Trung Quốc đã chiếm lấy vị trí thị trường phim lớn thứ nhì thế giới của
Nhật Bản trong quý đầu năm 2012 nhờ vào sự tăng trưởng chóng mặt của
ngành công nghiệp điện ảnh nước này, nhưng sự dựa dẫm quá nhiều vào
phòng vé cho thấy tiềm năng khổng lồ lẫn sự non trẻ của ngành điện ảnh,
các chuyên gia cho biết
Năm ngoái, doanh thu phòng vé của Trung Quốc tăng 33,3% lên 13,15 tỉ
nhân dân tệ (2,08 tỉ USD) và giá trị thị trường điện ảnh nước này đạt
17,25 tỉ nhân dân tệ.
Sự tăng trưởng liên tục trong quý đầu năm
nay giúp Trung Quốc vượt qua Nhật Bản về doanh thu phòng vé, theo ông
Mike Ellis, chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện
ảnh Mỹ, cho biết tại cuộc họp vào ngày 12/4 mà không đi vào chi tiết.
Số lượng rạp chiếu phim tại Trung Quốc tăng từ 4.753 năm 2006 lên 10.700 năm 2011, ông Ellis cho biết.
“Năm
ngoái, Trung Quốc tăng trung bình tám rạp chiếu phim mỗi ngày. Không có
nước nào trên thế giới tăng trưởng nhanh như thế,” ông nói.
Ngành
công nghiệp điện ảnh Mỹ “không tăng trưởng, nhưng thị trường toàn cầu
đang phát triển rất tốt, ở Trung Quốc và khắp các nước khác,” ông nói
với
China Daily.
Avatar - bộ phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc
Doanh thu phòng vé tại Mỹ và Canada năm 2011 tổng công là 10,2 tỉ USD,
giảm 4% so với năm 2010, theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ.
Nhưng thị phần của Mỹ trên thị trường toàn cầu tăng từ 57,3% năm 2010 lên 58,4% năm 2011.
Trong
chuyến viếng thăm Mỹ của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng
2, Trung Quốc đồng ý tăng thêm 14 phim nước ngoài gia nhập thị trường
nước này mỗi năm. Các công ty điện ảnh nước ngoài còn được phép thu về
25% lợi nhuận phòng vé so với 13% trước đây.
Ellis nói đây là “viễn cảnh đáng mừng” cho ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Ông
còn nhận định, bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng, ngành điện ảnh
Trung Quốc vẫn chưa được khai thác rộng rãi do trung bình một người
Trung Quốc chỉ đến rạp 0,3 lần một năm, so với con số hơn năm lần một
năm ở Iceland, nước đi xem phim nhiều nhất.
Song, bất chấp viễn
cảnh tươi sáng cho ngành điện ảnh Trung Quốc, một vấn đề lâu năm vẫn tồn
tại, đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào phòng vé.
Sự tăng trưởng của điện ảnh Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào phòng vé
Ellis cho biết ở Trung Quốc, doanh thu phòng vé chiếm 90% tổng lợi nhuận
đầu tư, trong khi ở Mỹ con số này chỉ 30%. 70% còn lại đến từ tiền bản
quyền bán cho các hãng đĩa, công ty truyền hình cáp và các kênh truyền
hình trong nước.
“Điện ảnh Trung Quốc bị tổn thất một khoản khổng
lồ do nạn ăn cắp bản quyền, điều này ngăn cản Trung Quốc phát triển một
chuỗi giá trị cho công nghiệp điện ảnh dựa trên bán bản quyền,” Ellis
nói.
“Nếu không bảo vệ những gì của mình, bạn không có gì cả,” Ellis nói thêm.
Nếu
việc dựa dẫm vào phòng vé có thể giảm xuống ngang mức tại Mỹ, doanh thu
thị trường phim Trung Quốc có thể gấp gần bốn lần lên 6,66 tỉ USD.
Cũng
trong sự kiện này, Trương Triều Dương, người sáng lập và là tổng giám
đốc điều hành trang Sohu.com, một trang mạng lớn tại Trung Quốc, cho
biết ngành truyền hình Trung Quốc đã trải qua cuộc bùng nổ khi các trang
web phim làm gia tăng nhu cầu về các loạt phim truyền hình được sản
xuất chuyên nghiệp.
Điện ảnh Trung Quốc chịu tổn thất lớn do băng đĩa lậu
Theo ông Trương Triều Dương, ba năm trước, một nhà sản xuất phim truyền
hình sẽ rất hào hứng nếu một tập phim bán được với giá 1.000 nhân dân
tệ, trong khi hiện nay một phim truyền hình ăn khách có thể bán giá 1
triệu nhân dân tệ mỗi tập.
Nhưng khác với truyền hình, ông cho biết giá mỗi phim điện ảnh quá cao nên những nhà quảng cáo không thể hỗ trợ.
Sự nở rộ của các trang web phim cho đến nay cũng chưa làm giảm đi sự dựa dẫm của điện ảnh Trung Quốc vào phòng vé.
Người
hâm mộ điện ảnh Trung Quốc vẫn thấy tải bản lậu của một phim mới thật
dễ dàng, một sự thật mà những người trong ngành từng nói họ phải học
cách đối mặt, mặc dù là miễn cưỡng.
"Chúng tôi phải tự phát triển
trong điều kiện tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn tiếp diễn và tiếp
diễn trong thời gian dài," Hồ Minh, phó chủ tịch tập đoàn Hoa Nghị, hãng
sản xuất phim truyền hình và điện ảnh tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Bà
cho biết việc thương lượng luôn luôn rơi vào tình trạng "khó xử và tổn
hại đến các mối quan hệ" khi đụng đến vấn đề bản quyền.
Sự phát
triển chưa hoàn thiện của chuỗi giá trị, theo Hồ Minh, là một trong
những khác biệt lớn nhất giữa cộng nghiệp điện ảnh Trung Quốc và Mỹ. Và
bằng cách nào để giải quyết điều đó vẫn là một thử thách với các nhà làm
phim Trung Quốc.
Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi