Tin tức

Phim trường tàn bạo: Lao động hạng 2 ở Hollywood chuẩn bị đình công

19/10/2021

Người lao động ở Hollywood như đang ngồi trên đống lửa, chờ đợi nghe ngóng xem liệu có tham gia bãi công không. Tám ngày trước, 98% thành viên của Liên minh quốc tế lao động hậu đài (International Alliance of Theatrical Stage Employees — IATSE) đã bỏ phiếu cho phép đình công nếu Liên minh các nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) không cung cấp cho họ thỏa thuận tốt hơn.

Với 60.000 thành viên IATSE đang thương lượng hợp đồng làm phim điện ảnh và truyền hình — trong các công việc như nghệ sĩ trang điểm và dựng cảnh, người cầm máy và biên tập — một cuộc bãi công có thể làm tê liệt ngành công nghiệp giải trí.

Thật khó thấy làm cách nào Hollywood có thể chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc bãi công quy mô như vậy, vì nó sẽ bao gồm toàn bộ lao động từ tiền sản xuất cho đến hậu kỳ

“Hết sức đáng ngại,” Sarah May Guenther từ phim bộ truyền hình ngắn tập Love and Death của HBO Max sắp ra mắt, vai trò của cô là trợ lý camera thứ hai cho biết. Cô cũng nằm trong ban điều hành quốc gia của Hiệp hội các nhà quay phim quốc tế, có nghĩa là mọi tiếng chuông điện thoại đều có thể mang đến những tin tức làm thay đổi mọi thứ cho cô và các đồng nghiệp của cô. “Tôi định ra ngoài để nhận một cuộc gọi, và giám đốc hình ảnh của tôi đến gặp tôi và anh ấy chỉ nói: Chúng ta sắp đình công à?” Guenther nói. “Tôi có nên chuẩn bị cho chuyện này không?”

Thật khó thấy làm cách nào Hollywood có thể chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc bãi công quy mô như vậy, vì nó sẽ bao gồm toàn bộ lao động từ tiền sản xuất cho đến hậu kỳ.

“Họ là công đoàn có thể bãi công và thực sự sẽ vô cùng mạnh mẽ — họ là tất cả!” người vận hành một phim bộ phát trực tuyến được ưa chuộng nói. “Đó sẽ là một thảm họa,” Sue Naegle, giám đốc sáng tạo của Annapurna, công ty chế tác cả truyền hình và điện ảnh, lập luận. “Nếu có đình công, chúng tôi sẽ có cảnh báo nhất định để có thể bảo bọc cho mọi người và sau đó hỗ trợ êkíp của chúng tôi.” Kế hoạch dự phòng là gì? “Không có kế hoạch dự phòng.”

Hollywood từ lâu đã trở thành ngọn hải đăng cấp tiến, mặc dù không phải lúc nào Hollywood cũng sống theo lý tưởng của mình. Chế tác chia người lao động thành hai loại rõ ràng: thượng tầng (thường là ngôi sao, đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch) và hạ tầng (những người khác)

Các giám đốc điều hành hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến đang theo dõi sát tình hình. Có tin đồn rằng một số tác phẩm hiện đang làm việc cả bảy ngày trong tuần trước dự đoán đình công, hối hả để hoàn thành việc quay phim. Nhiều xuất phẩm đã có lịch trình dày đặc hoặc có khung thời gian hạn hẹp với các diễn viên hạng A đến nỗi ngay cả một pha bãi công ngắn thôi cũng đủ gây ra thảm họa.

Đối với các thành viên IATSE, Guenther nói, “Chúng tôi chắc chắn đã được công đoàn của chúng tôi yêu cầu bắt đầu tiết kiệm và chuẩn bị cho việc không có thu nhập.”

IATSE và AMPTP đã ngồi vào bàn đàm phán cả tuần rồi. Giám đốc truyền thông IATSE, Jonas Loeb cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể đạt được thỏa thuận để tránh phải tính xem mức độ tàn phá của [cuộc đình công].” Trong một tuyên bố, người phát ngôn của AMPTP, Jarryd Gonzales cho biết tổ chức này “vẫn cam kết đạt thỏa thuận giúp ngành tiếp tục hoạt động”, lập luận rằng “một thỏa thuận có thể được chốt tại bàn đàm phán, nhưng nó sẽ yêu cầu cả hai bên làm việc với nhau một cách thiện chí sẵn sàng thỏa hiệp và khám phá các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ.”

Khi đại dịch đóng cửa Hollywood, khiến bao người làm truyền hình và điện ảnh không có việc làm trong nhiều tháng. Nhưng cũng cho phép họ lùi lại một bước và nhìn nhận tình hình rõ ràng hơn

Hollywood từ lâu đã trở thành ngọn hải đăng cấp tiến, mặc dù không phải lúc nào Hollywood cũng sống theo lý tưởng của mình. Việc chế tác chia người lao động thành hai loại rõ ràng: thượng tầng-hạng nhất (thường là ngôi sao, đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch) và hạ tầng-hạng 2 (những người khác). Nhiều vấn đề đang được lao động hạng 2 đưa ra thảo luận đều là những vấn đề cơ bản và quen thuộc đối với nhiều người Mỹ, bất luận là lao động thời vụ hay lao động toàn thời gian. Các thành viên của IATSE đang đòi hỏi giờ làm việc hợp lý, thời gian nghỉ ngơi, bảo hiểm y tế đầy đủ, và một môi trường làm việc an toàn, cùng những thứ khác.

Nổi tiếng nhẫn nhịn, IATSE 128 tuổi trước nay chưa bao giờ cho phép một cuộc đình công quốc gia. Các thành viên của liên minh này là trâu cày của Hollywood, nhiều người trong số họ vốn tự hào về sự dẻo dai và bền bỉ của họ.

Marisa Shipley, một điều phối viên bộ phận nghệ thuật và dựng cảnh đã làm việc cho các xuất phẩm sitcom Roseanne Grace and Frankie, nói: “Tất cả chúng tôi đều bị cái ý niệm rằng chúng tôi đang tạo ra phép thuật điều kiện hóa suy nghĩ — thành thái độ ‘chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì,’ ‘chúng tôi có thể làm được.’” Cô cũng là phó chủ tịch của Local 871, mà cô nói là đại diện cho một số lao động được trả lương thấp nhất. “Chúng tôi đã được nhồi nhét kỳ vọng của ngành rằng bạn sẽ phải làm việc không công và số giờ làm việc sẽ rất lố…. Nhưng chuyện đã trở thành tự hại mình.”

Nổi tiếng nhẫn nhịn, IATSE 128 tuổi trước nay chưa bao giờ cho phép một cuộc đình công quốc gia. Các thành viên của liên minh này là trâu cày của Hollywood, nhiều người trong số họ vốn tự hào về sự dẻo dai và bền bỉ của họ

Shipley nói khi đại dịch đóng cửa Hollywood, khiến bao người làm truyền hình và điện ảnh không có việc làm trong nhiều tháng. Nhưng cũng cho phép một số đồng nghiệp của cô lùi lại một bước và nhìn nhận tình hình của họ rõ ràng hơn. “Lần ngừng hoạt động đó là lần nghỉ ngơi kéo dài đầu tiên mà một số [trong những lao động này] mới nhận được!” Đột nhiên, những người bình thường chịu áp bức ở hậu trường bắt đầu có vẻ kém... bình thường đi.

Sarah May Guenther là một trong những người chất vấn nỗi khó khăn mà cô và các đồng nghiệp của mình phải trải qua. Vào tháng 11 năm 2019, cô đâm xe vào một bức tường trên đường cao tốc Brooklyn-Queens sau ngày dài quay “Fraturday” — Fraturday là biệt danh của êkíp nào có cảnh quay rất dài kéo từ chiều thứ sáu đến rạng sáng thứ bảy. “Tôi mệt mỏi và đang nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp để cố giữ cho mình tỉnh táo, bởi vì tôi biết rằng lái xe lúc đó là nguy hiểm,” cô nhớ lại.

Mặc dù cô không bị thương, nhưng xe của cô hư hại hoàn toàn — và cô rất xấu hổ. “Tôi cảm thấy như mình đã thất bại trong việc cố gắng sống sót trong những điều kiện mà tôi [dự kiến] sẽ còn tiếp tục duy trì,” Guenther nói. Trở lại phim trường, một đồng nghiệp đã an ủi cô: “Này, không sao đâu, tôi đã bốn lần như vậy. Chào đón gia nhập câu lạc bộ!”

