Tin tức

Phim đề tài chính trị: So sánh giữa Đài Loan và Hàn Quốc

10/04/2018

Phim về lịch sử chính trị Đài Loan rất ít, đặc biệt so với điện ảnh Hàn Quốc.

Khi những con hổ châu Á chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền dân chủ, Đài Loan và Hàn Quốc có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, một lĩnh vực mà hai nền kinh tế này khác biệt đáng kể là phim điện ảnh và truyền hình. Trong khi các phim bom tấn Hàn Quốc có chủ đề chính trị ra rạp đều đều, Đài Loan hầu như không hề có.

Áp phích phim A Taxi Driver ở rạp chiếu Hàn Quốc

Hãy bắt đầu bằng cách xét bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2017 của Hàn Quốc, A Taxi Driver. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của người tài xế taxi chở nhà báo người Đức đưa tin về vụ thảm sát Gwanju (còn gọi là “518” do xảy ra vào ngày 18 tháng 5 năm 1980), trong đó quân đội đã giết hàng trăm thường dân phản đối chế độ độc tài quân sự của Chun Doo Hwan.

Khi A Taxi Driver ra rạp ở Đài Loan, các phương tiện truyền thông địa phương này gọi đó là phim “228 của Hàn Quốc” — liên hệ Sự kiện 28 tháng 2, trong đó quân đội Quốc Dân Đảng (KMT) giết hàng ngàn người Đài Loan bản xứ bất mãn với chế độ. So sánh như vậy là phù hợp — 518 và 228 là những thảm kịch nổi bật nhất trên con đường đi tới dân chủ của hai vùng đất này. Đương nhiên, cư dân mạng Đài Loan bắt đầu đặt ra câu hỏi: “Khi nào chúng ta mới có được một phim bom tấn về sự kiện 228 của chúng ta?”

Nói công bằng, đã có một phim Đài Loan về sự kiện 28 tháng 2 rồi: A City of Sadness năm 1989 của vị đạo diễn Làn sóng mới Hầu Hiếu Hiền. Tuy nhiên, phim này chẳng hề giống A Taxi Driver. Có tính nghệ thuật hơn là bom tấn, A City of Sadness không hề thể hiện trực tiếp những hành động tàn bạo của sự kiện 28 tháng 2 đó. Trong phim, bạo lực là tiềm ẩn — mọi người đều biết chuyện đã xảy ra, nhưng không ai thẳng thừng đề cập đến. Cho đến ngày nay, đó vẫn là ẩn dụ phù hợp nhất cho cuộc đấu tranh của Đài Loan với quá khứ độc tài. Kể từ đó không có ai làm phim về sự kiện 28 tháng 2.

A City of Sadness của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền

Hàn Quốc thì ngược lại. A Taxi Driver là một trong ít nhất sáu phim nói về cuộc thảm sát Gwangju, và là một phim có bối cảnh thậm chí còn lớn hơn nếu bạn mở rộng trọng tâm để bao gồm bất kỳ phim điện ảnh hay truyền hình nào lấy cảm hứng từ lịch sử chính trị gần đây của nước này. Ở Hàn Quốc, bối cảnh chính trị gần đây là mênh mông. Có những miêu tả trực tiếp như The President’s Last Bang, bộ phim năm 2005 châm biếm vụ ám sát Park Chung Hee năm 1979. Liên hệ gián tiếp hơn, thì xem The Mayor — bộ phim được phát hành đầu năm 2017 về một thị trưởng Seoul có tham vọng trở thành tổng thống, gợi nhớ tới quỹ đạo chính trị của của Lee Myung Bak. Ngay cả phim bộ truyền hình hấp dẫn ‘fan-girl’ như City Hunter năm 2011 cũng có những điểm cốt truyện quan trọng bắt nguồn từ quá khứ độc tài ở Hàn Quốc.

Ngược lại, phim điện ảnh và truyền hình đề tài chính trị ở Đài Loan rất hiếm. Mặc dù Đài Loan có phim về thiết quân luật, thị trưởng-trở thành-tổng thống (Trần Thủy Biển), và phim bộ truyền hình thần tượng, bạn sẽ không thấy gì ngang tầm với The President’s Last Bang, The Mayor, hay City Hunter của Hàn Quốc đâu. Tại sao?

Đương nhiên, có yếu tố Trung Quốc. Bởi vì Đài Loan cùng ngôn ngữ với Trung Quốc Đại lục, có áp lực thương mại đáng kể để làm phim cho khán giả Đại lục. Tất nhiên, chỉ một số phim nhất định — hiếm khi là phim chính trị — có thể vào được thị trường Đại lục.

Ngay cả phim bộ truyền hình hấp dẫn ‘fan-girl’ như City Hunter năm 2011 cũng có những điểm cốt truyện quan trọng bắt nguồn từ quá khứ độc tài ở Hàn Quốc

A Taxi Driver không chỉ vắng mặt ở các rạp chiếu Trung Quốc, mà còn bị kiểm duyệt bàn luận trên internet. Thật khó tưởng tượng phim Đài Loan nói về một chuyện như sự kiện 28 tháng 2 lại dễ bán. Thậm chí không cần thể hiện một cuộc thảm sát mới khiến chính quyền và các nhà đầu tư Đại lục bực mình. Một phim truyền hình tương đối lành, nhưng vẫn mang chủ đề chính trị như City Hunter nhất thiết giới thiệu bộ máy công tố, cơ quan tình báo và văn phòng tổng thống của Hàn Quốc — các cơ quan chức năng của một quốc gia độc lập. Nếu Đài Loan làm một phim tương đương, chính quyền Đại lục sẽ nổi giận trước khả năng ủng hộ “chủ nghĩa ly khai của Đài Loan”.

Vì vậy, bất kỳ nhà làm phim hoặc diễn viên Đài Loan nào muốn làm lớn sẽ khôn ngoan tránh xa bất cứ đề tài chính trị nào dù mơ hồ, vì sợ bị đưa vào sổ bìa đen khiến họ mất mát những khoản tiền nhân dân tệ trong tương lai. Kết quả là, thiếu cả ý muốn lẫn tài năng để Đài Loan làm phim có chủ đề chính trị. Hầu Hiếu Hiền là một ví dụ điển hình. Mặc dù ông đã làm A City of Sadness, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1989 không quyết liệt bằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay. Bây giờ, Hầu Hiếu Hiền đã mang tài năng của mình tới Đại lục, làm những phim có ẩn ý về chủ nghĩa hòa hợp như The Assassin.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc không phải là nhân tố duy nhất. Bất kỳ bộ phim lớn nào có chủ đề chính trị đều có thể gây tranh cãi chính ngay ở Đài Loan. Mặc dù hòn đảo này đã chứng kiến ba lần chuyển giao quyền lực hòa bình, nhưng bàn luận chính trị vẫn còn sôi nổi vì thiếu công lý chuyển tiếp; thăm dò ý kiến vào tháng 3 năm 2016 cho thấy 76,3% người Đài Loan cảm thấy công lý vẫn chưa đạt được.

Hầu Hiếu Hiền đã mang tài năng của mình tới Đại lục, làm những phim có ẩn ý về chủ nghĩa hòa hợp như The Assassin

Một lần nữa, Hàn Quốc cung cấp một sự tương phản hữu ích. Từ năm 1992 đến 2007, người dân Hàn Quốc đã bầu ra ba vị tổng thống, mỗi người trong số họ thực hiện các chương trình chuyển tiếp công lý mở rộng hơn. Kể từ năm 1992, Hàn Quốc đã thành lập ít nhất 15 ủy ban điều tra sự thật, tổ chức các phiên điều trần trong cơ quan lập pháp của họ về vụ thảm sát Gwangju (đã làm ra luật để bồi thường cho các nạn nhân), đưa các tổng thống thời kỳ độc tài là Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo ra tòa, và nhiều chuyện khác nữa. Trong ba thập kỷ qua, Hàn Quốc không chỉ công khai tự vấn lương tâm về chính trị mà còn bắt các cá nhân chịu trách nhiệm với những sai lầm trong quá khứ.

Mọi bộ phim điện ảnh hay truyền hình hay về đề tài chính trị đều cần có nhân vật phản diện. Ở Hàn Quốc, công lý chuyển tiếp mạnh mẽ đã tạo ra một danh sách những kẻ phản diện và những hành vi tàn ác được mọi người nhất trí. Nhìn chung xã hội Hàn Quốc nhất trí rằng Chun Doo Hwan là kẻ xấu, và chế độ của ông ta đã giết hại dân thường trong vụ thảm sát Gwangju (cũng xấu). Do tương đối thiếu công lý chuyển tiếp, Đài Loan không có sự nhất trí như vậy. Nếu làm phim về sự kiện 28 tháng 2, ai sẽ là người xấu — Tưởng Giới Thạch? Toàn quyền Đài Loan Trần Nghi? Người Đài Loan bản xứ cướp kho vũ khí? Mọi người đều có ý kiến riêng, nhưng không ai đồng thuận.

Nỗ lực của Đài Loan về công lý chuyển tiếp có thể không thành công như Hàn Quốc, nhưng có thể vẫn còn hy vọng cho những ai muốn xem Đài Loan làm một phim bom tấn chính trị như A Taxi Driver. Nhà lãnh đạo chính quyền hiện tại Thái Anh Văn đã đưa công lý chuyển tiếp thành ưu tiên hàng đầu, bắt đầu điều tra tài sản bất chính của Quốc Dân Đảng và hứa hẹn một báo cáo sâu hơn về thời kỳ khủng bố trắng.*

Cảnh trong phim A Taxi Driver của Hàn Quốc

Còn phải chờ xem nỗ lực của bà Thái Anh Văn sẽ mở rộng đến việc cung cấp trách nhiệm giải trình thực sự, và kết quả là những “kẻ phản diện” và “hành vi tàn ác” mà phim chính trị Đài Loan có thể xây dựng. Nếu được như vậy, nói không chừng sẽ có lúc thấy một phim A Taiwanese Taxi Driver.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Diplomat


* Ở Đài Loan, khủng bố trắng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến dưới thời thiết quân luật từ ngày 19 tháng 5 năm 1949 cho tới 15 tháng 7 năm 1987, 38 năm và 57 ngày.

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.