho thuê video, nói rằng các rạp chiếu nên chào đón mô hình thuê bao mới của MoviePass vì công ty vẫn trả cho nhà rạp theo mệnh giá vé mà người dùng đặt mua bằng thuê bao của họ. "Nên được làm rõ rằng MoviePass trả cho nhà rạp nguyên giá mọi vé xem phim được mua," Lowe nói trong thông báo.

Vị CEO này còn nói MoviePass tin rằng người ta muốn đi xem phim chiếu rạp thường xuyên hơn, nhưng giá vé khiến họ chùn lại. "Chúng ta đã chứng kiến một sự tăng giá 100% trong việc đi xem phim, gồm tăng 50% ở giá vé xem trong tuần, và tăng 123% doanh thu giảm giá," Lowe nói về thành viên MoviePass. "Rạp chiếu hưởng mọi thứ từ thỏa thuận này và các nhà đầu tư nên hiểu điều đó."

Như Bloomberg lưu ý, MoviePass có khả năng thua lỗ với phí thuê bao rẻ hơn, nhất là nếu người dùng đi xem nhiều phim trong một tháng. Nhưng, các chủ nhân mới chuyên về dữ liệu của công ty này quan tâm đến việc phát triển một cơ sở khách hàng rộng lớn hơn từ đó họ có thể rút ra dữ liệu người dùng giá trị để hiểu được tốt hơn thói quen xem phim trong khi mở cửa cho các khả năng marketing đo ni đóng giày. Công ty này nói kế hoạch tạo ra thêm doanh thu từ dữ liệu-và các dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo hẵng còn xa. Nhưng, trong thời gian đó, MoviePass hy vọng thúc đẩy lượt xem cao hơn đủ để có được đòn bẩy khuyến khích giới chủ rạp cộng tác với họ và ăn chia lợi nhuận.

Mọi điều cần biết về MoviePass

MoviePass, dịch vụ thuê bao do Mitch Lowe, nhà đồng sáng lập Netflix, vận hành trên toàn nước Mỹ năm năm trước với một mô hình cho phép người thuê bao mỗi 24 tiếng được xem một phim khác ở rạp. Phí thuê bao được ấn định từ 25 đến 40 đôla một tháng tùy nơi bạn sống, và một số nơi phí thuê bao lên đến 50 đôla.

Tuy nhiên, cơ cấu giá cả đó có vẻ không bao giờ thu hút được sự chú ý, và ngày 15/8, MoviePass công bố dịch vụ này cắt giảm phí thuê bao hàng tháng xuống mức rẻ kinh hoàng là 9,95 đôla.

Ở Mỹ, một vé xem phim trung bình là 8,84 đôla, và vé xem các rạp ở thành phố lớn thường từ 12 đến 15 đôla. Tuy nhiên, với việc cắt giảm của MoviePass, khách hàng chỉ trả 9,95 đôla phí thuê bao cho phép xem mỗi ngày một phim trong một tháng. Và đúng thế, thuê bao này vẫn có giá trị thậm chí ở những thành phố mà rạp chiếu phim thường tính hơn 10 đôla một vé.

Chắc bạn có rất nhiều thắc mắc về MoviePass. Nhiều chi tiết của dịch vụ này khó mà giải thích — vì trang web của họ bị sập từ hôm 15/8, và vì một số thông tin không có sẵn chừng nào bạn chưa đăng ký thuê bao — nên ở đây sẽ chỉ nói những điều cơ bản.

Bạn thực sự xem phim không hạn chế?

Người thuê bao được phép xem một phim chuẩn 2D mỗi ngày trên lịch. Thế nên, theo lý thuyết, một thuê bao MoviePass có thể đi xem phim 30 hoặc 31 ngày liên tục, tùy tháng, và chỉ trả tổng cộng có 9,95 đôla.

Nếu bạn thường phải trả 12 đôla cho một vé xem phim, bạn sẽ phải chi 360 hay 372 đôla cho toàn bộ chỗ phim nói trên. Đương nhiên, phần lớn người ta đâu có tới rạp chiếu mỗi ngày: thời nay một người bình thường đi xem phim chỉ năm lần một năm. Nhưng rất dễ thấy một thuê bao MoviePass có thể tự trang trải thế nào.

