Bất cứ bộ phim nước ngoài nào muốn vào Trung Quốc phải trước hết chạm
trán với những người gác cổng đầy quyền lực: Tập đoàn Điện ảnh Trung
Quốc và giám đốc điều hành của nó, Hàn Tam Bình.
Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc thay mặt chính phủ canh gác một thị trường
điện ảnh vừa vượt mặt Nhật Bản trở thành thị trường có doanh thu phòng
vé lớn thứ hai thế giới chỉ sau nước Mỹ. Tập đoàn này có nhiều hoạt động
đa dạng, gồm cả kiểm quyệt, phân phối, hợp tác sản xuất, vân vân, và
muốn vào được Trung Quốc, các phim ngoại đều phải giáp mặt họ trước.
The Karate Kid của Sony Pictures Entertainment được làm cho thị
trường toàn cầu với sự can thiệp của China Film
Group, đường dẫn cho các
hãng phim nước ngoài tìm cách làm phim hoặc phát hành phim ở Trung Quốc
[Ảnh: Jasin Boland/Columbia Pictures]
Ông Hàn và tập đoàn của ông cũng theo dõi và điều hành một kênh thương
mại cũng hiện đang gặp nhiều sự chú ý của những cơ quan cấp cao ở
Washington. Những cơ quan liên quan ở Mỹ hiện đang tìm hiểu những khoản
tiền mà các hãng phim Mỹ trả cho quan chức ở Trung Quốc, nhằm mục đích
vạch mặt những khoản chi thiếu minh bạch và phạm pháp.
Vào
tháng 3 vừa rồi, Ủy ban Chứng khoán và Ngoại tệ đã viết thư tới các hãng
phim lớn, gồm Walt Disney, 20th Century Fox và DreamWorks Animation,
yêu cầu cung cấp thông tin thương mại của họ ở Trung Quốc.
Nguồn
tin nội bộ này được một người xin giấu tên chia sẻ với báo chí, và có
nhiều khả năng những diễn biến này còn phải được giải quyết ở tòa án.
Một
nguồn tin cho biết, từ bên trong các hãng phim đã có một người tố cáo
những hành vi không minh bạch đang được tìm hiểu kia. Hiện chưa rõ quá
trình điều tra đang nhắm tới hoạt động kinh doanh nào của Mỹ ở Trung
Quốc, nhưng nguồn thông tin này cho biết, các công ty ở Hollywood vừa
nhận được lệnh đóng băng tất cả các chứng từ, thư điện tử và các dữ liệu
khác về phim sản xuất hay phân phối ở Trung Quốc.
Dù không
bức thư nào trong số các thư yêu cầu được gửi ra có nhắc tới Tập đoàn
Điện ảnh Trung Quốc, các chủ hãng phim đều đang có những hành động cho
thấy hoạt động của họ với tập đoàn này chính là mục tiêu điều tra, một
phần vì tập đoàn này có vai trò rất lớn trong việc đưa phim của họ tới
Trung Quốc.
Cuộc điều tra này cũng chắc hẳn sẽ khiến các công
ty tương tự kinh doanh ở Trung Quốc trở nên cận thận hơn để tránh những
sơ xuất trong hoạt động ở đây.
Cuộc điều tra cũng khiến nhiều
người phải chú ý tới phương pháp sản xuất và phân phối phim ở Trung Quốc
cùng vai trò của Cục quản lý Điện ảnh, Truyền hình và Truyền thanh
Trung ương và Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc, công ty do nhà nước quản lý,
một yếu tố không thể thiếu trong việc đưa phim Mỹ vào thị trường Trung
Quốc.