Toàn bộ ngành công nghiệp được xây dựng theo rất nhiều cách để cách ly những người ở thượng tầng với thực tế điều kiện làm việc của đoàn làm phim [lẫn] đôi khi cách họ muốn và nhu cầu cũng như đòi hỏi của họ ảnh hưởng trực tiếp đến đoàn làm phim thế nào, bởi vì có cái văn hóa phục vụ họ như thế

Sau khi giãn cách, cô và một số đồng nghiệp của mình đã húc vào bức tường đại dịch và nhận ra mình dễ tổn thương. “Vẫn còn can đảm, nhưng tôi nghĩ rằng rất nhiều người được sống ở nơi mà họ thích. Đúng vậy, chúng tôi cũng là con người.”

Điều đó rõ ràng nhất trên trang Instagram @ia_stories, bệ phóng cho sự bùng nổ của những giai thoại ẩn danh về cuộc sống của đoàn làm phim đã khiến cả Hollywood sốc trước sự tàn bạo của nó. Có những câu chuyện bị lật xe, tương tự như chuyện của Guenther. Có những ngày làm việc kéo dài 18 giờ, những ngày không có nghỉ ăn trưa hoặc nghỉ ngơi để tắm táp, và những tuần không có thời gian nghỉ. Có những câu chuyện người ta gục ngã trên phim trường và những người lao động sống trong xe của họ. “Chúng tôi có một trưởng bộ phận chết vì lên cơn đau tim nặng cách đây vài tuần và chúng tôi vẫn cứ tiếp tục quay,” một người đóng góp giấu tên viết. “Rồi họ tăng thêm nhiều ngày, nhiều giờ và nhiều công việc vào cuối tuần hơn. Hôm sau họ đưa tư vấn tâm lý tới nhưng thậm chí không có nghỉ ăn trưa thì ai mà đi tư vấn được kia chứ.”

Tài khoản này đã kích hoạt loạt phản ứng đồng cảm từ các diễn viên, đạo diễn và chính trị gia nổi tiếng như Mindy Kaling, Elizabeth Warren, Chuck Schumer, và Kerry Washington; Pamela Adlon thậm chí còn đăng một đoạn video mà đoàn của cô ấy thực hiện với tinh thần đoàn kết. Một số diễn viên và biên kịch đã đăng bài có vẻ kinh hoàng trước những điều kiện mà đồng nghiệp phải chịu đựng.

Việc tất cả mọi người đều mang khẩu trang càng làm cho không ai biết đến ai, vì các nhà điều hành sản xuất và các ngôi sao thậm chí có thể không bao giờ nhìn thấy mặt của thành viên đoàn làm phim

Marisa Shipley nói: “Có một sự phân biệt dữ dội như vậy giữa điều kiện làm việc của những người thượng tầng và hạ tầng. Toàn bộ ngành công nghiệp được xây dựng theo rất nhiều cách để cách ly những người ở thượng tầng với thực tế điều kiện làm việc của đoàn làm phim [lẫn] đôi khi cách họ muốn và nhu cầu cũng như đòi hỏi của họ ảnh hưởng trực tiếp đến đoàn làm phim thế nào, bởi vì có cái văn hóa phục vụ họ như thế. Tôi hy vọng rằng cuộc trò chuyện công khai thực sự này khiến không thể nào lờ đi chuyện đó được nữa.”

Nhiều người ở Hollywood đã quen với hệ thống phân cực, nhưng các câu chuyện trên tài khoản Instagram giống như một khoảnh khắc #MeToo cho giai cấp dưới đáy ở Hollywood. “Tất cả chúng tôi đều chấp nhận ở đây là vậy đó — 14 giờ mỗi ngày là bình thường, khi thực sự là không nên vì rất nguy hiểm,” Naegle, một người kỳ cựu trong ngành cho biết. “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc ngành này phải thay đổi, về số giờ làm việc ​​và cách trả công.”

Trở lại làm việc giữa đại dịch chỉ khiến vấn đề thêm xốc lên. Các hãng phim và các dịch vụ phát trực tuyến đã phải ngừng sản xuất khi COVID-19 bắt đầu đã tuyệt vọng đáp ứng mong muốn dồn nén về nội dung mới. Hàng trăm xuất phẩm sống dậy trong cơn hối hả điên cuồng, với ngân sách mới chồng chất chi phí ngăn ngừa dịch bệnh. Giờ đây, mọi người dự kiến không chỉ sẽ phải làm việc mệt mỏi trong những ngày dài, mà còn làm việc trong những chiếc khẩu trang N95 với những diễn viên không mang khẩu trang. Bất chấp hàng đống quy cách mới, Guenther nói, “chúng tôi vẫn phải cố gắng thực hiện công việc của mình như trước. Rất nhiều thiết bị của chúng tôi quá nặng nên cần hai người cách nhau chưa đến 2 mét để nâng nó lên, nên chúng tôi cứ đặt mình vào điều kiện rủi ro mà làm thôi.”

Với COVID, trên phim trường công nhân không thể tháo khẩu trang ra, có nghĩa là cả ngày không ăn uống

Giờ nghỉ để ăn cơm đã trở thành một vấn đề hơn bao giờ hết. Trước đây, một người cầm máy quay có thể không rời phim trường đi ăn, nhưng sẽ có người mang thức ăn đến cho họ. Với COVID, trên phim trường công nhân không thể tháo khẩu trang ra, có nghĩa là cả ngày không ăn uống. Và việc tất cả mọi người đều mang khẩu trang càng làm cho không ai biết đến ai, vì các nhà điều hành sản xuất và các ngôi sao thậm chí có thể không bao giờ nhìn thấy mặt của thành viên đoàn làm phim.

“Mọi thứ rất khó khăn và không có sự đánh giá đúng điều đó,” người vận hành chương trình phát trực tuyến nói trên cho biết. “Mọi người đúng nghĩa lao động thiết yếu đã tự đặt mình vào tình trạng rủi ro thể chất vậy rồi, thế mà vẫn cứ lên cơn ép cố gắng tiết kiệm tiền hết mức có thể…. Tôi nghĩ tâm lý của các công ty công nghệ là, Hay lắm, bạn đã làm được một lần. Bây giờ bạn có thể làm lần nữa với số tiền ít hơn 5%! Và thế là ai nấy cứ bị siết và siết và siết mãi không ngừng với những ngày dài và số giờ làm việc nguy hiểm này.”

Một trong những vấn đề đang được IATSE và AMPTP thương lượng là các dịch vụ phát trực tuyến nên trả bao nhiêu tiền cho thành viên đoàn phim. Một thỏa thuận năm 2009, được lập ra khi bối cảnh phát trực tuyến vẫn còn sơ khai, đã giảm giá cho một số hạ tầng. Như một tuyên bố gần đây của IATSE đã lưu ý, “Các công ty có lợi nhuận cao nhất trên hành tinh không cần cắt giảm tỷ lệ đã được thương lượng để giải quyết một phương thức phân phối mới nổi lên. Apple, Amazon, Netflix, Facebook đều nên trả lương theo tiêu chuẩn ngành cho các chuyên viên làm ra xuất phẩm của họ.”

Đã đến lúc ngành này phải thay đổi, về số giờ làm việc ​​và cách trả công

Các cuộc đàm phán hiện tại liên quan đến hai hợp đồng khác nhau bao gồm nhiều (nhưng không phải tất cả) thành viên đoàn làm phim điện ảnh và truyền hình. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, có thể dẫn đến cuộc đình công lớn nhất ở Hollywood kể từ năm 1945. Nhiều điều khoản của IATSE bình thường sẽ giống như trong bóng chày — nhưng cuộc đấu tranh cụ thể này lại gây được tiếng vang đối với những người ở các khu vực khác của Hollywood, cũng như người lao động Mỹ nói chung.

Marisa Shipley nói: “Amazon và Apple hiện vũ trang vào lĩnh vực sản xuất truyền hình. Và vì vậy về phần mình, tôi phải tin rằng rất nhiều người đang nhìn vào chúng tôi và sức mạnh của lá phiếu của chúng tôi và hỏi, Từ đây chuyện gì sẽ xảy ra?”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.