Tin tức

Phim trực tuyến Trung Quốc bùng nổ: Thu hút diễn viên-đạo diễn-đến-nhà sản xuất ngôi sao

28/10/2021

Khi vua hài Hồng Kông Châu Tinh Trì tuyên bố ký hợp đồng với Tencent Video để làm phim trực tuyến, anh đã nối gót một hàng dài các tài năng hạng A, bao gồm đạo diễn Đường Quý Lễ và siêu sao võ thuật Chân Tử Đan, đã mạo hiểm vượt bỏ qua rạp chiếu bóng để phát hành trực tuyến phim của họ.

Một tuần sau thông báo của Châu Tinh Trì, Dirty Monkeys Studio — do đạo diễn Ninh Hạo của Crazy Stone (2006) và Crazy Alien (2019) thành lập — đã công bố các thỏa thuận làm phim trực tuyến với khổng lồ phát trực tuyến Trung Quốc iQiyi và nền tảng video Bilibili.

Một cảnh từ Dreams of Getting Rich, phim tết đã bỏ qua phát hành rạp và phát thẳng theo dạng video cao cấp vào đầu năm nay

Sự thúc đẩy này đối với ngành công nghiệp phim trực tuyến của Trung Quốc diễn ra sau một năm phim phát trực tuyến phá kỷ lục phòng vé.

Được phát hành vào tháng 4, Legend of Hunter của Tencent Video, kể chiến tích của một thợ săn ma lấy bối cảnh thời Trung Hoa Dân Quốc, đã thu về 5,5 triệu nhân dân tệ (849.000 USD) trong ngày đầu tiên ra mắt, phá kỷ lục về doanh thu trực tuyến tại Trung Quốc. Cho đến nay, bộ phim đã thu về cho nhà sản xuất hơn 40 triệu nhân dân tệ sau khi ăn chia với các nền tảng phát trực tuyến.

Theo báo cáo của công ty phân tích ngành giải trí Enlightent.cn của Trung Quốc, có tổng cộng 295 phim trực tuyến đã được phát hành trong sáu tháng đầu năm 2021. Trong số này, có 33 phim thu về lợi nhuận trên 10 triệu nhân dân tệ; tám trong số đó kiếm được hơn 20 triệu nhân dân tệ và hai phim kiếm được hơn 30 triệu nhân dân tệ. Tổng lợi nhuận của 33 phim là 562 triệu nhân dân tệ. Đây là sự gia tăng lớn so với số liệu năm 2019, khi trong số 438 bộ phim trực tuyến đã phát hành, chỉ có 15 phim thu được lợi nhuận trên 10 triệu nhân dân tệ và tổng lợi nhuận đạt 197 triệu nhân dân tệ.

Leo Lin, người sáng lập Befun Film and TV Production. Năm ngoái công ty đã thành lập chi nhánh chuyên sản xuất phim trực tuyến

Sự bùng nổ của phim trực tuyến đã chứng kiến nhiều công ty mới tham gia vào thị trường, chẳng hạn như Befun Film and TV Production, công ty đã thành lập một công ty con chuyên làm phim trực tuyến vào năm ngoái. Hai phim trực tuyến đầu tiên của hãng, Phong thần Lôi Chấn TửSniper 2, đang trong giai đoạn tiền sản xuất và sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Người sáng lập Befun, Leo Lin cho biết tiềm năng cho phim trực tuyến của Trung Quốc là rất lớn. Anh nói: “Thị trường vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. Phim trực tuyến có thể vượt qua phát hành rạp truyền thống về doanh thu phòng vé trong tương lai.”

Leo Lin cũng đang thảo luận với hai công ty sản xuất và ba nền tảng phát trực tuyến về việc phát triển phim trực tuyến quy mô lớn.

Anh nói: “Chúng sẽ được tạo ra bằng cách tiếp cận tương tự như phim điện ảnh chiếu rạp. Chi phí sản xuất sẽ từ hàng chục triệu nhân dân tệ đến hơn 100 triệu nhân dân tệ. Sẽ có sự tham gia của các diễn viên hạng A. Quy mô sẽ giống như phim trực tuyến Rising Shaolin: The Protector (2021), với sự tham gia của Vương Bảo Cường [và do Đường Quý Lễ đạo diễn].”

Chân Tử Đan trong Enter the Fat Dragon

Ngành công nghiệp phim trực tuyến của Trung Quốc đã nhận được cú thúc lớn sau khi đại dịch Covid-19 dẫn đến đóng cửa rạp chiếu phim năm ngoái. Bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc hủy bỏ chiếu rạp và phát trực tuyến vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, là Lost in Russia. Phim tiêu tốn 300 triệu nhân dân tệ để sản xuất và được ByteDance, công ty sở hữu nền tảng phát trực tuyến Xigua Video và các ứng dụng video ngắn Douyin và Huoshan, mua với giá 630 triệu nhân dân tệ.