“Tập đoàn này là sự kết hợp của Universal, Sony, MPAA và
Regal,” một nhà sản xuất phim đã làm việc nhiều năm ở Trung Quốc cho
biết. Ông đã ví tập đoàn này như sự kết hợp của hai hãng phim khổng lồ,
tập đoàn thương mại Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ và cụm rạp lớn nhất đất
nước, Regal Entertainment Group. Nhưng thêm vào đó, Tập đoàn Điện ảnh
Trung Quốc còn có quyền quản lý dưới sự chỉ đạo của nhà nước.
Chủ tịch Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc Hàn Tam Bình
Trong ngành điện ảnh Trung Quốc, Hàn Tam Bình là một cái tên quá quen
thuộc. Ông là “Hàn tiên sinh” hay “cha đỡ đầu của ngành điện ảnh Trung
Quốc”.
Ông từng đạo diễn các phim
Kiến quốc đại nghiệp và
Kiến đảng vĩ nghiệp, hai bộ phim kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc và 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Hoa.
Ông cũng có tên là nhà sản xuất trong nhiều phim Trung Quốc, và ít nhất hai bộ phim nước ngoài, gồm
The Karate Kid của Sony Pictures Entertainment và
Mission: Impossible III, phim của các hãng phim Hollywood nhưng quá trình quảng bá cũng có sự đóng góp lớn của Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc.
Dù
không hề biết nói tiếng Anh, nhưng một người quen nhận xét ông rất
giống hình ảnh đặc trưng của một nhà sản xuất phim Hollywood. Ông nói
chuyện một cách hăng hái, rất biết diễn tả ý tưởng và luôn muốn làm bạn
và xuất hiện cùng những diễn viên phương Tây.
Người phát ngôn
từ phía Sony và Paramount từ chối trả lời câu hỏi về kinh nghiệm làm
việc của họ với ông. Một nguồn tin liên quan tới
The Karate Kid
cho biết Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc có quyền được góp tên một nhà sản
xuất vào đoàn làm phim khi họ đã đóng góp 5 triệu USD trong số tổng 40
triệu USD ngân sách làm phim, và cái tên này chính là Hàn Tam Bình.
Người phát ngôn từ tất cả các hãng phim lớn của Hollywood đều từ chối
bình luận về cuộc điều tra đang diễn ra.
Trong một cuộc phỏng
vấn gần đây, Hàn Tam Bình cho biết ông chưa nghe nói về cuộc điều tra
của Ủy ban. Khi được hỏi về việc ông có biết gì về những khoản chi thiếu
minh bạch từ phía các công ty Mỹ hay không, ông chỉ trả lời, “Làm sao
mà tôi biết được?”
Giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu của Tập
đoàn Điện ảnh Trung Quốc, Uyển Văn Cường, cho biết quá trình phân phối
phim ở Trung Quốc không “tạo nhiều cơ hội” để hối lộ.
Hàn Tam Bình cho biết, tập đoàn có hỗ trợ làm phim
Mission: Impossible III
nhưng không nhận là một nhà đồng sản xuất. “Công việc của tôi không chỉ
là quản lý hành chính mà còn những công việc cần thiết để quya một bộ
phim ở Trung Quốc.”
Chỉ cách đây ít lâu thôi, Tập đoàn Điện
ảnh Trung Quốc phần lớn được cho là một cơ quan tuyên truyền, nhưng
những năm gần đây, nó đã mở rộng ra một số thể loại phim khác như phim
tình cảm hài.
