Tin tức

Đừng lo Hollywood - Trung Quốc không phải là mối đe dọa

22/08/2017

Trung Quốc sắp soán ngôi Hollywood? Các nguồn đầu tư từ Trung Quốc đã tràn ngập ngành giải trí nước Mỹ trong những năm qua.

AMC, mạng lưới rạp lớn nhất thế giới, do tập đoàn Dalian Wanda sở hữu, cũng đã mua lại công ty Legendary Picture Productions. Ba khổng lồ ngành giải trí khác - Dick Clark Productions, Voltage Pictures và MGM – có lẽ cũng đã bị các công ty Trung Quốc nuốt chửng năm nay nếu những cuộc thương thảo đó không là nạn nhân của cuộc đàn áp tháo chạy vốn ở Bắc Kinh.

Các nữ tiếp tân chuẩn bị phục vụ rượu sau buổi lễ ký kết để Dalian Wanda Group thu tóm AMC Entertainment Holdings ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21 tháng 5 năm 2012. Tập đoàn Trung Quốc mua chuỗi rạp chiếu của Mỹ, AMC Entertainment Holdings, với 2,6 tỉ đôla để trở thành nhà vận hành rạp chiếu lớn nhất thế giới

Tốc độ thỏa thuận mạnh mẽ đến mức Quốc hội Mỹ cũng phải nhập cuộc. Hồi cuối năm ngoái, 16 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã ký thư cảnh báo về những nguy cơ Trung Quốc tấn công Hollywood. “Bắc Kinh có thể sai khiến việc làm hay không,” cựu Dân biểu Frank Wolf (bang Virginia) đã cảnh báo trong một bài viết độc lập trên tờ Washington Post.

Là một người đã di chuyển giữa Trung Quốc và Mỹ từ năm 1980, người viết cũng có mối lo ngại tương tự. Đã 20 năm kể từ khi Hollywood làm phim miêu tả các nhà cầm quyền Trung Quốc hay chính đất nước Trung Quốc bằng một cái nhìn tiêu cực. Gần đây nhất, Trung Quốc cứu người Mỹ trong The Martian, cứu Trái đất trong Arrival và trong Transformers: Age of Extinction, Paramount khắc họa các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn tài giỏi hơn những đồng nghiệp người Mỹ của họ. Sự hèn nhát nịnh bợ Trung Quốc của Hollywood nhằm đổi lấy một miếng thị phần rộng lớn chỉ sánh ngang với các mánh khóe của Mark Zuckerberg để Facebook không bị chặn ở Trung Quốc nữa.

Johnny Depp đến Trung Quốc để quảng bá phim Pirates of the Carribean: Dead Men Tell No Tales - bộ phim này vẫn làm ăn tốt ở Trung Quốc dù là bom xịt ở Mỹ

Điều đó có nghĩa, trước khi nước Mỹ bị cuốn vào một cơn kích động vì hội chứng bài Trung Quốc, việc ghi nhớ hai điều sau rất quan trọng: ngành điện ảnh Trung Quốc vẫn còn sâu sắc khó lường, và đã bắt đầu lao đao về tài chính. Thật vậy, trong khi các quan sát viên Mỹ lo lắng về cuộc thôn tính ngành công nghiệp giải trí Mỹ của Trung Quốc, thì những đồng nghiệp Trung Quốc của họ, có vẻ đúng là đang băn khoăn rằng kết cục có thể ngược lại hoàn toàn.

Đầu tiên là những con số. Năm 2016, ngành công nghiệp làm phim đầy phô trương của Trung Quốc đã cho ra lò 1.000 phim, rõ ràng là lượng nhiều hơn chất. Trung bình, mỗi phim này đem lại khoảng 2 triệu đôla so với 70 triệu đôla một phim hạng trung của phương Tây thu được ở nước này. Thực ra, Hollywood chiếm 42% doanh thu phòng vé Trung Quốc hồi năm ngoái mặc dù chỉ tiêu phim phương Tây chỉ là 34 phim ở Trung Quốc, theo luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Con số đó sẽ tăng năm 2017, nên tình hình có thể còn tệ hơn cho phim Đại lục.

Áp phích quảng cáo phim 007 tại một rạp chiếu ở Bắc Kinh. Hollywood chiếm 42% doanh thu phòng vé Trung Quốc hồi năm ngoái mặc dù chỉ tiêu phim phương Tây chỉ là 34 phim ở Trung Quốc

Thêm nữa, hầu như mọi công ty điện ảnh Trung Quốc đều đang đối mặt với khó khăn tài chính. Tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ, phiên bản Trung Quốc của Warner Bros., từng khẳng định giá trị thị trường của mình sẽ vượt 17 triệu đôla, nay giảm từ 15 triệu đôla xuống còn chỉ đáng giá hơn 3 triệu đôla một chút. Giá cổ phiếu của Enlight, một hãng phim khác, đã sụt 60% kể từ thời hốt bạc năm 2015.

Doanh thu phòng vé của Trung Quốc cũng trì trệ. Sau khi tăng 50% vào năm 2015, doanh thu trở nên chậm như rùa bò năm 2016 và năm nay thì giảm thật sự. Những điểm sáng duy nhất đó là hai phim Furious 8 và phim hài Hồng Kông The Mermaid, đều không do Đại lục sản xuất.

Có rất nhiều tranh cãi về lý do tuột dốc này, nhưng điểm mấu chốt đơn giản là khâu kiểm duyệt ở Trung Quốc: các phim Trung Quốc sẽ tiếp tục dở tệ chừng nào chính phủ còn can thiệp vào việc làm phim.

Cảnh trong phim The Great Wall, dự án hợp tác Trung-Mỹ tham vọng nhất từ trước đến nay

Hãy ngó thử dự án hợp tác Trung-Mỹ tham vọng nhất từ trước đến nay: The Great Wall với Matt Damon vào vai chính. Cốt truyện hết sức dè dặt, cho Damon và những người khác làm người bảo vệ một tỉnh của Trung Quốc trước một lũ quái vật. Điểm vớt vát duy nhất của bộ phim dở tệ này là hiệu ứng đặc biệt.

Và không chỉ bộ phim là sản phẩm của việc kiểm duyệt toàn quốc mà những bình luận phim cũng vậy. Khi khán giả cho The Great Wall điểm đánh giá lạnh nhạt – 4,9/10 – trên các trang điện ảnh trực tuyến tương tự Rotten Tomatoes, tờ People Daily đã khiển trách những trang đó trong một bài xã luận – kết quả là ít nhất một trang gỡ bình luận. Báo cáo cho biết The Great Wall sẽ làm Universal, China Film Group và các đối tác thua lỗ 75 triệu đôla.

Áp phích phim The White Haired Witch of Lunar Kingdom, một phim kỳ ảo thành công 'khủng' ở phòng vé Trung Quốc năm 2014. Phim kỳ ảo luôn là mặt hàng chủ lực của điện ảnh Trung Quốc và nhiều đến mức tràn lan

Trong một bài viết trên mạng, một chuyên viên quảng cáo Trung Quốc đưa ra các lý do phim bom tấn không thể được thực hiện ở nước này. Một phim như The Hunger Games sẽ không bao giờ thành công, anh ta nhấn mạnh, bởi vì “bộ phim nói về một nhóm người nghèo đấu tranh chống lại chế độ độc tài.” Bỏ qua Ironman luôn, vì Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ yêu cầu một lời giải thích về việc khắc họa công nghệ quận sự mới. Gravity không có triển vọng thành công vì nói đến một vụ va chạm trong không gian và Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc sẽ không chấp nhận một điều như thế. Fast and Furious sẽ cần ý kiến của cảnh sát giao thông Trung Quốc. Và như The Lord of the Rings thì miễn.

Năm 2009, Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc công bố rằng phim kỳ ảo quá “tràn lan” và yêu cầu các nhà sản xuất chỉ được viết kịch bản dựa theo cổ tích Trung Hoa.

Sự kiện chiếu ra mắt của Beauty and the Beast ở Trung Quốc. Việc thoái vốn các thương vụ thu tóm ngành giải trí của Mỹ từ các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khiến Hollywood sẽ phải lo lắng kiểu khác

Liệu việc Hollywood nghiêng mình nhún nhường để làm hài lòng giới quan chức Bắc Kinh có là vấn đề? Chắc rồi. Nhưng quan trọng là đừng thổi phồng mối nguy. Trước khi Trung Quốc có thể chỉ đạo Hollywood kể chuyện gì, phải có một cốt truyện tươm tất trước đã.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.