Có tính cả phim 3D không?

Những khách thuê bao tiềm năng nên lưu ý dòng chữ in nhỏ, quy định rằng thuê bao MoviePasse là không chuyển nhượng và không thể dùng được cho những suất chiếu đặc biệt, gồm cả phim 3D hay IMAX hoặc liên hoan phim.

AMC Theaters, chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ, đang tìm cách chặn người xem phim sử dụng MoviePass ở rạp của họ, theo The New York Times

Những rạp nào chấp nhận MoviePass?

MoviePass nói dịch vụ này vận hành ở 91% rạp chiếu trên toàn nước Mỹ. Thẻ thuê bao dường như có giá trị với tất cả chuỗi rạp lớn, nhưng — bực mình thay — việc tìm hiểu ở nơi bạn sống rạp nào chấp nhận chỉ xuất hiện sau khi bạn đăng ký thuê bao.

Dựa theo nhận xét của khác hàng trên Facebook và mục hỏi đáp của MoviePass, xem ra thẻ thuê bao có thể được sử dụng làm vé vào gần như mọi rạp chiếu có máy đọc thẻ tín dụng. Nói cách khác, MoviePass có thể không có tác dụng ở những rạp nhỏ, vận hành kiểu cũ.

MoviePass vận hành như thế nào?

Một khi bạn đã đăng ký và đã trả phí thuê bao tháng, MoviePass gửi cho bạn một chiếc thẻ, trông giống như thẻ tín dụng. Để dùng thẻ, hãy đến rạp nào áp dụng và ‘check in’ bằng phần mềm ứng dụng MoviePass. Sau đó bạn chọn phim trước 30 phút — giữ chỗ trước xa hơn thì không được — và quét thẻ MoviePass của bạn tại quầy vé của rạp để lấy vé.

Một số rạp còn có chọn vé điện tử, loại bỏ nhu cầu phải cầm thẻ MoviePass trên tay. Nhưng, căn cứ những phiền phức mà một số khách hàng nói đã gặp phải, tốt nhất là luôn mang theo thẻ MoviePass.

Thuê bao MoviePass không áp dụng cho suất chiếu 3D và Imax

Vậy làm thế quái nào MoviePass kiếm được tiền?

Trung thực mà nói, chúng ta không biết — hoặc giả như — MoviePass có thể kiếm lời như thế nào. Mô hình kinh doanh này ban đầu có vẻ giống thẻ thành viên phòng gym, trong đó hy vọng là người ta trả phí hàng tháng và hiếm khi đến tập.

Với phí thuê bao giảm còn 9,95 đôla, khó biết làm sao mô hình này vẫn hiệu quả. Có lẽ kế hoạch là thu thập một lượng thuê bao cơ sở lớn rồi tăng giá đáng kể, nhưng chiến lược đó có thể mất nhiều năm và hiển nhiên là có nguy cơ người ta hủy thuê bao.

Điều đặc biệt khó hiểu về mô hình kinh doanh MoviePass là dù người đi xem phim đã giảm đều đặn trong kỷ nguyên của Netflix, rạp chiếu bóng kiên quyết từ chối giảm giá vé. Có thể thuê bao cung cấp cho rạp chiếu một cách giữ giá vé cao thường xuyên trong khi lén lút cung cấp những thỏa thuận thu hút đám đông lớn hơn — những người thường có khuynh hướng mua bỏng ngô, nước ngọt, và kẹo bánh đắt đỏ. Đây mới là chỗ đem lại lợi nhuận thực sự cho nhà rạp, và nếu họ thích điều mà khách hàng MoviePass làm cho dòng kết toán của họ, rõ ràng là điềm tốt cho những người cầu nguyện MoviePass sinh lời.

“Không khác gì Facebook hay Google,” Ted Farnsworth, CEO của Helios and Matheson, nói với Bloomberg. “Chúng tôi càng hiểu ‘fan’ của mình, chúng tôi càng nhắm trúng đích.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Fortune và Money.com


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.