Trong ba ngày đầu tiên trên nền tảng của Bytedance, 180 triệu người dùng đã xem phim. Để so sánh, phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất trước khi virus corona làm đóng cửa rạp chiếu phim khắp Trung Quốc — Sheep Without a Shepherd — chỉ thu hút 35 triệu khán giả đến rạp trong suốt 44 ngày. Bội thu lợi nhuận đã thúc đẩy nhiều người làm theo, với việc công ty sản xuất đằng sau Enter the Fat Dragon, với sự tham gia của Chân Tử Đan, thỏa thuận với iQiyi để chiếu bộ phim đó trên nền tảng phát trực tuyến một tháng sau đó.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều phim có sự góp mặt của sao hạng A, bao gồm Rising Shaolin: The ProtectorDreams of Getting Rich, đã bỏ qua phát hành rạp và được chiếu dưới dạng video cao cấp theo yêu cầu (PVOD).

Được phát hành vào tháng 4, Legend of Hunter của Tencent Video, kể chiến tích của một thợ săn ma lấy bối cảnh thời Trung Hoa Dân Quốc, đã thu về 5,5 triệu nhân dân tệ (849.000 USD) trong ngày đầu tiên ra mắt, phá kỷ lục về doanh thu trực tuyến tại Trung Quốc

Dou Lili, người sáng lập M&H Pictures, thành lập vào năm 2018 và chuyên làm phim trực tuyến, cho biết các nền tảng phát trực tuyến như iQiyi giúp khuyến khích các đạo diễn mới làm phim trực tuyến. Cô cũng hoan nghênh kế hoạch định giá mới của iQiyi. Kế hoạch này sẽ phân bổ thêm phí thuê bao của người dùng cho các nhà sản xuất phim.

Theo kế hoạch, các nhà sản xuất phim có thể tính phí người dùng 12, 18, 24 hoặc 30 nhân dân tệ để truy cập trực tuyến vào một bộ phim. Thu nhập mà các nền tảng phát trực tuyến cung cấp cho các nhà sản xuất phim trực tuyến ở Trung Quốc được tính dựa trên thời gian xem của người dùng, không giống như các nền tảng phương Tây như Netflix trả phí một lần cho quyền phát trực tuyến phim trong một khoảng thời gian cố định.

Điều này trái ngược với mô hình chia sẻ lợi nhuận cố định cho phim chiếu rạp, trong đó 38% doanh thu phòng vé được trao cho các nhà sản xuất, phần lớn doanh thu về tay các rạp chiếu phim.

Dou Lili, nhà sáng lập M&H Pictures. Công ty được thành lập năm 2018 để tập trung vào làm phim trực tuyến

Dou Lili cho biết cơ hội doanh thu phòng vé cho phim trực tuyến dài hơn nhiều so với phim chiếu rạp. “Đối với một phim điện ảnh phát hành rạp, nếu doanh thu phòng vé của nó kém trong ba ngày đầu tiên sau khi ra mắt, các rạp chiếu sẽ thu lại và bộ phim về cơ bản là không còn cửa sống.”

Khi nói đến phim thể loại, Dou Lili cho biết làm phim trực tuyến dựa trên phim chuỗi nổi tiếng là công thức chắc chắn thành công. Được phát hành vào tháng 6, hai tác phẩm gần đây của M&H Pictures là Anh hùng xạ điêu: Giáng long thập bát chưởngAnh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo, dựa trên tác phẩm võ hiệp kinh điển của đại văn hào Trung Quốc Kim Dung. Cả hai đều chứng minh được thành công, kiếm được khoảng 10 triệu nhân dân tệ mỗi phim cho đến nay.

Dou Lili cho biết trong khi tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành nhiều phim bộ truyền hình, chưa có ai làm phim dựa trên bộ truyện Anh hùng xạ điêu trong thời gian gần đây.

Nam diễn viên Hồng Kông Đỗ Đức Vỹ (giữa) trong một cảnh từ Anh hùng xạ điêu: Giáng long thập bát chưởng

“Các phiên bản phim truyền hình kinh điển nhất của Anh hùng xạ điêu được thực hiện ở Hồng Kông vào những năm 80 và 90. Với sự tham gia của nhiều ngôi sao Hồng Kông như Đỗ Đức Vỹ và Quan Lễ Kiệt, chúng tôi hy vọng Giáng long thập bát chưởng có thể khơi dậy cảm giác hoài niệm trong lòng khán giả.”

Câu chuyện trong Cửu âm bạch cốt trảo mở rộng về mối tình lãng mạn giữa Hoàng Dược Sư và đệ tử Mai Siêu Phong của ông trong nguyên tác. “Bộ phim đặc biệt thu hút khán giả nữ, vì Mai Siêu Phong không ngại đấu tranh cho tình yêu của mình.”

Dou Lili cho biết kế hoạch của họ là tạo ra những phim có kinh phí nhỏ hơn như Blumhouse Productions của Mỹ làm chẳng hạn như phim thành công bất ngờ Get Out (2017).

Nghiêm Ngật Khoan trong vai Hoàng Dược Sư, phim Anh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo

“Ngành công nghiệp phim trực tuyến ở Trung Quốc bắt đầu vào khoảng năm 2014. Mọi người có thể kiếm tiền từ việc làm phim trực tuyến với chi phí sản xuất khi đó chỉ từ 100.000 đến 200.000 nhân dân tệ. Thị trường hồi đó không lành mạnh với rất nhiều tác phẩm chất lượng thấp. Giờ đây, người xem có nhu cầu cao hơn nhiều. Ngành công nghiệp này đang nhanh chóng đánh mất danh tiếng của mình vì thua kém các bản điện ảnh về giá trị sản xuất.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.