Trong quá trình thị trường hóa nền kinh tế, các
nhà chính sách kinh tế Trung Quốc đang muốn phần đóng góp của điện ảnh
và giải trí đối với nền kinh tế tăng gấp đôi trong vòng năm năm. Điện
ảnh là một phần thiết yêu trong kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Walt Disney Co., lên kế hoạch đồng sản xuất Iron Man 3 (ảnh
trên: Robert Downey Jr. trong vai
tỉ phú công nghiệp Tony Stark, còn
được biết với tên gọi Người Sắt) với hãng phim Bắc Kinh
DMG
Entertainment khi sự hợp tác giữa Hollywood và các hãng phim Trung Quốc
tăng lên
[Tin và ảnh: Bloomberg News]
Hollywood cũng rất muốn phát triển thị trường này. Vào tháng 2, Trung
Quốc và Mỹ đã thỏa thuận cho phép các hãng phim Mỹ được đưa nhiều phim
mỗi năm hơn vào thị trường Trung Quốc và giữ một lượng doanh thu phòng
vé cao hơn trước. DreamWorks Animation đang xây dựng một xưởng phim ở
Thượng Hải và Marvel Entertainment của Disney đang lên kế hoạch quay
Iron Man 3 ở
đây. Nhưng nhiều người trong ngành điện ảnh Trung Quốc cho biết các ông
chủ các hãng phim biết phân biệt giữa việc lấy lòng các nhà chức trách
và hối lộ.
Stephen L. Saltzman, một chuyên gia luật giải trí
sống ở Los Angeles và làm việc cho Loeb & Loeb, cho biết ông chưa
từng thấy bằng chứng nào cho thấy có những hoạt động hối lộ liên quan
tới các phim được ra mắt ở Trung Quốc. “Trong quá trình làm việc của
tôi, tôi chưa gặp trường hợp nào cả. Đây đều là những công ty tinh tế và
hiểu biết luật pháp.”
Các chủ hãng phim toàn thế giới từ lâu
đã hiểu quyền lực của Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc ở nước này. Trong một
bài phân tích chi tiết về thị trường điện ảnh Trung Quốc vào năm ngoái,
Ủy ban Thương mại Ý – dựa vào phỏng vấn và những dữ liệu – đã đưa ra
một báo cáo về cách hoạt động của một hệ thống luôn luôn thay đổi và vô
cùng phức tạp. Báo cáo này cho biết tập đoàn này có mặt ở tất cả các cửa
ngõ ra vào của các bộ phim nước ngoài. Chỉ Tập đoàn Điện ảnh Hoa Hạ và
Công ty Phân phát Điện ảnh Trung Quốc được phép phân phối phim nước
ngoài.
Các hãng phim Trung Quốc muốn hợp tác với nước ngoài cũng
phải có giấy phép từ Công ty Sản xuất Hợp tác Trung Quốc, một công ty
con của tập đoàn.
Những phim được đưa vào kiểm duyệt (một quá
trình mất từ 15 đến 30 ngày và thỉnh thoảng kèm yêu cầu chỉnh sửa) cũng
phải được báo cáo cho tập đoàn. Nhiều cụm rạp lớn đều phần nào được sử
hữu bởi tập đoàn.
Looper được quay ở Thượng Hải với sự tài trợ của Trung Quốc
Trong một chuyến đến Los Angeles vào tháng 3, hai tuần trước khi cuộc
điều tra của Ủy ban bắt đầu, Hàn Tam Bình đã được tiếp đón đúng với vị
trí và quyền lực của ông ở Trung Quốc. Ông đã đi gặp mặt chủ tịch các
hãng Sony, Universal và Disney, đến thăm Bruce Willis, người đã quay
phim
Looper ở Thượng Hải với sự tài trợ của Trung Quốc. Đi với
ông là Dan Mintz, một chuyên gia quảng bá phim sinh sống ở Trung Quốc và
một trong các nhà sản xuất phim
Looper.
Trong bảng giới thiệu Mintz vào năm 2006 của tạp chí
Fast Company,
ông được cho là một thiên tài tạo các mối quan hệ ở Trung Quốc. Vào
tháng 4, Marvel thông báo Mintz cùng công ty của ông, DMG Entertainment,
sẽ hợp tác sản xuất phim
Iron Man 3, một sự hợp tác sẽ cho bộ phim này được ưu tiên khi phân phối ở Trung Quốc vào năm 2013.
Mintz và người phát ngôn của Disney và Marvel đã từ chối bình luận về mối quan hệ giữa hai bên.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi